Janos Starker – nghệ sĩ và người thầy cello

Ngày 28/4/2013, Janos Starker, nghệ sĩ cuối cùng trong bộ ba nghệ sĩ cello danh tiếng nhất thế kỷ 20, bao gồm cả Gregor Piatigorsky và Mstislav Rostropovich, đã qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Bloomington, bang Indiana, Mỹ, hưởng thọ 88 tuổi.

Janos Starker sinh ra ở Budapest, Hungary, vào ngày 05/7/1924. Cha ông là thợ may người Do Thái Ba Lan, mẹ ông là người Ukraine. Tên ông được đặt theo tên bệnh viện nơi ông chào đời. Họ của ông là SHTAR-ker; nhưng sau khi chuyển tới Mỹ thì trở thành STAR-ker. Là một thần đồng, năm lên bảy tuổi, khi đang học tại Học viện Âm nhạc Franz Liszt, ông đã được giới thiệu với Pablo Casals và được huyền thoại cello hôn lên má. Hai năm sau, ông được nhà soạn nhạc nổi tiếng Béla Bartók khai tâm cho thứ ngôn ngữ mộc mạc của âm nhạc Trung Âu. 11 tuổi, ông có buổi trình diễn độc tấu đầu tiên. 14 tuổi, ông chơi bản concerto của Dvorak với dàn nhạc dù chỉ được thông báo trước một vài giờ. Và cuối cùng Starker trẻ tuổi trở thành nghệ sỹ cello chính của Budapest Opera và Budapest Philharmonic.

Vì là người Do Thái, gần cuối chiến tranh thế giới thứ hai, Janos và cha mẹ mình bị đày đến trại lao động ở đảo Csepel trên sông Danube, nơi ông nhớ lại: “Tôi đã làm thợ điện, tôi sửa chữa mái nhà, tôi tháo ngòi nổ quả bom.” Ông cùng cha mẹ may mắn sống sót sau chiến tranh nhưng hai người anh trai của ông, Tibor và Eder, đều là nghệ sỹ violon, thì mất tích. Starker tin rằng Đức quốc xã đã bắn chết họ.

Sau chiến tranh, Starker vẫn làm nghề thợ điện và thợ mỏ khai thác lưu huỳnh trước khi tìm đường đến Paris. Ở đó, năm 1947, ông thu âm bản sonata cho cello độc tấu của Kodaly, một tác phẩm bị coi là không thể chơi được nhưng ông đã chơi điêu luyện từ trước chiến tranh. Bản thu âm giành giải thu âm danh giá nhất của Pháp – Grand Prix du Disque, và mang lại cho ông danh tiếng quốc tế. Cùng năm đó, ông dự thi Cuộc thi Cello Geneva nhưng bất ngờ bị chính học trò của mình loại.

Theo lời khuyên của nhạc trưởng Antal Doráti, năm 1948, Starker sang Mỹ và trở thành nghệ sỹ cello chính của Dallas Symphony, nơi Antal Dorati làm giám đốc âm nhạc. Sau đó, ông là nghệ sỹ cello chính của Metropolitan Opera New York (1949-53), do Fritz Reiner làm giám đốc âm nhạc và George Szell làm nhạc trưởng. Thời gian này, có lần Starker được nhạc trưởng Dimitri Mitropoulos đề nghị tới chơi thử cho New York Philharmonic, nhưng ông từ chối – ông nói rằng nếu muốn thì vị nhạc trưởng nên đến chỗ ông mà nghe ông chơi.

“Tôi không tin vào việc sử dụng quá nhiều kỹ thuật vibrato. Cũng như [nghệ sĩ cello người Mỹ] Bernard Greenhouse từng nói với tôi khi ông sắp rời nhóm tam tấu Beaux Arts Trio, ‘Thật mệt mỏi, Janos ạ, khi phải vibrato quá nhiều. Tôi vibrato ngày càng từ tốn.’

Âm điệu của tôi tập trung và luôn ở trung tâm bởi vì tôi hạn chế sử dụng vibrato. Tôi tin rằng âm thanh vẫn có thể đẹp khi không vibrato.

Âm thanh đẹp với tôi là âm thanh gợi nhớ đến giọng người hoặc các nhạc cụ khác nhau, điều khiến tôi tin tưởng rằng có thể phân biệt tôi với nhiều nghệ sỹ cello khác, dù còn sống hay đã chết. Tôi xem mình là nghệ sỹ cello mang chất giọng người và giọng nhạc cụ đa dạng nhất từ trước đến nay, vì tôi đã làm cho âm thanh của tôi trở nên khác biệt và dễ dàng nhận ra. Nghĩa là, cách thức của tôi là để sao cho không phải lúc nào nghe cũng giống tiếng cello. Tôi làm ra các loại âm thanh khác nhau: soprano, mezzo, tenor, bass, baritone, flute, oboe, clarinet, và vân vân.”

