Johannes Brahms và bản Giao hưởng “Đồng quê”
Với sự thành công của Giao hưởng số 1, Brahms bắt đầu thoát khỏi nỗi e sợ và dè dặt đối với hình bóng vĩ đại của Beethoven. Dường như để tự thưởng cho mình, Brahms đã đến nghỉ hè ở ngôi làng Portschach, một miền quê xinh đẹp của nước Áo nằm bên dãy Alps hùng vĩ. Ở đây, thả hồn vào những cảnh thiên nhiên đẹp như trong mộng, Brahms đã viết bản Giao hưởng số 2, một trong những tác phẩm ưu tú nhất của ông. Nó được mọi người đặt cho cái tên đầy trìu mến: "Giao hưởng đồng quê".
Tượng Brahms ở Portschach |
Thực ra, Giao hưởng số 2 giọng Rê trưởng là một trong những tác phẩm tươi sáng và duyên dáng nhất của Brahms. Lần trình diễn đầu tiên được thực hiện bởi nhạc trưởng Hans Richter ở Vienna ngày 30/12/1887 đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt, các nhà phê bình đã hoàn toàn bất ngờ về bản giao hưởng. Thậm chí có một nhà phê bình của thành Vienna còn tỏ ra phàn nàn vì tác phẩm này quá… đáng yêu: “Chúng tôi mong đợi ở âm nhạc Brahms một cái gì đó khác, chứ không phải chỉ đơn giản là đẹp”. Tuy Giao hưởng số 2 chiếm được cảm tình của đông đảo người dân thành Vienna nhưng một số người thù địch vẫn cố tìm cách hạ thấp Brahms. Họ viện cớ rằng, hai trong số bốn chương của bản giao hưởng đều được viết theo nhịp Valse, vì thế dân thành Vienna đương nhiên là thích, vì đó là điệu nhảy hàng ngày của họ.
Nhưng sự thật là, Giao hưởng số 2 đâu chỉ có đẹp và đáng yêu như những điệu Valse, nó còn mang tầm vóc của một kiệt tác giao hưởng, một sức sáng tạo ở mức thiên tài. Nó thể hiện sự tinh tế và thông minh tuyệt vời của Brahms trong cách phối dàn nhạc cũng như cách tạo ra những biến tấu bất tận từ một vài chủ đề ban đầu.
Sự biến chuyển sắc thái từ Giao hưởng số 1 sang Giao hưởng số 2 của Brahms giống với sự biến chuyển từ Giao hưởng số 5 sang Giao hưởng số 6 của Beethoven. Tuy nhiên, ít khi người ta nhắc đến sự tương đồng giữa Giao hưởng số 6 của Beethoven và Giao hưởng số 2 của Brahms, ngay cả khi chúng đều được gắn với cái tên “đồng quê”. (“pastoral”). Thay vào đó, nhiều người cho rằng, Giao hưởng số 2 có thể được so sánh với Giao hưởng số 7 của Beethoven – một tác phẩm vẫn được gọi là giao hưởng “vũ khúc.”
Chương 1, Allegro non troppo, gợi nên vẻ mộc mạc và thanh bình của cảnh đồng quê. Sau những nốt nhạc mở đầu hơi kín đáo của bè cello và contrebass, kèn co đi vào chủ đề một, thanh thản và mềm mại. Không khí tràn ngập những tuyến giai điệu đan xen, nối tiếp nhau bởi đàn dây và những cây kèn gỗ, tạo ra khung cảnh thiên nhiên tươi tắn, với ánh sáng dịu dàng và chan hòa. Chủ đề hai đầy ngọt ngào và duyên dáng, được bè cello và viola diễn tấu, nó giống như một lời hát ru đầy âu yếm, nâng niu đối với những vẻ đẹp cuộc sống. Âm nhạc chuyển động như một điệu Valse chậm, sự tương phản giữa các chủ đề không hiện lên rõ rệt. Tính tương phản yếu khiến việc phát triển giao hưởng không thuận lợi. Nhưng Brahms đã khai thác một cách tài tình sức mạnh vận động bên trong của các chủ đề, phát triển chúng thành những chủ thể giao hưởng có tầm vóc và giàu biểu cảm.
