“Hồi ký của Hector Berlioz”: Cái đẹp xé lòng
Để mở đầu và kết thúc cuốn hồi ký đời mình, nhà soạn nhạc người Pháp Hector Berlioz thế kỷ 19 đều chọn một đoạn trích dẫn của William Shakespeare:
Đời chỉ là bóng câu qua cửa;
Trên sân khấu một kép nghèo oai vệ,
Tiêu phí thì giờ rồi im lặng;
Đó là chuyện qua lời kẻ si,
Đầy âm thanh và cuồng nộ, quan trọng gì
Câu này vốn dĩ là trong vở Macbeth, ở hồi cuối, khi Macbeth nghe tin vợ mình đã phát điên mà chết, và chỉ một lát nữa, rừng Birnam sẽ biết đi và tiến về phía Dunsinane – như hồi chuông báo tử cho chính người hùng mắc đọa. Có lẽ nào, Berlioz cũng đã cảm thấy những bước tiến của rừng Birnan định mệnh đang dần men đến lấy trọn cuộc đời ông? Cuộc đời rất nhiều quang vinh mà cũng rất nhiều sầu não, rất nhiều si mê mà cũng rất nhiều tiếc nuối, rất nhiều cái đẹp mà cũng rất nhiều điên rồ, rất nhiều thịnh nộ song cũng rất nhiều âm nhạc, bất kể điều gì cũng rất nhiều rất nhiều.
Đọc hồi ký của nhà soạn nhạc, ta không khỏi trộm nghĩ rằng, nếu ông chẳng sáng tác âm nhạc thì hẳn ông sẽ là một văn sĩ bậc thầy. Ta đôi khi ngỡ mình đang đọc một tiểu thuyết hơn là một tự truyện. Berlioz như sở hữu một thứ giả kim thuật, biến mọi ngôn ngữ qua tay ông đều hóa thành vàng ròng, hoặc giả ông là một “kiến trúc sư” tái dựng lại đời mình trong tòa nhà ngôn từ lộng lẫy như một cung điện Roccoco hoa mỹ, phù phiếm và ngông cuồng. Thậm chí, có những đoạn trong cuốn sách vang dội như một màn pháo hoa của xúc cảm trào dâng, khi u uất thì u uất đến sôi sục, khi tươi vui thì tươi vui như muốn bay lên, mà nhất là khi ông nổi hứng yêu hay ghét một điều gì đó. Bởi con người này yêu ai thì yêu đậm sâu, ngược lại, đã ghét cái gì thì thậm ghét, không có lập lờ ở giữa.
Ví như ông yêu Shakespeare mê mệt, đến mức cái lần đầu tiên được xem một vở kịch của Thi nhân tại Nhà hát Odéon, ông viết rằng: “Vậy là Shakespeare giáng xuống tôi…” Giáng xuống. Như thể Shakespeare nếu không là một vị thần thì cũng phải là người tạo ra các vị thần. Và đã yêu Shakespeare mê mệt thì ông phải thù nghịch Voltaire đến xương tủy vì nhà văn này dám giễu Shakespeare là con khỉ. Ông coi Voltaire không hơn gì một nhà mô phạm ti tiện, già cỗi, đáng thương.
Đừng mơ “nhân cách” nhà phê bình của Berlioz nương tay với ai, dù đó là Mozart đi chăng nữa ông cũng sẵn sàng buông đao “chặt chém”. Ông thán phục vở opera Cây sáo thần, tôn thờ những bản tứ tấu, ngũ tấu cùng vài bản sonate của thiên tài người Áo, nhưng không tiếc lời chê bai một đoạn trong vở Don Giovanni là sến súa sướt mướt. Ai mà dám gán cho nhạc của Mozart, dù bản gì chăng nữa, những từ ngữ như “thô thiển”, “chướng tai”, “quá quắt”, “đáng hổ thẹn”? Thế mà Berlioz dám
“Hồi ký của Berlioz” là một tổng tập phê bình âm nhạc, mà trong đó Berlioz, nếu không là người canh đền cho cái đẹp, thì hẳn phải là hậu duệ của một người anh hùng nào đó trong thi ca Hy Lạp, lao đầu vào cái đẹp xé lòng dù khiên chắn của nó chẳng bảo vệ nổi ông trước đau thương.
Bạn có thể đồng tình hay không đồng tình với những nhận định thẳng thừng của Berlioz trong cuốn tự truyện này. Chẳng hạn có khi so sánh Chopin với nhà soạn nhạc Heinrich Wilhelm Ernst, ông “chê” Chopin là “không chịu nổi sự trói buộc của tiết tấu và theo ý tôi đã đẩy sự tự do về tiết tấu đi quá xa”. Có thể bạn cũng như tôi, không đồng ý với việc cho rằng Chopin quá buông thả, nhưng ta đều phải thừa nhận rằng Berlioz nói thế âu cũng chỉ vì ông quá yêu âm nhạc mà thôi. Không yêu, sao lại trăn trở đến thế, soi xét đến thế? Vẫn biết bản Symphonie Fantastique được sáng tác cho nàng diễn viên Harriet Smithson khi ấy đang hớp hồn ông, nhưng có lẽ người phụ nữ tập hợp mọi điều hoàn mỹ nhất trong tưởng tượng của tác phẩm thật ra cũng chính là một ẩn dụ của âm nhạc.
