Hôn nhân và tình yêu vô điều kiện dưới góc nhìn luật pháp

Phần lớn chúng ta đều hiểu rằng, không phải tình yêu nào cũng là mãi mãi, không phải cuộc hôn nhân nào cũng kéo dài trọn đời. Tuy vậy, ai cũng mong cầu một mối tình miên viễn. Và, dường như pháp luật cũng phản chiếu mơ ước đó?

Mọi xã hội đều muốn củng cố mối quan hệ vợ chồng, muốn hai con người phối ngẫu hết lòng vì nhau, vượt qua mọi thử thách và sự khác biệt trong cuộc đời. Ảnh: Adobe Stock

Ly hôn nhiều điều kiện

Tình yêu vô điều kiện được nhà tâm lý học Carl Rogers mô tả là tình yêu với các đặc điểm như yêu thương và chấp nhận người khác mà không kỳ vọng bất cứ điều gì đáp lại1 và chấp nhận nửa kia như nguyên bản con người họ, bao gồm cả những khiếm khuyết 2

Diễn giải của Carl Rogers vô tình trùng khớp với kỳ vọng của xã hội về tình yêu đôi lứa – tốt hơn hết là sẽ đơm hoa kết trái thành một cuộc hôn nhân viên mãn. Từ lời thề ước “chỉ cái chết mới chia lìa chúng con” trước Chúa trong thánh đường tới những câu chúc sống bên nhau tới “đầu bạc răng long” của xã hội Đông Á hoặc thề nguyền sống với nhau trọn đời trước các vị giáo sĩ Imam trong Hồi giáo: Tất thảy đều muốn củng cố mối quan hệ này, muốn hai con người phối ngẫu hết lòng vì nhau, vượt qua mọi thử thách và sự khác biệt trong cuộc đời. 

Pháp luật, tưởng như có cái nhìn tỉnh táo và khách quan hơn, coi hôn nhân chỉ như một bản hợp đồng mà hai bên có thể tự nguyện bước vào rồi rời đi, dễ dàng như bất kì một mối quan hệ dân sự nào khác, nhưng hóa ra không phải. Thực tế, kí tên vào bản hợp đồng đó thì đơn giản, nhưng hủy bỏ nó thì không dễ. 

Nếu pháp luật đưa ra “điều kiện” để hai con người tiến tới hôn nhân, thì đa số các cặp đôi đều có thể đạt được những điều kiện đó mà không cần cố gắng: đủ độ tuổi, đồng thuận và không ở trong một mối quan hệ vợ chồng khác. Còn điều kiện để duy trì hôn nhân? Mơ hồ và không có tính ràng buộc: “thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.3 Nhưng để chấm dứt cuộc hôn nhân, là cả một thử thách: các cặp đôi phải đưa ra lý do thật thuyết phục tại sao mình không thể tiếp tục chung sống. 


Trên thế giới, đại đa số các quốc gia vẫn duy trì hệ thống ly hôn dựa trên lỗi. Điều này đồng thời thể hiện kỳ vọng của các nhà làm luật vào việc tạo điều kiện tối đa để hạn chế ly hôn, từ đó tiếp tục duy trì một tình yêu “vô điều kiện”.

Bộ luật Hồng Đức thời Lê sơ, quy định chỉ có hai trường hợp vợ được ly hôn chồng: khi chồng bỏ lửng vợ năm tháng (Điều 308), khi con rể mắng nhiếc bố mẹ vợ (Điều 333). Còn với người chồng, chỉ có bảy trường hợp được ly hôn vợ (còn gọi là thất xuất): không con, ghen tuông, ác tật (mắc các bệnh như phong, hủi), dâm đãng, không kính cha mẹ chồng, lắm lời, trộm cắp (Điều 310). Bộ luật này được nhiều chuyên gia đánh giá là hoàn thiện nhất trong lịch sử nhà nước pháp luật phong kiến Việt Nam 4, nhưng dĩ nhiên do giới hạn của thời đại, nó không thể vượt qua sự bất bình đẳng giới khi đặt nặng gánh nặng duy trì hôn nhân vào phụ nữ. Những bộ luật về sau này hầu như không thay đổi. Bộ luật phong kiến cuối cùng là Hoàng Việt luật lệ giữ nguyên quy định cho phép người chồng được ly hôn nếu người vợ phạm vào thất xuất. Ly hôn, dưới lăng kính pháp luật, là việc “đặng chẳng đừng”, chỉ xảy ra khi phạm phải những điều kiện ngặt nghèo mà xã hội không thể tha thứ. 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, kỳ vọng này vẫn được thể hiện đậm nét thông qua mức độ phức tạp của các điều kiện để “ly hôn”. Pháp luật các quốc gia có nhiều cách thức để quy định về ly hôn, trong đó có hệ thống quy định dựa trên lỗi (fault divorce) và không dựa trên lỗi (no fault). Đối với các quốc gia theo quy định ly hôn dựa trên lỗi (fault divorce), khi quy định các căn cứ ly hôn, thường sẽ có hai nhóm căn cứ chính, bao gồm:

