Huyền thoại Vikings: Valhalla: Soi chiếu một lịch sử đa diện
Chúng ta hiểu gì về người Viking, ngoài hình ảnh những chiến binh da trắng hiếu chiến, hung bạo, say đắm những cuộc trường chinh? Loạt phim mới Huyền thoại Vikings: Valhalla có thể sẽ cung cấp cho chúng ta những cái nhìn mới.
Harald Hardrada được coi là vị vua vĩ đại trong lịch sử Na Uy. Nguồn: twitter.com/historyofviking/
Harald Hardrada có lẽ là người Viking thú vị nhất trong lịch sử. Nếu tưởng tượng thời đại Viking thế kỷ 11 như một vòng tròn trải dài bốn lục địa thì Harald đích thân đi ít nhất hai phần ba chu vi của vòng tròn đó. Vị vua Na Uy này đã đi thuyền từ quê nhà đến Kiev, đến Constantinople, đến Sicily rồi vòng lại trước khi tử trận trong cuộc chiến xâm lược nước Anh vào năm 1066. (Vua Anh Harold Godwinson đã đánh bại quân của Harald, nhưng chỉ vài tuần sau đó ông lại bại trận trước William – công tước xứ Normandy – hậu duệ của người Viking).
Dấu vết của những cuộc chiến này đã được lưu lại trong nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy khác nhau, đủ phong phú để làm chất liệu cho bất kỳ tác phẩm dã sử nào – mà loạt phim mới của Netflix mang tên Huyền thoại Vikings: Valhalla là ví dụ điển hình. Bộ phim xoay quanh cuộc đời của Harald (Leo Suter thủ vai), ông đã kết thân với nhà thám hiểm người Bắc Âu Leif Erikson (Sam Corlett) và sa vào lưới tình với em gái Leif, Freydís Eiríksdóttir (Frida Gustavsson). Trên thực tế, sử sách ghi lại Leif đã qua đời khi Harald mới lên 5, còn Freydís gần bằng tuổi anh trai cô, vì vậy kịch bản hoàn toàn là hư cấu. Tuy nhiên, nó đã tạo nên một lối kể chuyện đầy hấp dẫn và sinh động.
Valhalla là phần ngoại truyện của loạt phim gốc Huyền thoại Vikings. Qua sáu mùa, loạt phim Huyền thoại Vikings đã đưa người xem đi từ cuộc đột kích đầu tiên của người Viking vào nước Anh, khi những chiến binh Scandinavia tấn công một tu viện trên đảo Lindisfarne vào năm 793 sau CN, cho đến giai đoạn đầu thế kỷ XIX. Nếu loạt phim gốc hướng đến kể cho người xem câu chuyện về sự hình thành thời đại Viking, thì phần ngoại truyện mới này giới thiệu khoảng thời gian khi kỷ nguyên của người Viking khép lại vào năm 1066. Tên của phần phim – Valhalla – cũng là tên của một trong những lâu đài của Odin trong thần thoại Bắc Âu, nơi ở của những chiến sĩ hy sinh một cách anh dũng ngoài mặt trận.
Cũng giống như loạt phim Huyền thoại Vikings, Valhalla không chỉ là một bộ phim dựa trên bối cảnh lịch sử, mà sâu bên trong nó còn là bộ phim được khơi gợi cảm hứng từ những truyền thuyết của người Scandinavia. Nhóm biên kịch đã ‘nén’ các nhân vật, sự kiện lịch sử, chuyện kể từ nhiều nguồn với những khoảng thời gian khác nhau, vào trong bộ phim để giữ mạch phim luôn dồn dập, kịch tính. Cả loạt phim gốc và phần ngoại truyện đều được hình thành theo cách này. Các chi tiết lịch sử trong phim không hoàn toàn chính xác, tuy nhiên vì nhà sản xuất không cố tình lập lờ đánh lận con đen và giờ đây loạt phim cũng không còn được phát sóng trên Kênh Lịch sử, nên mọi người cũng khó mà hiểu nhầm về tính xác thực của nó.
