Irina lạc vào xứ sở diệu kì

Một bộ sách hai tập có tên “Sinh vật học kỳ thú” vừa ra đời ở Việt Nam. Cả nội dung sách và tác giả của nó đều rất đặc biệt.

Từ trái sang: Nhện phân chim, Bọ đá quý, Sâu bướm đêm và chân dung của chúng do Irina vẽ trong bộ sách của cô

Những câu chuyện xung quanh Sinh vật học kỳ thú không khỏi khiến người ta tò mò về cuốn sách: Tác giả của nó, Irina Semenyuk là một nhà sinh vật học đến từ Nga – một đất nước trải đầy rừng ôn đới và rừng lá kim taiga, nhưng lại viết về rừng rậm nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam, với thảm thực vật và động vật hoàn toàn khác biệt. Hơn nữa, điều đặc biệt hơn cả là Irina tự vẽ minh họa toàn bộ cuốn sách.

Những nhân vật chính trong cuốn sách không phải là chim chóc hay những con thú lớn có bộ lông mềm mại với khuôn mặt đầy biểu cảm mà ta vốn dễ dành tình cảm, mà về những con vật nhiều người trong chúng ta cảm thấy phiền toái, e sợ như côn trùng, nhện. Chính biên tập viên Trần Thùy Linh ở Nhã Nam – công ty chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách, ban đầu cũng có chút lo lắng: “Côn trùng thực ra rất kén (người đọc). Mình hơi phân vân liệu đối tượng độc giả có đủ nhiều không?”

Nhưng nếu lật mở những trang sách của Irina, những người dù vốn có định kiến với những sinh vật nhỏ bé này, cũng cảm thấy cuốn hút. Hàng trăm côn trùng, nhện, động vật chân khớp hiện lên không chỉ tỉ mỉ và chi tiết đến “từng cái cựa, từng cọng lông” mà còn lộng lẫy và rực rỡ, “đẹp sững sờ”, như lời của biên tập viên Thùy Linh. Một trong những lí do những sinh vật nhỏ bé đó hiện lên ấn tượng như vậy là bởi Irina đều vẽ từ mẫu thật. Cô thường để những sinh vật đó vào lọ trong suốt, đôi khi còn phải cầm chúng trên tay trần hay phải ngồi ngắm luôn tại “hiện trường”, vì chẳng còn cách nào khác, như khi vẽ con nhện đang canh kén trứng chẳng hạn. ”Đột nhiên. Chúng dừng lại, trong một giây hoặc có khi chẳng đến, là tôi phải nhanh chóng ngồi đếm số ăng ten và số đốt trên cơ thể chúng” – Irina mô tả quá trình hoàn thành mỗi bức vẽ như thể đó vừa là một niềm say sưa nhưng cũng vừa là một cuộc vật lộn.

Tranh (của Irina) nhìn sống động, các con vật có hình khối rõ ràng so với những tranh chép từ ảnh.

“Nếu tìm được sinh vật đã chết thì tôi có thể bình tĩnh mà đếm. Nhưng điều đó không xảy ra thường xuyên. Toàn là vừa nhìn cái lọ, vừa chửi thề”. Phải, quan sát bốn phương tám hướng một “người mẫu” vừa khó nhìn rõ vì quá nhỏ, vừa ngọ nguậy liên tục đã đủ vất vả, lại còn phải hoàn thành bức vẽ trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ rồi còn trả tự do cho chúng, hẳn là một cuộc “tự hành hạ mình”, theo lời Irina. “Tôi đổ hết cả năng lượng của mình vào đó. Lúc đầu tôi cũng thực sự kinh ngạc, vừa mới dành một tiếng để vẽ mà đã cảm thấy kiệt sức rồi.” Cũng nên nói thêm là Irina không có điều kiện dùng kính lúp để vẽ.

