Hồn thơ Hồ Xuân Hương ở Việt Nam

Khi đọc lại nữ thi sĩ tài hoa này vào những ngày cuối cùng ở Việt Nam, tôi đã cảm nhận một sự xung đột giữa tôi trước và tôi sau hành trình này. Những nhận định trước đây của tôi về sự khác biệt của đất nước này bốc hơi hết khi chúng chạm vào cảnh trí làm ngẩn ngơ con người và hồn thơ lai láng của Việt Nam. Tôi nhận ra khoảng cách không phải là khác biệt có ý nghĩa lớn lắm.

“Ơ hay, cảnh cũng ưa người nhỉ
Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ”

Cảnh thu – Hồ Xuân Hương.

Bảy tháng trước khi đặt chân lên đất Việt Nam, một giáo sư ý tứ đưa tôi một quyển thơ. Thoạt đầu tôi chẳng biết làm gì với món quà của thầy; một cuộc du hành qua một đất nước mà mấy chục năm trước chúng tôi đã đối đầu trong chiến tranh, và một bài học lịch sử khái quát qua lăng kính thơ ca, nghệ thuật mà tôi yêu thích nhứt. Thầy biết rõ tác phẩm của Hồ Xuân Hương và cam đoan với tôi Việt Nam là một xứ sở thơ ca hơn là một địa danh của cuộc chiến đã thuộc về lịch sử. Tôi còn nhớ cảm giác không an tâm lắm về cuộc phiêu lưu này. Tôi mang bản dịch tập thơ Hồ Xuân Hương về nhà trong mùa hè, lần giở qua các trang sách để tìm hiểu Việt Nam.

Cuối cùng khi tôi tự mình hòa nhập vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi cố gắng tập trung vào sự khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ. Mỗi khi quẹo qua những góc phố, lách đi giữa đám xe gắn máy và mỉm cười với những những người bán hàng thân thiện trên lề đường, tôi thu thập chất liệu thơ ca cho mình. Tôi muốn hiểu cái gì khơi dậy cảm hứng thơ ca ở Việt Nam, ngoài những nguồn cảm hứng thông thường giống những nơi khác, để tôi có thể hiểu được văn học Việt Nam độc đáo như thế nào. Tôi cố gắng lắp ráp những mẩu kinh nghiệm với nhau để có câu trả lời. Dù vậy sau mấy tuần lễ lời giải đáp vẫn chưa có.
Trong một quán café giữa công viên tôi đã gặp một nhóm nhà thơ nữ: Trầm Hương, Nguyệt Phạm, Trần Lê Sơn Ý, và Lý Lan. Trong lúc café nhỏ từng giọt vào tách, chúng tôi trò chuyện về tinh thần Hồ Xuân Hương, về bản chất phản kháng của nhà thơ nữ này và ảnh hưởng của bà đối với những nhà thơ nữ Việt Nam đương đại. Tò mò về tác phẩm của từng tác giả, tôi đã hỏi những người phụ nữ ngồi quanh là họ viết cái gì. Tôi không bao giờ quên hình ảnh Trầm Hương đưa hai tay ấp lên ngực, nói “Chúng ta đều gặp nhau ở chỗ này.” Tôi mỉm cười với bà, bắt đầu nhận ra những lỗ hổng trong bài nghiên cứu hôm nay của tôi. Điều bà nói không phải là một quan điểm rằng văn hóa Việt Nam khác biệt tất cả. Bà cho rằng thơ đem người ta khắp nơi xích lại gần nhau.

Khi bài nghiên cứu đi tới kết thúc cũng là lúc hành trình qua Việt Nam của tôi gần chấm dứt. Mặc dù tôi đã tiêu hóa nhiều thông tin hơn là khả năng hấp thu, tôi vẫn muốn tranh thủ cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà thơ Lý Lan. Tôi ngồi cạnh bà trên chuyến xe đò chạy qua những cánh đồng mênh mông của đồng bằng sông Cửu Long. Bà nhìn ra cửa sổ xe, đang chìm đắm trong suy tư khi tôi hỏi thơ có ý nghĩa gì đối với bà.

Bà nói ngay, một cách đơn giản: “Thơ không chỉ là câu chữ có vần để đọc êm tai, hay bài ca ngâm hát, hay lời kinh tu tâm. Thơ là cách ta mở lòng ra để cảm thông với đất trời.”
 Tôi nói với bà rằng tôi vẫn cảm thấy lạ về thơ dịch, đặc biệt bản tiếng Anh thơ Hồ Xuân Hương do John Balaban, một người đàn ông Mỹ dịch. Làm sao ông ta có thể chuyển được thần hồn của thơ Hồ Xuân Hương từ bản ngữ sang tiếng Anh? Liệu từng câu chữ có bị tước bỏ hoàn toàn ý nghĩa thâm thúy về mặt văn hóa và giới tính? Bà giải thích, ví von nước sông Cửu Long bao la là tập hợp dòng chảy của vô số suối khe kênh rạch sông nhỏ chảy qua nhiều vùng lãnh thổ để ra biển lớn, hồn thơ là tập hợp hòa quyện của mọi nguồn đời sống. Nghệ thuật do vậy không thể khuôn hạn trong biên giới quốc gia, cũng không có ranh giới giữa đàn ông và đàn bà. Về hình thức thơ (viết bằng một ngôn ngữ nhất định) có vẻ như tài sản riêng của một nhóm người (sử dụng ngôn ngữ đó), nhưng hồn thơ thâm nhập và lay động lòng người bằng những giá trị nhân văn phổ biến trong cảm xúc và trải nghiệm của mọi người.

 Tôi đã xem lại quyển thơ Hồ Xuân Hương. Chữ nghĩa của nhà thơ bật sáng lên hồn thơ mà tôi cảm thấy trong chính bản thân mình. Khi đọc lại nữ thi sĩ tài hoa này vào những ngày cuối cùng ở Việt Nam, tôi đã cảm nhận một sự xung đột giữa tôi trước và tôi sau hành trình này. Những nhận định trước đây của tôi về sự khác biệt của đất nước này bốc hơi hết khi chúng chạm vào cảnh trí làm ngẩn ngơ con người và hồn thơ lai láng của Việt Nam. Tôi nhận ra khoảng cách không là khác biệt có ý nghĩa lớn lắm.
Tôi trở về Mỹ với một cõi lòng nằng nặng, định tâm với niềm cảm hứng vô tận sẽ chuyển giải đáp tôi tìm được ở Việt Nam vào thơ ca của mình. Mặc dù giờ đây tôi chỉ còn lại những ảnh chụp và nhật ký những ngày còn ở đó, Việt Nam vẫn phảng phất quanh tôi.

Cảm ơn các bạn đã cho tôi một hành trình qua một quê hương xinh đẹp.

Lý Lan dịch

* Nhà thơ trẻ và sinh viên Khoa Ngữ văn Anh, Đại học Western Washington, Mỹ.

 

Tác giả

(Visited 36 times, 1 visits today)