Itzhak Perlman- người đưa âm nhạc vượt trên mọi kỹ thuật, đó là trái tim
Itzhak Perlman- Một trong những nghệ sĩ violon vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Itzhak Perlman là một nhà ngoại giao vô giá cho sự xích lại gần nhau giữa những tâm hồn con người. Ông đã xuất sắc vượt lên trên bệnh bại liệt chân để trở thành một nghệ sĩ thiên tài với lòng quả cảm và tâm hồn đậm chất con người. Hình ảnh về ông là nguồn cảm xúc lớn cho tất cả những ai từng được xem ông biểu biễn.
“Mọi khúc nhạc đối với tôi đều có một mục đích. Nó giống như là nói chuyện. Nếu bạn nói chuyện với một mục đích đặc biệt, người ta sẽ nghe bạn. Nhưng nếu bạn đọc thuộc lòng như vẹt, nó sẽ không còn ý nghĩa nữa.” –
Itzhak Perlman
|
Perlman có buổi biểu diễn chính thức đầu tiên vào mùa xuân năm 1963 ở Carnegie Hall khi anh trình tấu bản Violin concerto số 1 giọng Pha thăng thứ, Op. 14 của Henryk Wienniawski. Năm sau đó, nghệ sỹ violin trẻ Itzhak Perlman tham gia Leventritt Competition, một cuộc thi danh tiếng ở New York (cuộc thi này cũng đã từng đem lại thành công bước đầu trong sự nghiệp của Van Cliburn và Pinchas Zukerman) và giành giải nhất. Có một sự việc đã xảy ra, lúc Perlman ở trong sân khấu sau khi nhận giải thưởng, cây đàn Guarnerius del Gesu do trường Julliard cho anh mượn bị lấy cắp. Về sau, nó được tìm thấy trong một hiệu cầm đồ và được đem trả lại. Sau giải Levintritt, anh đã ký được một hợp đồng với ông bầu nổi tiếng Sol Hurok, thực hiện một chuyến công diễn qua năm mươi thành phố ở Mỹ.
Tháng 1 năm 1965, với tư cách là một nghệ sĩ hàng đầu quốc tế, Perlman trở về Israel và thực hiện tám buổi hòa nhạc với Israel Philharmonic. Những buổi biểu diễn này đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ. Sau năm đó, Perlman lại liên tiếp gặt hái những thành công ở New York. Những khán giả ở đây đã từng 5 lần đòi anh biểu diễn “bis” sau khi anh đã hoàn thành phần biểu diễn chính thức của mình.
Kể từ đó, Perlman đã có rất nhiều chương trình biểu diễn với các dàn nhạc lớn, các buổi độc tấu, các liên hoan âm nhạc. Tháng 11 năm 1987, ông cùng với Israel Philharmonic và thực hiện những buổi hoà nhạc lịch sử tại Warsaw và Budapest. Đó là những buổi hoà nhạc đầu tiên của dàn nhạc này tại các quốc gia Đông Âu. Perlman lại một lần nữa làm nên lịch sử khi ông cùng Israel Philharmonic lần đầu tiên đặt chân đến Liên bang Xô Viết vào tháng 4 năm 1990. Họ đã được các khán giả ở Moscow và Leningrad đón chào và ca ngợi nồng nhiệt. Tháng 12 năm đó, Perlman lại đến Nga lần thứ hai để tham gia một chương trình ở Leningrad kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tchaikovsky cùng với sự tham gia của Yo-Yo Ma, Jessye Norman, Boris Berezovsky dưới sự chỉ huy của Yuri Temirkanov và Leningrad Philharmonic.
Năm 1991, Perlman nhận một Giải Grammy cho bản thu với hãng EMI Classics bản Violin concerto số 1 giọng La thứ, Op. 99 của Dmitri Shotstakovich và Violin concerto giọng La thứ, Op. 82 của Alexander Glazunov. Ông cũng đã từng thể hiện bản Violin concerto giọng Rê thứ, Op. 47 rất khó của Jean Sibelius với một sự bộc lộ tài năng hiếm có và kĩ thuật hoàn hảo. Về buổi biểu diễn của Perlman, nhà phê bình Howard Klein của Thời báo New York đã viết: “… thực sự là một nghệ sỹ violin nhạy cảm… những nốt nhạc thật lớn lao trong sự ấm áp, đầy rộn ràng sôi nổi và cũng cực kì chính xác… hãy nghe Perlman diễn tả niềm vui ở mọi cấp bậc của kĩ thuật, âm nhạc và trên tất cả là cảm xúc con người. Người nghệ sĩ trẻ này có một thứ có thể đưa âm nhạc vượt lên trên mọi kĩ thuật, đó là trái tim.”
