Hoa đồng tiền

Thôi cứ cho là mơ đi- bên chén trà nhỏ một sáng cuối hè, hương bỗng nhạt trên đầu lưỡi sau chuyến du hành gắt nắng còn the vị mặn của biển và vị đắng của cơn gió Lào khét lửa. Vườn đẫm màu xanh như mê trong hơi nồng của trái chín rụng đầy sân. Hoa đã lần lượt tàn dần từ hơn nửa nguyệt, trừ nụ hồng còn ngoái lại thương nắng sớm bên hiên và khóm hoa me núp trong cỏ chờ sương chiều giăng màn đất. Những chú ong say mật mận mơ chuếnh choáng ca trù trong gió. Gió cũng đã sởn chút gai lạnh làm giật mình thoáng hơi nóng bốc lên từ chung trà, đến thành tiếng mơ hồ…

Thôi cứ cho là mơ đi – hãy chưa tỉnh với trà sớm nhạt như ốc hôm nay cũng vừa – mà mơ thiệt tình! Không mơ là chi, khi mở cánh cổng tre ra vườn thấy cả một “đống bạc“… trời cho bày ra trước mắt. Như có một bà tiên nào vừa hóa phép hôm nảo hôm nao, lối đi bơ sờ  thường phủ lá khô nay được viền bằng những cành chi chít “quả“ “tiền bạc“ nhấp nhánh trong nắng…
Bỏ cuộc đi dạo thường nhật, vội vã như kẻ vừa bắt được vàng ngoài ngõ, tôi vào nhà cóc cóc điện thư cho Phương Tú, “Tú ơi năm ni tiền trong tủ thì ít mà tiền ngoài ngõ thì nhiều, cái “caisse“nơi cổng tre là bạc nghìn vạn hộc“. Tú ngớ người chưa biết là chi, tôi gửi hình qua và bình luận: “Ðây là nhà ngân hàng của kho vô tận đất trời ở trong vườn. Nhưng tiền ni tiêu không được, vài bữa hắn “chín“ thì “hái“ đem vô mà “chưng“ trong nhà.“
Tiếng Tú cười rúc rúc bên tê: “hoa đồng tiền ni hắn ngộ ghê hí, chị ơi, chị kể chuyện cái “caisse“ ở ngoài vườn đi“.
Và hai đứa cười khúc khích như vừa …“được của“ thiệt tình. Nì, mà cái chuyện ni hắn giống chuyện đời xưa thiệt…thì kể…
 
Chuyện kể ngày xưa…có con chim đại bàng chở người em thật thà rồi người anh tham lam đem túi ba gang ra một cái đảo xa, xa, xa thật là xa lượm vàng đem về , lúc bay chuyến thứ hai, vàng nhiều quá, con chim mỏi cánh, nửa đường đổ thốc một nửa…(không phải xuống biển cả làm cho người anh tham bị chết chìm, không! chuyện của tôi nhân hậu hơn!) mà  xuống nơi khu vườn ở cạnh rừng tên Obermenzing…Vàng mọc thành cây…hoa tím… để trốn…ông làm vườn…vì ông làm vườn là hoá thân của người anh bị con chim bỏ lại nơi ấy, cho nên ông thích… đất (như thích vàng) và…mê trồng cây (như mê vàng)…
Hình như có tiếng người bên tê phản đối… chuyện kể tầm phào… Thôi được rồi… thì kể lại…