Huỳnh Kim Liên, một trong hai thành viên của KAA Illustration – nhóm minh họa sách tranh cho những nhà xuất bản lớn trên thế giới, từng là quán quân cuộc thi Scholastic Picture Book Award (Singapore) vào năm 2015 với tác phẩm Hành trình đầu tiên với minh họa đầy chất thơ về thiên nhiên vùng Mekong, tình cờ gặp Irina vào năm ngoái khi đang kí họa ở Thảo Cầm viên, TP. Hồ Chí Minh. Kể lại câu chuyện này trên trang cá nhân, Liên bình luận: “nhìn tranh chị vẽ thấy nãy mình khoe tranh với chị quê ơi là quê”.

Con vòi voi đầu đỏ trong Vườn Quốc gia Cát Tiên dưới nét vẽ của Irina. Sau rất nhiều năm sống ở đây cô mới có thể nhìn tận mắt con côn trùng này.

Trò chuyện với Tia Sáng, Liên kể mình đã theo dõi nhiều tranh trên các nhóm minh họa khoa học của Việt Nam trên mạng xã hội, nhưng không thấy ấn tượng như với tranh của Irina. “Nét phác thảo của chị ấy, như kiểu người Nga hay sao đó, rất mạnh, gãy gọn, sắc nét. Màu sắc đẹp hơn hẳn bình thường. Nó sáng, thật khó giải thích, nhưng nó không bị tù như nhiều tranh tả thực.” Liên cho rằng, vẽ trên mẫu thật khó hơn nhiều so với vẽ minh họa từ ảnh chụp, vì đòi hỏi người vẽ phải nắm bắt được toàn bộ kết cấu cũng như ánh sáng bắt trên người côn trùng. “Hiểu một cách tường tận luôn chứ không phải như nhìn một cái hình chụp hay tranh. Điều này cần một thời gian nghiên cứu lâu và có kiến thức nền chắc chắn. Tranh (của Irina) nhìn sống động, các con vật có hình khối rõ ràng so với những tranh chép từ ảnh”.

Cho đến mãi gần đây vào năm 2017, khi thành lập tài khoản mạng xã hội Instagram, Irina mới biết đến trên đời này có những người làm nghề minh họa khoa học. Ở Nga, ngành học đó không tồn tại. “Tôi không hề có cơ hội để học ngành này nhưng tôi cũng không có gì nuối tiếc. Bởi vì, phần lớn những nhà minh họa không vào rừng, không đi thám hiểm để vẽ” – Irina nói. Vẽ sinh vật sống trên tay, với cô giống như một “đặc quyền”, bởi ít nhất cô không phải phán đoán những chỗ nhòe mờ trên ảnh chụp bằng cách vẽ thiếu chân hoặc chân của các sinh vật này đặt nhầm chỗ.   

Nhưng tranh của Irina cũng không giống như những bức minh họa khoa học về thực vật và động vật trong bảo tàng ở Mỹ và châu Âu – những tác phẩm vô cùng tỉ mỉ và đôi khi cũng rực rỡ, sinh động. Những bức tranh đó được sử dụng để hỗ trợ cho ngành phân loại loại học, ưu tiên tính chính xác về mặt khoa học lên trên tính nghệ thuật. Đối với Irina, một số nhà minh họa đó, “như là những vị thần, tôi vô cùng ngưỡng mộ họ, kể cả khi vẽ từ ảnh thì cũng là từ hàng tập ảnh, nghiên cứu từng chi tiết của sinh vật. Đó thực sự là một công việc đồ sộ và mệt mỏi”.

Trong khi những họa sĩ minh họa đó dùng bút chì kim và bút mực để tỉa từng góc cạnh, và dùng màu nước để diễn tả những sắc độ tinh tế của mẫu vật thì những bức tranh của Irina sử dụng màu chì, với những đường nét phóng khoáng và mạnh mẽ dứt khoát, tính chính xác chỉ ở mức vừa đủ để nhường chỗ cho trí tưởng tượng và cảm xúc của người đọc. Vả lại, cô cũng thừa nhận những bức vẽ của mình không hoàn hảo bởi đôi khi đếm một số chi tiết trên một con vật cứ chạy lòng vòng liên tục thì cũng dễ… nhầm. “Tranh của tôi thiên về nghệ thuật hơn là khoa học” – Irina khẳng định.   

