Jean-Pierre Rampal: Khôi phục di sản Baroque bằng flute

“Đó phải là một niềm đam mê, nó cần thiết như nước bạn uống hoặc bánh mì bạn ăn”. Đây là cách nghệ sĩ flute người Pháp Jean-Pierre Rampal, miêu tả mối quan hệ của ông với nhạc cụ của mình. Niềm đam mê đã thúc đẩy một sự nghiệp đáng trân trọng, kéo dài hơn 50 năm.

Jean Pierre Rampal có sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm. Nguồn: Wikipedia

Cho đến những năm 1950, việc một nghệ sĩ chơi nhạc cụ bộ gỗ xuất hiện thường xuyên với tư cách là một nghệ sĩ độc tấu cùng dàn nhạc là điều không bình thường, nhưng tài năng, sự tinh tế và khả năng chiếm lĩnh sân khấu của Rampal đã vượt qua rào cản này, đưa flute trở thành trung tâm và mở đường cho những nghệ sĩ độc tấu flute khác, chẳng hạn như James Galway hay Emmanuel Pahud. Ông cũng trở thành một trong những nghệ sĩ được thu âm nhiều nhất thế giới, với hơn 400 đĩa nhạc gồm các tiết mục dành cho flute, từ các tác phẩm quen thuộc cho đến những tác phẩm mới được khám phá, kể cả bản thu âm đầu tiên của các tác phẩm chưa được biết đến cho đến ngày nay.

Đưa flute khỏi vị trí thứ yếu

Jean-Pierre Rampal sinh ngày 7/1/1922 tại Marseille, Pháp trong một gia đình có cha là nghệ sĩ flute chuyên nghiệp, bè trưởng flute của Orchestre des Concerts Classiques de Marseille và giảng viên tại nhạc viện Marseille: ông Joseph Rampal. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã thường xuyên nghe nhạc qua radio, chủ yếu là nhạc cổ điển. Khi lên 12 tuổi, cậu có một cây flute của riêng mình và đến nhạc viện để học với cha. Mỗi ngày sau khi rời nhạc viện, cậu đến cửa hàng bán sách nhạc, tìm ba bản nhạc mới để học sau khi đã hoàn thành các bài tập về nhà. Khi kho âm nhạc dành cho flute đã cạn kiệt, Jean-Pierre đã tìm đến các tác phẩm dành cho clarinet, oboe, violin và cello để có được chất liệu mới. Thêm vào đó, một người bạn làm trong ngành xuất bản đều đặn hằng tuần gửi cho cha cậu các bản nhạc mới từ Paris. Jean-Pierre thường xuyên tìm kiếm các tác phẩm chưa được xuất bản trong thư viện, sau đó biên tập lại và rồi sẽ xuất bản chúng trong tương lai.

“Đối với tôi, flute thực sự là âm thanh của con người, của dòng chảy tự do thoát ra từ cơ thể con người… Chơi flute không trực tiếp như hát, nhưng cũng gần như vậy” – Jean-Pierre Rampal

Jean-Pierre theo học tại nhạc viện theo phương pháp của nghệ sĩ flute, nhà sư phạm Joseph-Henri Altès sáng tạo vào năm 1880. Năm 1937, cậu giành giải nhất cuộc thi flute hằng năm của trường và có được chương trình biểu diễn đầu tiên của mình tại Salle Mazenod, Marseille. Sau đó, năm 1939, Jean-Pierre trở thành flute 2 của dàn nhạc Orchestre des Concerts Classiques de Marseille của cha mình và hai người thường xuyên luyện tập và biểu diễn cùng nhau. Tuy nhiên, mặc dù đã thể hiện năng lực là nghệ sĩ flute xuất sắc nhưng chính cha mẹ cậu không khuyến khích Jean-Pierre đi theo con đường âm nhạc, vì cho rằng đó là một nghề có tương lai bấp bênh. Cậu đã theo học trường Y ở Marseille trong ba năm. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng. Năm 1943, Jean-Pierre bị ép buộc đi lao động tại Đức. Cậu từ chối và lẩn trốn đến Paris, thường xuyên thay đổi chỗ ở và tháng 1/1944, theo học tại nhạc viện Paris. Rampal biết được mình sẽ an toàn tại nhạc viện vì giám đốc Claude Delvincourt luôn là người bảo vệ các sinh viên của mình.

