Hoạt hình Palestine: Tiếng nói trong trẻo mà day dứt giữa đạn bom
Khác với những thước phim tài liệu quen thuộc về vùng đất bị chiếm đóng, những bộ phim hoạt hình Palestine dù sinh sau đẻ muộn vẫn tạo cho mình một vị trí đặc biệt. Chúng là sự mở đường cho những thước phim mang tính nhân văn và cá nhân hơn về danh tính người Palestine: khi họ không chỉ còn là những nạn nhân chiến tranh, những con người bị bom đạn phá nát, những con người bất lực - mà trở thành câu chuyện gửi gắm về niềm hy vọng, về sự hy sinh - dẫu rằng con đường này vẫn còn mông lung lắm.

Vốn thuộc về một đất nước bị áp bức, luôn phải đương đầu với chiến tranh, mất mát quê nhà cùng người thân, điện ảnh Palestine hiếm khi sở hữu đủ nguồn lực để có những bước tiến vượt bậc như các nền điện ảnh giàu mạnh khác trên thế giới. Dẫu vậy, điện ảnh Palestine cũng có một bề dày lịch sử của riêng mình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, điện ảnh Palestine đã đi qua bốn thời kỳ, bắt đầu từ cột thời gian 1935-1948, khởi đầu bằng một bộ phim ghi lại hình ảnh chuyến viếng thăm của Hoàng thân Saud tới Jerusalem và Jaffa vào năm 1935, dài 20 phút. Tuy nhiên, không một tác phẩm nào thời kì này còn lưu giữ được tới ngày nay, chỉ còn những lời kể qua nhật ký hay trả lời phỏng vấn của những “chứng nhân” làm phim thời kì này. Sự kiện al-Nakba năm 1948 đã khai mở cho thời kì thứ hai – thời kì không có một tác phẩm điện ảnh đáng chú ý nào ra đời, hay còn gọi là “thời kì im lặng”, kéo dài gần hai thập kỷ. Cuộc chiếm đóng của Israel vào năm 1967 tại Bờ Tây và dải Gaza bắt đầu cho thời kỳ thứ ba mà các sử gia nghệ thuật gọi đây là “Điện ảnh kháng chiến Palestine” hoặc “Điện ảnh của các tổ chức Palestine” vì Tổ chức Giải phóng Palestine đỡ đầu và tài trợ kinh phí cho các tác phẩm ra đời vào giai đoạn này. Các tác phẩm thời kì thứ ba là phim tài liệu mang đậm tính tuyên truyền, chủ yếu nhấn mạnh vào sự kiên cường của quân đội thay vì những cảm xúc riêng tư, cá nhân của con người.
Đến năm 1982, khi Tổ chức Giải phóng Palestine sụp đổ cũng là lúc điện ảnh Palestine bước vào thời kì thứ tư, thời kì “chín muồi” nhất. Các tác phẩm điện ảnh lúc này đã mang đậm dấu ấn cá nhân với nhiều nhà làm phim được đào tạo hay học hỏi từ các nền điện ảnh quốc tế và xin được hỗ trợ từ nhiều nguồn quỹ nghệ thuật từ khắp thế giới. Nếu như dòng phim tài liệu áp đảo điện ảnh Palestine ở thời kì thứ ba, bởi thể loại này cho phép kí ức cá nhân cùng kí ức tập thể được tái hiện một cách chân thực nhất, thì ở thời kì thứ tư, dòng phim hoạt hình xuất hiện với những góc nhìn và cách thể hiện độc đáo và mới lạ. Nếu phim tài liệu cho phép nói về khung cảnh thảm khốc và cuộc sống đầy cay đắng của Palestine một cách trực diện và đanh thép thì phim hoạt hình đưa ra một góc nhìn đầy tinh tế về những thân phận con người vốn bị khỏa lấp bởi tính khốc liệt của chiến tranh. Phương tiện điện ảnh này giúp người nghệ sĩ khai thác câu chuyện từ nhiều điểm nhìn riêng tư hơn và thuật lại những trải nghiệm đau thương nhưng không khiến bầu không khí phim trở nên nặng nề. Điều đó thu hẹp khoảng cách giữa “chúng ta” và “họ” – những con người Palestine cũng hiện diện trên màn ảnh với đầy đủ khía cạnh cảm xúc như bao người khác chứ không phải chỉ là những con số thương vong vô hồn trên truyền thông đại chúng,
Fatenah (2009) và The Wanted 18 (2014) đều là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Chúng cho thấy người Palestine có nền hoạt hình của riêng họ, kể câu chuyện của họ, với góc nhìn và cách thể hiện độc đáo của họ chứ không đơn thuần là chất xúc tác hay phông nền cho câu chuyện các quốc gia khác.
Tái hiện những gì máy quay không thể ghi lại
Fatenah (2009) mở đầu bằng một câu chuyện riêng tư và dường như bất khả nếu sản xuất như một phim tài liệu, vì người xem được theo gót chân của một người phụ nữ trẻ tuổi tên là Fatenah không may mắn mắc căn bệnh ung thư vú. Khán giả cùng cô đi khám, cùng cô cần mẫn đi làm ở một xưởng may nhỏ bé trong khu tị nạn, chờ đợi hàng giờ ở trạm kiểm soát; dõi theo cô mộng mơ về một đám cưới hạnh phúc, tới khi cô nằm bất lực trên giường bệnh…Vô tình hay hữu ý, “vú” – bộ phận cơ thể mà phim ảnh phương Tây ít khi đề cập đến, giờ đây trở thành trung tâm của tác phẩm để nhấn mạnh tình cảnh bị bỏ mặc của Fatenah. Mắc trọng bệnh nhưng không nhận được một sự hỗ trợ nào, trớ trêu thay cô gái vẫn phải trải qua những kiểm soát và trở ngại mà Israel đã áp đặt lên người Palestine tại Gaza. Hệ thống chính quyền đã hoàn toàn làm ngơ trước sinh mạng của cô gái trẻ.
Một tác phẩm khác cũng khắc họa cuộc sống thường nhật của người dân Palestine là The Wanted 18 (2018). Bộ phim này lồng ghép giữa claymation (hoạt hình stop-motion sử dụng con rối bằng đất sét) và các đoạn phim tài liệu phỏng vấn người thật – việc thật. Bộ phim kể về câu chuyện diễn ra tại làng Beit Sahour, ngoại ô thành phố Bethlehem bị cấm chăn nuôi, trồng trọt mà phải phụ thuộc vào nguồn sữa “nhập khẩu” từ Israel. Một nhóm cư dân ở làng này đã lén mua 18 con bò từ Israel và lập thành một hợp tác xã sản xuất sữa thành công trong vùng. Tên của bộ phim “18 kẻ bị truy nã” chính là ám chỉ những con bò này.
Trong bộ phim, các phân đoạn claymation dùng để thể hiện góc nhìn của chính những con bò về câu chuyện của làng Beit Sahour. Những con bò, đại diện cho những kẻ “ngoại cuộc”, nói bằng giọng Anh – Mỹ, đại diện cho cách truyền thông phương Tây thường hạ thấp người Palestine trên truyền thông đại chúng, qua những mác “ít học”, “nghèo khổ”, “kém phát triển”, không biết tiếng Anh và luôn phải tha hương, luôn là dân tị nạn. Nhưng về sau, qua thời gian gắn bó với ngôi làng, những chú bò đã trở nên thấu hiểu và thân thiết với người dân nơi đây.