Tài khoản Instagram của Irina tràn ngập những ảnh về quá trình cô vẽ. Trong các bức ảnh chụp bằng điện thoại, sinh vật thật, trông nhỏ bé với màu sắc có phần khiêm tốn, đặt bên cạnh bức vẽ rực rỡ lộng lẫy vừa hoàn thành. Tôi tỏ ý nghi ngờ rằng liệu những sinh vật đó có thực sự đẹp như tranh Irina vẽ, liệu cô có phóng đại vẻ ngoài của chúng.  “Nó đẹp thật, đẹp thật như vậy đấy!” – Cô nhắc đi nhắc lại, cố thuyết phục tôi. “Thực sự khó để chỉ qua một bức ảnh mà thể hiện được tất cả màu sắc của chúng. Một vài loài bọ, khi xoay nó sang các hướng khác nhau, nó gần như đổi màu. Ở phía này thì màu đen nhưng có thể ở hướng khác lại ngả sang màu xanh lam nhạt chẳng hạn. Với bút chì màu, tôi chỉ cần nhìn và vẽ lại. Còn với điện thoại của tôi mà chụp, dĩ nhiên ảnh chúng tối thui”.

Đa số những độc giả chúng ta, những người sống ở thành thị tiện nghi, có thể dễ dàng ghé hiệu sách và tìm kiếm tác phẩm của Irina sẽ thấy cuốn sách của cô như mở ra con đường bước vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Xa lạ, nhưng không xa xôi bởi cuộc đời của các sinh vật đó vẫn đang diễn ra sôi động, thậm chí mãnh liệt và dữ dội ngay tại Việt Nam, kể cả tại những nơi mà ta đã đi qua mà không hề hay biết. Rất nhiều sinh vật trong đó chúng ta chưa nhìn thấy bao giờ. Thật vậy, có những sinh vật mà số người chứng kiến trên thế giới chỉ đếm trên một bàn tay. Hoặc, có những sinh vật ta đã nghe đến tên mà không biết chúng có nhiều loại đến thế. Hay, cũng có thể ta đã nhìn thấy một số sinh vật đó, nhưng chưa bao giờ dành thời gian nhìn kĩ để có thể tận hưởng và chiêm ngưỡng chúng đẹp đến mức nào.

Giấc mơ rừng nhiệt đới

Irina Semenyuk và chiếc vòng, khuyên tai làm từ hạt cây của cô.

Một ngày sau khi đọc được tin nhắn của tôi, Irina hẹn gặp tôi ở Hà Nội. Trước ngày gặp, Irina vừa trở về sau chuyến đi hai tuần “nằm vùng” ở vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh. Trước đó nữa là nhiều tuần cô thám hiểm một chuỗi vườn quốc gia khác, bao gồm Vườn quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình và Vườn quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên Huế. Sau ngày gặp tôi, cô sẽ bay vào TP. Hồ Chí Minh để về “căn cứ”.

Irina gọi cuộc gặp với tôi là một sự tình cờ “một triệu cơ hội mới có một”. “Căn cứ” của Irina nằm trong vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Đồng Nai, nơi đặt một chi nhánh của Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ nhiệt đới Việt Nga. “Năm thì mười họa” cô mới tới TP. Hồ Chí Minh và lại càng hiếm khi đặt chân tới Hà Nội. Trong hai năm vừa rồi khi các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai bị phong tỏa, vì dịch COVID-19, Irina không có cách nào mua thực phẩm vì chợ đóng cửa, phải bắt chuột, ốc sên, bứt dưa leo và lá lốt trong rừng để ăn.

Tôi chỉ thích ở rừng, nơi có thể kết nối với thiên nhiên, với cây cỏ – điều quá ít ỏi ở thành phố. Thành phố có quá nhiều người, quá ồn ã. Mỗi khi phải ở thành phố dài ngày, tôi thực sự không thể chịu nổi. Vô thức khi đang đi trên đường, tôi thấy mình tự rẽ vào công viên.

