Hương Giang siêu thực

Có một lần trong muôn một tôi đã bắt gặp sông Hương trong ý niệm tột cùng của một dòng sông. Từ đó nỗi xao xuyến trở về không còn khắc khoải cho người đi xa. Từ đó ước ao chua xót được về lại một lần bên bến cũ bỗng êm ả như giọt nắng cuối vừa lịm cùng bóng núi âm thầm trên dòng nước ngừng trôi...

Và từ ấy sông Hương đã thôi không xoáy chảy nơi khúc quanh Linh Mụ mà chảy vào tâm thức như một dòng hoài mãi chảy đi nhưng vẫn còn như đứng đó đợi chờ ai…
Lần ấy tôi đã bắt gặp sự sâu thẳm của dòng sông tên là Hương Giang, có lẽ cường điệu lắm nhưng vẫn cứ cường điệu để nói lên điều này về một dòng sông: tôi dám quả quyết không có một con sông thứ hai trên cõi đời này có thể có được điều mà tôi gọi là ý niệm siêu hình sông Hương.
Ấy là sự huyền diệu của dòng nước trong veo, “trong vắt” đến nỗi con sông phản chiếu hình ảnh cảnh đời thế gian còn rõ nét hơn mắt trần chúng ta nhìn cuộc đời. Nó “trong veo” đến “rứa”. “Trong” đến đỗi có thể sửa chốn trần bụi bặm thành trinh nguyên, rách nát thành lành lặn, khiếm khuyết thành toàn vẹn.  Nhìn là “thấy” sâu vào cõi lòng, không một thoáng hoài nghi.
Tấm lòng Hương Giang ở trên mọi cõi lòng. Xin đừng hỏi bên nào thực bên nào hư. Cũng đừng thắc mắc có thực ngoài đời hay chỉ là ảo trong hình. Thực- hư, ảo- thiệt? Đừng phân tích mà cũng chẳng nên biết, biết làm chi rồi đi đến kết luận bi quan là hình bóng đẹp hơn cuộc đời gió cát, cõi mộng đẹp hơn trần ai, ảo ảnh huy hoàng mà thực tại thì nghèo nàn tội nghiệp. Chỉ cần nắm bắt trong khoảnh khắc duy nhất giữa hai điểm đang trôi một hình ảnh bất chợt hầu dừng lại hầu đã đi xa, để thấy diệu dụng của “lòng” sông, để cảm được con sông ấy nuôi trong lòng nó cái gì.
Cái gì ấy là sự trong veo, là không gì cả, vì thế mà dùng chữ “ý niệm siêu hình” để chỉ “Ý” của sông, để chỉ tấm lòng của dòng sông, vẫn mãi hoài lưu ly trong nước chảy, vẫn ôm cả khối tình nước non qua bao mải miết theo dòng…  
Đã hẳn ở đâu trên địa cầu cũng có sông, có nước trong nước đục, nhưng sự trong veo của sông Hương thì chỉ có một mình sông Hương.
Tại sao? chỉ tại “bờ sông”!
 Nếu bờ sông không phải là bờ sông ấy, thì sông Hương không phải là dòng sông Hương. Bờ sông là hình tướng của sông Hương, như Huế mà không có bóng dáng thướt tha của cô gái Huế thì Huế không còn là Huế. Tâm cảnh dòng sông là dáng núi đứng nhìn sông, là mây bay sà xuống lưng chừng trên sông, là màu xanh huyền hoặc của núi ảo hóa lòng sông, là Mặt trời sáng trưa chiều tối chiếu lên ngọn núi ẩn hiện lao xao sóng nước, là con đường đất đơn sơ tội nghiệp men bờ, là hiu hắt bờ nọ ngóng bờ tê trong bóng núi… Vì thế không hai, không rời nhau, khăng khít giải đồng. Cho nên sông trở nên duy nhất mang hình ảnh cuộc đời cát bụi trong sự “thủy chung” của tấm lòng sông nước.
Không có con sông thứ hai trong khoảnh khắc bất chợt lại hiến dâng cho cái nhìn trọn vẹn nét thực mà như không thực, nét có mà như chẳng có, và nét không thực lại là quá thực và nét chẳng có lại dường như thật là quá có, như dòng Hương Giang.
Cho nên Hương Giang siêu hình, bởi vì Hương Giang mang trong lòng mình từ buổi ban sơ điều kiện tiên thiên cho sự hình thành “thủy chung” của một dòng sông không quên Bờ, của một con sông nhớ bờ mình đã đi qua bằng một tấm lòng “minh kính” không cát bụi.
Hương Giang trôi chảy luyến lưu, bỏ đi dừng lại, vô ý vô niệm trong mênh mang của sông nước, trời mây, núi đồi.
Vô niệm của tâm thức Huế là dòng Hương Giang!

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)