In tempus praesens: Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối

Bản violin concerto In tempus praesens của Sofia Gubaidulina có hai phần rõ rệt. Một mặt nó đẩy âm sắc của nhạc cụ lên cao nhất để tái hiện cảnh thiên đường, trong khi không ngừng khám phá những phần sâu thẳm nhất của địa ngục thông qua âm thanh của những cây kèn trombone, tuba và contrabassoon.  

Vào tháng 2/2007, nhà soạn nhạc người Nga Sofia Gubaidulina – bà sinh tại Chistopol, Tatarstan năm 1931 và tới sống ở Đức từ năm 1992 – được nhận giải thưởng đầy uy tín của thành phố Hamburg mang tên nhà soạn nhạc Bach. Âm nhạc của bà được lấy cảm hứng từ Johann Sebastian Bach theo nhiều cách khác nhau.

Anne-Sophie Mutter đã thu âm hai concerto của Bach bên cạnh tác phẩm ra mắt đầu tiên của Gubaidulina, tác phẩm được đề tặng chính Mutter. “Thực sự có một mối quan hệ tinh thần sâu sắc giữa Gubaidulina và Bach,” Mutter cho biết. “Giống như Bach, bà ấy có sức mạnh lớn lao từ niềm tin vào Chúa, nhưng cuối cùng bà ấy cũng có một thứ ngôn ngữ âm nhạc của riêng mình.”

Được viết vào những năm 2006 – 07, bản violin concerto này là tác phẩm đầu tiên của nhà soạn nhạc người Nga mà Mutter ghi âm. Mutter cho biết vẫn theo dõi sự nghiệp của Sofia Gubaidulina mặc dù chỉ gặp Gubaidulina kể từ buổi tập đầu tiên với dàn nhạc ở Berlin, khi chơi In tempus praesens cho bà nghe. “Đó thực sự là khoảnh khắc xúc động của tôi. Bà ấy rõ ràng là một trong số những nhà soạn nhạc tuyệt vời nhất, trong mỗi một nốt nhạc của bà đều bộc lộ một cảm xúc sâu lắng tột độ. Bà ấy thực sự sống để sáng tác chứ không phải sáng tác để sống,”  Mutter kể.

Trong bản violin concerto 5 chương này của Gubaidulina có hai phần rõ rệt. Một mặt nó tuân theo sự khao khát một cách mãnh liệt, trải rộng ra như hình quạt với số lượng thanh âm nhân lên theo cấp số nhân, đẩy âm sắc của nhạc cụ lên cao nhất để tái hiện cảnh thiên đường, trong khi không ngừng khám phá những phần sâu thẳm nhất của địa ngục thông qua âm thanh của những cây kèn trombone, tuba và contrabassoon. Đồng thời chương 4 và chương 5 lại tiết chế thanh âm và chỉ để lại một âm thanh đơn độc, ngụ ý diễn tả sự hợp nhất thiêng liêng của tinh thần.

Mutter đã tìm kiếm được điểm nhấn đặc biệt trong tác phẩm này. Cây đàn violin đã cố gắng chống lại motif định mệnh do dàn nhạc thể hiện, một ý tưởng nhất quán được lặp đi lặp lại và được tăng lên mãnh liệt tại gạch nhịp thứ 40 tới đoạn cadenza. Với nghệ sỹ độc tấu, khoảnh khắc đặc biệt của tác phẩm là cảnh tang lễ theo quy định của Giáo hội Chính thống Nga. Nó được diễn tả bằng sắc màu ảm đạm của những cây đàn cello và viola. “Từ đó đến cuối tác phẩm, tiếng của những cây kèn tuba kiểu Wagner bay vút lên với một sức mạnh vô song của một cuộc nổi dậy, mở ra sự tuôn trào mạnh mẽ của hạnh phúc và chiến thắng, như nữ thần Brünnhilde đang bay đến với chúng ta.

Kết quả là một chiến thắng định mệnh. Những vạch nhịp cuối cùng bay lên, đạt tới đỉnh cao là sự chiến thắng tuyệt vời của tinh thần, trong khi âm vực thấp của đàn dây nhắc lại yếu tố ảm đạm ban đầu, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối là sự điển hình trong In tempus praesens. Tôi đã tìm thấy điều đó trong hợp xướng cuối cùng của Bach, Vor deinen Thron tret ich hiermit. Tác phẩm này cũng kết thúc với sự thăng hoa của tinh thần với một nốt cao Fa thăng.”

Trong sự nghiệp của mình, Mutter đưa ra mắt nhiều bản violin concerto đương đại, nhưng cô vẫn quan tâm đến những đóng góp của Sofia Gubaidulina: “Tôi không phóng đại khi nói rằng bản violin concerto của Gubaidulina đã đem lại cho tôi những kinh nghiệm lớn nhất mà tôi có hiện nay về một bản tổng phổ hiện đại. Đó là thực sự là một tác phẩm với cường độ cảm xúc lớn lao.”

Bản concerto này của Gubaidulina được thu âm cùng với concerto BWV 1041 và 1042 của Bach. Trong dòng suy tưởng về Bach, Anne-Sophie Mutter một lần nữa nhắc đến những “hậu duệ tinh thần của” ông: “Đối với tôi, một trong những trích dẫn đẹp nhất của âm nhạc Baroque có sự liên hệ về mặt tinh thần với bản concerto của Gubaidulina. Tôi nghĩ rằng đoạn kết bản concerto của Alban Berg, với bản hợp xướng tuyệt diệu của Bach đã được trích dẫn ở đây. Cả hai tác phẩm này cùng có chung một cái kết là chuyển tải một cảm xúc về hy vọng đích thực”.

Thanh Nhàn dịch theo anne-sophie-mutter.de

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)