Janos Starker  trả lời phỏng vấn The New York Times ngày 28/02/2004

Khi nhạc trưởng Fritz Reiner chuyển tới làm việc tại Chicago Symphony Orchestra, Starker đã ra đi cùng với ông, mặc dù họ từng bất hòa với nhau kịch liệt. Vốn là trong lần diễn tập cuối cùng, chuẩn bị cho buổi hòa nhạc chia tay Reiner, Starker không làm theo một động tác chỉ huy của vị nhạc trưởng và bị ông này ném cây gậy chỉ huy vào người, mạnh đến nỗi cây gậy bị gãy. Sau đó, những nghệ sỹ cello khác trong dàn nhạc tặng Starker một chiếc kẹp cà vạt có hình cây gậy chỉ huy bị gãy.

Một thời gian sau, ông trở thành nghệ sỹ cello chính của Metropolitan Opera Orchestra ở New York. (Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2004, The World of Music According to Starker, Starker nhắc lại cái ngày chỗ ngồi của ông trong hố nhạc được thay đổi để ông không bị phân tâm bởi các nữ nghệ sỹ quyến rũ trên sân khấu).

Cuối cùng, ông trở lại làm nghệ sĩ cello chính của Chicago Symphony Orchestra.

Ông được công chúng biết đến rộng rãi thông qua hơn 150 bản thu âm, trong đó có một trong sáu tổ khúc cho cello độc tấu của Bach từng đem lại cho ông một giải Grammy.

Dấu hiệu dễ thấy trong lối chơi của Starker là không ủy mị. Với cây đàn cello, sự đa cảm luôn tiềm ẩn rủi ro bởi đặc tính của cây đàn là có độ vang như sấm và âm sắc như giọng người. Ông cũng tránh xa động tác hất đầu kịch tính và đu đưa cơ thể mà nhiều nghệ sỹ cello khác ưa thích.

“Tôi không phải là diễn viên,” ông nói như vậy trong cuộc phỏng vấn năm 1996 với Internet Cello Society, một hội dành cho nghệ sỹ cello và người hâm mộ trên mạng internet. “Tôi không muốn thuộc về nhóm những nghệ sỹ xuất hiện trên sân khấu chỉ để tự sướng.”

Khác với nhiều nghệ sĩ đàn dây nổi tiếng khác, Starker sử dụng kỹ thuật vibrato [kỹ thuật rung của bàn tay và cánh tay trái] một cách tiết chế và thận trọng – kỹ thuật biến đổi cao độ nhanh chóng tức thời này làm phong phú thêm âm thanh của nốt nhạc nhưng cũng làm cho màn trình diễn trở nên “kịch” hơn. Kỹ thuật vibrato quá đà như thế, ông nói, giống như “một người phụ nữ tự lấy son môi bôi nhòe khuôn mặt mình.”

Mặc dù kết quả là phong cách âm nhạc của ông có vẻ như quá khô khan đối với gu của một vài nhà phê bình thì nhiều nhà phê bình khác vẫn tán dương Starker ở kỹ thuật hoàn hảo, âm thanh thuần khiết, cách phân nhịp cân đối và tinh tế, và cảm nhận sắc bén về ý tưởng của các nhà soạn nhạc. Phong cách của ông đặc biệt phù hợp với các tổ khúc của Bach, vốn là những tác phẩm kinh điển dành cho đàn cello, mà ông đã ghi âm trong nhiều dịp.

“Kỹ thuật trong lối chơi của Starker khớp một cách hoàn hảo với cảm nhận và phong cách của ông, khiến người nghe có xu hướng không còn để ý đến trình độ kỹ thuật bậc thầy mà ông đạt tới. Độ cao thấp của âm thanh luôn chuẩn xác, âm thanh rất dịu ngọt nhưng không sướt mướt, những đoạn khó chơi được chế ngự một cách khéo léo với sự thoải mái của một thầy phù thủy,” Raymond Ericson viết như vậy trên The New York Times vào năm 1962 khi bình luận về buổi độc tấu tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của Starker.

Đáp lại những người coi các buổi hòa nhạc của mình là quá đỗi lạnh lùng, Starker có một liều thuốc giải độc cực mạnh. Lấy cảm hứng từ gợi ý của nhà sản xuất và đạo diễn sân khấu Joseph Papp, ông đã xây dựng chương trình lưu diễn “Một tối đặc biệt với Janos Starker”. Trong các buổi tối đó, Starker được trang bị một cái ghế, cây đàn cello và những đạo cụ cần thiết khác, bước lên sân khấu. Ở đó, giữa các tiết mục âm nhạc, ông làm cho khán giả thích mê với những câu chuyện về các cuộc so tài âm nhạc, đồng thời thỉnh thoảng lại nhấp vài ngụm Scotch hoặc phả ra những đám mây khói thuốc.

Mặc dù Starker né tránh phong cách lãng mạn, nhưng ông không hề hạn chế mình chơi các tác phẩm thời kỳ Lãng mạn. Ông đã có nhiều buổi biểu diễn thành công bản concerto của Drovak, tác phẩm giọng Si thứ vốn được coi là “vũ khí tối ưu” của các nghệ sỹ cello trong mỗi buổi hòa nhạc.