Trong suốt ba thập kỉ, Itzhak Perlman đã có được một sự nghiệp xuất sắc của một nghệ sĩ violin được yêu thích nhất và nổi tiếng nhất trên các sân khấu hòa nhạc. Ông đã thu âm hầu hết những tác phẩm lớn viết cho đàn violin, bổ sung vào kho tư liệu biểu diễn thể loại concerto. Ông đã tham gia vào nhóm các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Pinchas Zukerman, Isaac Stern, Yo-Yo Ma và Vladimir Ashkenazy để thu âm các tác phẩm thính phòng.
Rất nhiều tổ chức và giới truyền thông ngưỡng mộ và trọng vọng Perlman. Các trường Đại học như Havard, Yale, Brandeis Roosevelt, Yeshiva và Hebrew đều đã trao tặng ông những học vị danh dự. Năm 1986, tổng thống Ronald Reagan trao tặng Perlman “Huân chương Tự do”. Tháng 12 năm 2000, Tổng thống Bill Clinton trao cho Perlman “Huân chương Nghệ thuật Quốc gia”. Năm 2003, ông được nhận một giải thưởng Danh dự Trung tâm Kennedy vì những thành tựu biểu diễn nghệ thuật của mình.
Trong suốt mười năm gần đây, Perlman cũng xuất hiện trên bục chỉ huy với cương vị nhạc trưởng, biểu diễn cùng các dàn nhạc Berlin Philharmonic, London Philharmonic, Royal Concertgebouw Orchestra, Israel Philharmonic, Chicago Symphony Orchestra, National Symphony Orchestra, Boston Symphony Orchestra, Los Angeles Philharmonic, San Francisco Symphony Orchestra và New York Philharmonic. Ông vừa kết thúc nhiệm kì làm nhạc trưởng khách mời chính thức của Detroit Symphony Orchestra và là cố vấn âm nhạc của St. Louis Symphony Orchestra trong hai mùa diễn. Trong mùa diễn 2005 – 2006, ông là nghệ sĩ độc tấu trong đêm diễn mở màn của các dàn nhạc Detroit Symphony Orchestra, Chicago Symphony Orchestra và National Symphony Orchestra. Ông cũng thực hiện lưu diễn ở bờ biển tây cùng National Symphony Orchestra, song tấu (duo) với Pinchas Zukerman ở New York, Chicago, Boston, Washington DC, Philadelphia, Cleveland và Miami.
Bên cạnh đó, Itzhak Perlman còn chứng tỏ mình sở hữu một giọng bass không hề tồi khi ông tham gia một vai nhỏ trong bản thu âm vở opera “Tosca” của Giacomo Pucini do EMI thực hiện với sự tham gia của Placido Domingo, Renata Scotto, Renato Bruson và nhạc trưởng James Levine cùng Philharmonia Orchestra.
Là một nhân vật chính trong các buổi biểu diễn nghệ thuật trên truyền hình, Itzhak Perlman đã được trao tặng bốn Giải Emmy, gần đây nhất là cho chương trình tư liệu Nghệ thuật Vĩ cầm cho Tương lai của Dịch vụ Truyền hình Công cộng (PBS – Public Broadcasting Service). Sự xuất hiện gần đây nhất của Perlman trên PBS ở Thượng Hải đã để lại một dấu ấn lịch sử không thể nào quên cho chuyến thăm của Chương trình Âm nhạc Perlman tới Trung Quốc. Ông cũng cộng tác như một nghệ sĩ độc tấu violin cho phần nhạc của nhà soạn nhạc John Williams trong bộ phim “Danh sách của Schindler” (đạo diễn Steven Spielberg), một bộ phim được trao Giải thưởng Hàn lâm.
Perlman thu âm rất nhiều tác phẩm với Sony Classical, ông cộng tác các nghệ sĩ lừng danh như Issac Stern, Daniel Barenboim và các nhạc trưởng Zubin Mehta hay Seiji Ozawa. Những bản thu âm của Perlman vẫn thường là những bản thu bán chạy nhất và đã nhận tới 15 Giải Grammy. Gần đây ông có thu âm một số tác phẩm của Wolfgang Amadeus Mozart với Berlin Philharmonic (EMI Classics), vừa là nhạc trưởng vừa là người độc tấu. Hãng Deutsche Grammophon cũng vừa thực hiện một bản thu âm Perlman chỉ huy Israel Philharmonic.
Perlman dành một thời gian đáng kể cho giáo dục đào tạo. Ông vừa tham gia vào các lớp học mùa hè trong Chương trình Âm nhạc Perlman vừa giảng dạy ở trường Juilliard. Perlman được tặng học vị tiến sĩ danh dự và huân chương thế kỉ trong dịp kỉ niệm 100 năm trường Juilliard vào tháng 5 năm 2005.