Chuyện kể ngày xưa… Ali Baba một sáng ngủ dậy, tay chân chưa kịp động thủ giảo hoạt, bỗng thấy một đống bạc lù lù nằm bên cạnh, như tuồng của kho của toàn cung thành Bát Ða  trong đêm mọc chân mang đôi hia nghìn dặm đi đến tận nơi xó xỉnh nghèo khổ nhất của kinh thành, đánh bạn (chứ không phải “đánh bạc“ đâu nhé) với chàng lang thang. Gã đạo chích lừng danh tưởng mình nằm mơ…bèn ôm đống bạc toan bề chạy trốn, hắn nhảy lên tấm thảm bay…bay…bay đến vườn Obermenzing bơ… tấm thảm hạ xuống, Ali Baba chàng đạo chích tuyên bố với chú “đông phương“  sóc vừa ló đầu nơi lùm cây : ta là người ở cung trăng đến chơi cõi trần và đem những đồng tiền tung rãi khắp nơi…trong vườn nhà Munich…
 Lại có tiếng phản đối chuyện kể lạc đề…người kể nằm mơ chứ mô có phải Ali Baba…

Chết thật…nước trà nhạc thếch không đủ cử cho một chuyện ra hồn, nó lan man giữa thực  và mộng thành những chuyện đầu Ngô mình Sở, mây trắng thành Bạch Mã phi qua núi Kim Phụng, Ðông Phương Sóc thành con sóc trong vườn Munich, Ali Baba thành người ở cung trăng…và biết mô nếu kể tiếp thì Phạm Công trở thành Trạng Cóc của nàng Út có con gà biết kêu đò một thuở xa xưa: “o o o ò, có phải đò ông Trạng cho cô tôi về cùng“…
Thôi thì kể lại không xong thì… lại kể đi…lần này thật nhé…vâng, chuyện sẽ thật…(như mơ!)

Chuyện kể…mùa xuân năm nay đám hoa tím mọc dại trong vườn ấy… vốn là hoa cải vàng nơi triền Bãng Lãng, được bướm mang đi trên mây, bay qua tới vùng Munich rơi xuống, hạt cải nằm trong đất nhớ nhà đến nỗi  hóa tím …“thực“ ra là chuyện hão huyền!!!…Sự thật thì hoa cải vàng ấy là hoá thân của nàng Huyền Trân, công chúa Huyền Trân là nàng tiên ở sông Ngân giáng trần, nên dáng của nàng mềm mại như dòng Hương, tóc nàng xanh như rừng núi Kim Phụng, môi nàng đỏ như hoa hải đường Phú Xuân, áo nàng thường mặc là chiều tím sông Hương…

Nghe như có người níu áo bắt đền: chuyện cái “caisse“ cơ, sao cứ lăng nhăng chuyện hoang đường như thế?
Ðến nước này thì chỉ còn… tự thú là tôi chẳng biết gì cả mà… chỉ có ông láng giềng mê trồng hoa biết chuyện…
Có tiếng ngắt lời nhõng nhẽo: nì nì không phải là chuyện Liêu trai, có cô gái áo tím biến thành hoa tím của “lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng“  đâu nhé.
“Rằng không thì cũng vâng lời rằng không“, không liêu trai không hoang đường mà rất khoa học thiên nhiên.Thú thật tôi đã hỏi kỹ người láng giềng sành cây cỏ mới biết, sở dĩ ông tha tình không “làm cỏ“ đám cây đầu xuân năm nay, bởi vì đám hoa tím trong vườn nhà tôi tuy mọc dại, mọc tràn mà thật ra là …“dại khôn“ kiểu… Trạng… Trình ! Có tên tuổi hẳn hoi đấy nhé: Silberblatt: lá bạc! tôi gọi “cây hoa đồng tiền“ … 

