Jacqueline du Pré – Số phận bi thảm của một huyền thoại

Mặc dù chỉ có sự nghiệp chuyên nghiệp kéo dài 12 năm nhưng Jacqueline du Pré đã thực sự trở thành huyền thoại. Tiếng đàn cello khắc khoải, da diết của du Pré được người hâm mộ mãi ghi nhớ và luyến tiếc cho một nghệ sĩ có số phận bi thảm.

Nghệ sĩ Jacqueline Du Pre năm 1967

Học trò của những huyền thoại

Jacqueline Mary du Pré sinh ngày 26/1/1945 tại Oxford, Anh trong một gia đình có mẹ, bà Iris là một nghệ sĩ piano, nhà giáo dục âm nhạc. Còn cha của “Jackie”, như mọi người vẫn trìu mến gọi cô, ông Derek là một nhân viên kế toán tại ngân hàng Lloyds. Dòng họ cô xuất xứ từ quần đảo Eo biển (Channel islands), đó là lý giải cho nguồn gốc tiếng Pháp cho cái họ của gia đình cô. Jackie là con út, trên cô là anh trai Piers và chị gái Hilary, người sau này trở thành giảng viên dạy flute. Khi lên 4 tuổi, Jackie cùng mẹ tình cờ nghe được âm thanh của cây đàn cello vang lên trên sóng phát thanh, cô bé quay sang nói với mẹ mình: “Con muốn tạo ra âm thanh đó” và như một định mệnh, cây đàn cello đã gắn bó suốt phần đời còn lại của Jackie. 

Khi lên 5 tuổi, cô bé bắt đầu nhập học tại Trường Violoncello London, với thầy giáo Alison Dalrymple. Đối với việc học văn hóa, Jacqueline theo học tại Commonweal Lodge và sau đó là Croydon High School, đều là các trường tư thục dành riêng cho nữ sinh. Năm 1956, cô bé đã giành được giải thưởng Guilhermina Suggia, điều này giúp Jackie có được học bổng để theo học tại Trường Âm nhạc Guildhall London, nơi cô trau dồi các kỹ năng của mình với William Pleeth, nghệ sĩ cello nổi tiếng khi đó. Pleeth hồi tưởng về cô học trò nhỏ: “Tôi có thể thấy tài năng đáng chú ý của cô bé ngay từ bài học đầu tiên. Jackie cũng rất yêu quý người thầy giáo của mình, gọi ông trìu mến là “người cha cello”. Cô theo học Pleeth trong bảy năm và coi ông “là một giáo viên phi thường, người biết chính xác cách hướng dẫn ai đó hoặc sửa lỗi bằng lòng tốt và sự thấu hiểu”.

Cello concerto của Edward Elgar, tác phẩm sẽ mãi mãi gắn liền với tên tuổi của du Pré được cô công diễn lần đầu tiên vào ngày 21/3/1962 tại Royal Festival Hall cùng BBC Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Rudolf Schwarz.

Năm 1958, gia đình cô chuyển lên sinh sống tại London theo yêu cầu công việc của ông Derek. Jackie bắt đầu được Pleeth cho tham gia biểu diễn tại các buổi hòa nhạc dành cho thiếu nhi. Tháng 3/1959, cô xuất hiện trên đài truyền hình BBC trong cello concerto của Édouard Lalo. Tháng 5/1959, cô lặp lại điều này cùng BBC Welsh Orchestra, Cardif. Jackie cũng có được bản thu âm đầu tiên của mình trong cello concerto số 2 của Joseph Haydn cùng Royal Philharmonic cho BBC. Tháng 4/1960, cô đã xuất sắc giành được huy chương vàng tại Guildhall School of Music và cuối năm đó, Jackie được tham gia một khóa học masterclass cùng huyền thoại Pablo Casals tại Zermatt, Thụy Sĩ. Sau đó, Pleeth đã hướng dẫn cho cô học trò của mình tham gia vào cuộc thi Queen’s Prize. Ban giám khảo, đứng đầu là Yehudi Menuhin đã trao giải nhất cho cô. Menuhin còn cảm thấy hứng thú với tài năng của cô gái nhỏ đến nỗi đã mời Jackie biểu diễn tam tấu cùng mình và em gái Hephzibah Menuhin. Kể từ đó, sự nghiệp biểu diễn của Jackie đã thăng tiến một cách nhanh chóng.

Ngày 1/3/1961, du Pré có buổi ra mắt tại Wigmore Hall, London, trong đó cô biểu diễn các cello sonata của George Frideric Handel, Johannes Brahms, Claude Debussy và Manuel de Falla cũng như một tổ khúc dành cho cello của Johann Sebastian Bach. Ngay từ lúc này, cô đã sở hữu cây đàn Stradivarius được chế tác từ năm 1673, có âm sắc dầy đặn, do người mẹ đỡ đầu Isména Holland tặng. Cello concerto của Edward Elgar, tác phẩm sẽ mãi mãi gắn liền với tên tuổi của du Pré được cô công diễn lần đầu tiên vào ngày 21/3/1962 tại Royal Festival Hall cùng BBC Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Rudolf Schwarz và được lặp lại vào ngày 14/8 trong liên hoan Proms, lần này là với Malcolm Sargent. Chính buổi hòa nhạc này đã tạo nên một tiếng vang lớn, khiến khán giả tại London bắt đầu chú ý tới một nghệ sĩ cello trẻ tuổi, tài năng. Cô cũng trở thành nhân vật được yêu thích tại Proms, được mời biểu diễn tại đây liên tục cho đến năm 1969. Trong tháng 9 và 10/1962, du Pré lần lượt ra mắt trong những sân khấu lớn tại Berlin và Paris trong cello concerto của Robert Schumann. Ngay sau đó, cô đăng ký một khóa sáu tháng tại Conservatoire de Paris, theo học với nghệ sĩ danh tiếng Paul Tortelier. Năm 1964, với mong muốn sở hữu một cây đàn cello có âm sắc sáng hơn, du Pré đã có được Davidov Stradivarius 1712, và vẫn là món quà từ người mẹ đỡ đầu. Với cây đàn này, du Pré đã có bản thu âm bất hủ cello concerto của Elgar cùng John Barbirolli và London Symphony Orchestra cho EMI, đĩa nhạc cần phải có trong bất kỳ bộ sưu tập nào. Barbirolli vốn cũng là một nghệ sĩ cello, người từng là thành viên bè cello trong màn ra mắt tác phẩm này vào ngày 27/10/1919, ông đã chú ý đến du Pré ngay từ khi cô còn nhỏ và vô cùng ngưỡng mộ tài năng đặc biệt của cô. Du Pré đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ chỉ khi mới 20 tuổi. Kể từ thời điểm đó, du Pré và cello concerto của Elgar dường như đã hòa với nhau làm một.

Mặc dù vậy, chưa thỏa mãn với khả năng biểu diễn của mình, năm 1966, du Pré đến Moscow để theo học với Mstislav Rostropovich. Ông vô cùng hài lòng với cô học trò của mình, Rostropovich tuyên bố du Pré là: “Nghệ sĩ cello duy nhất của thế hệ trẻ có thể ngang bằng và vượt qua thành tích của chính tôi”. Cô học với Rostropovich trong vòng sáu tháng và khi chia tay, ông đã tổ chức cho cô một buổi hòa nhạc tại Moscow. Nó đã thành công đến nỗi làm lu mờ kết quả cuộc thi Tchaikovsky vừa mới kết thúc trước đó. Ngay sau đó, cô trở lại Liên Xô cùng BBC Symphony Orchestra trong cello concerto của Elgar, một bản nhạc ít được biết đến tại đây khi đó và tạo ra một sự sửng sốt to lớn. Rostropovich cũng đã bỏ tác phẩm này ra khỏi danh mục biểu diễn của mình và tự hào thú nhận: “Học trò của tôi, Jacqueline du Pré, đã chơi nó hay hơn tôi nhiều vì tôi không có góc nhìn mới mẻ mà một tác phẩm như vậy yêu cầu”. Casals sau khi nghe cô học trò ngày nào của mình chơi tác phẩm này tại liên hoan Puerto Rico đã nói: “Cho đến nay chưa ai chơi bản concerto này tốt như Jacqueline và sau này sẽ không ai chơi như cô ấy”. Lúc này, hành trang của cô đã được chuẩn bị đầy đủ, du Pré đã sẵn sàng cho chặng đường tiếp theo trong sự nghiệp của mình.

Jacqueline du Pré và Daniel Barenboim.

Một cặp nghệ sĩ hoàn hảo

Du Pré gặp nhạc trưởng, nghệ sĩ piano Daniel Barenboim vào Giáng sinh năm 1966 tại nhà của nghệ sĩ piano Fou Ts’ong, con rể của Menuhin. Họ cùng ngồi xuống và chơi một cello sonata của Johannes Brahms và mọi thứ trở nên vô cùng tuyệt vời. Họ hiểu nhau về âm nhạc một cách hoàn hảo và cả ngoài âm nhạc nữa. Barenboim nói về du Pré: “Cô ấy là một nghệ sĩ độc nhất vô nhị. Cô ấy không hiểu biết chính xác về những thứ liên quan đến âm nhạc như là một nhà âm nhạc học hoặc nhà khoa học nhưng cô có một bản năng kỳ lạ và sự nhanh nhẹn một cách dị thường của bộ não. Cô ấy xem bản nhạc lần đầu tiên và không chỉ có thể chơi các nốt nhạc mà còn hiểu ngay bản chất của chúng”. 

Du Pré hủy bỏ mọi chương trình biểu diễn để bay đến Jerusalem ngay trước cuộc Chiến tranh sáu ngày (giữa các nước Ả Rập và Israel vào ngày 5-10//1967). Barenboim là người theo đạo Do Thái và du Pré đã phải cải đạo để có thể kết hôn. Đám cưới của họ diễn ra vào ngày 15/6/1967 tại Bức tường phía Tây sau khi tổ chức các buổi hòa nhạc trên khắp Israel. Câu chuyện của họ có tuổi trẻ, sự hào nhoáng, niềm đam mê và lãng mạn khiến họ được đem so sánh với Robert và Clara Schumann. Barenboim đã gọi vợ mình là “Smiley” vì gương mặt hiếm khi thiếu vắng nụ cười của cô. Họ đã liên tục biểu diễn và thu âm cùng nhau kể từ đó với Barenboim trong cả hai vai trò nhạc trưởng (các concerto của Haydn, Antonín Dvořák, Luigi Boccherini, Camille Saint-Saëns, Robert Schumann, Elgar) và nghệ sĩ piano (các cello sonata của Ludwig van Beethoven, Frédéric Chopin, Brahms, César Franck). Ngoài ra, cùng với nghệ sĩ violin Pinchas Zukerman, họ đã cùng nhau thu âm các piano trio của Beethoven. Chúng chủ yếu dược thực hiện cùng EMI.

Là một người chồng, một đồng nghiệp, hơn ai hết Barenboim hiểu rõ về người vợ mình: “Cô ấy có khả năng tưởng tượng ra âm thanh mà tôi chưa từng gặp ở bất kỳ nghệ sĩ nào khác. Cô ấy không biết khó khăn về kỹ thuật là gì hay việc chơi an toàn là như thế nào. Giọng điệu của du Pré được bộc lộ và trực tiếp nhưng vô cùng đa dạng, như thể cô ấy đang thể hiện màu sắc tự nhiên của một nhạc cụ trong tình trạng nguyên sơ. Cô ấy chơi với sự rõ ràng và cởi mở như nhau trong suốt dải âm thanh, nâng cao quãng âm trầm hơn với ánh sáng quyến rũ và tức thì, như thể một bức màn âm thanh đã được vén lên”. Tiếng đàn của du Pré luôn toát ra một tình thần lãng mạn sâu sắc, với những nốt pianissimo đẹp mê hồn. Ở du Pré luôn toát ra một nguồn cảm hứng thuần khiết và nguyên bản, cô cảm thấy rằng mình có trách nhiệm “phải tiết lộ cho khán giả thấy tâm hồn bên trong của nhà soạn nhạc”. 

Nghệ sĩ thường xuyên bị giằng xé giữa lý trí với tình cảm, trăn trở giữa tầm quan trọng của việc tuân theo sự chính xác của tổng phổ và làm nổi bật lên niềm đam mê của cá nhân. Nhiều người theo đuổi kỹ thuật cá nhân hoàn hảo, những người khác lại có thể làm toát lên cái hồn của tác phẩm. Du Pré, không cần phải bàn cãi, nổi bật trong cả hai lĩnh vực, tuy nhiên cô luôn coi kỹ thuật chỉ là một phương tiện hỗ trợ chứ không phải mục đích tự thân. Một số nhà phê bình nghiêm khắc chỉ trích cô để cho sự dâng trào của bản năng âm nhạc và tính ngẫu hứng chiếm lĩnh nhưng Barbirolli đã bảo vệ cô: “Jackie đôi khi bị buộc tội vì cảm xúc quá mức… nhưng tôi thích điều đó. Khi bạn còn trẻ, bạn nên dư thừa mọi thứ. Nếu bạn không dư thừa khi bạn còn trẻ, bạn sẽ lấy gì để bù đắp khi năm tháng trôi qua”?

Sở hữu một lịch trình biểu diễn dày đặc vượt quá sức chịu đựng của cây đàn Davidov với những thay đổi liên tục về nhiệt độ và áp suất không khí, vì vậy vào năm 1967, du Pré đã mượn (và cuối cùng mua) một chiếc Francesco Gofriller. Năm 1970, Barenboim đã tặng vợ mình cây đàn cello hiện đại Sergio Peresson mà bà sẽ sử dụng từ đó cho tới khi kết thúc sự nghiệp. Ngày 30/8/1969, tại Queen Elizabeth Hall, London, cùng với Barenboim, Itzhak Perlman, Zukerman và Zubin Mehta, du Pré đã biểu diễn piano quintet “Triout” của Franz Schubert, một trong những phiên bản tuyệt vời nhất của tác phẩm này. 

Khi sự nghiệp đang trở nên thuận lợi và hanh thông hơn bao giờ hết, một tai họa bất ngờ ập xuống du Pré vào năm 1971. Bà nhớ lại: “Điều đó đã xảy ra với tôi trên sân khấu buổi hòa nhạc ở New York. Tôi đang chơi với Pinchas Zukerman. Đột nhiên tôi không thể cảm nhận được cây đàn cello. Tôi vô cùng sợ hãi. Khi ở trên sân khấu và không biết ngón tay của mình đang đi về đâu bởi vì tôi cũng không thể sắp xếp chúng cũng như cánh tay của mình”. Bà trở về Anh trong tình trạng kiệt sức. Chống chọi lại bệnh tật, du Pré vẫn cố gắng duy trì công việc biểu diễn và thu âm của mình nhưng không thể. Đĩa nhạc các cello sonata của Chopin và Franck thực hiện cùng Barenboim vào tháng 12/1971 là bản thu âm cuối cùng của bà. 

Du Pré hầu như không biểu diễn trong năm 1972, các ngón tay của bà mất đi độ nhạy nhưng chưa thực sự biết được nguyên nhân của sự việc này. Bà vẫn nỗ lực trở lại sân khấu với một chương trình tại London trong cello concerto của Elgar cùng New Philharmonia Orchestra và Mehta vào ngày 8/2/1973. Du Pré cùng với Zukerman đã biểu diễn “Double” concerto của Brahms cùng Leonard Bernstein và New York Philharmonic vào ngày 22, 23 và 24/21973. Đó là những lần cuối cùng bà xuất hiện với tư cách nghệ sĩ. Trên thực tế, bà phải hủy bỏ hai đêm nhac nữa. Ngày 27/2 Lorne Munroe đã thay thế bà trong “Double” concerto. Ngày 28/2, Isaac Stern trong violin concerto của Felix Mendelssohn đã phải là người đóng thế cho du Pré vốn sẽ biểu diễn Schelomo của Ernest Bloch. Bà nhớ lại thời khắc định mệnh đó: “Đó là điều rất khó khăn vào thời điểm tốt nhất. Tôi cảm thấy rất xấu hổ. Mọi người đều cực kỳ tốt với tôi, nghĩ rằng đó chắc là thần kinh. Tôi không thể nghĩ cái quái gì đang xảy ra. Tôi đến phòng hoà nhạc và không thể cảm thấy hộp đàn cello của mình hoặc lấy cây đàn ra khỏi hộp… Bước ra sân khấu giống như bước lên máy chém. Không thể tập hợp sức mạnh từ cánh tay và ngón tay của mình, tôi không biết chúng đang ở đâu hoặc đang làm gì”. Bà đã phải giã từ sự nghiệp khi chỉ mới 28 tuổi với cả một tương lai tươi sáng phía trước. Một bi kịch thật sự, cho cả du Pré và những người mê đắm tiếng đàn tuyệt diệu của bà.

Số phận bi thảm

Tháng 10/1973, các bác sĩ mới kết luận nguyên nhân gây ra tình trạng của du Pré là căn bệnh đa xơ cứng Sự khởi phát của nó lặng lẽ đến nỗi bà hầu như không cảm nhận được cho đến khi nó đã ở đó và bắt đầu phát tác. Căn bệnh đã tấn công lớp vỏ myelin bao bọc hệ thần kinh trung ương của cơ thể. Các tế bào bên trong vỏ bọc, thường được so sánh với lớp cách điện trên hệ thống dây điện, mang thông điệp đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Khi lớp vỏ bọc xấu đi, hệ thống thần kinh trao đổi thông tin và đôi khi chúng không được thông suốt – do đó, tay bà mất đi cảm giác và cuối cùng là mất khả năng đi lại. Chỉ ít lâu sau đó, du Pré đã bị liệt và phải ngồi xe lăn. Bà không thể tự mặc quần áo, không thể đứng và chỉ còn biết dồn sức vào hai công việc: dạy học và là đối tượng để nghiên cứu căn bệnh đa xơ cứng. Bà cho biết: “Tôi phải học cách xây dựng lại cuộc sống của mình. Tôi đến các buổi hoà nhạc và gặp gỡ bạn bè của tôi. Và âm nhạc vẫn còn sống trong đầu tôi”. Và bà vẫn lạc quan về tương lai: “Không ai biết liệu tôi có bao giờ lấy lại được khả năng vận động hay không. Có thể là tuần sau tôi sẽ thấy mình đang đi trên đường. Tôi tin vào sự lạc quan thực tế nhưng không mơ mộng”. 

Bà vẫn kiên cường chống chọi lại bệnh tật cho đến khi qua đời vào ngày 19/10/1987 ở tuổi 42 và được chôn cất tại nghĩa trang Golders Green Jewish. Trước khi mất, du Pré từng cho biết: “Tôi là một người rất may mắn. Tôi đã có một cuộc sống rất phong phú và viên mãn. Tôi yêu thích cây đàn cello và nhận được rất nhiều sự hài lòng từ nó”. Rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp đã gửi tới du Pré lời chia buồn sâu sắc. Julian Lloyd Webber nói: “Bà là một người có ảnh hưởng to lớn đối với tất cả các nghệ sĩ trẻ của Anh và đây là một đêm rất buồn. Tác phẩm cello đầu tiên mà tôi từng nghe là của bà trên radio từ Proms. Nói thay cho những nghệ sĩ cello Anh trẻ tuổi, bà là một nguồn cảm hứng tuyệt vời cho tất cả chúng tôi”. John Walford, tổng thư ký Hiệp hội Đa xơ cứng của Anh và Bắc Ireland cho biết: “Tôi rất, rất tiếc khi biết tin bà qua đời. Bà đã chiến đấu rất dũng cảm chống lại căn bệnh quái ác mà bà mắc phải”. Trước đó, du Pré và Barenboim đã thành lập Quỹ nghiên cứu Đa xơ cứng Jacqueline du Pré, một tổ chức từ thiện tài trợ cho việc nghiên cứu căn bệnh này.

Cây đàn Stradivarius 1693 được để lại cho Lynn Harrell và ông đã đặt tên nó là du Pré để tưởng nhớ bà. Và Yo-Yo Ma thì coi là đặc ân khi được nhận cây đàn Davidov. Ông cho biết: “Cây đàn này đã được Jackie và Daniel ân cần cho tôi mượn. Để chơi một nhạc cụ tuyệt vời mang một số trách nhiệm nhất định, nhưng chơi trên nhạc cụ này với nhận thức rằng cùng với nó, Jackie đã chơi và ghi lại nhiều bản thu âm yêu thích của tôi, giúp tôi có thêm ý thức cố gắng nỗ lực hết mình bất cứ khi nào tôi chơi trên nó. Ví dụ, Tôi không bao giờ có thể chơi concerto của Elgar mà không cảm nhận được sự hiện diện của cô ấy trên cây đàn. Thật may mắn cho tất cả chúng ta là những bản thu âm của cô ấy luôn có sẵn để truyền cảm hứng và gây hứng khởi. Đối với tôi, Jackie vẫn sống mãi”. Nhiều năm sau khi qua đời, cái tên du Pré vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Cuốn hồi ký A Genius in the Family (Một thiên tài của gia đình) do Piers và Hilary, hai anh chị của du Pré là chủ đề cho kịch bản của bộ phim Hilary và Jackie được công chiếu năm 1998. Nhiều nghệ sĩ, trong đó có Menuhin và Rostropovich đã lên tiếng yêu cầu cấm chiếu bộ phim này vì cho rằng có quá nhiều sai lệch so với thực tế. Tuy nhiên, đáng tiếc, điều này chỉ khiến Hilary và Jackie càng trở nên nổi tiếng hơn. Năm 2021, nữ diễn viên Miriam Margolyes viết trong cuốn hồi ký This many is true (Nhiều điều này là sự thật), trong đó công bố bác sĩ trị liệu của bà, Margaret Branch tiết lộ rằng sự qua đời của du Pré là do tự tử và chính Branch đã hỗ trợ du Pré bằng cách tiêm thuốc độc. Barenboim đã gọi tuyên bố này là không thể kiểm chứng và “hoàn toàn không liên quan thực tế đến sự ra đi của Jackie”. 

Du Pré thực sự là một ngôi sao băng tỏa sáng rực rỡ trong chốc lát rồi biến mất. Sự qua đời của bà là một trong những bi kịch đau thương nhất của nền âm nhạc cổ điển thế giới trong thế kỷ 20. Tuy vậy, tiếng đàn nồng nàn, cháy bỏng của du Pré với hình ảnh nụ cười luôn thường trực trên môi bà luôn còn mãi trong trái tim của những người yêu nhạc.□

Ngọc Tú dịch 

Nguồn:

https://www.nytimes.com/1987/10/20/obituaries/jacqueline-du-Pré-noted-cellist-is-dead-at-42.html

https://insheepsclothinghifi.com/jacqueline-du-Pré/

https://www.thestrad.com/long-read-remembering-jacqueline-du-Pré/13760.article

https://www.washingtonpost.com/archive/local/1987/10/21/j-du-Pré-famed-cellist-dies-at-42/01ea53e9-4ed3-497c-9710-024494129aae/

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)