Tại đây, thầy giáo của Rampal là Gaston Crunelle (nhiều năm sau Rampal đã tiếp bước Crunelle để trở thành giáo sư flute tại nhạc viện). Chỉ sau đó năm tháng, với tác phẩm Le chant de Linos của André Jolivet, anh đã giành giải nhất tại cuộc thi hằng năm tại nhạc viện, điều mà cha anh đã từng làm được trước đây vào năm 1919. Tháng 10/1944, sau khi quân Đồng minh giành được những thắng lợi tại Pháp, Rampal trở về Marseille để tiếp tục theo học y khoa.

Mùa xuân năm 1945, nhạc trưởng Henri Tomasi của Orchester National de France đã mời Rampal biểu diễn bản flute concerto đầy thách thức của Jacques Ibert phát sóng trực tiếp trên đài phát thanh. Rampal đã nhớ lại trong cuốn tự truyện của mình Âm nhạc, tình yêu của tôi, mẹ anh đã nói: “Tôi không cần một nhạc công khác trong gia đình. Tôi cần một bác sĩ”. Anh không muốn làm mẹ thất vọng nhưng một Paris hoang tàn khi đó đang rất cần âm nhạc để vươn lên khỏi đống đổ nát. Cũng trong năm 1945, anh cũng những người bạn đã thành lập nhóm Ngũ tấu kèn Pháp với Pierre Pierlot (oboe), Jacques Lancelot (clarinet), Paul Hongne (bassoon) và Gilbert Coursier (horn). Nhóm Ngũ tấu kèn Pháp tồn tại trong suốt 15 năm. Năm 1946, Rampal có bản thu âm đầu tiên của mình với Tứ tấu flute giọng Rê trưởng của Mozart cùng Pasquier Trio.

Jean Pierre Rampal và nghệ sĩ piano Robert Veyron Lacroix. Nguồn: Martine Lebon/INA

Năm 1947, Rampal đã thực hiện nhiều buổi biểu diễn tại Thuỵ Sĩ, Ý, Áo, Tây Ban Nha và Hà Lan. Ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp, gần như Rampal đã cộng tác với nghệ sĩ piano Robert Veyron-Lacroix, người mà anh đã gặp tại nhạc viện Paris vào năm 1946. Trái ngược với Rampal, người có cá tính dễ xúc động của người xứ Provence, Veyron-Lacroix là một người tao nhã hơn “một quý ông thượng lưu Paris” nhưng hai người ngay lập tức đã tìm thấy nhau một mối quan hệ hợp tác âm nhạc cân bằng hoàn hảo. Sự xuất hiện của họ được mô tả là một sự “mới lạ hoàn toàn” cho phép họ tạo ra ảnh hưởng tích cực đến công chúng yêu nhạc ở Pháp cũng như các nơi khác. Ngày 9/3/1949, trước sự hoài nghi của nhiều người, họ đã tổ chức một chương trình hòa nhạc gồm toàn những tác phẩm thính phòng dành cho flute tại Salle Gaveau, một ý tưởng rất cấp tiến lúc bấy giờ. Thành công của đêm diễn đã thúc đẩy Rampal quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn.

