Hội họa và Văn chương
Trong sáng tạo nghệ thuật, không có hai vấn đề viết cái gì (nội dung) và viết như thế nào (hình thức). Chỉ có một: khi chưa biết viết như thế nào, thì cái gọi là “viết cái gì” thực ra chỉ mới là những ý tưởng trừu tượng, mông lung, mơ hồ, những ý tưởng chính trị, xã hội, hay gì gì đó, có thể là những ý tưởng rất vĩ đại, nhưng hoàn toàn không phải là nghệ thuật, chưa phải là ý tưởng nghệ thuật, càng chưa là tạo phẩm nghệ thuật... Thậm chí, nói theo một cách nào đó, mà tôi tin rằng tất cả những ai là người trực tiếp làm công việc sáng tác nghệ thuật đều có thể hiểu được, dầu họ thường không công khai nói ra: khi ngồi trước trang giấy, đứng trước khung vải, điều đầu tiên, quyết định, đối với người cầm bút, cầm cọ, là tìm ra một hình thức nào đấy. Trăn trở đau đớn nhất của họ, tìm kiếm căng thẳng nhất của họ, là tìm cho ra một hình thức cho cái sinh vật họ đang cho ra đời. Không có cái đó thì không có gì cả. Và anh ta cũng chỉ mãi mãi là một anh cán bộ nào đó thôi, có thể rất quan trọng cho xã hội, nhưng không phải với tư cách một người nghệ sĩ.
Tuổi thơ- Tranh Thành Chương |
Lý luận Nội dung và Hình thức đơn giản và thô thiển nói trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển các ngành nghệ thật ở ta trong thời gian khá dài, đến nay cũng chưa hoàn toàn dứt. Nó làm cho nghệ thuật khô cứng, nghèo nàn. Tuy nhiên chính ở đây lại có thể nhận ra chỗ khác biệt giữa văn học và hội họa đối với ảnh hưởng đó. Ở văn học nó nặng nề hơn, văn học thoát ra khỏi “chủ nghĩa nội dung” thô thiển ấy chậm chạp hơn, thậm chí cho đến nay cũng chưa hoàn toàn dứt được hẳn. Trong khi đó, dường như hội họa nhận ra vấn đề sớm hơn, và tuy không công khai tuyên bố – mà cũng thật khó công khai tuyên bố trong hoàn cảnh chính trị xã hội những năm trước đây – đã lẳng lặng giải quyết vấn đề đó một cách đúng đắn trong thực tiễn sáng tác của mình. Sớm hơn: bằng chứng là phản ứng của một họa sĩ đặc biệt tài năng, Tô Ngọc Vân, vừa nhắc đến trên kia. Vụ phản ứng ấy thất bại, nhưng theo tôi những họa sĩ tài năng nhất, tuy lẳng lặng, đã không hề “chịu thua”. Trong tham luận của mình tại hội thảo do Viện Văn học và Trung tâm Harvard-Yenching tổ chức, Phạm Vĩnh Cư có một nhận xét xác đáng. Anh nói: “… nội lực của văn hóa – nghệ thuật thể hiện trước tiên ở ý chí và năng lực của những nghệ sĩ biết gạn đục khơi trong bơi ngược dòng chủ lưu, tìm ra cho được con đường của riêng mình trong sáng tạo nghệ thuật, làm nên những tác phẩm mà ban đầu có thể sẽ bị đón tiếp một cách ghẻ lạnh vô cùng nhưng sau này sẽ trở thành những giá trị được cả xã hội thừa nhận, trở thành những cái “cổ điển mới”. Đáng tiếc cái nội lực ấy công chúng biết thưởng thức nghệ thuật ít tìm thấy trong văn chương nước ta trước thời kỳ đổi mới, và như đã nói, ngay bây giờ nó vẫn chưa dồi dào lắm. Nhưng trong hội họa thì không hẳn như thế. Những thử nghiệm sáng tạo phản giáo điều, phản công thức, những tìm kiếm thầm lặng nhưng kiên trì một ngôn ngữ hội họa mới, vừa phù hợp với thời đại vừa thể hiện được bản sắc cá nhân và dân tộc của người nghệ sĩ, giờ đây ta có thể thấy trên tranh không ít họa sĩ Việt Nam hoạt động trong thập kỷ 60-80, nhưng tập trung hơn cả và đạt được những thành tựu thuyết phục hơn cả là trong sáng tác của ba danh họa: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…”.