“Ở trong rừng có bao giờ chị nhớ cuộc sống ở thành phố không?” – Tôi hỏi. Irina tỏ ra ngạc nhiên như thể câu hỏi đó thật vô nghĩa: “Không. Khi ở thành phố thì tôi nhớ rừng chứ”. Cô hứng thú với việc đi ăn ở nhà hàng và uống cà phê ở thành thị, nhưng điều đó cũng không giữ nổi chân Irina ở đây quá ba ngày. “Tôi thực sự chỉ thích ở một mình. Tôi chỉ thích ở rừng, nơi có thể kết nối với thiên nhiên, với cây cỏ – điều quá ít ỏi ở thành phố. Thành phố có quá nhiều người, quá ồn ã. Mỗi khi phải ở thành phố dài ngày, tôi thực sự không thể chịu nổi. Vô thức khi đang đi trên đường, tôi thấy mình tự rẽ vào công viên”.

Những góc rừng dưới nét vẽ của Irina

Trong sách của Irina, bên cạnh các sinh vật nhỏ bé, còn có những bức tranh màu nước về môi trường sống của chúng và quảng cảnh những góc rừng. Huỳnh Kim Liên cho rằng ánh sáng trong đó dường như đang “lấp lánh”. Có lẽ đó chính là góc nhìn của Irina về rừng nhiệt đới – một nơi kì diệu với đầy phép màu. “Tôi mơ về rừng nhiệt đới từ nhỏ” – Irina kể. Sinh ra ở Moscow với khí hậu khác hẳn, cô bị cuốn vào sự sống sôi động ở các khu rừng nhiệt đới được mô tả trong các tác phẩm của nhà tự nhiên và bảo tồn người Anh Gerald Durrell. Giấc mơ đó không hề phai nhạt trong suốt quá trình trưởng thành của Irina. Nhưng chỉ sau khi cô tốt nghiệp đại học, khi Nga quyết định mở trung tâm nghiên cứu tự nhiên ở Việt Nam, khao khát tận mắt chứng kiến rừng nhiệt đới của cô mới trở thành hiện thực.

“Ở Nga, chúng tôi không có bất kì thứ gì giống như vậy. Dĩ nhiên Nga cũng có rừng và tới đó chúng tôi có thể thấy hươu, nai, chim và gấu. Tôi cũng thích nó nhưng rừng nhiệt đới là một thế giới khác, tràn đầy nhựa sống” – Irina nói. Bộ “Sinh vật học kỳ thú” của Irina ban đầu được xuất bản ở Nga, dành cho độc giả người Nga và mỗi khi giới thiệu về những con nhện như những viên ngọc và những con bọ như những viên kẹo, màu sắc rực rỡ và hình dáng kì lạ không thể có ở những khu rừng ôn đới nơi mình sinh ra, cô không giấu được sự phấn khích mà viết rằng: “Điều gì cũng có thể xảy ra ở rừng nhiệt đới!”.

Chân dung Irina tự họa khi cô yên lặng trong rừng và được chứng kiến đời sống sôi động ở đây.

Nhìn vẻ ngoài của Irina, không ai có thể nghi ngờ niềm say mê của cô với rừng rậm. Khi tôi gặp cô, cô cài một bông hoa đại trên tóc, cô đeo một chiếc vòng cổ tự xâu bởi các hạt quả gấc và hạt cây ràng ràng Ford màu son rực rỡ mà cô nói có thể thấy chúng rụng đầy ở khắp các khu rừng Việt Nam. (Không ai có thể xác định chính xác danh pháp khoa học của cây này ở Việt Nam, vì chúng quá cao, không thể nhìn kĩ nổi lá của chúng). Cô đeo khuyên tai làm từ cặp răng nanh của con lợn rừng. (Đó là từ xác con vật đã chết trong rừng mà đồng nghiệp của cô tình cờ tìm thấy, dù cô thích “bịa” ra câu chuyện là cô đã chiến đấu với nó và chiếc răng là chiến lợi phẩm). Một bên cánh tay cô xăm hình con chồn đang chúi xuống và tay kia thì xăm hình mèo rừng châu Phi đang nhảy lên giữa những bông hoa phượng vĩ. Irina khoe bộ sưu tập các vòng cổ và khuyên tai mà cô tự làm từ các hạt cây trên Instagram. Cô còn chia sẻ thêm với tôi là cô còn có bộ sưu tập vỏ hạt của các cây đậu. “Việt Nam là thiên đường của các loại cây này, với đủ hình dáng và kích cỡ khác nhau!” – Irina rền rĩ vì cô không còn đủ chỗ trong phòng ở tại Nam Cát Tiên để thêm bất cứ một bộ sưu tập tự nhiên nào khác.