– Hành vi vi phạm nghiêm trọng: Ví dụ như bạo lực gia đình, hoặc rời bỏ mà không có lý do.

– Không thể hòa giải: Quan hệ cả hai bên không thể hòa giải dù đã có các biện pháp trung gian.

Hôn nhân có thể tan vỡ, và có thể vì muôn vàn lí do mà không nhất thiết phải là “lỗi” của ai. Ảnh: Adobe Stock

Án lệ Owens v Owens [2018] UKSC 41 là một điển hình của luật pháp các quốc gia theo chế độ fault divorce. Án lệ này xét xử vụ án tại Tòa án Tối cao Vương quốc Anh liên quan đến việc ly hôn giữa ông Hugh John Owens và bà Tini Owens, kết hôn từ năm 1978. Bà Owens đã nộp đơn xin ly hôn vào tháng 5 năm 2015 với lý do hôn nhân đã đổ vỡ không thể cứu vãn và hành vi của chồng khiến bà không thể tiếp tục chung sống. Thực ra bà đã cân nhắc việc này từ năm 2012, thậm chí ngoại tình trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 8 năm 2013. Mối quan hệ này bị ông Owens phát hiện. Bà sau đó đã bỏ đi vào tháng 2 năm 2015.  Tuy nhiên, ông Owens phản đối đơn ly hôn này. Tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán Tolson nhận định rằng các ví dụ về hành vi của ông Owens do bà Owens đưa ra là “yếu ớt”, bị “phóng đại” và không đủ nghiêm trọng để kết luận rằng bà không thể tiếp tục sống chung với ông. Do đó, đơn ly hôn của bà Owens bị bác bỏ. Quyết định này sau đó được Tòa phúc thẩm và Tòa án Tối cao giữ nguyên.

Tòa án Tối cao không thể chấp nhận đơn ly hôn của bà Owens vì cho rằng quyết định của họ dựa trên Đạo luật Nguyên nhân Hôn nhân năm 1973 (Matrimonial Causes Act 1973). Luật này yêu cầu nguyên đơn phải chứng minh rằng hành vi của bị đơn đủ nghiêm trọng để khiến người bình thường không thể tiếp tục chung sống. Trong trường hợp này, hành vi của ông Owens được Tòa nhận định rằng không đạt đến mức đó. Trên thế giới, đại đa số các quốc gia vẫn duy trì hệ thống ly hôn dựa trên lỗi. Điều này đồng thời thể hiện kỳ vọng của các nhà làm luật vào việc tạo điều kiện tối đa để hạn chế ly hôn, từ đó tiếp tục duy trì một tình yêu “vô điều kiện”, trong đó các điều kiện để duy trì nó đã kết thúc nhưng thứ quan hệ này vẫn cần được tiếp tục nuôi dưỡng để hai người có thể tìm ra cách thức nối dài nó. Tại Việt Nam, hôn nhân là một trong những mối quen có giá trị quan trọng hàng đầu của người dân5, pháp luật hôn nhân và gia đình đặt các chủ thể vào vị trí phải luôn cân nhắc đến lợi ích của gia đình bên cạnh nhu cầu thỏa mãn lợi ích riêng của mình. Quan hệ hôn nhân vì thế được kỳ vọng sẽ tồn tại bền vững, lâu dài và một trong những chức năng của pháp luật về Hôn nhân & Gia đình đó là “kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình.” 6 Quan điểm này liệu có thể tồn tại trong điều kiện của đời sống thế tục và tự do như ngày nay không? 