Phân cảnh hoạt hình trong The Wanted 18 về những chú bò từ coi thường trở nên đồng cảm với người Palestine được thể hiện đầy tính hài hước, châm biếm, dí dỏm. Những lời chê bai của những chú bò đối lập với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, tài tháo vát và tự tin của người Palestine hiện lên trong những đoạn phỏng vấn. Sự ngây thơ, tinh nghịch và hơi “lố” của những chú bò đối lập với đối lập với bầu không khí căng thẳng phỏng vấn người dân làng khi họ bức xúc trước cuộc sống nghiệt ngã phải phụ thuộc hoàn toàn hàng hóa, kể cả các nhu yếu phẩm như lương thực (sữa), điện, nước từ Israel một cách vô lý mà có người trong phim đã trả lời rằng nó đau đớn như việc bị cướp đi danh tính
Fatenah (2009) và The Wanted 18 (2014) đều là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Chúng cho thấy người Palestine có nền hoạt hình của riêng họ, kể câu chuyện của họ, với góc nhìn và cách thể hiện độc đáo của họ chứ không đơn thuần là chất xúc tác hay phông nền cho câu chuyện các quốc gia khác. Nhưng sức truyền tải mạnh mẽ của bộ phim còn đến từ sự tương đồng giữa những trăn trở của các nhân vật với cuộc đời của những nghệ sĩ đằng sau bộ phim. Habash và Adoni, lần lượt là đạo diễn và nhà sản xuất của Fatenah đã không thể đến Gaza trực tiếp để thu thập tư liệu hiện trường tại Gaza vì chính quyền Israel đã hạn chế người dân Palestine di chuyển giữa các vùng. Bởi vậy, anh đã phải huy động mọi nguồn lực địa phương. Toàn bộ khung cảnh của trại tị nạn, bờ biển dài, bãi cát vàng, đường phố tại Gaza đều do đạo diễn Habash thuê một nhiếp ảnh gia địa phương chụp lại. Sau đó, Habash đã dựng hình 3D nhanh dựa trên ảnh chụp hoặc sử dụng trực tiếp tư liệu ảnh. Nhằm đảm bảo tính chân thực của Fatenah, nhà sản xuất Adoni đã dành hàng trăm tiếng đồng hồ đào bới khắp Internet để tìm kiếm tài liệu dựng hình cho từng tiểu tiết như huy hiệu trên đồng phục lính Israel, hay nội thất của các bốt kiểm soát. Còn với The Wanted 18, thân sinh của Shomali – đạo diễn của phim phải tha hương vì những biến cố trong lòng Palestine. Anh sinh ra và lớn lên trong tị nạn Yarmouk ở Syria và chưa một lần được về quê – nơi anh luôn có một sự tò mò xen lẫn nỗi nhớ khắc khoải, nơi anh chỉ có thể mường tượng qua những tấm poster hoặc truyện tranh anh đọc trong thời thơ ấu. Anh phải tự xây dựng hình ảnh Palestine trong đầu, một đất nước tươi đẹp có ngôi làng trù phú mang tên Beit Sahour. Shomali đã xây dựng kịch bản dựa trên trí tưởng tượng non nớt khi còn bé: tại một ngôi làng nhỏ bé, những người nông dân Palestine tưởng chừng tầm thường nhất lại là những vị anh hùng quật cường nhất và các chú bò chính là người bạn đồng hành, dẫu chúng từng không ngớt chê bai rồi rì rầm bàn tán về những người đã chăm sóc chúng.
The Tower (2018) khai thác câu chuyện từ Wardi – cô bé 11 tuổi đến từ một gia đình gốc Palestine sống ở Lebanon, thế hệ thứ tư của gia đình người tị nạn, phản ánh sang chấn liên thế hệ của một gia đình di dân, chịu tổn thất nặng nề sau sự kiện al-Nakba.
Phép màu còn bỏ ngỏ cho tương lai từ nhãn quan trẻ em
Trong nhiều bộ phim điện ảnh, nhân vật trẻ em thường xuất hiện như vai trò phản ánh gián tiếp nhiều vấn đề xã hội, cũng như đại diện cho niềm mong mỏi về một tương lai tốt đẹp hơn. Khác với hai phim hoạt hình trước về Palestine như The Wanted 18 hay Fatenah, đều lấy điểm nhìn từ nhân vật trưởng thành, The Tower (2018) khai thác câu chuyện từ Wardi – cô bé 11 tuổi đến từ một gia đình gốc Palestine sống ở Lebanon, thế hệ thứ tư của gia đình người tị nạn, phản ánh sang chấn liên thế hệ của một gia đình di dân, chịu tổn thất nặng nề sau sự kiện al-Nakba. Thay vì tập trung vào những câu chuyện bạo lực và mất mát, phim tập trung vào cuộc sống đời thường nơi trại tị nạn, văn hóa và tương tác hằng ngày giữa các thế hệ di dân. Dẫu mất đi nơi chôn rau cắt rốn, họ vẫn tự tạo cho mình niềm vui, vẫn xây dựng tổ ấm, vẫn chăm chỉ làm việc và tạo dựng sự sống. Từ góc nhìn của người ngoài, trại tị nạn có thể là những khu ổ chuột xấu xí, nhưng bản thân đạo diễn Mats Grorud người Thụy Điển chia sẻ: “Đó còn là một không gian đẹp đẽ cho thấy con người đã sống qua bao thế hệ, bất kể mọi biến cố.” Anh đã làm phim dựa trên những câu chuyện từ mẹ mình – một y tá phải xa nhà để đến khu tị nạn Lebanon cùng khoảng thời gian đi công tác tại đấy trong một năm.