Quan trọng hơn cả, các phần hay nhất của Valhalla đã đặt những người Scandinavia thời trung cổ vào cái mà Nahir Otaño Gracia, một học giả về văn học thời Trung cổ tại Đại học New Mexico, gọi là “Bắc Đại Tây Dương toàn cầu” — một mạng lưới các nền văn hóa đa dạng, phức tạp và liên kết với nhau, mâu thuẫn với hình ảnh của một thế giới Viking cô lập, toàn người da trắng.
Một lịch sử đầy bất ổn
Ra mắt trên Netflix vào tháng trước, mùa đầu tiên của loạt phim đã đưa người xem trở về nước Anh và Na Uy đầu thế kỷ XI. Tại thời điểm đó, Na Uy về mặt danh nghĩa đã thống nhất dưới quyền một vị vua, nhưng các cuộc nội chiến vẫn diễn ra liên miên, đưa đất nước rơi vào tình trạng bất ổn. Bên cạnh những mối nguy từ bên trong, Na Uy còn bị dồn ép bởi các cuộc xâm lăng của người láng giềng Đan Mạch – vào một số thời điểm từ năm 970 đến 1035, vương quốc này đã giành được quyền kiểm soát Na Uy, cắt cử các quý tộc trong nước thay mặt cai quản.
Một bức vẽ thế kỷ 13 mô tả sự thất bại của Harald trong trận Stamford Bridge vào tháng 9/1066. Nguồn: Wikimedia.
Các cuộc xung đột tôn giáo quy mô nhỏ vẫn diễn ra phổ biến trong khu vực, nhưng chiến tranh tôn giáo lớn tổng thể lại rất hiếm. Trong khi ấy, ở Anh, các vị vua Anglo-Saxon có quyền lực hạn chế đối với tầng lớp quý tộc của vương quốc. Mối quan hệ giữa người Saxon, các cường quốc trong khu vực và những cư dân Đan Mạch trên đảo – những người đã định cư ở vùng lãnh thổ Danelaw trong bối cảnh làn sóng Đan Mạch xâm lược Anh đang diễn ra – không mấy yên ổn.
Trong Valhalla, cuộc chiến bắt đầu bằng sự kiện Harald rời bữa tiệc chia tay ở Anh để gặp người anh trai Olaf (Jóhannes Haukur Jóhannesson) và bắt đầu chiến dịch giành lại vương miện Na Uy từ tay Vua Đan Mạch Cnut (Bradley Freegard). Ngay trong đêm đó, vua Anh Æthelred “the Unready” (Bosco Hogan) đã ra lệnh sát hại người Đan Mạch ở Anh — một sự kiện lịch sử có thật được biết đến với tên gọi Thảm sát ngày St. Brice năm 1002. Có thể cuộc tấn công là cách mà vị vua phản ứng trước các cuộc đột kích của Đan Mạch, tuy nhiên, loạt phim gợi ý rằng Æthelred đang cố gắng “làm sạch” hòn đảo về mặt sắc tộc.
Trước cuộc thảm sát ghê rợn này, phiên bản Cnut trong phim đã tập hợp liên quân Na Uy – Đan Mạch để sẵn sàng cho cuộc xâm lược. Harald đã tạm gác lại những bất đồng giữa mình với Cnut để gia nhập đội quân của vị vua Đan Mạch, sẵn sàng trả thù cho vụ tàn sát. Tình tiết này không chính xác trong thực tế, vì cha của Cnut, Sweyn Forkbeard, mới là người đã trả thù bằng cách xâm lược nước Anh vào năm 1003. (Cnut chỉ lên nắm quyền sau cái chết của Sweyn vào năm 1014, và Harald thậm chí mãi đến năm 1015 mới được sinh ra). Một lần nữa Valhalla đã nén các sự kiện trong quá khứ thành một chuỗi sự kiện hợp lý nhưng không kém phần kịch tính. Phần còn lại người xem có thể dễ dàng đoán được, Cnut về sau sẽ là Cnut Đại đế, người xây dựng nên đế chế hùng mạnh phương Bắc. Olaf sẽ bị giết hại và sau đó được phong thánh, mở đường cho anh trai mình là Harald lên ngôi.
