Hồn thu thảo và bước chuyển mình của thư pháp Việt Nam

Một Nguyễn Quang Duy, Lê Trung Kiên cứng cáp, chân chất trong lối chữ Khải. Một Vũ Thanh Tùng, Nguyễn Trung Hoàng Long, Nguyễn Đức Dũng thanh tú, mỹ lệ trong lối chữ Hành. Một Trần Trọng Dương thanh thoát, bay bổng trong lối chữ Thảo. Một Nguyễn Quang Thắng nghiêm cẩn, rắn rỏi trong lối chữ Triện, Lệ...

Triển lãm “Hồn thu thảo” đã thực sự là bức tranh đa dạng, đa sắc màu về thư pháp chữ Nôm trong sự chuyển dịch của 5 thể chữ và dưới bút pháp sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của các thư pháp gia trẻ kể trên. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 10 thế kỷ của thư pháp nước nhà, chữ Nôm mới được lột xác, được khoác những chiếc áo cánh mới mẻ và đã đem đến cho người xem những cảm nhận ban đầu thú vị về loại văn tự duy nhất do chính người Việt sáng tạo ra.

 
“Mây giăng ải Bắc” – Nguyễn Quang Duy

Mượn tứ thơ của Bà huyện Thanh Quan, “Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương”, triển lãm tại Văn Miếu chính là gợi nhắc người xem về một thời vàng son, vang bóng của chữ Nôm. Cùng dòng chảy mãnh liệt của lịch sử, chữ quốc ngữ lên ngôi khiến sản phẩm cha ông ta sáng tạo ra, mang đậm dân tộc tính ngày nay chỉ còn là những tàn dư rơi rớt lại. Bởi vậy, phảng phất phong vị cổ điển mà vẫn mang đậm hơi hướng hiện đại là đặc trưng nổi bật của triển lãm. Cổ điển trong việc khai thác, giới thiệu kho tàng văn học quốc âm của dân tộc. Các tác phẩm chữ Nôm truyền thống của văn học Việt Nam như thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… đã được viết lại trên giấy điều, giấy dó, mực tàu, bút lông trong những đường nét uyển chuyển, biến hóa. Đồng thời với đó là việc dùng chữ Nôm để ghi chép lại văn học hiện đại qua thơ Hoàng Cầm, thơ Vũ Đình Liên, hay có khi đơn giản chỉ là những ca từ quen thuộc trong ca khúc của Phú Quang, Trịnh Công Sơn… Tất cả đã tạo thành cái nhìn đa chiều giữa cổ – kim, kỹ pháp – mặc pháp, quá khứ – hiện tại, giữa ngàn năm – hôm nay, giữa truyền thống – cách tân.
Sau cuộc hồi sinh của thư pháp quãng 15 năm trở lại đây, đến “Hồn thu thảo”, thư pháp Việt Nam mới thực sự chuyển mình. Các tác giả trẻ Trần Trọng Dương, Nguyễn Quang Thắng đã dũng cảm đưa thư pháp Việt Nam vào sự trải nghiệm của thư pháp Thiền (Zen) của Nhật Bản và thư pháp Tiền vệ (avantgarde) của Trung Hoa. Với bố cục lỏng, không có trọng tâm, cách viết tràn bo, không còn gói gọn trong khối vuông mà người ta vẫn quen nhìn, quen nghĩ về chữ Hán, chữ Nôm, những bức thư họa của triển lãm đã gây được những ấn tượng thị giác 

