Istanbul *

Không chỉ là không gian sống hài hòa thiết thân hay nguồn cảm hứng u mặc dữ dội, đầy tính thơ xuyên suốt hành trình sáng tạo của nhà văn, Istanbul hoang tàn bên bờ vịnh Bosphorus, ranh giới giữa Đông - Tây, trở thành “Istanbul-của-Orhan Pamuk”, khi nhờ vào năng lượng suy tưởng mãnh liệt, một người viết có thể hóa nhập vẻ đẹp của nhiều nền văn hóa và lịch sử trong một chân dung văn hóa và lịch sử của riêng mình.

Hoan lạc của bi thương

Ngay từ những trang đầu tiên, nhà văn đã bộc lộ khát vọng thiết tha hình thành từ thuở ấu thơ, là được chứng kiến và quan sát một “Orhan khác”, với cuộc đời chưa biết, những khả năng hoàn toàn khác về hoàn cảnh, cảm xúc và ứng xử, như khả thể song hành của bản ngã. Và chính Istanbul, một cách mặc nhiên và vô thức, trở thành phần bù đắp, hoàn thiện đầy đủ của Orhan, thành “bản ngã song hành” hay cuộc đời bên ngoài chủ quan của ông.

Ông dành phần lớn những ý tưởng và câu văn của mình để nói về nỗi sầu thương nhuộm đẫm cảnh vật cũng như tâm hồn con người Istanbul. Từ những yaly (dinh thự gỗ) của các vị Pasha (hoàng thân) thời đế quốc Ottoman huy hoàng như vừa còn tồn tại, nay cái nọ nối tiếp cái kia bùng lên như những ngọn đuốc cho đến tàn rụi.

Khí hậu, thời tiết càng đặc biệt đem đến cảm xúc thê lương cũng như những tưởng tượng dữ dội, “tuyết… tạo cho mọi con phố, mọi cái nhìn yếu tố của sự ngạc nhiên, tạo thành bầu không khí tuyệt diệu của một thảm họa sắp xảy ra”, “điều tôi mê mẩn nhất ở tuyết là nó đủ sức bắt tất cả mọi người ra khỏi chính họ, để hành động như tất cả là một; bị cắt đứt ra khỏi thế giới, chúng tôi mắc cạn cùng nhau. Vào những ngày tuyết rơi, Istanbul cảm thấy nó như một tiền đồn, nhưng chính việc nhìn ngắm số phận chung làm cho chúng tôi gần gụi với quá khứ tuyệt vời ngày nào”.

Đông phương hơn bất cứ một người Đông phương nào, Orhan thừa nhận tâm hồn ông được làm nên từ nỗi buồn cố quốc, nỗi sầu thương của đế quốc Ottoman điêu tàn mà Istanbul là hiện thân nao lòng nhất. Mặc nhiên, những giá trị của cộng đồng, dù là cộng đồng mang nặng suy vong và đau buồn chăng nữa, trở thành giá trị cơ bản khởi đầu của cá nhân. Cho dù Orhan không xuất thân từ dòng dõi vương hầu, dây mơ của triều đại cũ, mà là con cháu thế hệ kỹ nghệ gia đầu tiên của nước Thổ Nhĩ Kỳ mới.

Ông gọi bản hòa âm trữ tình của nỗi bi thương bằng cái tên Thổ, Hüzün, nơi tâm trí ông quyến luyến không nỡ rời và tìm ra nguồn năng lượng ứ tràn từ đó. Hüzün mà Orhan đã gọi bằng một kiểu khái niệm mở, mênh mông, trước hết xuất phát từ văn hóa Hồi giáo sufi, “chuyên chở sự thất bại của cõi dương gian”, nỗi bất lực không thể trở nên gần gũi với Đấng tối cao, tâm trạng vừa chấp nhận vừa không chấp nhận tính chất hư vô của cuộc đời.
Hüzün của Orhan, không giống như Tristesse (Buồn) của Tây phương, hàm ý sự cô độc, lạc lõng và mặc cảm trước thực tại; nó là chấp nhận và tìm ra ý nghĩa của bi thương. Bi thương mang phẩm cách Đông phương, là khởi sự của vượt thoát, cứu rỗi và minh định, là thiên bẩm đại diện cho con người.

Cũng chính vì thế, Orhan không bỏ lỡ một cơ hội nào để trở lại với nỗi sầu thương Istanbul. Nhận diện nó trong mọi sự vật cũng như hành động, tiến trình nơi cái thành phố lớn lao của những rệu rã, mòn mỏi, quẫn bách nhưng thản nhiên và cam chịu một cách tội nghiệp đến tức cười. Hüzün mặc định sẵn cho mọi thân phận, như một thứ định mệnh toàn thể toát ra từ bất cứ cảnh sắc, không gian nào, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận định mệnh ấy của mình trong những gì còn lại từ thế giới bên ngoài.

Lịch sử khốc liệt

Xuất phát từ văn hoá Hồi giáo đậm chất siêu hình, kiến tạo một nền tảng tinh thần nguyên khiết, có phần cực đoan cho xã hội, nền quân chủ Ottoman thời Trung đại biết kết hợp tinh thần bá quyền thực dụng, dựa trên cướp bóc và nô dịch, để gây dựng một thiết chế quyền lực và kinh tế huy hoàng trên ranh giới địa lý, văn hoá Đông-Tây, từng thách thức Tây phương với truyền thống hùng cường và văn minh thâm hậu. Tính chất bạo lực và cập thời trong các hoạt động chính quyền cũng như tổ chức đời sống đem lại cho lịch sử mấy trăm năm thịnh vượng của xã hội Ottoman màu sắc vừa tàn khốc vừa trang nghiêm, vừa tự cường vừa sẵn sàng đối đầu với sự huỷ hoại.