Rộng hơn câu chuyện đời mình, hồi ký của Berlioz là một tổng tập phê bình âm nhạc, mà trong đó Berlioz, nếu không là người canh đền cho cái đẹp, thì hẳn phải là hậu duệ của một người anh hùng nào đó trong thi ca Hy Lạp, lao đầu vào cái đẹp xé lòng dù khiên chắn của nó chẳng bảo vệ nổi ông trước đau thương.
Đã vậy, ông đương nhiên không tha thứ cho bất kỳ hành vi phạm thượng nào với vinh quang của môn nghệ thuật diệu kỳ. Những nhạc trưởng dám tự ý sửa đổi nhạc phổ của Beethoven, Mozart, Weber… trong mắt ông chẳng khác nào những kẻ phạm tội tàn sát, những kẻ đê tiện mưu toan hủy diệt nghệ thuật, công lý bất dung. Một đoạn vừa cáu gắt vừa khiến ta bật cười là khi bản cantate Sardanapale của Berlioz được biểu diễn ở Viện Hàn lâm, dàn nhạc chơi trôi chảy cho đến đoạn cao trào, khi đáng lẽ theo tổng phổ, các nhạc cụ sẽ mồi âm cho nhau để đi đến đoạn bùng nổ biểu thị cho đám cháy lớn sau cùng, nhưng rốt cuộc trường đoạn sụp đổ ấy lại biến thành một “ngọn lửa tắt ngóm”. Berlioz không giấu nổi sự phẫn nộ gầm rống của mình: “Ba vạn chín nghìn lần đáng nguyền rủa các nhạc công không biết đếm dấu lặng!!!” Phải, ông dùng tận ba dấu chấm than!
Đây có lẽ là một chi tiết nhỏ thôi trong đời ông, nhưng lại nói lên thật nhiều về con người đầy hưng phấn và ưa kịch tính quá độ nơi ông. Viết lại về một kỷ niệm ngày xưa mà ông như vẫn còn đầy tức tối, xấu hổ, điên tiết, khinh suất, kích động – ông sống lại tất cả những cảm nhận dữ dội nhất của nó.
Berlioz viết rằng không thứ nghệ thuật nào khơi gợi quá khứ nhiều như âm nhạc, và phải chăng cũng vì thế mà một nhà soạn nhạc như ông mới có thể ôm ấp những kỷ niệm với tất cả sự mãnh liệt của tâm hồn? Dù âm nhạc chiếm gần trọn sự hiện hữu của Berlioz, tôi cho rằng phần cảm động nhất trong tác phẩm là chương 58, khi ở tuổi xế chiều, ông trở lại Meylan và gặp lại mối tình đầu của mình: nàng, người mà ông từ chối tiết lộ danh tính, người mà ông thầm yêu ở tuổi thiếu thời nhưng không bao giờ được đáp lại, và giờ đã mấy chục năm trôi qua…
Cuộc gặp gỡ mà ông kể lại thách thức những trường đoạn gặp lại của những người yêu nhau hay nhất trong văn chương; ngay cả lần gặp lại giữa Frédéric và Marie trong Giáo dục tình cảm cũng không thể nào khiến ta xốn xang đến thế, ngay cả lần gặp lại giữa bá tước Monte Cristo và vị hôn thê năm xưa Mercédès sau 23 năm cũng chỉ khiến ta luyến tiếc đến thế mà thôi, luyến tiếc cho một điều gì đó đã có thể thành, nhưng sau rốt, lại chẳng thành gì cả.
Cái cách mà ông nhìn một phiến đá và nghĩ về đôi chân nàng đã đặt lên nó, còn ông đang choán cùng một khoảng không nơi nàng từng choán giữ; cái cách mà ông ôm lấy một thân cây anh đào nơi nàng từng tựa vào, cái cách mà ông vẫn còn dày vò mình trong sự tan vỡ của mối tình đầu; cái cách mà ông nói lời vĩnh biệt lý tưởng tình yêu trong trẻo thuở nào; cái cách ông vẫn nhìn thấy ánh sáng nơi nàng dù nàng lúc này đã già nua nhăn nhúm; cái cách ông xin nàng cho ông lâu lâu lại được biên thư cho nàng, được đón tiếp con cái nàng – chỉ vậy thôi, cái cách mà ông cố gắng níu lấy tất cả dẫu biết rồi cũng sẽ tiêu tán hết thôi, rồi cũng sẽ chẳng gì còn lại, như Macbeth đã nói, âm thanh và cuồng nộ thì sao chứ, phỏng có ý nghĩa gì, so cùng sự rộng dài của thời gian thì ta chẳng khác chi những tên hề về với cát bụi.
Biết vậy rồi, nhưng ngay cả trong tình ái, ông cũng không thôi là một người nghệ sĩ – cứ “mong muốn điên cuồng đạt được điều không thể, luôn là khát khao tuyệt vọng đối với tình yêu vô hạn”. Có lẽ không phải ông yêu nàng như chính nàng, ông yêu ảo ảnh của ông. Ông không yêu một người mà yêu bức tượng ngọc mà ông tự tay đắp nặn bằng trí tưởng tượng của mình, ông đeo đuổi cảm giác “bị giằng xé và nghiền nát đến tận cùng”.
“Hồi ký của Berlioz” do Lê Ngọc Anh và Nguyễn Tuấn Anh dịch thuật là một dự án tâm huyết của cộng đồng những người yêu mến Berlioz và Nhà xuất bản Phụ Nữ thực hiện. Sách dự kiến sẽ in trong tháng 6 năm nay. Bạn đọc có thể đặt trước sách qua fanpage Berlioz in Vietnam tại địa chỉ https://www.facebook.com/quanachin/ |