Irina lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2008 một thời gian ngắn để thu thập tư liệu cho luận văn tốt nghiệp đại học. Đến khi nghiên cứu tiến sĩ, cô lại tới một lần nữa trong khoảng ba tháng vào năm 2012. Đến năm, 2014, cô ở hẳn tại Việt Nam để nghiên cứu. Hai, ba năm một cô mới trở lại Nga để thăm gia đình trong một tháng. Đã hơn 10 năm, Irina không nhìn thấy tuyết. Dù nhớ vẻ đẹp của nó nhưng cô vẫn say mê thời tiết ấm áp bốn mùa và thích việc không cần đi xa để tới biển.

Khi học Tiến sĩ, Irina có hai lựa chọn chuyên ngành: côn trùng học và động vật không xương sống. Cô nhanh chóng lựa chọn động vật không xương sống để có thể học được nhiều thứ nhất có thể. Hiện nay, hướng nghiên cứu của cô là về cuốn chiếu. Và nói đến đây, cô lại tận dụng ngay cơ hội để ca ngợi rừng nhiệt đới “Ở Nga có lẽ chỉ có 10-15 loài cuốn chiếu nhưng chỉ riêng ở một khu Nam Cát Tiên đã có ít nhất năm 50 loài. Ở Nga, cuốn chiếu sống ẩn nấp dưới đất, nhưng ở đây, chúng sống trên cành cây, trong bụi rậm, trên địa y, trên nấm…Quá nhiều sự đa dạng”.    

Khi tôi hỏi rằng thực tế rừng nhiệt đới ở Việt Nam liệu có giống như những gì cô tưởng tượng hồi nhỏ, cô mở to mắt, “giả bộ” hét lên: “Có chứ! Đương nhiên rồi”. Cô kể rằng, trong một lần tập trung yên lặng hàng giờ để quan sát tập tính của cuốn chiếu, bỗng nhiên các sinh vật bắt đầu xuất hiện, từ những động vật có vú lớn cho đến thằn lằn, chim chóc, các con bọ hoạt động tự nhiên như thể cô vô hình: “Tôi chỉ ngồi đó và woahhhhhhhh” – Cô mơ màng nhớ lại.   

Sinh vật duy trì sự sống của rừng

Cuốn chiếu có lẽ là điển hình cho những nhân vật trong sách của Irina. Đó là sinh vật thiết yếu của hệ sinh thái rừng nhưng nhỏ bé và chẳng bao giờ nhận được sự quan tâm của đại chúng. Loài chân khớp này ăn “rác” của rừng – những hoa, quả, lá rụng và phân hủy chúng thành chất dinh dưỡng trả lại cho đất để nuôi cây. “Chúng vô cùng quan trọng, nhưng không ai biết chúng, nói về chúng, coi trọng chúng” – Irina nói.

“Là người châu Á, chúng ta toàn nói về hổ, gấu trúc và những con vật tương tự. Dĩ nhiên, tôi hiểu là chúng thật đẹp, ai cũng thấy chúng đáng yêu và muốn bảo vệ chúng. Nhưng những sinh vật nhỏ bé, những nhân vật phụ, mới thực sự duy trì sự sống của cả khu rừng. Và không ai biết rằng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thường xuyên phá vỡ đời sống của những sinh vật này.” – Irina nói.