Có một điều gì lạ kỳ, hầu như pha chút ảo thuật nơi loài hoa ấy: từ màu tím trang đài, thiết tha, lãng mạn, gợi cảm như một nỗi nhớ nhung êm ái, hoa tàn đi như một giấc mơ phai, như một thoáng tím phớt nhẹ qua tim, rồi hoa kết trái, trái thiệt tình, không vàng, không đỏ mà xanh lục, như màu lá, từ những cánh hoa màu tím hoa kết thành những chùm trái màu xanh, hình tròn như những đồng tiền in có 4 dấu là bốn hạt nhân. Ðầu tháng bảy “trái tiền“ xanh um dưới dậu tre, như bài thơ “ngân hàng“, bài thơ “tiền bạc“ không lời, ngộ nghĩnh. Tháng tám nám trái buởi, bạc xanh vừa “chín“ theo với nắng hè, mới hiển hiện màu bạc…thiệt, có nghĩa là “silber“ (silver), kim “ngân“, như những đồng tiền treo lủng lẳng trên nhánh cây.
Hôm trở về sau một tháng đi xa, trời mưa mất mấy ngày, giữ chân không bước thăm hoa, đến khi  ra vườn, đã ngỡ mưa làm hoen ố những “trái tiền“ trở thành “bạc cũ“. May người láng giềng giải thích mới rõ: “Trái tiền“ được gói giữa hai mảnh vỏ mỏng, như lụa “sống“ vừa dệt xong chưa tẩy, khi bóc chúng ra, đồng bạc “thiệt“ trắng tinh lồ lộ tựa một mảnh bạc tròn mỏng dính lóng lánh trong nắng.
Sửng sốt mà nhận ra: “trái tiền“ thật là đẹp, đẹp thanh cao kỳ lạ, không pha một chút tục lụy bon chen…, chẳng có mùi ô trọc…ngược lại tinh khôi, vĩnh viễn, như chưa bao giờ nhúng chàm hay bị ốc xít hóa, quả là tuyệt xảo…
Như một mầu nhiệm thiên nhiên…thiên nhiên cũng biết gói “ tiền“ và dấu “tiền“ đến là cẩn thận, y hệt bà và mẹ đã từng cắt ca cắt cũm  bọc những đồng tiền trong mấy lần túi lụa, có điều bà và mẹ chắt chiu từng đồng, còn thiên nhiên thì…tiền rừng bạc bể…đếm không xuể…

