Hướng về vui sống
Quá khứ thật là quí báu khi nó là một tổng thể những sự thật giản dị, làm nên những bài học đắt giá cho hành trình tiếp đến của cuộc sống. Nhưng khi các sự kiện của quá khứ được thêu dệt, được huyền thoại hóa, chúng trở thành những bài học giả, chúng làm cho chúng ta hoa mắt, lầm lẫn, làm chúng ta học sai, làm chúng ta an tâm lặp đi lặp lại không chán những sai lạc đắt giá.
***
Mỗi ai đã đặt chân lên mảnh đất Á Đông đều sớm nhận ra rằng: cái chết nằm trong tọa độ căn bản của việc tôn thờ.
Trong một gia đình, một khi ai đã chết, bất kể họ có một bảng thành tích hay, hoặc dở ra sao, đều được “sạch hóa”, “linh thiêng hóa”, được “phong thánh” – dù là ở hạng áp chót. Vua chúa thì mơ giấc mơ cổ truyền sẽ có được lăng mộ thật lớn lao, còn quan và dân thì tùy theo túi tiền cùng sức ảnh hưởng của mình mà mở cuộc cạnh tranh cho tương lai mồ yên mả đẹp, nhà thờ lớn hoặc nhỏ.
Việc thờ cái chết đi rất xa, với đủ các lễ lạt. Đã chết rồi, lại còn phải cầu siêu, đều đặn nhiều lần, nếu không thì “linh hồn của người đã chết sẽ không chịu chết hẳn, cứ quẩn quanh ở nhà”. Tu tập thì phải thấu dừ kĩ, đến mức làm sao thoát được khỏi bị sinh ra trở lại ở đời. Bạn cứ nghĩ cho thật kĩ đi, sự sống quả thực là bị hạ nhục. Cái chết đã trở thành mục đích của sự sống.
Từ lối nhìn này về cuộc sống, con người bị kéo lùi mãi mãi về quá khứ, lấy quá khứ làm chuẩn mực, làm thước đo, làm chân lý, làm thứ thần linh hù dọa. Con người bị tê liệt, sống mòn chờ ngày “hiển thánh”. Sống dầu đèn, chết kèn trống. Cái chết đã được tôn lên thành ra ý nghĩa, thành lý tưởng của cuộc sống. Vì quá khứ quan trọng đến như thế, người ta sẽ có xu hướng tắm rửa, thêu dệt, huyền thoại hóa cái quá khứ, cái quá khứ của mỗi người, của mỗi nhà, của mỗi dòng họ, của mỗi làng xóm, của mỗi cộng đồng. Người ta lầm lạc việc tôn trọng người đã chết với việc phong thánh cho họ.
Những câu chuyện như thế này: bất tận.
***
Câu chuyện này đối với riêng tôi thì chả có gì là quan trọng quá. Tôi là hạt bụi, hơn thế nữa, tôi có ý thức để trở thành hạt bụi ngày càng khiêm tốn hơn, trong cuộc sống này.
Nhưng nếu như cả một xã hội, hoặc một phần lớn xã hội chuyển đổi chuẩn mực, đổi việc tôn thờ cái chết thành tôn thờ sự sống, thì đó lại là một bước ngoặt vĩ đại trong đời sống của con người. Khi ấy, chúng ta sẽ biết quí trọng nhau hơn trong bản thân cuộc đời này, từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ.
Khi ấy, chúng ta sẽ thành thực với nhau hơn, thay vì say sưa đem người đã chết ra dọa nhau, dọa từ lý trí đến dọa đức hạnh. Khi ấy, các “chân lý vĩnh cửu” sẽ tự lỉnh đi, vì chúng không còn nấp được đằng sau những thần linh của cái chết.
Khi ấy, những người thân đã chết sẽ “gần gụi” với chúng ta hơn, vẫn như thường khi trong cuộc đời, chừng nào thiên nhiên còn cho chúng ta biết nhớ đến họ một cách mộc mạc, thật thà.
Cuộc sống hướng về vui sống là một cuộc sống đối lập với cuộc sống hướng về sầu thảm bi lụy. Tất cả các chuẩn mực tinh thần khi đó sẽ dần dà được sắp xếp lại vì sự tiến hóa, con người sẽ trở nên giản dị, thành thật, năng động, sáng tạo, lạc quan, kiến thiết.
Anh bạn giục mở chai rượu quà của mình, với chút ưu tư “nhưng mà nhiều người muốn giữ tục xưa…”
Hướng về vui sống là cuộc xoay chuyển tọa độ hướng đích. Sự rộng lòng trong tinh thần của mỗi người, của cộng đồng có ý nghĩa nền tảng, và phải được khẳng định thành nguyên tắc của đời sống. Ai muốn giữ tục xưa thì họ vẫn tiếp tục, không ai ép họ, nhưng họ phải thôi dùng bạo lực tinh thần để ngăn cản những ai khác muốn kiến thiết và xác lập đời sống riêng tư và hội đoàn khác đi. Sống, nhìn suốt chiều dài lịch sử, rốt cuộc vẫn là lựa chọn, tuy rằng có thể đã hơi quá lạm tốn thời gian. Con người, mỗi người và mỗi nhóm người, phải tự sáng tạo ra chính mình, để trở thành con người. Không có cách nào khác. Chính vì thế mà loài khỉ cổ đại tổ tiên của chúng ta đã thôi là loài khỉ, và chúng ta phải biết ơn họ, biết ơn bằng việc sẽ đi tiếp được con đường tiến hóa của họ.
***
Anh bạn ngả người, vui vẻ “nào ông bạn, vui Tết sắp về nào. Tôi xin nâng cốc cho một đời sống hướng về vui sống!”.