“Tôi muốn chỉ ra rằng tự nhiên không chỉ có chim chóc và thú có vú. Chúng ta cũng cần tập trung vào những sinh vật nhỏ bé nữa và chuyện về chúng không hề nhàm chán’”

Thực tế là một phần lớn loài sinh vật bé tí xíu đó – côn trùng đang chết dần. Một loạt các nghiên cứu độc lập nhau, khảo sát số lượng côn trùng trên toàn cầu trong vòng 20 năm qua, đều dẫn đến một viễn cảnh về ngày tận thế của côn trùng. Nổi bật nhất gần đây là một công bố trên tạp chí Biological Conservation vào năm 2019, cho thấy 40% các loài côn trùng đang giảm số lượng và một phần ba trong số đó đang ở tình trạng nguy cấp. Nếu thực sự một ngày tận thế đó xảy ra, cân bằng sinh thái sẽ bị rúng động, an ninh lương thực và xã hội của loài người sẽ gặp khủng hoảng nghiêm trọng.

Irina học vẽ từ hồi phổ thông, chủ yếu là vẽ hình họa tĩnh vật – một cách rèn kĩ năng diễn tả hình khối và chất liệu khác nhau của sự vật nhưng không khiến cô hứng thú lắm. Về sau, cô tự tìm tòi mài giũa phong cách của mình của mình thông qua việc xem các video của các họa sĩ chuyên nghiệp trên internet. Mặc dù nghiên cứu về những sinh vật bé nhỏ từ lâu nhưng khi tới Việt Nam cô mới bắt đầu vẽ chúng. Lí do đơn giản là…cô không kí họa người được nữa. “Mỗi khi tôi vẽ người ở nơi công cộng, tất cả mọi người xung quanh, kể cả người mẫu cũng quây lại sau lưng tôi để xem” – cô cười.

Irina vào rừng tìm kiếm cuốn chiếu và quan sát hành vi của chúng cả ngày, có khi cả ban đêm. Ở rừng Nam Cát Tiên, cô có thể mang dữ liệu thu thập được về phân tích và trao đổi với đồng nghiệp tại phòng lab. Ngoài ra, một năm cô có ít nhất ba chuyến thám hiểm những vườn quốc gia khác ở miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam, cắm trại và sống giữa rừng, hoàn toàn không có điện, nước, internet trong vòng nhiều tuần lễ, có khi cả tháng trời để nghiên cứu cuốn chiếu thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau ra sao. Xen lẫn giữa thời gian tìm kiếm cuốn chiếu là những giây phút bắt gặp những sinh vật nhỏ bé kì lạ. Irina bắt chúng để dành sau khi kết thúc ngày làm việc trở về phòng hoặc lúc trời mưa bất chợt, cuốn chiếu rủ nhau đi trốn, cô ngồi giữa hai lớp lều trú mưa, để vẽ.    

Gần đây, Irina bắt đầu vẽ cả chim chóc. Trong ảnh là tranh màu nước về con chim áo đỏ mà cô tìm thấy xác trong rừng.

Biết vẽ cho cô một sự cơ động để ghi lại những điều kì diệu cô ngưỡng mộ ở rừng nhiệt đới. Chụp ảnh, đơn giản là bất khả thi bởi máy ảnh sẽ nhanh chóng sẽ đầy mốc. Những nhà nhiếp ảnh mà cô quen biết để có thể thực hiện những tác phẩm về sinh vật bé nhỏ phải cần những chuyến đi ngắn với những trang thiết bị chuyên dụng và hỗ trợ đặc biệt.

Có lẽ số tác phẩm mà Irina đã hoàn thiện phải lên đến hàng nghìn bức, được sắp xếp theo lớp và loài động vật cũng như nơi tìm thấy chúng. Những gì đưa vào trong sách chỉ là một phần rất nhỏ trong số đó, là những sinh vật mà theo Irina, có những điểm ấn tượng về màu sắc, hình dáng và kích thước. Thật vậy, chẳng hạn như nhện gai cong có đôi sừng dài dễ đến 10 lần chiều dài thân và bọ cuốn lá sếu vườn có chiếc cổ với tỉ lệ thân mình có thể sánh với hươu cao cổ, đã vậy lại còn có một điểm gãy ở giữa rất cồng kềnh.