Perlman đã luôn muốn dùng thành công của mình để minh chứng và cho tương lai tốt đẹp của âm nhạc cổ điển. Ông từng nói: “Tôi coi số tiền thu được trong Chương trình Âm nhạc Perlman như một thách thức và như một cách để tạo ra các cơ hội cho những ai quan tâm đến tương lai của âm nhạc cổ điển.”
Perlman đã vượt qua được những mối quan hệ truyền thống của giới nhạc công. Ông là nghệ sĩ biểu diễn, là người phát ngôn, là thầy dạy, cộng sự và là bạn của vô số những nhạc công trẻ tuổi. Perlman cũng đã có những lời khuyên quý báu dành cho những nghệ sĩ trẻ: “Đối với những người có tài năng thực sự, điều mà bạn không nói sẽ trở nên cực kì quan trọng. Bạn phải suy nghĩ về những điều nên nói và không nên nói và điều đó khiến tài năng của bạn phát triển”.
Người ta đã kể nhiều và có lẽ còn kể mãi một câu chuyện cảm động về ông. Ngày 18 tháng 11 năm 1995, Itzhak Perlman bước lên sân khấu trong Hội trường Avery Fisher tại Trung tâm Lincoln, thành phố New York. Nếu như bạn đã từng xem Perlman biểu diễn thì bạn cũng sẽ biết rằng, ngay cả việc bước lên sân khấu cũng là một cố gắng lớn đối với ông. Perlman bị bại liệt từ nhỏ, ông thường phải đi lại rất khó khăn với một đôi nạng. Ông bước từng bước một lên sân khấu, đau đớn và chậm chạp. Ông ngồi xuống ghế, từ từ đặt đôi nạng xuống sàn, gỡ những chiếc kẹp khỏi ống quần, duỗi một chân ra trước và một chân ra sau. Ông cúi xuống, cầm lấy cây đàn violin, hất đầu ra hiệu cho nhạc trưởng và bắt đầu chơi. Khán giả đều đã quen với cảnh ấy. Họ ngồi chờ đợi một cách yên lặng trong lúc ông bước khó nhọc lên ghế ngồi trên sân khấu. Họ chờ ông gỡ những chiếc cặp khỏi ống quần. Họ chờ cho đến lúc ông sẵn sàng chơi nhạc. Nhưng lần này, có một điều không may đã xảy ra. Khi ông chỉ vừa mới kết thúc vài ô nhịp, một âm thanh vang lên trong phòng hòa nhạc một cách đầy hụt hẫng, một dây đàn của ông bỗng nhiên bị đứt. Mọi người nghĩ thầm, đầy cảm thông với Perlman: “Thế là ông ấy sẽ lại phải đứng dậy, cài lại ống quần, bước qua sân khấu để tìm một cái đàn khác hoặc thay một dây khác.” Nhưng Perlman đã không làm như vậy. Thay vào đó, ông chờ một lát, nhắm mắt lại sau đó ra hiệu cho nhạc trưởng bắt đầu lại. Dàn nhạc lại tiếp tục và ông đã chơi từ đúng chỗ mà ông đã bỏ dở. Ông đã chơi với một niềm say mê, một sức mạnh, một sự thuần khiết khôn tả mà khán giả chưa bao giờ từng được nghe. Dĩ nhiên, ai cũng nghĩ rằng, chơi một tác phẩm giao hưởng chỉ với ba dây là điều không thể. Nhưng đêm ấy, Perlman đã không muốn nghĩ như thế. Không biết ông đã phải điều chỉnh những dây đàn và cây vĩ với một khả năng thiên tài tới mức nào. Có những lúc, ông đã làm cho ba dây đàn còn lại phát ra những âm thanh mà trước đó người ta chưa từng được nghe. Khi tác phẩm kết thúc, đã có một sự im lặng diệu kỳ trong nhà hát. Rồi đột nhiên, mọi người đứng dậy và vỗ tay. Tiếng vỗ tay và tiếng cổ vũ vang dội khắp nơi trong nhà hát. Những khán giả đã làm tất cả mọi điều để thể hiện lòng cảm kích vô bờ bến của họ đối với Perlman. Ông đã mỉm cười, đưa tay khẽ gạt mồ hôi trên trán rồi dùng vĩ ra hiệu mọi người ngừng lại. Ông nói với mọi người bằng một giọng trầm ngâm và đầy vẻ tôn kính: “Các bạn biết đấy, đôi khi nhiệm vụ của một người nghệ sĩ là khám phá ra anh vẫn có thể làm được nhiều tới mức nào cho âm nhạc chỉ với những thứ mà anh còn trong tay.”