Ông cũng không thờ ơ với âm nhạc của thế kỷ 20: ông được coi là một trong những người trình diễn thành công nhất bản sonata cho cello độc tấu do nhà soạn nhạc đồng hương Zoltan Kodaly sáng tác vào năm 1915 với độ khó về kỹ thuật cao đến mức được miêu tả là do ma quỷ chấp bút. Trong những tác phẩm này, cách ông tiết chế [cảm xúc] rất khác với phong cách lãng mạn chín muồi của cả Rostropovich và Piatigorsky.

“Điều tôi muốn thấy là thêm một chút khiêm nhường và chân giá trị hướng vào nghệ thuật của chúng ta, và bớt đi sự tự đề cao,” Starker nói về Rostropovich trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí People năm 1980. “Slava nổi tiếng hơn, nhưng tôi mới là nghệ sỹ cello vĩ đại hơn.”

Đó chỉ là một trong vô vàn phát ngôn của ông về đủ thứ vấn đề, liên quan đến cả các nhạc trưởng và các nghệ sỹ cello xuất chúng khác.

Các nhạc trưởng, như ông có lần nói, “Là những người được đánh giá cao hơn thực chất nhiều nhất trong âm nhạc.”

Starker cũng có những xích mích dai dẳng và công khai về âm nhạc với Eugene Ormandy và Herbert von Karajan. Chẳng hạn, sau khi bị Starker chỉ trích vào năm 1950 vì không biết bảng tổng phổ “Die Fledermaus” [của Johann Strauss II], Ormandy đã từ chối mời Starker biểu diễn cùng với dàn nhạc Philadelphia Orchestra suốt hơn 30 năm sau đó.

Còn đây là phát ngôn của ông về Jacqueline du Pré, nữ nghệ sỹ cello đầy biểu cảm người Anh mà sự nghiệp bị cắt ngang bởi căn bệnh đa xơ cứng: “Cô là một tài năng cello đáng kinh ngạc và một nghệ sỹ đẹp, nhưng tôi tin rằng cô đã tự làm cho sự hủy diệt của mình diễn ra nhanh hơn bởi cô đã vắt kiệt năng lượng cho việc biểu diễn.”

Cuốn hồi ký The World of Music According to Starker, cũng được viết với khẩu khí mạnh mẽ của ông.

Không chỉ phát ngôn mới là lĩnh vực Starker cho phép bản thân mình thoải mái thái quá – ngoài ra còn có thuốc lá và rượu. Ông mê rượu Scotch và dùng tài khoản của mình mua rượu vô hạn độ. Trong phần lớn cuộc đời, ông hút 60 điếu thuốc mỗi ngày, mặc dù khi về già ông có giảm xuống còn 25 điếu.

Có lần ông đã bỏ chương trình biểu diễn bản concerto của Elgar với South Carolina Philharmonic được lên kế hoạch từ trước bởi ông không được phép hút thuốc sau sân khấu trước buổi biểu diễn như thói quen của mình.

Không giống nhiều nghệ sỹ nổi tiếng thế giới khác, Starker coi dạy học là một phần chính trong sự nghiệp. Năm 1958, ông bắt đầu giảng dạy tại nơi bây giờ là Trường Nhạc Jacobs thuộc Đại học Indiana ở thành phố Bloomington.

Khi được The Chicago Tribune phỏng vấn năm 1993, ông nói: “Cá nhân tôi không thể biểu diễn mà không giảng dạy, và tôi cũng không thể giảng dạy mà không biểu diễn. Khi phải giải thích những gì đang làm, anh mới khám phá ra những gì thật sự anh làm.”

Sự hiện diện của Starker khiến Bloomington trở thành thánh địa dành cho nghệ sỹ cello ở miền Trung Tây Hoa Kỳ. Trong số các học sinh của ông có những nghệ sỹ độc tấu nổi tiếng như Tsuyoshi Tsutsumi, Gary Hoffman và Maria Kliegel. Với cái đầu hói và đôi lông mày dữ tợn, Starker trông có vẻ đáng sợ và thực tế ông có thể trở nên rất đáng sợ trong phòng học.

Cuốn giáo trình “An Organised Method of String Playing for Cello” (1965) của ông được sử dụng rộng rãi. Về mặt thực hành, ông đã phát minh ra cái cầu ngựa Starker Bridge, được nhiều nghệ sỹ cello ngày nay sử dụng để làm tăng âm thanh của nhạc cụ và được tạp chí Time miêu tả như “một cách tân quan trọng trong lịch sử 300 năm chế tác nhạc cụ này”.

Những năm cuối đời, Janos Starker sống cùng người vợ sau và hai con gái – một của người vợ đầu, một là con riêng của người vợ sau – và ba người cháu.

        Thanh Nhàn tổng hợp

Nguồn:

http://www.nytimes.com/2013/04/30/arts/music/janos-starker-master-cellist-dies-at-88.html?pagewanted=1&_r=0&ref=music

http://www.telegraph.co.uk/news/obituaries/10025887/Janos-Starker.html

http://forward.com/articles/175699/remembering-hungarian-cello-master-janos-starker/

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)