Từng phân cảnh trong The Tower (2018) đều như những bức tranh nhiều sắc màu, sống động và tươi tắn, với nhiều chuyển động nhảy múa vui tươi trên phông nền xám xịt ở nơi những người nhập cư Palestine sinh sống. Bộ phim được thể hiện xen kẽ hai phong cách: Claymation, để nói về hiện tại, khiến người xem có cảm giác nhân vật đang sống động ngay trước mắt. Ta sống trải cùng nhân vật qua mỗi phút giây, cùng Wardi lắng nghe tâm tình của cụ Sidi, dần dần thấm thía từng tổn thương liên thế hệ. Còn hoạt hình 2D để nói về quá khứ của người ông, người bà, về sự kiện al-Nakba cướp đi chú chó cưng, cây quýt ngọt và tuổi thơ hồn nhiên bên bạn bè của họ. Sự linh hoạt của các đường nét vừa tăng tính thể nghiệm cho bộ phim, vừa giúp khán giả hiểu tường tận hơn thế giới giàu lớp lang của mỗi nhân vật.
Tòa tháp trong tiêu đề của bộ phim, là ám chỉ những căn nhà một phòng được xây chồng chất lên nhau thành “tháp” qua nhiều thập kỷ trong trại tị nạn. Khi nhận chiếc chìa khóa căn nhà ấu thơ của người cụ Sidi trước khi qua đời, tưởng rằng ông đã từ bỏ ước muốn quay trở lại quê hương, cô bé Wardi đã đi khắp “tòa tháp” để tìm lại niềm hy vọng cho ông. Tòa tháp sừng sững, đứng tĩnh xuyên suốt đại diện cho ước mơ của những đứa trẻ thuộc về thế hệ ông cha cô bé Wardi – ước mơ tự do sinh sống ngay trên mảnh đất của mình nhưng không may bị bom đạn tước mất. Và nó cũng là di sản của Sidi gửi gắm lại cho cô cháu gái yêu quý: bằng mọi giá, một ngày nào đó cô bé phải biết được nhà của mình. Biểu tượng của phim gồm chìa khóa, chim bồ câu, thiên nhiên, những bông hoa trên tầng thượng đều không phải do đạo diễn Grorud tự nghĩ, mà “đều có ở khắp các trại tị nạn, chúng đều hữu hình – mọi dấu hiệu, mọi hình vẽ graffiti. Đó là thực tế ở các trại và không phải thứ gì đó do tôi dàn dựng, và chim bồ câu này là loài chim bồ câu đưa thư, không phải chim bồ câu hòa bình.”
Nữ đạo diễn Jana Kattan, người Jordan gốc Palestine, tác giả của phim ngắn Checkpoint kể về hành trình đi học buổi sáng đầy trắc trở của cô bé Lea, sống ở Bờ Tây Palestine, phải đi qua nhiều chặng kiểm soát (checkpoint) của quân đội Israel tới mức trễ giờ học, tới trường chỉ còn có thể ngồi kịp vào lớp bổ túc dành cho người lớn đã dành cho The Tower nhiều lời ca ngợi, khi đưa ra khái niệm hạnh phúc của người Palestine và có lẽ là cả của rất nhiều người Trung Đông, là những gì rất đỗi đời thường. Chẳng hạn, đó là khi cô bé Wardi chỉ vào bức ảnh một cậu bé đang cười và người cô kể rằng đó bởi người anh họ cô là người đầu tiên biết nhảy breakdance trong trại tị nạn. “Những gì xảy ra với người Palestine thật thảm khốc nhưng chúng tôi không tự biến mình thành bi kịch. Tôi chưa từng thấy một bộ phim nào, đặc biệt là các phim không phải hoạt hình, đối xử với nhân vật của mình nhân văn đến vậy”.