Mau chóng mất đi ưu thế trước đối trọng phương Tây vươn mình thành khổng lồ nhờ khoa học công nghệ và tư bản, đế quốc Ottoman suy vong, trở thành thuộc địa, rồi sau đó gượng dậy nhờ vào nền cộng hoà được thay máu bằng chủ nghĩa quốc gia sùng bái phương Tây. Những gì còn lại của quá khứ chỉ là nỗi day dứt mang tên nước Thổ.

Hơn ai hết, Orhan Pamuk chứng nghiệm tự tình của dân tộc ông không chỉ bằng con mắt và lý trí sắc bén ghi nhận, mà còn bằng tâm hồn bi mẫn, ngay từ thuở ấu thơ. “Lịch sử Istanbul” đối với Orhan là lịch sử trưởng thành của con người Thổ Nhĩ Kỳ cũng như quá trình trưởng thành của chính tâm trí ông.

Hồi tưởng lại sự kiện bạo lực chủng tộc tháng 5 năm 1955, khi ông vừa lên 3 tuổi, kết hợp sự phân tích sòng phẳng, dũng cảm trong hiện tại và ấn tượng kinh hoàng thơ ngây, ông làm sáng tỏ với bạn đọc tính chất cơ hội cũng như tàn ác của lực lượng chính thống để phục vụ tham vọng bá quyền, trong tương quan lặp lại bài học lịch sử của 402 năm về trước, nhưng ở mức độ tàn khốc và triệt để hơn.

Không sa đà vào các vấn đề lịch sử – xã hội, không phán xét, nhưng cái nhìn khoa học, sắc bén, tôn trọng và sòng phẳng với sự thật của Orhan Pamuk đã khiến ông khám phá sâu sắc “dân tộc tính”, nắm bắt sức khoẻ tinh thần của xã hội, cũng như con đường tiến bộ tất yếu của đất nước mình, mà ngoài năng lực văn hoá cũng như lòng chính trực của nhà văn, không gì có thể làm nên điều đó.

Cũng như khi hình dung và ghi nhận tinh tế về bốn nhà văn thế hệ đàn anh “cô độc, buồn bã” của Istanbul mà ông vô cùng yêu quý, nhà thơ Yahya Kemal, tiểu thuyết gia Ahmet Hamdi Tanpina, ký giả sử học Reçat Ekrem Koçu, hồi ký gia Abdülhak Şinasi Hisar, với con đường sử dụng khả năng vô tận của nghệ thuật ngôn từ phương Tây để khắc hoạ Hüzün Ottoman, Orhan Pamuk không còn đứng trước sự lựa chọn lưỡng phân xưa cũ khi nghĩ về vận mệnh đất nước mình. Không còn là Chinh phạt hay Suy vong, trước phương Tây rộng lớn.

Nhà văn của “nhân loại thất bại”

Đào sâu đến tận cùng cảm quan bi thương dồn nén của dân tộc, cũng như phức cảm riêng tư qua những hồi ức ấu thơ cho tới trưởng thành, Orhan Pamuk làm hiện lên trước độc giả một cách vô cùng tinh tế, thuyết phục và cảm động, con đường làm thế nào để chấp nhận và cất trọn chén đắng thất bại bằng tất cả niềm kiêu hãnh khi vào đời cũng như trong khi vẫn mang trọn những giá trị sâu xa từ quá khứ.

Một con người như Pamuk, không chỉ được chuẩn bị để đương đầu với những thất bại cá nhân, mà còn được chuẩn bị để gánh nhận đổ vỡ, huỷ hoại, bi đát của một thẩm mỹ hay một ý thức xã hội. Ông đã không chọn con đường học tập thành đạt để thoát khỏi vận mệnh sa lầy của đa số con dân Istanbul, để gia nhập tầng lớp thiểu số có địa vị, nhờ thế mà thoát khỏi mọi tai ương của thời cuộc, như cách mà những người thức thời lựa chọn. Ông chọn thân phận của nghệ sĩ, hay nhà văn, người sẽ lăn lộn trong sự vô danh, lạc loài, rẻ rúng của một xã hội khủng hoảng, đằm sâu trong cái đen tối, thất bại, đau đớn của Istanbul, không phải bằng tinh thần khắc kỷ hư vô sufi, mà bằng tâm trí ngời sáng của thông tuệ và đam mê.

Hiểu, chấp nhận, phơi bày mọi khía cạnh tinh thần chân dung thất bại và nỗi đau của con người trong những biến chuyển thời cuộc, thấu đạt định mệnh bi thương của “ba phần tư nhân loại sống trong khổ đau, mất mát”, chính điều này đã đưa Orhan Pamuk và Istanbul yêu dấu của ông trở thành giá trị độc đáo trong lòng thế giới.
———-
*Orhan Pamuk, Nguyễn Quốc Trụ dịch, NXB Văn học ấn hành năm 2010

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)