Hòa nhạc tương tác thu hút trẻ nhỏ đến với nhạc cổ điển

Series hòa nhạc tương tác dành cho trẻ nhỏ dưới tám tuổi Bach Before Bedtime đang nỗ lực xóa bỏ khoảng cách cố hữu giữa nghệ sĩ và khán giả, làm cho môi trường âm nhạc cổ điển trở nên thân mật nhất trong khả năng có thể.  

Một buổi chiều tháng Ba lộng gió, người đi xem hòa nhạc đang đứng chờ bên ngoài Hội trường Tanna Schulich ở khu âm nhạc của Đại học McGill (Montreal, Canada). Một điều khác lạ ở đây so với các buổi hòa nhạc thông thường là xung quanh có rất nhiều xe đẩy trẻ em.

Ấy thế nhưng, vấn đề lại nằm ở chỗ lạ lùng ấy.

Đây là buổi hòa nhạc thứ năm trong mùa thứ tám của Bach Before Bedtime (tạm dịch: Bach chúc bé ngủ ngon), một series âm nhạc thính phòng tương tác rất thành công dành cho trẻ nhỏ dưới tám tuổi. Buổi hòa nhạc kéo dài 45 phút, trình diễn các trích đoạn nhạc cổ điển, và sau đó, các khán giả nhí được trực tiếp giao lưu cùng các nhạc công, xem xét các nhạc cụ của họ, và lắng nghe âm thanh của chúng ở cự ly gần.

Những đứa trẻ – được bố mẹ, hay ông bà, đưa đến– cũng tham gia chỉ huy dàn nhạc, hát, và chơi các dụng cụ gõ – và chúng tham gia với lòng háo hức thấy rõ. Sau khi buổi diễn kết thúc, chúng còn được uống nước trái cây và ăn bánh rồi mới về nhà để chuẩn bị cho giờ đi ngủ.

Theo giải thích của người sáng lập kiêm giám đốc nghệ thuật chương trình, Dorothy Fieldman Fraiberg, mục đích của chương trình là cho trẻ nhỏ làm quen với âm nhạc cổ điển trong một môi trường thân mật. “Tôi muốn lũ trẻ cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với các nhạc công. Chúng có thể làm nhạc trưởng, đồng thời được nghe những tuyệt phẩm nhạc cổ điển. Tất cả đều nhằm xây dựng mối quan hệ,” bà nói.

Fraiberg đã có nhiều thành tựu âm nhạc đáng kể: Bà hiện là nhà sáng lập kiêm giám đốc nghệ thuật của chương trình Nhạc Thính phòng Allegra (đang bước sang mùa thứ 34), và là một nghệ sĩ piano danh tiếng. Bà chia sẻ: “Tôi nghĩ cần phải đưa lũ trẻ tới thính phòng, một thính phòng nhỏ thôi, để chúng có thể trực tiếp sờ vào và cảm nhận các nhạc cụ. Và tôi cũng muốn nó trở thành một môi trường cởi mở, vui vẻ, không có gì đáng sợ sệt cả”.

Hội trường Tanna Schulich của Đại học McGill, với sức chứa khoảng 200 người, là một nơi như vậy. Khi thính phòng đông đủ cả phụ huynh và trẻ nhỏ thì nó trở thành một nơi thật ấm áp và vui vẻ.

Trong hầu hết các buổi biểu diễn nhạc cổ điển, giữa thính giả và nhạc công có một khoảng cách – khoảng cách này càng thêm lớn vì cung cách ăn mặc trang nghiêm của nhạc công. Và mọi người đều phải giữ im lặng. Nhưng với Bach chúc bé ngủ ngon, mục tiêu của Fraiberg là phá bỏ những hàng rào đó; các nhạc công được mặc quần áo ngày thường.

Mỗi buổi hòa nhạc đều có một chủ đề riêng – từ rạp xiếc, cho đến những trò chơi mùa đông, hay bị lạc trong vườn. Fraiberg cùng các đồng nghiệp (Reuven Rothman chơi contrabass, Jean René chơi viola và ghi-ta) lên kịch bản cũng như chọn trích đoạn âm nhạc phù hợp với từng chủ đề.

“Chúng tôi thường chọn cốt truyện rồi chuyển nó sang âm nhạc, chọn các trích đoạn phù hợp. Tìm ra được trích đoạn phù hợp từ một tác phẩm lớn thôi cũng đã rất gian nan rồi,” Rothman nói.

Theo Alita Kennedy L’Ecuyer, nghệ sĩ chơi kèn fagôt trong nhóm ngũ tấu, thì việc lồng ghép những câu chuyện thú vị với trẻ nhỏ vào âm nhạc cổ điển là một phương pháp hữu hiệu giúp trẻ học nhạc. “Khi đưa các em vào bối cảnh một câu chuyện, chúng sẽ lắng nghe, và lắng nghe chăm chú hơn. Dù chúng vẫn là trẻ con, nhưng điều đó sẽ giúp chúng phát triển các kỹ năng cần thiết để hấp thụ nhạc cổ điển,” chị nói.“

Càng để cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc sớm bao nhiêu, chúng sẽ càng quan tâm tới âm nhạc bấy nhiêu,” René bổ sung.

Hình minh họa Bà Ngồi Xuống và Ông Trật Tự được đặt ở hai đầu sân khấu, nhưng hầu như hai nhân vật này không cần phải “suỵt suỵt!” để ra hiệu cho lũ trẻ im lặng. Dĩ nhiên là trong đám thính giả nhí thi thoảng vẫn có tiếng ồn, song không đáng kể. “Sở dĩ như thế là bởi vì lũ trẻ rất ngoan, và chúng cũng đang bị âm nhạc hút hồn nữa,” Rothman nói. Đối với các nhạc công, như thế đã là mãn nguyện rồi.

Fraiberg lần lượt giới thiệu từng nhạc công xuất hiện trên sân khấu. Mỗi người lại chơi một đoạn nhạc ngắn liên quan đến nhạc cụ của mình. Chẳng hạn, Kennedy L’Ecuyer chơi một đoạn trong tác phẩm Phù thủy tập sự của nhà soạn nhạc Paul Dukas người Pháp. “Đây là bản nhạc nền trong bộ phim hoạt hình Fantasia nên rất nhiều em đã xem và biết đến nó,” bà nói. “Vậy nên tôi chơi đoạn nhạc này là để cho các em biết nhạc cụ nào đã tạo ra nó.”

Các bậc phụ huynh đều hết lời ca ngợi Bach Before Bedtime vì chương trình đã gỡ đi hàng rào ngăn cách giữa thính giả và nhạc công cũng như những tương tác mà chương trình mang lại. Hầu hết đều cho biết con em họ rất hào hứng với cơ hội được trực tiếp tiếp xúc với các nhạc cụ và nghe chúng ở cự ly gần. Nhiều gia đình còn thường xuyên cho con tới tham dự các buổi hòa nhạc này, theo bà Fraiberg.

Cặp vợ chồng Jonathan Shohet và Trina Rehel đưa bé Caleb Shohet, bốn tuổi, tới tham dự buổi hòa nhạc hồi tháng Ba. Shohet kể lại: “Thằng bé như bị thôi miên vào đó. Từ lúc được chạm tay vào các nhạc cụ là nó đã thích mê đi rồi.” Cả gia đình lại dự định đến buổi hòa nhạc tiếp theo vào tháng Năm tới đây.

Sylvie Bismuth thì tới cùng con gái bốn tuổi, Lily Kaminsky, và mẹ chồng, một tín đồ âm nhạc. Chị cho biết các nhạc công rất thân thiện, gần gũi – và điều đó khiến cô bé Lily thích mê đi.

