Jörg Widmann: Tìm cái cũ trong cái mới

Jörg Widmann đã vươn lên dẫn đầu trong sân khấu âm nhạc hiện đại bằng thứ âm nhạc phức tạp song hấp dẫn.


Jörg Widmann là nghệ sĩ clarinet kiêm nhà soạn nhạc.

Ít ai biết rằng, một trong những tác phẩm viết cho dàn nhạc được trình diễn nhiều nhất trong thế kỷ này lại là một bản nhạc của Jörg Widmann. Được Mariss Jansons và Dàn nhạc Giao hưởng Đài phát thanh Bavaria đặt hàng và được công diễn lần đầu vào năm 2008, “Con Brio” đã có hơn 200 buổi biểu diễn. Trước thời điểm các dàn nhạc buộc phải hủy diễn vì coronavirus, tác phẩm của anh đã được 28 dàn nhạc lên kế hoạch trình tấu 63 lần, chỉ tính riêng trong mùa diễn này.

Đây là một bất ngờ. “Con Brio” được viết một cách cực kỳ vội vã và tổng phổ cũng được bàn giao gấp rút đến mức Jansons (vị nhạc trưởng qua đời năm ngoái) đã khăng khăng đòi tác giả của nó phải đích thân chỉ huy buổi tập đầu tiên, dù anh chưa bao giờ đứng trên bục chỉ huy. Thực sự là tác phẩm này hầu như không dễ chơi chút nào – nó đầy ứ các kỹ thuật khó đến nỗi dù chỉ diễn ra trong thời lượng 12 phút cũng đi kèm với sáu trang dày đặc những hướng dẫn của tác giả.

Jörg Widmann bày tỏ trong một buổi phỏng vấn gần đây qua điện thoại: “Nếu ai đó nói với tôi rằng các dàn nhạc trên khắp thế giới, từ cấp trường học đến quy mô chuyên nghiệp như Dàn nhạc Cleveland, sẽ chơi tác phẩm này, tôi sẽ bảo ‘Không đâu, bạn đùa à? Nó rất phức tạp đấy. Tôi mới chỉ huy nó hôm nay thôi. Thật khó chơi.’”

Vậy điều hấp dẫn ở tác phẩm này là gì? Giống như hầu hết các tác phẩm của Widmann, “Con Brio” nhằm mục đích khoác tấm áo mới cho quá khứ để những ai yêu thích âm nhạc cũ và những ai yêu thích âm nhạc mới đều có thể thưởng thức. Về cơ bản, tuy sử dụng cùng một cách hòa âm như các giao hưởng số 7 và số 8 của Beethoven nhưng “Con Brio” lại mang đến cảm giác vui tươi và táo tợn, thậm chí là… méo mó và khiêu khích, như thể nó đang khoác lên mình những hợp âm huyền bí nằm lẩn quất đâu đó trong ký ức âm nhạc của chúng ta.

Jörg Widmann giữ ghế Chủ tọa Nhà soạn nhạc Debs 1 tại Carnegie mùa diễn này. Mặc dù các buổi hòa nhạc được ấn định lịch trình tại đây đã bị hủy bỏ vì coronavirus, anh vẫn chỉ huy Dàn nhạc thính phòng Ailen của mình, thuyết giảng về vẻ đẹp âm nhạc và sự nghịch tai, đồng thời xuất hiện với tư cách là nghệ sỹ kèn clarinet, vừa diễn vừa chỉ huy Nhóm hòa tấu Đương đại Quốc tế (International Contemporary Ensemble). Đấy là không kể anh đã cùng Munich Philharmonic biểu diễn “Con Brio”.

Widmann giữ một vị thế hiếm hoi trong số các nhà soạn nhạc thuộc thế hệ mình. Âm nhạc của anh hấp dẫn cả các nhạc trưởng và nghệ sĩ độc tấu, những người tận tâm với âm nhạc mới. Anh được mời viết các tác phẩm có độ dài không thể tưởng tượng nổi, ví dụ như “Messe” 45 phút và vở opera đồ sộ “Babylon”. Rút cục, “Babylon” được đón nhận một cách lạnh nhạt khi lần đầu ra mắt tại Munich năm 2012, và thậm chí còn lãnh đạm hơn sau khi vở được chỉnh sửa và công diễn lại tại Berlin vào năm ngoái.