Từ góc độ pháp lý, mối quan hệ cha mẹ và con cái, như quan điểm của Soble, có nhiều nét tương đồng với “tình yêu vô điều kiện” hơn cả mối quan hệ vợ chồng.

Ly hôn không dựa trên lỗi?

Cột mốc của Án lệ Owens v Owens [2018] UKSC 41 không chỉ dừng lại ở việc mô tả đặc điểm của một hệ thống ly hôn dựa trên lỗi. Vụ án đã làm nổi bật những hạn chế của hệ thống này, đặc biệt trong các trường hợp mà cả hai bên đều đồng ý rằng hôn nhân đã tan vỡ, nhưng lại thiếu bằng chứng pháp lý cụ thể để hỗ trợ yêu cầu ly hôn. Tòa án Tối cao của Anh đã thể hiện sự tiếc nuối với phán quyết vì họ hiểu rằng việc duy trì cuộc hôn nhân của hai người đã trở nên vô nghĩa, tuy nhiên, khuôn khổ pháp luật chỉ cho phép họ quyết định như vậy. Án lệ này đã tạo động lực thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Ly hôn, Giải thể và Ly thân năm 2020 (Divorce, Dissolution and Separation Act 2020), cho phép ly hôn mà không cần chứng minh lỗi của bên nào, đưa ra cơ chế ly hôn “không dựa trên lỗi” tại Anh và xứ Wales từ năm 2022. 

Dưới góc độ triết học, triết gia người Mỹ, Alan Soble, từng thách thức việc lý tưởng hóa tình yêu vô điều kiện bằng cách khám phá nền tảng triết học và những tác động thực tế của nó. Ông cho rằng, loài người nên thừa nhận rằng trong tình yêu, cần có các điều kiện nhất định để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh và viên mãn. Nhưng điều kiện đó là gì thì phụ thuộc vào vô vàn biến số, từ niềm tin tôn giáo, chính trị, văn hóa, gia đình cho tới hiểu biết, lối sống, tính cách của từng con người. Những điều kiện duy trì một cuộc hôn nhân tốt đẹp của người này chưa chắc đã đúng với người khác. Và kể cả hai chủ thể có tâm đầu ý hợp trên mọi khía cạnh, điều kiện hoàn hảo đó chắc gì đã vững vàng qua sự khắc nghiệt của thời gian?  

Nếu có một thứ gần với “tình yêu vô điều kiện”, được cả xã hội lẫn pháp luật đều đồng thuận có lẽ là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Quy phạm pháp luật dù không bảo vệ hôn nhân bằng mọi giá, nhưng có nên quá khắt khe với việc ly hôn? Tình yêu vô điều kiện có thể đẹp đẽ trong mộng tưởng, nhưng lại trở nên bức bối dưới các quan điểm tự do của xã hội đương đại. Cần phải chấp nhận một sự thật rằng, trong đời sống thế tục, hôn nhân có thể tan vỡ, và có thể vì muôn vàn lí do mà không nhất thiết phải là “lỗi” của ai. Chấm dứt một cuộc hôn nhân, đơn giản vì hai người không muốn hay không thể ở bên nhau đôi khi lại có lợi cho tất cả các chủ thể. Nhìn vào thực tế, tỷ lệ ly hôn ở các quốc gia có kinh tế phát triển và có học vấn cao có xu hướng cao hơn các quốc gia khác.7 Chính vì khả năng nhận thức ngày càng tốt, nên các chủ thể càng dễ dàng cảm nhận được một cuộc hôn nhân không thành công, ngăn nó trở thành một mối quan hệ có xu hướng độc hại. 

Có hay không một tình yêu vô điều kiện? 

Nếu có một thứ gì gần với tình yêu vô điều kiện mà cả xã hội đương đại lẫn pháp luật đều đồng thuận, đó có lẽ là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. 

Quan hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ hình thành một cách tự nhiên bằng con đường huyết thống thông qua sự kiện sinh đẻ. Các hệ thống pháp luật mặc định rằng con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ và chồng, từ đó phát sinh nghĩa vụ của hai chủ thể này với người con. Nếu có bằng chứng khách quan cho thấy người con không có liên hệ huyết thống với mình, người cha hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan của người cha (trong trường hợp con sinh ra sau khi ly hôn) phải chứng minh. Do đó, sự gắn bó tình cảm và mối liên hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ là quy luật tự nhiên, có tính bền vững bất biến bởi nguồn gốc huyết thống, vì vậy, quan hệ huyết thống tự nhiên không thể chấm dứt theo ý chí chủ quan của con người. Pháp luật cũng không thể định đoạt việc chấm dứt quan hệ huyết thống vì điều đó trái với lẽ tự nhiên. Nói cách khác, quyền và nghĩa vụ có thể bị tác động bởi pháp luật, nhưng quan hệ cha mẹ – con cái sẽ luôn được ghi nhận nếu có liên kết huyết thống.