Chương 2, Adagio non troppo, âm nhạc trở nên đi sâu vào nội tâm, bộc bạch những suy tưởng sâu lắng nhưng không hề bi quan. Chúng ta có thể để ý thấy những cây kèn gỗ hát lên một chủ đề đã được đảo phách trên nền đệm pizzicato của đàn cello. Đây là một chương nhạc khéo léo về màu sắc, chiều sâu của các bóng và sự tinh tế của chi tiết có thể khiến chúng ta liên tưởng đến những bức họa chân dung của danh họa Hà Lan Rembrandt.
Kèn oboe hát lên một giai điệu dân gian để mở đầu chương 3, Allegretto grazioso. Đó là điệu landler, điệu nhảy dân gian Đức Áo, đáng yêu, hồn nhiên và thi vị. Nhịp điệu được thay đổi không ngừng, khi thì thướt tha lịch lãm như thành Vienna cổ kính, khi lại sôi nổi đỏng đảnh theo phong cách Hungari. Tất cả được xây dựng nên trên nền tiếng hát đồng quê của kèn oboe và tiếng pizzicato của bè dây. Ở đây, theo như lời Leonard Bernstein, “Sự tuyệt vời của Brahms là ở chỗ, âm nhạc của ông không thay đổi một cách đơn giản, mà nó thay đổi một cách đẹp đẽ, có tình có lý. Trong rất nhiều cách phát triển âm nhạc, Brahms đã tìm được cách thích hợp nhất, để âm nhạc luôn tạo nên cảm xúc, sự đồng cảm tha thiết. Chỉ có những bậc thiên tài như Brahms mới làm được điều đó”.
Chương 4, Allegro con spirito, được mở đầu theo phong cách thường thấy của Brahms, giai điệu hơi bí ẩn và có phần xen lẫn giữa niềm vui và sự lo âu. Nhưng chẳng mấy chốc âm nhạc đã trở nên bừng sáng và năng động. Có vài ba nhịp điệu luân phiên nhau, tạo ra một cảnh tượng sôi nổi của ngày hội hóa trang dân gian đầy sự hồn nhiên, tinh nghịch và vui nhộn. Tất cả mọi sự vật được đánh thức bởi những trọng âm bùng nổ của dàn nhạc, mở màn cho những bản anh hùng ca và khúc khải hoàn, gợi nhớ đến Beethoven.
Đã từng có nghiên cứu cho rằng, âm nhạc của Brahms mang một sự gắn bó đặc biệt với những cảnh thiên nhiên và cuộc sống ở vùng núi. Điều đó có thể thấy được qua tính chất hùng vĩ trong những giao hưởng của ông. Và ở nhiều tác phẩm viết cho dàn nhạc của Brahms, chúng ta cũng cảm nhận thấy những âm thanh thâm trầm, vang vọng của kèn co và tuba, trải dài từ đỉnh núi xuống thung lũng thanh bình, chìm trong màn sương ẩm ướt và những tia nắng ấm áp, nên thơ. Tâm hồn yêu thiên nhiên của Brahms đủ rộng lớn để ôm trọn tất cả những phong cảnh trên những đất nước thuộc vùng núi Alps, với tất cả tình cảm yêu mến, hòa đồng đối với sự bình dị, thân thuộc, vui tươi của đời sống sinh hoạt và văn hóa dân gian Đức Áo. Ông cũng dành một tình yêu tôn thờ và trang nghiêm đối với hình ảnh thành Vienna cổ xưa, nơi hội tụ những tinh tuý của lịch sử văn hóa Trung Âu. Những điều đó, ở một mức sâu sắc, được chứa đựng trong Giao hưởng số 2 của Brahms. Ông đã kế thừa và phát huy tính phức điệu thiêng liêng của Bach, tính trí tuệ quả cảm của Beethoven, sự duyên dáng, trẻ trung, trong sáng của Haydn, Mozart. Đặc biệt, chúng ta có thể nhận thấy một tâm hồn lãng mạn của riêng Brahms, sự trữ tình triết lý của riêng Brahms. Và ở đây, Brahms đã làm được điều mà Bach, Mozart, Beethoven đã làm, đó là tìm ra trong thời đại của mình những con đường để vươn tới Chân – Thiện – Mỹ.