Tác phẩm của Jörg Widmann pha trộn rõ nét cái mới và cái cũ. 

Với anh, sáng tác như là hệ quả của việc chơi kèn clarinet. Sinh ra ở Munich năm 1973, Jörg Widmann lớn lên trong một gia đình có tình yêu âm nhạc mãnh liệt. Anh nhớ cha mẹ mình từng chơi Haydn cùng nhóm tứ tấu đàn dây nghiệp dư, và anh được họ đưa đến nhà hát opera để xem “Der Freischütz”, vở opera đã khiến Carl Maria von Weber được ngưỡng mộ suốt đời. Năm 7 tuổi, anh cầm clarinet lên và ứng tác. Nhưng đó không phải là điều trực tiếp hướng anh đến công việc này. “Lý do tôi bắt đầu sáng tác là vì tôi rất giận bản thân mình khi không thể nhớ nổi những khoảnh khắc ứng tác tươi đẹp ngày trước. Tôi đã phải tìm cách ký âm lại”, anh nói.

Sự “khác người” của Widmann đã có từ rất sớm. “Fantasie”, tác phẩm clarinet độc tấu đầu tiên của anh, đã xuất hiện những khao khát đẩy xa hơn nữa các ranh giới kỹ thuật. Khi sáng tác vào đêm khuya hồi khoảng 13 tuổi, anh để lại những nốt nhạc trên bàn bếp và đề nghị cô em gái Carolin thử các kỹ thuật mở rộng trên cây đàn violin mà cô chơi. Anh nhớ rằng câu trả lời đầu tiên của cô là “Anh điên rồi.”

Khi còn đang học với tư cách nghệ sĩ clarinet, Widmann đã dự các khóa học sáng tác với những người khổng lồ như Hans Werner Henze, Wolfgang Rihm và Heiner Goebbels. Anh ngưỡng mộ Helmut Lachenmann và bắt đầu thân quen Pierre Boulez, người có bức chân dung được anh treo trên tường từ thuở ấu thơ. Kết quả là đến năm 2001, tác phẩm “Implosion” với những âm thanh “tàn bạo” và có xu hướng microtonal2 của anh được chơi tại Liên hoan âm nhạc Donaueschingen, một sự kiện âm nhạc đỉnh cao cho các nhà soạn nhạc đương đại ở Đức. “Tôi là một đứa con của thế giới âm nhạc hiện đại này,” Widmann nói.

Tuy vậy, cũng phải công nhận là “Implosion” cũng đồng thời gợi ra một cảm giác tự sự và trữ tình. Nó cho thấy cũng như với nhiều tác phẩm trong hai thập kỷ qua, Widmann vẫn muốn trở lại với một dòng nhạc cũ hơn trong quá khứ. Khác với Boulez khăng khăng đoạn tuyệt quá khứ, Widmann lưu luyến đến quá khứ dưới một hình thức biểu đạt khác. Nhạc trưởng Franz Welser-Möst đã viện dẫn Schubert, Strauss và Berg trong số những tổ tiên của Widmann: “Anh ấy ở trong một truyền thống mà anh ấy không thể phủ nhận” và nhấn mạnh thêm, “Đôi khi anh ấy bị chỉ trích là âm nhạc của anh ấy không đủ hiện đại. Nhưng xét đến cùng, anh ấy thực sự là một đứa con của thời đại chúng ta”.

Widmann thừa nhận  áp lực của “lịch sử âm nhạc” vẫn ghi dấu ấn trong sáng tác của mình, ví dụ như phần mở đầu của Tứ tấu dây số 1. Hình ảnh Bach và Mendelssohn xuất hiện trong phần “Partita” y như “Flûte en Suite” với một loạt những vũ khúc Baroque. ARCHE, vở oratorio được viết cho lễ khánh thành phòng hòa nhạc Hamburg Elbphilharmonie, đã gói gọn “toàn bộ lịch sử phát triển âm nhạc Đức, từ Bach đến Widmann” tới một quy mô khổng lồ vượt qua cả Mahler, theo nhận xét của như nhà phê bình Peter Quantrill.

Nhưng theo quan điểm của anh thì xu hướng sáng tác này đâu đến nỗi tệ. “Phải chăng việc tôi đề cập rất nhiều đến quá khứ có nghĩa là tôi quá hoài cổ? Tôi nói rằng không. Nếu tôi không thể đi xa hơn thế và liên kết với quá khứ ngay ngày hôm nay để khiến người yêu nhạc lắng nghe theo một cách khác biệt thì tôi không nên sáng tác nữa,” Widmann thổ lộ.

Tuy trở về quá khứ nhưng không phải mọi tác phẩm anh viết đều y nguyên như quá khứ. Ví dụ “Trauermarsch” được anh viết dựa trên một bán cung giảm, từ Son giáng xuống Fa, ngay lập tức gợi nhớ các mô-típ định mệnh ở Wagner và Mahler, nhưng nó gợi những liên tưởng đó theo một hướng hoàn toàn mới. “Das Heiße Herz”, một trong những chùm ca khúc gây choáng váng được viết cho ca sĩ giọng bariton Christian Gerhaher và sau đó được viết lại cho dàn nhạc, rõ ràng là bắt nguồn từ Schumann và Berg, nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh huyền ảo và mới mẻ mà hai nhà soạn nhạc ngày chưa có. Và hai trong số những concerto gần đây nhất của anh, Concerto viola và Concerto violin số 2, được viết cho chính em gái, bắt đầu với phạm vi mở rộng hơn những hiệu ứng gì mà các nhạc cụ này có thể đem lại.

Dẫu còn nhiều tranh cãi thì âm nhạc của Widmann hấp dẫn những người chơi nhạc của anh – và họ cho rằng cũng đủ sức hấp dẫn khán giả của họ – chính xác bởi nó thu hẹp khoảng cách giữa thứ âm nhạc mới mà họ tin là khó có thể lĩnh hội ngay với thứ âm nhạc cũ hơn mà họ biết mình không thể biểu diễn lặp đi lặp lại mãi mãi.

Welser-Möst nói: “Khi bạn nhìn vào 50 năm qua, có bao nhiêu bản nhạc được đông đảo khán giả cho là quá khả năng cảm nhận, và có những tác phẩm nào khiến bạn cảm thấy có sự ngắt kết nối với quá khứ? Tôi không cho là anh ấy quá truyền thống hoặc quá ‘hiện đại’, đơn giản là anh ấy có khiếu đối thoại với thính giả.”

Với Anne-Sophie Mutter, nghệ sĩ violin hàng đầu thế giới và là người vinh dự biểu diễn lần đầu bản Tứ tấu dây số 6 ở Tokyo, âm nhạc của anh là sự kết hợp giữa trí tuệ và xúc cảm thân thuộc. Mutter nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, “Với các tác phẩm của Jörg, tôi để ý thấy luôn có cấu trúc theo một kiểu cách hình thức gần như cổ điển. Đừng có quá đòi hỏi âm nhạc đương đại phải là một tập hợp các âm thanh thú vị.” Chị cũng hi vọng được anh viết cho một concerto violin và một tam tấu piano.

Đó ít nhất cũng là mong muốn của Widmann. Anh thổ lộ: “Tôi muốn âm nhạc của mình được chơi như âm nhạc độc lập chứ không phải như âm nhạc mới hay như âm nhạc cũ. Đơn giản là tôi chỉ viết nhạc thôi.”

 

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.nytimes.com/2020/03/20/arts/music/jorg-widmann-carnegie-hall.html

1. Nguyên văn” “Debs Composer’s Chair”, một vị trí tại Carnagie Hall được vợ chồng Richard và Barbara Debs bảo trợ từ năm 1995.

2. Loại âm nhạc có sử dụng các quãng nhỏ hơn bán cung.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)