Tìm flute trong kho báu Baroque

Những chương trình như vậy được Rampal tiếp tục thực hiện trên khắp châu Âu cũng như trên sóng phát thanh và danh tiếng về một nghệ sĩ flute với kỹ thuật điêu luyện và tiếng flute đẹp tuyệt vời đã ngày một lan xa. Ngày 24/1/1950, Rampal công diễn ra mắt bản flute concerto số 1 mà nhà soạn nhạc Jolivet dành tặng cho anh. Đam mê âm nhạc Baroque, Rampal hồi tưởng lại trong tự truyện: “… Khi những người Đức rời Paris, mỗi phút tôi lại cảm thấy hạnh phúc hơn… Âm nhạc Baroque là tình cảm của ngày hôm đó. Bach, Handel, Vivaldi… với những ô nhịp âm nhạc chính xác của nó, đã mang lại cho công chúng cảm giác an toàn và trật tự mà chiến tranh đã lấy đi. Bạn biết âm nhạc này sẽ đi đến đâu và nó sẽ làm gì”. Năm 1952, Rampal đã thành lập Ensemble Baroque de Paris, một trong những nhóm nhạc đầu tiên mang thứ âm nhạc của thời đại này ra ánh sáng và hoạt động liên tục trong gần ba thập kỷ.

Năm 1953, lần đầu tiên hai nghệ sĩ thực hiện chuyến lưu diễn ngoài châu Âu, tới tận Indonesia xa xôi, nơi có nhiều công dân Pháp sinh sống. Năm 1954, Rampal bắt đầu biểu diễn tại Đông Âu, trong đó chương trình tại Prague vào năm 1956 rất đáng nhớ khi ông công diễn lần đầu bản flute concerto của Jindrich Feld. Cũng trong năm này, Rampal tham dự liên hoan âm nhạc Menton tại Canada và lần đầu gặp gỡ và biểu diễn cùng nghệ sĩ violin Isaac Stern, người không chỉ trở thành bạn thân suốt đời mà còn có ảnh hưởng to lớn tới thẩm mỹ âm nhạc của Rampal. Ngày 14/2/1958, Rampal và Veyron-Lacroix lần đầu ra mắt khán giả Mỹ khi biểu diễn các tác phẩm của Poulenc, Bach, Mozart, Beethoven và Prokofiev tại Thư viện Quốc hội, Washington DC. Trong đó bản flute sonata của Poulenc đã được nhà soạn nhạc tham vấn chính Rampal trong quá trình sáng tác và được Rampal coi là “viên ngọc trong kho tàng dành cho flute”. Nhà phê bình âm nhạc Day Thorpe đã viết trên Washington Star: “Mặc dù tôi đã nghe nhiều nghệ sĩ flute xuất sắc biểu diễn nhưng ma thuật của Rampal dường như vẫn là độc nhất vô nhị. Dưới bàn tay ông, là ba hay bốn người tạo ra âm nhạc – tối tăm và đáng ngại, tươi sáng và đồng quê, vui tươi và sinh động, say đắm và trong trẻo. Kỹ thuật điêu luyện trong những đoạn nhanh đơn giản là không thể miêu tả bằng lời”. Năm 1959, Rampal biểu diễn ra mắt khán giả New York. Rampal và Veyron-Lacroix đã cộng tác cùng nhau trong suốt 35 năm, thực hiện nhiều bản thu âm, trong đó có trọn bộ các flute sonata của Johann Sebastian Bach. Họ chỉ ngừng lại vào những năm 1980 vì tình hình sức khỏe của Veyron-Lacroix. Sau đó, Rampal bắt đầu cộng tác cũng nghệ sĩ piano người Mỹ John Steele Ritter.

Từ năm 1955-1962, Rampal đảm nhận cương vị flute 1 của Paris Opera, một vị trí được coi là danh giá nhất dành cho nghệ sĩ flute. Trong số các nhà soạn nhạc, Mozart là người được yêu thích nhất: “Thực sự với tôi, Mozart là một vị Chúa” nhưng đó không phải là nền tảng cho sự nghiệp biểu diễn của Rampal. Yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công trong sự nghiệp của ông, bên cạnh tài năng hiển nhiên, đó chính là niềm đam mê của Rampal đối với âm nhạc Baroque. Tại thời điểm khởi đầu sự nghiệp, ngoài một số tác phẩm của Bach và Vivaldi, sáng tác của những nhà soạn nhạc khác thời kỳ này vẫn chưa được biết đến nhiều. Ông nhận thức rõ để có thể quảng bá rộng rãi flute như một nhạc cụ độc tấu nổi bật, danh mục biểu diễn đồ sộ và nổi bật là điều rất quan trọng. Ngay từ đầu, Rampal đã nhận ra kho tàng sáng tác của “thời đại vàng của flute” như đã từng được biết đến là một nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú để ông khai thác. Hàng trăm các concerto và hòa tấu thính phòng dành cho flute vào thế kỷ 18 đã chìm vào quên lãng sẽ là niềm cảm hứng bất tận đối với một nghệ sĩ độc tấu đầy tham vọng.