mạnh mẽ cho khán giả. Bức “lộp bộp tàu tiêu”, lấy nguyên văn chữ Hán “ba tiêu thính vũ”, được thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu dịch ra Việt văn: “Cách song đêm biết mưa sa/ Tiếng nghe lộp bộp chăng là tàu tiêu”, qua nét bút của Trần Trọng Dương là một sáng tạo độc đáo. Các bộ thảo đầu được viết chụm lại như những tàu chuối, mực điểm và chảy suốt bức viết tràn ra bốn phía đêm đen, các khoảng đen trắng chiếm chỗ và buông thả. Hay như bức “mây giăng ải Bắc” của Nguyễn Quang Duy. Các khoảng đen tràn lan bốn phía, bưng bít và đen đặc, các mảng trắng hiếm hoi và yếu thế càng làm cho màu đen thêm dữ dội hơn. Đó là sự nín nhịn đến ngạt thở của cơn giông đang nghén trận nơi biên ải xa xôi. Cùng nằm trong chùm thư pháp gây ấn tượng thị giác là bức “bóng tịch dương”. Ba chữ “bóng tịch dương” viết theo lối chữ Triện ở một phần tư bức tranh, bao quanh chữ Nhật. Phần còn lại của bức tranh là những dấu triện, ấn chương đỏ đen đan xen xa dần xa dần tạo cảm giác bóng chiều le lói, sắp tắt của ngày tàn.

 
“Lộp bộp tàu tiêu” –Trần Trọng Dương

Có thể nói, thành công của triển lãm không chỉ kéo gần người xem trong những ấn tượng thị giác mà còn là sự thể hiện của những cái tôi đầy sáng tạo và dám dũng cảm cách tân. Triển lãm vì thế còn nhằm giới thiệu thế hệ thư pháp trẻ với những bút pháp, phong cách cá tính riêng của mình. Triển lãm gợi mở hướng đi mới cho thư pháp Việt Nam, theo Lê Quốc Việt, đó là thư pháp salon, bên cạnh thư pháp bình dân, thư pháp miếu đường đang ngày càng mai một, mất chỗ đứng. Thư pháp salon mang dáng dấp, hơi thở của cuộc sống để đến gần và hòa nhập với người xem, đồng thời qua đó thể hiện được bản ngã của người sáng tạo. Hơn nữa, cùng là để hòa nhập vào xu thế mĩ học chung của khu vực với hai đại gia tiêu biểu là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thư pháp gia Lê Quốc Việt:

Có thể chia thư pháp Việt Nam thành 2 loại: Thư pháp Hán và thư pháp quốc ngữ. Thư pháp quốc ngữ chủ yếu ở Miền Nam, chiếm 99%. Trong thư pháp Hán tạm chia ra 3 loại: (1) Thư pháp miếu đường gắn với di tích, tôn giáo, tín ngưỡng, mang tính tưởng niệm, thờ cúng, (2) Thư pháp bình dân, thư pháp vỉa hè, với hình ảnh những ông đồ ngồi viết những chữ bình dị, quen thuộc, đơn giản, kiếm năm xu ba hào.Tính học thuật của nó không cao nhưng chiếm tỉ trọng lớn, tạo được thị trường, đi vào đời sống nhân dân. (3) Thư pháp salon, dành cho tầng lớp trí thức, hàn lâm, người hiểu biết, loại này chiếm rất ít.


Thư pháp gia Trần Trọng Dương:

Những người theo trường phái cổ điển có những nguyên lý mỹ học của riêng mình: viết đúng như người xưa, tập theo đúng pháp thiếp cổ, chữ nghĩa rõ ràng, sâu kín, văn chương uyên bác thâm trầm, điển cố sâu xa hóc hiểm, chương pháp nghiêm cẩn kín kẽ. Lần đầu tiên những quan niệm cố hữu về mỹ học thư pháp được cởi mở phóng khoáng. Thư pháp Tiền vệ buông bỏ và phá vỡ những nguyên lý cũ: Các đường nét, điều tuyến bị đưa xuống hàng thứ yếu, người ta phá vỡ không gian thể hiện, mực tràn khung giấy như muốn tung phá mọi khuôn khổ và giới hạn tù túng của những khuôn phép cũ. Và lần đầu tiên, những tư tưởng của phái trừu tượng thâm nhập vào lĩnh vực cổ điển này.
 

Hạnh Thúy

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)