Hội thảo Việt Nam học sẽ có tới 800 tham luận
Có tới gần 1.500 học giả sẽ tham dự hội thảo Việt Nam học lần thứ IV, một trong những hội thảo quốc tế lớn nhất của Việt Nam, diễn ra từ 26 đến 28-11 tới tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Hội thảo lần này được chia làm 15 tiểu ban chuyên môn, trong đó có các tiểu ban về lịch sử, văn hóa, kinh tế, dân tộc – tôn giáo, pháp luật, quản lý xã hội, môi trường, văn học – nghệ thuật, giáo dục – khoa học, đô thị hóa và các vấn đề quan hệ quốc tế. Có 800 trong tổng số 1.200 tham luận đã được lựa chọn trình bày trong 3 ngày diễn ra hội thảo, với 200 tham luận của các học giả nước ngoài.
Phát biểu tại cuộc họp báo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam, cho biết, hội thảo Việt Nam học không chỉ là nơi các học giả Việt Nam và thế giới công bố nghiên cứu mới về Việt Nam, mà còn là diễn đàn kết nối các nhà nghiên cứu Việt Nam học để xúc tiến các hoạt động khoa học khác, biến Việt Nam thành trung tâm của ngành Việt Nam học trên thế giới.
GS. Phan Huy Lê, một trong những người tham gia tổ chức hội thảo Việt Nam học lần thứ nhất năm 1998, chia sẻ rằng, vào thời điểm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, các hội thảo nghiên cứu về chính Việt Nam mà hầu hết lại do nước ngoài tổ chức và mời các học giả Việt Nam tham dự. Do vậy, những người nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam khi đó đã có ý tưởng kéo hoạt động nghiên cứu Việt Nam học về Việt Nam, thu hút các học giả nước ngoài. Ý tưởng này được Chính phủ chấp thuận và các hội thảo Việt Nam học đã được tổ chức liên tục từ năm 1998 cho tới nay.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết, các kết quả nghiên cứu tại hội thảo sẽ được tổng hợp và phân tích, báo cáo Chính phủ và các ban, ngành có liên quan, nhằm tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách.