Jalsaghar (đạo diễn Satyajit Ray): Ai cũng phải chết, ai cũng phải chết
Một kiệt tác thì luôn phải kết đúng chỗ, đúng thời điểm, không thiếu, không thừa. Vậy Jalsaghar có làm được thế không?

“Có thật không hả sư phụ Johnson, rằng ngoài kia có rất nhiều người đang bị chặt đầu?”, Phổ Nghi thắc mắc với thầy giáo của mình trong Hoàng đế cuối cùng. Nhà vua sống trong Tử Cấm Thành, chỉ loáng thoáng nghe về thế giới bên ngoài. Còn truyền kỳ về Marie Antoinette: khi cận thần tâu rằng người dân Pháp giờ đây không có đủ bánh mì để ăn, nàng thản nhiên đáp: “Hãy cho họ ăn bánh ngọt”. Về sau, nàng bị chém đầu. Có lẽ ngay cả khi bị chém đầu, nàng cũng chẳng hiểu tại sao, tại sao mọi sự đã thành ra như thế. Quân vương của nàng, Louis XVI, tương truyền vẫn còn mải mê làm những chiếc ổ khóa trong khi cả kinh thành Paris nổi giận. Bước vào ảo mộng thì dễ, bước ra khó hơn nhiều.
Jalsaghar (The Music Room) nằm “kẹp” giữa Apu tam bộ khúc kinh điển của bậc thầy làm phim người Ấn Độ Satyajit Ray – phim ra đời sau Pather Panchali và Aparajito, và ngay trước Apur Sansa. Nếu như Apu tam bộ khúc kể về cuộc đời một cậu bé vùng nông thôn, thì Jalsaghar kể về một zamindar (tương đương với một lãnh chúa thời phong kiến) cực kỳ giàu có. Cảnh đầu Jalsaghar, ta thấy một người hầu bưng bình shisha ra đặt bên cạnh chiếc ghế lớn tinh xảo trên sân thượng. Ta không nhìn thấy Biswambhar Roy – vị lãnh chúa bị giấu gần hết nhân dạng, chỉ thò ra một bàn tay đón lấy vòi hút cùng bàn chân gác chéo. Sau đó giọng nói của ông vang lên – ta vẫn chưa được nhìn thấy ông – ông hỏi: “Bây giờ là tháng mấy?”. Ông đã mất ý thức về ngày tháng, cả mùa màng. Khi gã người hầu bảo đã sang tháng tư, hoa yết-ni-ca đã nở, ông mới biết đó là mùa xuân – lúc này thì ta được thấy bán diện nhân vật. Satyajit Ray giấu kín vị zamindar đến lúc đó. Tại sao ta không được thấy ông ngay? Câu hỏi ấy hình như không đúng. Không phải ta không được thấy vị lãnh chúa ngay, mà phải là, vị lãnh chúa không được đối diện với khán giả ngay. Ông quay lưng vào chúng ta, cũng như quay lưng vào thực tại.
Biswambhar Roy – cũng như Marie Antoinette, như Louis XVI, như Phổ Nghi — sống trong biệt điện của mình. Satyajit Ray, trong một bài luận đăng ở tuyển tập Our Films, Their Films, kể lại quá trình đi tìm bối cảnh ghi hình Jalsaghar, theo lời một người bán trà, ông tìm được Nimitia, cung điện nhỏ bên bờ sông Padma, nơi hằng năm những con lũ đe dọa nuốt chửng công trình ấy (và nó đã diễn ra rồi, theo lời chủ nhân già cả của tòa nhà: cả nhà đang ăn sáng thì nghe một âm thanh lạ, khi bước ra đã thấy một phần lãnh địa biến mất vĩnh viễn trong lòng nước, nhưng họ “thà chết chìm theo căn nhà còn hơn bỏ lại nó”). Suốt gần như cả phim, Roy chỉ quanh quẩn trong cung điện của mình, ông chỉ thực sự bước ra một lần mà thôi, một lần định mệnh. Ta sẽ nói đến lần đó sau. Còn trước hết, hãy nói về cung điện. Cung điện là nơi ông làm tổ. Là cõi mộng của ông. Nhưng cũng là cuộc đời ông, cuộc đời duy nhất mà ông biết. Ngay cả khi cưỡi ngựa đi rất xa ở một cảnh đầu phim, bụi tung mù mịt dưới vó ngựa, nhưng vẫn là ông đang cưỡi ngựa trong cung điện bao la của mình.
Linh hồn của cung điện là một nơi để chơi nhạc, nơi vị lãnh chúa thường mời các nghệ sĩ tài danh tới chơi đàn, ca hát, và khách khứa kéo đến chật kín thưởng thức nghệ thuật chân chính. Căn phòng có một chiếc gương lớn, một chiếc đèn trần lung linh ánh nến, những bức chân dung oai vệ của các vị tổ tiên. Ai sẽ muốn bước ra ngoài khi đã có tất cả những gì đẹp nhất, cao quý nhất, mỹ mộng nhất ở trong chính căn nhà của mình? Người ta chỉ muốn tỉnh dậy khỏi ác mộng. Âm nhạc đâu thể nào là ác mộng.
Ai sẽ muốn bước ra ngoài khi đã có tất cả những gì đẹp nhất, cao quý nhất, mỹ mộng nhất ở trong chính căn nhà của mình? Người ta chỉ muốn tỉnh dậy khỏi ác mộng. Âm nhạc đâu thể nào là ác mộng.
Khi vợ ông bày tỏ nỗi lo lắng rằng bà có một giấc mơ không lành, ông hỏi lại bà: “Thế bà biết tôi mơ gì không? Tiệc tùng tiếp diễn nơi điện thờ Indra, vua các vị thần. Rambha đang hát, Urvashi nhảy múa, và Menka, Menka…”, nói đến đó ông đã thiếp đi. Indra (Đế Thích) là thần sấm sét, là chúa tể cõi trời, đứng đầu chư thiên; còn Rambha, Urvashi hay Menka là những tiên nữ apsara xinh đẹp, giỏi ca múa. Truyền thuyết Ấn Độ giáo cũng có truyện về thần Indra vì bị cái đẹp dẫn dắt mà chịu lời nguyền bị hàng ngàn Yoni (âm đạo) mọc trên thân thể, đành phải chui rúc trong bóng tối, mãi về sau mới được hóa giải khi thần Brahma thương tình, biến Yoni trên người Indra thành ngàn con mắt. Nếu như một vị thần còn lụn bại trong cái đẹp, thì tại sao một người trần có thể thoát ra?
Trên một lần trong Jalsaghar, cung điện của Roy đốt pháo hoa – một dạng thức của sấm sét. Căn phòng âm nhạc của Roy có một chiếc đèn pha lê tinh xảo với hàng trăm búp đèn nhỏ như hàng trăm con mắt (chiếc đèn không có sẵn từ đầu, lần đầu tiên nó xuất hiện, nó đang nằm dưới đất). Và cũng như thần Indra cưỡi voi, tài sản của Biswambhar Roy cũng có một con voi. Chỉ là, khi con voi xuất hiện, nó xuất hiện trong tư thế nằm, đắm gần hết thân mình dưới nước; một kẻ làm công đen sì đang ngồi chễm chệ trên thân voi kỳ cọ cho nó. Là voi, nhưng là một khối quyền lực đang nghỉ ngơi, đang mệt mỏi, đang chìm dưới sông. Sau đó, ta được hay tin người con trai độc nhất của Roy chết vì cơn bão ngoài khơi. Không biết vị thần thời tiết Indra bảo trợ cho Roy hay nguyền rủa Roy.

Vị lãnh chúa bắt đầu chết dần chết mòn trong cung điện của mình, một cung điện giữa mênh mông cát bụi, một thế giới bị cô lập, bị bỏ quên, một nơi chốn hẳn đã từng là trung tâm của thịnh vượng, và nay bị gạt sang bên lề thế giới. Đó không chỉ là số phận của Roy, đó hình như là số phận của phần lớn những vương triều đã từng ở đỉnh cao thế giới, số phận của tất cả những triều đại đã từng huy hoàng, cũng là số phận của không ít vị thần – thử đếm xem có bao nhiêu vị thần từng được khai sinh trong lịch sử nhân loại, và bao nhiêu đến nay đã chẳng còn ai thờ cúng.
Và bao giờ cũng vậy, vị thần của một thời đại cổ xưa luôn bị lật đổ bởi một vị thần mới, Zeus lật đổ Cronus và rồi đến lượt mình Zeus sẽ bị Thượng đế lật đổ. Sự suy vi của Roy đương nhiên có dấu ấn của một “người hùng” của thời đại mới. Mahim Ganguly không phải một quý tộc như Roy, mà là một thương nhân. Trớ trêu, Roy – người không bao giờ bước ra ngoài lãnh địa của mình – chỉ biết về thế giới bên ngoài qua Mahim: tiếng đàn vọng từ nhà Mahim, tiếng động cơ điện từ hiện đại kêu lên từ phía nhà Mahim, một chiếc xe tải của Mahim chạy qua… Những hiểu biết của Roy về thực tại luôn đến với ông một cách gián tiếp như thế – ông chưa bao giờ thật sự chạm tay vào hiện thực ấy, nó luôn tồn tại ở phía bên kia, như một vọng âm, như một cái gì đó lướt qua, không bao giờ chính diện, luôn quay lưng với ông theo cùng cách ông quay lưng với nó. Ông không thực sự nhìn thẳng vào nó — vậy ông nhìn vào đâu? Ông nhìn vào tấm gương. Mà tấm gương ở đâu? Trong nhà ông. Nghĩa là ngay cả khi phản chiếu / suy tư (reflect), ông cũng chỉ đang phản chiếu / suy tư về thế giới của mình. Lần đầu tiên tấm gương xuất hiện, Roy đang ngồi trước gương, tự ngắm bản thân. Tấm gương sẽ còn xuất hiện nhiều lần nữa, trong bộ phim này, trong nhiều tác phẩm khác của Satyajit Ray.
Roy chỉ bước ra ngoài, thực sự bước ra ngoài, đúng một lần, ở cảnh cuối, khi ông phóng ngựa lao đi, thấy một con thuyền – liệu có phải con thuyền đắm đã giết đứa con trai ông? – ngã ngựa, rồi chết. Sẽ có người hỏi rằng, tại sao bộ phim lại phải kéo dài tới tận lúc ấy. Nó đã có thể kết thúc ở chỗ Roy lên ngựa bỏ đi, và ta chỉ thấy chân trời nơi người và ngựa ngày một nhỏ dần. Tại sao phải có cảnh Roy chết? Như thế liệu có làm cho cái kết đóng sập lại hoàn toàn, không còn không gian cho những câu hỏi và những thắc mắc?
Một kiệt tác thì luôn phải kết đúng chỗ, đúng thời điểm, không thiếu, không thừa. Vậy Jalsaghar có làm được thế không? Câu trả lời là có. Roy phải chết và ta phải nhìn thấy Roy chết, bởi toàn bộ bộ phim từ đầu đến tận lúc đó chỉ là một cái chết kéo dài của vị lãnh chúa. Ông ta bắt đầu chết ngay khi mới lọt vào ống kính — ngồi im trên ghế hút shisha. Ông đã chết ngay cả khi dùng hết số tiền còn lại tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc trong biệt điện suy tàn của mình: khoảnh khắc ấy là một hồi quang phản chiếu trước khi đi tới cái chết chung cuộc, và Satyajit Ray đã dành một thời lượng dài để ghi lại điệu vũ điên cuồng của một vũ nữ kathak – phải chăng cái giấc mơ về thần Indra và những nàng aspara của Roy đã hiện hữu trong giây phút ấy?, nhưng dường như chính ông ta cũng không chịu nổi giấc mơ của mình, ống kính quay cận vào đôi chân người vũ nữ làm ta váng vất, và liệu có phải chính sự váng vất với cái đẹp mà ta từng mơ tưởng là dấu chấm hết cho Roy, và con nhện bò trên bức chân dung treo tường sau đó chỉ là nét phụ họa cho cuộc điêu tàn. Viên gạch cuối cùng của biệt điện giấc mơ sụp đổ không phải sự ra mặt của loài sinh vật gớm guốc kia, mà là sự tan vỡ của chính Roy, là cơn chóng mặt khi gặp lại cái đẹp mà ông hằng mơ mộng, cái đẹp mà vì nó ông đã mất tất cả.
Vậy thì đến lúc ông nhìn thẳng vào cái chết thôi. Và cảnh cuối cùng là để làm điều đó, để thay đổi cái định mệnh “thà chết chìm theo căn nhà còn hơn bỏ lại nó”. Roy đã luôn sống cùng cái chết mà ông không hề hay biết. Nhưng cuối cùng, vị lãnh chúa cũng được nhìn thấy sự thật như nó là. Và sự thật trên đời chỉ duy có một: ai cũng phải chết, ai cũng phải chết, ai cũng phải chết.□
Bài đăng Tia Sáng số 10/2025