Phố 1- Tranh Quách Đông Phương |
Câu hỏi nêu ra ở đây là vì sao như vậy? Vì sao, cùng những hoàn cảnh xã hội như nhau, hội họa lại có sự vượt trội như vậy so với văn học? Là người làm văn học, câu hỏi đó càng nóng bỏng đối với tôi. Tôi cho rằng có thể một trong những nguyên nhân quan trọng nhất nằm trong chính vấn đề đã nêu trên kia: quan niệm về nội dung và hình thức trong nghệ thuật. Bằng chính đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật của mình, hội họa hiểu rằng trong sáng tạo nghệ thuật, cái được (hay bị) gọi là hình thức mới là cái quan trọng hơn cả, nó là tất cả, nó chính là “nội dung được biểu hiện ra đó” (Hégel), không có nó thì không có gì hết, toàn bộ tìm tòi nghệ thuật suốt đời, và trong từng tác phẩm, của người nghệ sĩ chính là tìm cho ra một hình thức nghệ thuật mới, nghĩa là của riêng mình, của riêng từng tác phẩm của mình. Đối với người họa sĩ, không có tiếng nói hội họa của riêng mình tức cũng là không có gì hết. Cuộc đấu tranh gian nan và dằng dặc suốt đời của người họa sĩ là tìm cho ra hình thức nghệ thuật của riêng mình, cũng tức cách nhìn thế giới của riêng mình. Hội họa tiến lên bằng những đột phá về hình thức nghệ thuật.
Đương nhiên văn học cũng phải như vậy, nhưng do đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật của nó, thường văn học không nhận ra được điều này rõ ràng, máu thịt bằng hội họa. Ngôn ngữ nghệ thuật của văn học rất gần với ngôn ngữ thông thường hằng ngày, dễ nhầm làm một với ngôn ngữ này, nên người làm sáng tác văn học thường dễ ít quan tâm đến sự tìm tòi những đột phá về ngôn ngữ nghệ thuật. Người làm sáng tác văn học dễ chấp nhận “chủ nghĩa nội dung”, coi nhẹ cái bị gọi là “hình thức”. Thử nhìn lại quá trình văn học khoảng năm, bảy chục năm nay ở ta mà xem, rất hiếm những đột phá về hình thức nghệ thuật. Mô hình tiểu thuyết, ngôn ngữ tiểu thuyết chẳng hạn, có mấy thay đổi đâu. Tôi cho rằng đây chính là một hạn chế đáng kể cho sự phát triển của văn học chúng ta.
Hoặc hãy thử nhìn lại giai đoạn được gọi là thời kỳ Đổi Mới của văn học nghệ thuật từ giữa những năm 80 trở lại đây. “Đổi mới” trong văn học loay hoay khá lâu trong chuyện “chống tiêu cực”, nói cho cùng cũng là chuyện chính trị, chuyện đề tài, rốt cuộc để lại một lô những văn bản nặng tính chất báo chí, chứ không làm chuyển động được bao nhiêu nghệ thuật văn học. Trong khi đó hội họa không thế. Tôi không nói rằng những tìm tòi nghệ thuật trong hội họa vừa qua đã thật thành công, nhưng rõ ràng những nỗ lực ở đây rất tập trung vào việc tìm tòi những bước đột phá về ngôn ngữ nghệ thuật, cho nên, có lẽ chính ở hội họa ta có thể chờ đợi những cách nhìn thế giới mới, khác, của thời nay, thời biết bao khó khăn và sôi động ta đang sống bây giờ…
Tôi nghĩ văn học cần suy nghĩ về bài học này được gợi ý từ hội họa.
Có thể còn một vấn đề khác nữa: dường như hội họa cũng giải quyết tốt hơn, thành công hơn: vấn đề mà ta vẫn gọi vấn đề hiện đại và dân tộc. Có lẽ cũng chính vì bao giờ cũng phải quan tâm trước tiên, thậm chí tất cả vào hình thức nghệ thuật, nên trong quá trình hiện đại hóa, hội họa ngay từ đầu đã đi một con đường theo tôi rất độc đáo: đi tìm cái hiện đại ngay trong cái dân tộc. Thực sự là hội họa Việt Nam đã tự hiện đại hóa bằng con đường khai thác những gì là sâu xa nhất, tinh tuý nhất, bản chất nhất, đẹp nhất trong dân tộc. Không chỉ ở những loại hình có vẻ gần với dân tộc như tranh lụa, sơn mài…, mà cả ở những thứ mới du nhập hoàn toàn từ phương Tây, như sơn dầu. Và hóa ra đó là con đường đúng nhất, thậm chí duy nhất đúng. Dường như hội họa, cũng do từ bản chất của nó, từ đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật của nó, đã đặt rất đúng một vấn đề mà các ngành khác phải loay hoay rất lâu, thậm chí cho đến nay cũng chưa hoàn toàn tìm được câu trả lời thỏa đáng: không phải là kết hợp sao cho tốt cái dân tộc với cái hiện đại, một sự “kết hợp” như vậy dẫu muốn dẫu không vẫn cứ là khiên cưỡng, máy móc, và do đó giả tạo. Không phải kết hợp dân tộc và hiện đại, cũng không phải vừa dân tộc vừa hiện đại. Mà là hiện đại hóa dân tộc. Bằng một điều gì đó gần như là bản năng của mình, hội họa đã đi đúng con đường đó.
Ảnh trên cùng: Tiên nữ- Tranh Nguyễn Tư Nghiêm