Cái “caisse“ bạc của tôi, bên cổng tre dưới cây tử đinh lan…như một đụn bạc trời cho…hào sảng vô cùng…vô cùng đến tận nơi của… vu vơ…mơ tưởng
Tưởng là mơ! Một sáng… gặp… hoa…biến thành… “tiền“, cuống quýt cũng gần bằng người nông dân nọ ra đồng nhìn thấy chum vàng , vội vàng chạy về mét vợ…như tôi vừa mét bạn để chia sẻ một chút bí mật của khu vườn…Chỉ khác, cuống cuồng xong thì đã bật cười, khi thì cười to một mình, khi thì khúc kha khúc khích với bạn…bởi vì cái đụn bạc ấy có phải là  “thật“ đâu! Chỉ là những hoa trái phù du xuân nở đông tàn…có chi mà hoảng hốt bàng hoàng (như Ali Baba)…tưởng thật.
Ấy thế mà nó thật! Bởi vì nó đem vui!
Suốt ngày tất bật, nghĩ đến nó vài khi chợt mừng, nỗi mừng của một đứa trẻ đang thơ thẩn trong căn nhà trống, chẳng biết làm gì, thọc tay vào túi áo tình cờ tìm ra một món đồ chơi hay một viên xu nhỏ, và cả thế giới bỗng đầy tràn những cuộc chơi đùa với trí tưởng tượng trẻ thơ. Những mảnh lá tiền gợi nhớ thời thơ ấu trong vườn quê nội- thời chưa có kỹ nghệ sản xuất đồ chơi trẻ con xa hoa như ngày nay,- cả bọn trẻ đi lượm lá mít giả làm tiền chơi buôn bán hay thủ tha thủ thỉ từng tờ lịch cũ “dồn tiền“ dùng để bán chát những món thủ công nhỏ nhỏ tỉ mỉ làm tới khuya, đến giờ ra chơi hí hửng đem bày dưới mái hiên trường Ðồng Khánh những năm xưa.
Nó thật nơi mỗi sáng nơi mỗi chiều ra vườn, lòng đang rỗng không, mở cổng tre, “sesam, mở ra đi!“, thế là lóa mắt! tiền phơi phơi phới trong nắng sớm, giàu ghê cái caisse bạc kếch sù kia, ta chào ngươi, ngươi làm ta thành triệu phú mất rồi! ôm không hết! hả hê chưa! No nê chưa!
Nhưng xin chớ vội! “có“ đâu mà “có“ chỉ là “không“ thôi! hình như cả khóm cây đang cười thành tiếng đấy, cười người  ham giàu ham có! “tập vồng vông“ đấy thôi! Hai tay vừa có hai tay vừa không… Có gì đâu nào? đám hoa đồng tiền lủng lẳng chỉ cần vài trận gió là “tiền“ tan xác pháo… là tay trắng hoàn trắng tay…
Thì thôi là “không“, nhưng thật lạ lùng, biết là “không chi cả“ mà sao trong lòng không nghe vô vọng, lại thấy bình an, thích thú như vừa được hưởng một điều chi gần như là trác tuyệt, một điều chi không “mất“ theo với gió mưa, một điều chi đầy linh cảm như nỗi thán phục thiên nhiên. Biết rằng ngoài kia hoa vừa đi thì trái đến, hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật của trời đất mà không dành riêng cho ai… Trong vẻ đẹp ấy chất chứa những gì  làm rung động trí tưởng, lay bật sáng tạo thành lời, thành chuyện. Có một chút bí nhiệm mà thiên nhiên gửi gắm nơi loài hoa ấy bắt phải đi tìm, bắt quay về, bắt chia sẻ…
Và cứ thế, với hoa với trái, lắm khi khu vườn vang vọng những câu chuyện đưa chân trở về một thời say mê cổ tích, nghe có tiếng chân sáo nhảy hối hả cắp sách đến trường, tìm đứa bạn nhỏ để kể chuyện cổ tích hôm qua vừa được nghe bà kể, hết chuyện thì đặt chuyện thêm theo với đôi cánh thiên thần tưởng tượng.
Và phải chi nếu Tú không kêu tôi bằng chị thì tôi đã  kéo Tú vào ngồi trong kẹt cửa lớp tiểu học thời nào, như đã ngồi với cô bạn nhỏ,…mà kể chuyện cho nhau nghe…chuyện bà tiên trên trời đi lạc đến căn vườn cỏ mọc hoang, cái áo tím của bà phết gót, lướt thướt trên cỏ xanh…khi trở về trời bà tiên bèn lấy những mảnh bạc đính trên áo để lại trên cành cây, cám ơn khu vườn đã cho bà làm nơi nghỉ chân, y như người ăn trái dưa đỏ cám ơn người trồng dưa, để tiền lại gốc cây…bà tiên là một người tài hoa nên những mảnh bạc đã được bà cẩn thận gói trong hai mảnh lụa…chừ mình phải giở nó ra mới thấy là bạc…đẹp vô ngần…trong sạch không tanh hôi và câu chuyện sẽ không bao giờ dứt và nó thật như chưa bao giờ thật như thế…

Cái “tủ két“ bạc ấy, phù du hương sắc mà dằng dặc tình quê, lộng lẫy bạc vàng mà rỗng không sáo trúc, một thi phẩm, một họa phẩm sáng tạo, một đụn bạc tình cờ, nó như một trò chơi con trẻ, đồng thời là kho tàng của muôn chuyện xưa…nay, nó vừa dấy lên trong lòng ai ham muốn “sắc, có“ thì chính nó đã dẹp bỏ ngay lòng tham ấy, không bằng ngón tay răn đe hay lý lẽ hơn thua mà bằng sự yên lặng nhắn nhủ, ngậm thinh trong ánh nắng, mỏng manh hoa cỏ trong gió vô thường, nó là… nó mà không… là…
Nghe có tiếng ai hắng giọng làm giựt mình, mới biết chén trà đã nguội theo với bóng chim bay…

Thái Kim Lan

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)