Mượn chuyện gia đình để nói về chiến tranh
The Tower có lẽ đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà làm phim hoạt hình khác của Palestine trong việc khai thác câu chuyện gia đình để ngụ ý về khung cảnh chiến tranh khốc liệt. Bộ phim ngắn ba phút “House” (Nhà) của Ahmad Saleh nói về một nhân vật chính không rõ gương mặt nhưng có một câu chuyện mạnh mẽ để kể lại. Gia đình họ sống trong một ngôi nhà rộng rãi, đẹp đẽ, hiếu khách qua hàng thế hệ, chào đón rất nhiều vị khách đến rồi đi để rồi một ngày bị một vị khách xảo quyệt cướp mất. Tới mức, gia đình của người chủ chỉ còn có thể co cụm duy nhất trên tầng thượng.
Phim ngắn Ayny – The Second Eye của người đạo diễn là một câu chuyện đầy chất thơ kể về hai đứa trẻ bị mất nhà cửa vì chiến tranh đã nhặt những mảnh vụn kim loại giữa đống đổ nát để chế tạo chiếc đàn luýt và cùng nhau ngồi chơi giữa xung quanh đổ nát, mặc cho người mẹ hết sức giữ hai em ở nhà để an toàn. Phim gây xúc động khác của anh, Night (Đêm tối) kể về Nữ thần đêm tối, soi chiếu những sinh mang Palestine đang cố gắng ru ngủ người mẹ để khỏi phải đau lòng khi mất con giữa bom đạn
Ba bộ phim này của Ahmad Saled (người Đức gốc Palestine) là đồ án tốt nghiệp của anh thực hiện trong suốt năm năm quay trở về học đại học tại quê gốc. Saleh chia sẻ rằng, nguồn cảm hứng lớn nhất đằng sau bộ phim là mong muốn giải thích cho đồng nghiệp và bạn bè người Đức về tranh chấp Palestine – Israel theo cách dễ hiểu nhất có thể, vì đa phần bạn bè ông không nắm rõ sự tình. Việc sử dụng chất liệu trong phim cũng phản ánh cảm nhận của ông khi còn ở vùng đất này. “Điều tuyệt vời về bộ phim là nó mang lại cho bạn cảm giác rằng bạn thực sự đang nhìn vào một thứ gì đó hữu hình và có thật, nhưng bạn biết nó chỉ là hư cấu. Nó mang lại cho tôi cảm giác như, ‘Tôi có đang ở trong thế giới thực hay không?’ Mọi lúc, khi tôi ở Palestine, tôi thực sự tự hỏi, ‘Đây có phải là những con người thực sự không?’
Kết
The Tower kết lại bằng cái chết đẹp của người ông Sidi – khi thân thể ông được bầy quạ mang đi trở về đất mẹ Palestine, về với mảnh vườn, người bạn ấu thơ, những người đã ra đi, rừng cây quýt trĩu quả. Những bộ phim hoạt hình để lại cho người xem một cảm giác vừa lạc quan, vừa bất định như cách Wardi nhìn về phương xa: biết khi nào, đến chừng nào người Palestine mới về lại vùng đất của họ? Tất cả những bộ phim hoạt hình nói trên có thể nói là sự mở đường cho những thước phim mang tính nhân văn và cá nhân hơn về danh tính người Palestine: khi họ không chỉ còn là những nạn nhân chiến tranh, những con người bị bom đạn phá nát, những con người bất lực – mà trở thành câu chuyện gửi gắm về niềm hy vọng, về sự hy sinh – dẫu rằng con đường này vẫn còn mông lung lắm.□
———
Tài liệu tham khảo:
1. A Chronicle of Palestinian Cinema (Chapter 1 of Palestinian Cinema: landscape, trauma and memory) – Nurith Gertz and George Kheleifi
2. Animation in the Middle East: Practice and Aesthetics from Baghdad to Casablanca – Stefanie Van de Peer
3. INTERVIEW: Mats Grorud Takes Us Inside A Palestinian Refugee Camp In ‘The Tower’
4. The Tower with Jana Kattan | Animator’s Breakfast E016
5. Mats Grorud on Palestine, Animation and Hope
6. Phỏng vấn của nam đạo diễn Ahmad Saleh:
Bài đăng Tia Sáng số 13/2025