Giữa tiến trình này, các nhà biên kịch đã thêm thắt sự xuất hiện của những người Greenland, bao gồm Leif và Freydís. (Nếu Na Uy là một phần của thế giới Bắc Đại Tây Dương nối kết phong phú, thì Greenland lại rất xa xôi theo tiêu chuẩn của người Viking và không đóng vai trò thực sự nào trong các sự kiện chính trị kịch tính.) Nhóm người Greenland đã đến Na Uy, nơi Cnut đang tập hợp quân sĩ hòng tìm kiếm cơ hội trả thù; sau khi hoàn thành sứ mệnh, Leif gia nhập quân đội của Cnut và kết bạn với Harald, trong khi Freydís quyết định ở lại thành phố cảng Kattegat của Na Uy .
Đây là câu chuyện hư cấu hoàn toàn. Leif sinh ra ở Iceland, lớn lên ở Greenland và – theo truyền thuyết của người Viking – tình cờ đặt chân đến “Vinland” khu vực duyên hải Bắc Mỹ vào khoảng năm 1000. Freydís xuất hiện trong mọi phiên bản chuyện kể về các chuyến đi của người Greenland, cụ thể cô đã tham gia chuyến thám hiểm thứ hai đến Bắc Mỹ sau chuyến đi đầu tiên của người anh trai. Trong một phiên bản, cô đã ra lệnh giết chết các đối thủ của mình, đích thân dùng rìu sát hại những người phụ nữ trong số đó. Ở một dị bản khác, trước cuộc tấn công từ người dân bản địa, cô đã khiến họ sợ hãi khi để ngực trần và vỗ vào ngực bằng sống kiếm, đồng thời chế nhạo những người đàn ông đi cùng vì đã bỏ chạy. (Nếu Valhalla dự định làm phim về hai câu chuyện này, chúng ta có thể chờ đợi các mùa tiếp theo. Hy vọng rằng người xem sẽ được chứng kiến Leif và Freydís đi về phía Tây còn Harald đi đến Constantinople và Sicily).
Bắc Đại Tây Dương Toàn cầu
Toan tính xâm lược của bộ đôi Leif và Harald đã khắc họa rõ nét tính cách điển hình của người Viking: những trận chiến lớn, mưu đồ đâm sau lưng, chính trị và tình dục. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã thổi một luồng gió mới vào loạt phim với sự xuất hiện của nữ diễn viên da màu Caroline Henderson trong vai quý tộc Haakon – nhà cai trị ngoại giáo của Kattegat. (Nhân vật hư cấu này được lấy hình mẫu từ nhà cai trị ngoại giáo có thật trong lịch sử Haakon Sigurdsson). Bản thân thành phố Kattegat được mô tả như một điểm trung chuyển, hay có thể xem là một điểm nút trong mạng lưới thương mại rộng lớn xuyên suốt thế kỷ 11.
“Chúng tôi dựa trên DNA và niềm đam mê dành cho các cuộc viễn chinh của người Viking: Họ đã đến Bắc Phi, châu Á, đủ mọi nơi”, Henderson chia sẻ với tờ Den of Geek. “Rõ ràng họ đã mang về nô lệ và tri thức – nhưng [họ] còn rơi vào lưới tình nữa. Rất có thể, những người da màu là một phần trong cộng đồng Viking. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt khi đưa điều này vào tác phẩm, bởi nó gần với sự thật lịch sử hơn những gì nhiều người trong chúng ta từng biết”.