Thường thì Fraiberg sẽ đóng vai người kể chuyện, nhưng vì kịch bản cho buổi hòa nhạc tháng Ba vừa qua lấy từ Cuộc phiêu lưu trong vòng xoắn ốc, một cuốn truyện trẻ em của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật kiêm giám tuyển Deborah Goodman Davis, nên lần này Davis là người dẫn chuyện. Chị đọc các trích đoạn trong sách, về một gia đình tới thăm bảo tàng Solomon R. Guggenheim ở New York, nhưng chuyến đi đã diễn ra không như mong đợi khi một đứa trẻ cùng chiếc xe đẩy của cậu bé bị trượt không phanh xuống dốc hình xoắn ốc ở bảo tàng, rồi bị treo lơ lửng trên một tác phẩm được trưng bày ở đó.

Cuốn sách được minh họa bằng hình ảnh những tác phẩm trưng bày ở Bảo tàng Guggenheim: Khi Davis đọc còn các nhạc công chơi nhạc, hình ảnh các tác phẩm đó được chiếu lên tường trong hội trường.

Rõ ràng, các nhạc công đều rất thoải mái khi tiếp xúc với đám thính giả nhỏ tuổi, và họ không nề hà việc để chúng chạm tay vào những nhạc cụ quý giá của mình. Rothman, cha của ba đứa trẻ, cho biết: “Thật tuyệt khi để trẻ nhỏ tiếp xúc với nhạc cụ trực tiếp như thế. Nhạc cụ của tôi là đồ cổ có giá trị lắm đấy, nhưng tôi rất muốn chúng có được cái trải nghiệm ấy, nó thật hào hứng và ấn tượng. Tôi không muốn chúng sợ sệt, mà phải hào hứng. Tôi thích như thế. Tôi cảm giác như mình vẫn còn một chút trẻ thơ trong người.”

“Hòa nhạc không phải là nơi bạn chỉ đến ngồi và nghe. Một vấn đề lớn với nhạc cổ điển là khoảng cách giữa thính giả và nhạc công – mà với tôi, điều đó đồng nghĩa với cái chết của tương lai âm nhạc,” Rothman nói thêm.

“Chúng tôi ở đây là để kiến tạo một mối liên hệ thân tình càng sớm càng tốt, và thật vui khi thấy mối liên hệ ấy thật mạnh mẽ,” ông nói. “Ngay cả khi các em không chú ý lắng nghe thì âm nhạc vẫn chảy tràn trong các em, và khi các em thực sự chú tâm, thì những cái miệng xinh xinh cứ há ra. Thật tuyệt vời. Xét theo nghĩa nào đó, chúng tôi cũng đang tạo nền móng phát triển cho các gia đình này đấy chứ.”

Kết thúc phần trình diễn nhạc cổ điển, các nhạc công ngồi xuống ghế, đầu đội các bộ tóc giả sặc sỡ, rồi chơi một bản thuộc dòng pop. Lần này, họ chơi nhạc nền bài 59th Street Bridge Song của Simon & Garfunkel. Bài hát mở đầu bằng những lời sau: “Chậm thôi, cậu kéo tớ đi nhanh quá” – quả thực rất hợp với câu chuyện về một cậu bé bị trượt trong vòng xoắn ốc.

“Khi chúng tôi đội tóc giả lên là lúc chuyển sang các dòng nhạc jazz hay pop,” Kennedy L’Ecuyer cho biết. “Như thế cũng rất hay, bởi nó cho thấy, tuy chúng tôi biết chơi nhạc cổ điển, song chúng tôi không chỉ bị giới hạn ở nhạc cổ điển… Với bộ tóc giả trên đầu, chúng tôi có khác gì các ngôi sao nhạc pop đâu cơ chứ – mà điều đó còn thể hiện một khía cạnh khác ở các nhạc cụ của chúng tôi nữa.”

“Bach Before Bedtime là một dự án tuyệt vời,” chị nói. “Không có nhiều những chương trình như thế này ở Montreal, nên việc mà Dorothy đang làm, theo tôi thấy, là rất quan trọng cho tương lai của âm nhạc cổ điển. Chị ấy giải quyết vấn đề từ gốc rễ: nếu xây dựng được một mối tình thân giữa trẻ nhỏ và nhạc cổ điển, thì khi lớn lên, chúng sẽ biết nghe nhạc cổ điển với đôi tai của nhà phê bình.”

Bùi Thu Trang dịch

Nguồn: montrealgazette.com

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)