“Mặc dù tôi đã nghe nhiều nghệ sĩ flute xuất sắc biểu diễn nhưng ma thuật của Rampal dường như vẫn là độc nhất vô nhị. Dưới bàn tay ông, là ba hay bốn người tạo ra âm nhạc – tối tăm và đáng ngại, tươi sáng và đồng quê, vui tươi và sinh động, say đắm và trong trẻo. Kỹ thuật điêu luyện trong những đoạn nhanh đơn giản là không thể miêu tả bằng lời”. (Nhà phê bình âm nhạc Day Thorpe).

Trên thực tế, Rampal không phải nghệ sĩ flute đầu tiên quan tâm đến âm nhạc Baroque. Trước đó, cũng đã có bản thu âm các tác phẩm của Vivaldi, Telemann, Handel, Pergolesi, Leclair và nhiều người khác minh chứng cho điều này. Claude-Paul Taffanel, cha đẻ của trường phái flute Pháp là người đầu tiên cũng như Louis Fleury, học trò của Taffanel hay Moyse sau đó đã bày tỏ tình yêu của mình, biểu diễn các tác phẩm của Bach, Couperin hay Alessandro Scarlatti. Nhưng không một ai trong số họ đến với âm nhạc Baroque với một niềm đam mê cháy bỏng và có hệ thống như Rampal. Ngay từ khi còn theo học ở Marseille, ông đã tiếp cận và thu thập các tác phẩm dành cho flute thời kỳ này. Sau đó, trong quá trình lưu diễn, Rampal tiếp tục nghiên cứu trong thư viện và các kho lưu trữ tại Paris, Berlin, Vienna cũng như các thành phố khác đồng thời trao đổi thư từ với những người có liên quan trên khắp thế giới. Theo cách này, Rampal đã có được một bộ sưu tập đồ sộ và có được sự hiểu biết tường tận, chi tiết về phong cách Baroque. Ông cũng nghiên cứu kỹ lưỡng luận thuyết Biểu diễn flute (1752) của nhà soạn nhạc Đức cuối thời kỳ Baroque Johann Joachim Quantz. Ngoài ra, Rampal tỏ ra  đặc biệt quan tâm tới Joseph Bodin de Boismortier, nhà soạn nhạc Pháp thời kỳ Baroque. Đối với Rampal, di sản Baroque là động lực để thúc đẩy tình yêu của mình đối với flute, và chính nghị lực theo đuổi mục tiêu này đã khiến ông trở nên khác biệt với các bậc tiền bối.

Một công việc lớn mà ông đã thực hiện bên cạnh việc biểu diễn và thu âm chính là biên tập và xuất bản các tác phẩm âm nhạc Baroque tại Mỹ và châu Âu. Trong tự truyện, Rampal nhận thấy rằng ông cảm thấy đây là một phần “nhiệm vụ” của mình trong việc mở rộng càng nhiều càng tốt các tác phẩm biểu diễn dành cho flute. Để giữ cho flute trở thành một nhạc cụ độc tấu được nhiều người biết đến, Rampal luôn cố gắng biểu diễn với thật nhiều nhạc cụ và nhóm hoà tấu khác nhau trên khắp thế giới, điều mà ông thực hiện cho đến cuối đời. Mặc dù vậy, Rampal cũng có những đối tác âm nhạc ăn ý của mình. Có thể kể đến Claudio Scimone và dàn nhạc I Solisti Veneti, cùng nhau họ đã thu âm những bản concerto ít được biết đến của những nhà soạn nhạc Ý như Tartini, Cimarosa,, Sammartini và Pergolesi. Rampal đã thu âm và biểu diễn hầu như tất cả các tác phẩm dành cho flute của Bach, Handel, Vivaldi, Telemann cũng như một số nhà soạn nhạc khác.

