Jean-Paul Sartre và người hầu bàn cà-phê

Các triết gia ưa các ví dụ để trình bày các lý thuyết của họ. Trong Hiện hữu và Hư vô, Sartre đã chọn một người hầu bàn cà-phê để minh họa cho cái định nghĩa rất riêng của ông về "đức tin giả".

Đây là quán cà-phê tại Flore hay tại Coupole? Jean-Paul Sartre bước vào, ngồi trên băng ghế, gọi cà phê, châm một điếu thuốc, lấy ra cây bút và tuôn đổ ra liên tục của các ý tưởng, khái niệm và trực giác tuyệt vời. Với tốc độ tia chớp, cây bút bôi đen kịt các trang viết những ám ảnh, rối loạn, cương tràn của ông.

Sartre viết và quan sát. Ông có con mắt lệch hiếng, nhưng cái nhìn thì xuyên thủng. Có phải cái nhìn của ông đang cởi hết áo quần của người đàn bà đẹp này không? Không, cái mê hoặc ông hôm nay lại là cái bóng đảo qua bước lại của chàng hầu bàn cà-phê.

Đằng sau cặp kính dày của mình, Sartre nhìn nhận : “tay hầu bàn có các động tác thật náo hoạt và chính xác, hơi quá chính xác, hơi quá nhanh, anh ta sà đến chỗ khách hàng với bước chân hơi quá hối hả, nghiêng người hơi quá nhiệt tình, tiếng nói, đôi mắt cũng hơi quá giục khách đặt hàng, và cuối cùng, anh ta trở lại đây, cố gắng lặp lại cách tiếp cận của mình một cách nghiêm khắc thiếu linh hoạt chiểu theo một cái máy từ động nào đó, trong khi vẫn cưa mang cái khay của mình thật táo bạo như một kẻ làm xiếc trên dây […]. Tất cả hành vi của anh ta dường như đang cho ta xem một trò chơi […].

Anh ta đóng vai, anh ta chơi. Nhưng anh ta chơi trò gì? Không cần phải quan sát lâu hơn : anh ta chơi trò chơi làm một người hầu bàn. “*

Chúng ta sẽ hiểu ra: anh chàng này chơi quá mức, “lố”. Hành vi của anh ta thừa quá mức cần thiết. Anh ta cố gắng thuyết phục chính bản thân mình, rằng mình là sự nhập vai hoàn hảo của cái nghề này. Nhưng, về thực tồn, thì anh ta không phải là một người hầu bàn. Thực tế, cái thực tồn này nó vượt ra ngoài khỏi [sự kiểm soát của] anh ta. Anh ta chỉ có thể ý thức được về sự tồn tại của mình, cái sự xuất hiện bất ngờ và ngẫu nhiên của thế giới người đang sống.

Ngược lại, cái khay uyển chuyển trong tay anh ta, trong thực tế, chỉ là một cái khay, một vật-trong-chính-nó. Thực tế này ngồn ngộn, rõ ràng, không thể phủ nhận, không có gì ẩn ở bên trong, cũng không để trở thành cái gì khác. Nó khép lại vào chính nó, hình thức và chức năng của nó đã được xác định. Cái khay này là chính nó ở bên trong nó, không còn là gì khác nó, là tất cả những gì của nó. Cái khay này là như thế, còn người hầu bàn, anh ta tồn tại. Anh ta là một tồn tại-cho-chính-mình, một ý thức. Một ý thức không có hình thức, không có nội dung, không có chức năng: một ý thức hoàn rỗng,  hoàn toàn tự do. Một sự mở òa ra với thế giới, một vực thẳm chóng mặt và đáng sợ. Nó chỉ tồn tại nhờ bởi một sự vận động liên tục cưu mang nó, một sự vận động vượt ra ngoài chính nó, và tự chiếu mình vào hiện thực để rồi thu hồi lại được vào trong mình một số mảnh vụn rời rạc. Con người, vì là một hữu thể có ý thức, do đó anh ta không có cái thực tồn, không có sự ổn định, không có sự trường tồn. Anh ta bị kết án không bao giờ được là cái hiện trạng. Nhưng ai có thể đầu hàng chịu chấp nhận rằng mình là hư vô?

Giấc mơ của mọi ý thức là làm sao tự trùng khớp được với chính mình, để tự cung cấp cho mình sự chắc chắn hợp lý về sự vật và bãi bỏ sự tự do đáng sợ của ý thức. Đây là cái mà Sartre gọi là “đức giả tin”.

Bằng hành xử bị nhập khuôn mẫu một cách quá đáng, anh hầu bàn tự bịa ra một thực tồn cho mình để hòng thoát ra khỏi sự hư vô của chính mình. Anh ta chơi trò chơi người hầu bàn cà-phê, như những người khác chơi nhập vai ông cảnh sát hoàn hảo, hoặc chơi làm người làm công ăn lương mẫu mực, để an ủi cái cảm giác về sự hư vô của mình.

Nhưng đã đến lúc Jean-Paul đứng dậy để chào đón Simone. Cùng nhau, họ sẽ chơi trò chơi đóng vai Sartre và Beauvoir ở trong khu Flore hoặc Coupole.

                                                                                                    Hoàng Hồng Minh chuyển ngữ
—-
* L’Etre et le Néant (Gallimard).

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)