Một minh chứng rõ ràng nhất đó là khả năng chấm dứt quyền làm cha mẹ theo quy định của phần lớn các quốc gia trên thế giới được quy định một cách hạn chế cả về khả năng lẫn điều kiện thực thi. Ví dụ, tại Mỹ, tất cả 50 bang và Đặc khu Columbia chỉ cho phép chấm dứt quyền làm cha mẹ trong những trường hợp rất cực đoan như khi có hành vi lạm dụng, bỏ rơi, hoặc ngược đãi. 8 Nhiều quốc gia châu Âu, dù ưu tiên phúc lợi của trẻ em, không cho phép chấm dứt hoàn toàn quyền làm cha mẹ. Thay vào đó, các quốc gia này thường áp dụng biện pháp hạn chế hoặc chấm dứt trách nhiệm của cha mẹ mà không cắt đứt hoàn toàn tư cách cha mẹ và con cái. 9 

Thậm chí, với các quốc gia đồng văn khu vực Đông Á, không có quy định về việc xóa hay chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con. Và khác với mối quan hệ vợ – chồng với những nghĩa vụ hầu hết dựa trên tinh thần tự nguyện, nghĩa vụ giữa cha mẹ với con cái là bắt buộc trong quy phạm pháp luật. Cha mẹ và con cái có một mối quan hệ ràng buộc và lâu dài trong suốt cuộc đời thông qua nghĩa vụ cấp dưỡng. Điều này càng được tô đậm trong những hoàn cảnh nhất định: Cụ thể, cha mẹ còn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái khi con đã thành niên “không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” 10 – và con cái phải chăm sóc cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ “ốm đau, già yếu, khuyết tật”11

Vậy nên, có thể nói, từ góc độ pháp lý, mối quan hệ cha mẹ và con cái, như quan điểm của Soble, có nhiều nét tương đồng với “tình yêu vô điều kiện” hơn cả mối quan hệ vợ chồng. Nhưng bản thân Soble và nhiều triết gia khác cũng thách thức cả tính vô điều kiện của sự gắn kết này. Đơn giản bởi, con người thay đổi và tình yêu cũng không đứng yên, cố gò ép cảm xúc của con người với một thứ tình cảm lí tưởng, thiêng liêng và cao cả sẽ chỉ dẫn đến những kỳ vọng khôn kham mà thôi. □

—————————–

1. Carl Rogers (1980) A Way of Being 

2. Carl Rogers (1961) On Becoming a Person 

3.  Khoản 1, điều 19, Luật Hôn nhân Gia đình 2014

4.  Hoàng Thị Kim Quế, Bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong Luật Hồng Đức (Lê Triều Hình Luật) – Tính tiến bộ, nhân văn và giá trị đương đại (2012) 28 Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, 199-200.  

5. Trần Thị Minh Lý, ‘Những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị chính sách’ (Tạp chí Cộng Sản, 6 October 2020) truy cập 26/8/2022. 

6. Khoản 3 điều 4, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

7. DePaulo, B. (2019, February 2). Divorce rates around the world: A love story. Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/living-single/201902/divorce-rates-around-the-world-a-love-story 

8.  FindLaw. (n.d.). Checklist: Grounds for terminating parental rights. Truy cập ngày 23/01/2025, từ https://www.findlaw.com/family/parental-rights-and-liability/checklist-grounds-for-terminating-parental-rights.html

9. The Council of the European Union (2019). Council Regulation 2019/1111. Truy cập ngày 23/01/2025, từ https://eur-lex.europa.eu/legal-content/en/TXT/?uri=CELEX:32019R1111

10. Khoản 1, Điều 71, Luật Hôn nhân Gia đình 2014

11.  Khoản 2, Điều 71, Luật Hôn nhân Gia đình 2014

Bài đăng Tia Sáng số 5/2025

Tác giả

(Visited 350 times, 2 visits today)