“Người đàn ông với cây flute vàng”

Bên cạnh thời kỳ Baroque, Rampal cũng thường xuyên biểu diễn âm nhạc của giai đoạn sau đó, tạo nên tính liên tục cho các tiết mục của mình. Cùng với các nghệ sĩ Stern, Salvatore Accardo và Mstislav Rostropovich, Rampal đã thu âm các flute quartet của Mozart, một trong những đĩa nhạc tuyệt vời nhất từng ghi âm các tác phẩm này. Sau đêm biểu diễn của Rampal cùng nghệ sĩ harp Nicanor Zabaleta và nhạc trưởng Boulez và New York Philharmonic trong concerto cho flute, harp và dàn nhạc của Mozart vào tháng 1/1975, nhà phê bình âm nhạc Harold Schonberg đã viết: “Rampal với những đoạn dài được chơi một cách dễ dàng, âm sắc ngọt ngào và tinh khiết, nhạc cảm nhạy bén tất nhiên là một trong những nghệ sĩ flute vĩ đại nhất trong lịch sử”. Rampal cũng là nghệ sĩ tiên phong trong việc biểu diễn các tác phẩm dành cho flute của thế kỷ 20 của Debussy, Ravel, Milhaud, Martinů, Hindemith, Honegger…

Cho đến thập niên 1960, Rampal đã khẳng định mình là nghệ sĩ flute đầu tiên nổi tiếng trên phạm vi toàn thế giới, có sức hút không kém các nghệ sĩ piano hay violin. Không một nghệ sĩ flute nào được các nhà soạn nhạc sáng tác dành tặng nhiều tác phẩm như Rampal. Có thể kể đến Henri Tomasi (Sonatina dành cho flute độc tấu, 1949), Jean Françaix (Divertimento, 1953), André Jolivet (Flute concerto, 1949), Jindřich Feld (Sonata, 1957) , Jean Martinon (Sonatina) và nhiều nhà soạn nhạc khác nữa. Rampal cũng tự mình làm gia tăng danh mục tác phẩm bằng cách chuyển soạn bản violin concerto của Khachaturian thành một bản flute concerto dưới sự gợi ý của chính nhà soạn nhạc vào năm 1968. Trong số những tác phẩm được đề tặng chỉ duy nhất bản sonatina (1946) do Pierre Boulez sáng tác là không được Rampal công diễn chính thức, ông coi tác phẩm này là quá trừu tượng đối với gu thẩm mỹ của mình. Dù biểu diễn khá nhiều âm nhạc đương đại của những tác giả như Leonard Bernstein, Aaron Copland hay Krzysztof Penderecki, Rampal vẫn bị một số nhà phê bình chỉ trích khi không phải là người cổ vũ cho những sự cách tân trong âm nhạc. Rampal phản ứng: “Tiên phong là gì?”. Ông luôn tỏ ra ác cảm với thứ “trông như bản thiết kế của thợ sửa ống nước… âm nhạc của những cái véo, quả đấm và những cái khịt mũi”.

Rampal là chủ nhân của cây flute duy nhất trên thế giới được làm bằng vàng khối 18 carat do nghệ nhân Louis Lot chế tác vào năm 1869. Vì vậy, ông còn được gọi bằng biệt danh “người đàn ông với cây flute vàng”. Thật tình cờ, năm 1948, Rampal bắt gặp một người buôn đồ cổ đang tìm cách nấu chảy cây flute này để lấy vàng, không biết rằng mình đang giữ trong tay một nhạc cụ có thể so sánh với những cây violin Stradivarius. Với sự giúp đỡ từ gia đình, Rampal đã mua lại và liên tục biểu diễn nó trong 11 năm. Trong một cuộc phỏng vấn, Rampal cho biết vàng, trái ngược với bạc, khiến tiếng sáo vốn sáng lấp lánh một cách tự nhiên của mình có màu âm “tối hơn một chút, ấm hơn một chút và tôi thích nó”. Năm 1958, trong chuyến lưu diễn đầu tiên tại Mỹ, Rampal đã chuyển sang cây flute được công ty William S. Haynes, Boston chế tạo bằng vàng 14 carat dựa trên mẫu nhạc cụ của Lot. Sau lần cuối thu âm tại London, Rampal đã chuyển hẳn sang nhạc cụ mới và cất cây flute của Lot vào một két an toàn tại ngân hàng ở Pháp.