Trong phim, Haakon được miêu tả là khôn ngoan và có phần khoan dung, cô ấy cai quản một xứ sở đầy phức tạp. Một trong những cảnh quay đầu tiên tại Kattegat khắc họa hình ảnh những người nô lệ thuộc nhiều chủng tộc khác nhau đang bị rao bán trong một khu chợ. Trong cảnh quay khác khi Haakon cùng Freydís đi dạo quanh thành phố, một nhóm thương nhân đa dạng chủng tộc đang bày bán vật phẩm. Ánh mặt trời chiếu xuống những tấm vải nhuộm sặc sỡ, Haakon tâm sự với Freydís về nguồn gốc Scandinavia gốc Phi của mình.
“Thật tình cờ, tôi đã xem cảnh này vào đúng cái ngày Học viện Trung cổ Hoa Kỳ trao giải thưởng cho Otaño Gracia vì đã viết bài báo” Towards a decentered Global North Atlantic: Blackness in Saga af Tristram ok Ísodd” (2019), phân tích quá trình văn học thời Trung cổ hình thành ở Anh và Iceland trong bối cảnh của một thế giới đa sắc tộc, đa chủng tộc và đa tôn giáo: Bắc Đại Tây Dương Toàn cầu. Theo Otaño Gracia, cụm từ này cung cấp một cái nhìn khác về cách người Viking hiểu và “thay đổi qua tương tác” với thế giới rộng lớn hơn.
“Theo tôi hiểu về thời Trung cổ”, cô giải thích, “Bán đảo Iberia, Địa Trung Hải giữ vị trí trung tâm. Phương bắc, nếu họ muốn thể hiện mình vượt ra ngoài phạm vi địa phương, họ buộc phải hiểu mình là một phần của Địa Trung Hải”. Và họ đã làm thế. Thỉnh thoảng, trong tài liệu ghi chép và tác phẩm nghệ thuật của mình, người Viking đã dựa trên trí tưởng tượng và chuyến đi của bản thân để tạo ra mối liên hệ giữa họ và những người sống ở xa. Lần khác, họ tham gia vào cái mà một số người gọi là gọi là “hình thành chủng tộc”, xác định sự khác biệt và biến kẻ thù của họ – đặc biệt là những người thuộc các tôn giáo khác nhau – thành những con quái vật phân biệt chủng tộc hòng biện hộ cho sự bạo lực của mình. Mặc dù Bắc Đại Tây Dương Toàn cầu là một không gian kết nối, nhưng nó khác xa với những quan niệm hiện đại về đa nguyên và chấp nhận.
Trong Valhalla, khi Harald và Leif xâm lược nước Anh, một cuộc chiến tôn giáo giữa những người theo đạo Cơ đốc do Olaf đứng đầu và những người ngoại giáo do Haakon lãnh đạo đã nổ ra ở Scandinavia. Quá trình thay đổi tôn giáo trong khu vực diễn ra chậm chạp, nhưng sự phân chia rạch ròi giữa các tôn giáo mà loạt phim mô tả là điều thiếu căn cứ. Hầu hết, các đức tin chồng lấn lên nhau trong một không gian chung sống giữa những cộng đồng, và mọi thứ dần dần dịch chuyển theo hướng Cơ đốc hóa. Tuy nhiên, bạo lực vẫn có thể nổ ra, đặc biệt khi những người tranh giành ngai vàng theo các tôn giáo khác nhau.
Loạt phim cố gắng phân chia giai đoạn của cuộc thánh chiến giữa phe Cơ đốc giáo và phe ngoại giáo, đồng thời mô tả bản chất đa diện của đời sống tôn giáo lúc bấy giờ. Ngay cả Olaf, người tìm cách trở thành vua của Na Uy bằng cách liên minh với những kẻ khủng bố theo Cơ đốc giáo (những kẻ điên cuồng giết bất kỳ người hành hương ngoại giáo nào họ gặp trên đường, tàn sát và chặt đầu toàn bộ dân làng, và đốt cháy các ngôi đền thành tro), cũng thừa nhận rằng ông muốn giữ Kattegat như một thành phố cảng rộng mở – một cửa ngõ ra thế giới. □
Anh Thư dịch
Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/history/the-true-history-behind-netflixs-vikings-valhalla-180979623/