Irina viết cuốn sách với hình dung độc giả của mình là những thiếu niên 12-15 tuổi. Những thông tin được đưa vào cuốn sách, thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực chất đằng sau là một quá trình phức tạp. “Tôi tìm kiếm trên Google Scholar, thu thập hết tất cả các bài báo về con vật tôi vừa tìm thấy và lấy ra những gì tôi cho là thú vị” – Irina kể. Nói cách khác, mỗi một đoạn ngắn vỏn vẹn hai trăm chữ về mỗi con vật trong sách là một nghiên cứu tổng quan tài liệu (literature review) kì công! Hơn thế, mỗi chi tiết đưa vào trong sách được cô kiểm chứng nhiều lần: “Tôi thực sự kiểm tra tất cả mọi thứ. Mọi thứ, kể cả những gì tưởng như là kiến thức phổ thông. Khi tôi thấy mình từng sai, tôi thở phào vì mình đã cẩn thận”. Chẳng hạn, Irina đã hết sức run rẩy và sợ hãi khi cầm con sát sành khổng lồ với bộ răng dữ tợn để vẽ, nhưng hóa ra, chúng chỉ ăn lá cây chứ không hề ăn thịt như các loài sát sành khác mà cô biết.

Mỗi khi bạn cô viết sách về rừng nhiệt đới, trong đó có nhắc đến cuốn chiếu, cô có thể chỉ ra hết lỗi này đến lỗi nọ. Nhưng những người bạn ngành côn trùng học kiểm tra sách của Irina, thì tuyệt nhiên không thể bắt lỗi cô. “Tôi phải đọc rất nhiều khi viết một bài báo khoa học. Nhưng với quyển sách này, tôi đọc gấp hàng trăm lần. Nội dung của một quyển sách thực sự đồ sộ hơn nhiều so với một công bố, chỉ là nó cô đọng hơn mà thôi” – Irina nói.

Nếu những điều trên vẫn khiến bạn nghi ngờ vì giọng văn trong cuốn sách lúc thì tưng tửng, hài hước, khi thì thủ thỉ tâm sự, thật không giống một quá trình nghiên cứu nghiêm cẩn tí nào, thì lại càng chứng minh Irina đã thành công: “Tôi cố gắng hết sức để sách của mình không giống của một bài báo khoa học hay một cuốn bách khoa toàn thư. Tôi học cách viết sao cho lôi cuốn, dễ nhớ dễ thuộc, bình dân. Tôi muốn cuốn sách của mình tràn ngập những câu chuyện kiểu: ‘Nhìn này, thấy chú bọ này hay không?’” Irina từng được đào tạo để làm người pha trò, mua vui cho trẻ em trong các sự kiện khi còn học đại học. Trải nghiệm đó đã đem lại cho cô kĩ năng, mà với cô, là thiết yếu với một nhà khoa học: tự tin thuyết trình cho tất cả mọi người hiểu những gì mình đang nghiên cứu.

Tung hứng giữa nghiên cứu và viết sách là cách để Irina giữ cả hai công việc không nhàm chán. Sau hai tập sách ra lò, cô còn hai tập nữa đã hoàn thành và đang tìm nhà xuất bản nhưng Irina vẫn chưa dừng lại ở đó. Tài khoản mạng xã hội Instagram của Irina vẫn đều đặn đăng tải những bức ảnh cô vẽ những sinh vật tí hon trong rừng, hứa hẹn vẫn còn vô số những câu chuyện thú vị đang chờ được kể. “Nhiều người gặp tôi và nói rằng họ rất vui vì đã mua cuốn sách về và đọc cho con họ nghe. Tôi cảm thấy mình đang làm những gì đáng làm”. – Cô hào hứng.□

—–

Ảnh trong bài đều được lấy từ Instagram của Irina (@ktor_in_jungle)

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)