Trong những năm tiếp theo, Rampal thường xuyên biểu diễn tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nơi ông cũng rất được mến mộ. Ông là khách mời quen thuộc tại liên hoan Mostly Mozart được tổ chức hằng năm tại Lincoln Center, New York. Trong những năm tháng bận rộn nhất, Rampal có từ 150-200 buổi biểu diễn mỗi năm. Ông cũng vươn mình ra khỏi địa hạt của nhạc cổ điển, đến với những thử nghiệm khác như âm nhạc dân gian của Nhật Bản, Ấn Độ, Scotland hay xứ Catalan. Rampal cũng biểu diễn nhạc jazz, trong đó Suite cho flute và jazz piano của nhạc sĩ người Pháp Claude Bolling dành tặng cho ông từng đứng đầu bảng xếp hạng Billboard tại Mỹ và ở đó trong 10 năm liền.

Bên cạnh công việc biểu diễn và thu âm, từ năm 1969, Rampal bắt đầu tham gia giảng dạy tại nhạc viện Paris, công việc mà ông gắn bó đến năm 1981. Ông luôn khuyến khích sinh viên của mình không chỉ lắng nghe những nghệ sĩ flute khác mà còn tìm cảm hứng từ những thông dịch viên tuyệt vời là những nghệ sĩ piano, violin hay ca sĩ. Ông duy trì một quan điểm rõ ràng về sự cân bằng đúng đắn giữa “kỹ thuật điêu luyện” và sự biểu cảm âm nhạc thực sự. Ông nói: “Tất nhiên bạn phải làm chủ tất cả những vấn đề về kỹ thuật để tự do thể hiện bản thân thông qua nhạc cụ của mình. Bạn phải có một trí tưởng tượng phong phú và trái tim rộng mở nhưng bạn không thể diễn tả nếu thiếu đi kỹ thuật. Nhưng phẩm chất đầu tiên bạn phải giỏi, phải có cảm hứng, đó là âm thanh. Không có âm thanh, bạn không thể đạt được bất kỳ thứ gì. Nếu không, chỉ những ngón tay thôi là không đủ. Ngày nay, mọi người ai cũng có kỹ thuật điêu luyện, nhưng âm thanh, sắc thái là điều không dễ dàng gì”.

Trong những năm sau này, Rampal chuyển sang chỉ huy dàn nhạc nhiều hơn. Buổi biểu diễn cuối cùng của ông diễn ra vào tháng 11/1999 tại Tây Ban Nha và bản thu âm cuối cùng tại Paris vào tháng 12 sau đó. Ông qua đời tại Paris vào ngày 20/5/2000 vì đau tim. Tổng thống Pháp khi đó Jacques Chirac đã đến viếng và nói: “Tiếng flute của ông ấy đã nói với trái tim. Một ánh sáng trong thế giới âm nhạc vừa vụt tắt”. Ông được chôn tại nghĩa trang Montparnasse, Paris. Trong lễ tang của ông, các nghệ sĩ đã biểu diễn chương Adagio trong bản flute concerto số 2 của Boismortier, như một sự ghi nhận niềm đam mê suốt đời của Rampal với âm nhạc Baroque nói chung và của Boismortier nói riêng. Tháng 6/2005, Hiệp hội Jean-Pierre Rampal được thành lập tại Pháp để tiếp tục nghiên cứu và đánh giá sự đóng góp của ông đối với flute.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)