Joseph Haydn, Người tạo ra hình thức sonata
Joseph Haydn là nhà sáng tạo ra các thể loại cơ bản của âm nhạc. một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông là đã phát triển và tạo ra nguyên tắc cấu trúc có ảnh hưởng nhất trong lịch sử âm nhạc, hình thức sonata.
Haydn (áo xanh bên phải) tập luyện trong nhóm tứ tấu của ông. Ảnh: Bức tranh tác giả khuyết danh tại bảo tàng StaatsMuseum, Vienna, Áo.
Những năm đầu sự nghiệp
Sinh ngày 31/3/1732, Haydn là con trai thứ hai trong một gia đình thợ thủ công tại làng Rohrau, miền Nam nước Áo. Do sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc Haydn được người anh họ, hiệu trưởng và chỉ huy hợp xướng tại thành phố Hainburg. đón về nuôi dạy tại nhà mình. Vậy là khi chưa đầy sáu tuổi, Haydn đã rời nhà cha mẹ và không bao giờ quay về đó trừ vài dịp thăm hỏi hiếm hoi.
Cậu bé Haydn hát trong đội đồng ca nhà thờ, học chơi nhiều loại nhạc cụ và có được các kiến thức âm nhạc cơ bản. Lên tám tuổi, cuộc sống của cậu có sự thay đổi lớn khi giám đốc âm nhạc của nhà thờ Thánh Stephen tại Vienna quan sát thấy cậu trong một chuyến thăm Hainburg. Ông đã mời cậu về đội hợp xướng của nhà thờ quan trọng nhất thủ đô Áo. Được cha mẹ chấp thuận, Haydn chuyển tới Vienna vào năm 1740. Trong suốt chín năm làm thành viên trong đội hợp xướng, Haydn đã thu được vô số kinh nghiệm nhờ các buổi biểu diễn liên tục song lại ít được học nhạc lý. Cậu phải cật lực thực hiện bổn phận của một thành viên hợp xướng và đến khi vỡ giọng thì bị loại ra khỏi cả đội hợp xướng nhà thờ lẫn trường dạy hợp xướng.
Không tiền bạc và của cải, chàng thanh niên 17 tuổi phải tìm kế sinh nhai. Haydn tá túc trên một căn gác xép tại nhà một bạn nhạc và nuôi thân bằng các việc lặt vặt. Trong thời gian ấy Haydn hăng say tự học bằng cách nghiên cứu các tác phẩm âm nhạc (đặc biệt là của Carl Philipp Emanuel Bach) và các sách giáo khoa lý thuyết âm nhạc hàng đầu. Dịp may đến khi nhà soạn nhạc và giáo viên thanh nhạc Nicola Porpora nhận Haydn làm người đệm đàn trong các buổi dạy thanh nhạc. Ông cũng giúp Haydn sửa chữa các sáng tác đầu tay. Với năng lực và sự kiên trì, Haydn đã có nhiều tiến bộ và cuối cùng được giới thiệu với nhà quý tộc Áo Karl Joseph von Fürnberg. Haydn chơi nhạc thính phòng tại tư gia nhà quý tộc này và tại đây ông cũng viết các bản tứ tấu đàn dây đầu tiên.
Qua sự giới thiệu của Fürnberg, vào năm 1758 Haydn được bổ nhiệm làm giám đốc âm nhạc và nhà soạn nhạc thính phòng cho bá tước Ferdinand Maximilian von Morzin người Bohemia. Haydn chịu trách nhiệm cho một dàn nhạc khoảng 16 nhạc công và đã viết cho dàn nhạc này bản giao hưởng đầu tiên cũng như vô số divertimento dành cho nhóm kèn hơi hay cho nhạc cụ hơi và dàn dây. Những sáng tác ban đầu này tươi tắn trong giai điệu và lấp lánh những dấu hiệu của một bậc thầy tương lai.
Dưới sự bảo trợ của nhà Esterházy
Haydn chỉ làm việc cho bá tước von Morzin trong một thời gian ngắn vì những khó khăn tài chính buộc bá tước phải giải tán dàn nhạc. Song Haydn mau chóng được tuyển vào làm việc cho hoàng thân Paul Anton Esterházy, người có một dàn nhạc trang bị đầy đủ để biểu diễn thường xuyên tại lâu đài của mình ở Eisenstadt, một thị trấn nhỏ cách Vienna khoảng 30 dặm. Do giám đốc âm nhạc của họ đã già yếu và hay đau ốm nên hoàng thân tuyển nhạc sĩ Haydn còn khá vô danh làm trợ lý chỉ huy vào năm 1761. Trong khi vị giám đốc âm nhạc già cả trông nom hoạt động âm nhạc tại nhà thờ thì Haydn chỉ huy dàn nhạc, huấn luyện các ca sĩ trong các buổi diễn tập thường ngày, soạn hầu hết các tác phẩm âm nhạc theo yêu cầu và quản lý các nhạc công. Từ các bản giao hưởng đầu tiên viết cho nhà Esterházy, Haydn đã thể hiện đầy đủ tính hài hước dí dỏm đặc trưng cũng như sự tươi tắn trong những ý tưởng âm nhạc cho dù sự thành thục chín muồi rất lâu sau mới tới.
Năm 1766, Haydn trở thành giám đốc âm nhạc cho nhà Esterházy, nâng cao chất lượng và tăng quy mô dàn nhạc của hoảng thân bằng cách tuyển thêm nhiều nhạc công và ca sĩ. Kế hoach đầy tham vọng của Haydn đã được hoàng thân Nikolas (người em trai kế vị hoàng thân Paul Anton) ủng hộ.
Haydn phục vụ hoàng thân Nikolas trong gần 30 năm. Ông thường xuyên đến Vienna cùng đoàn tùy tùng của hoàng thân, và trong các chuyến đi đó tình bạn thân thiết giữa ông và Wolfgang Amadeus Mozart đã nảy nở. Họ được truyền cảm hứng từ tác phẩm của nhau. Mozart tuyên bố rằng mình học được từ Haydn cách viết tứ tấu đàn dây và đã đề tặng một bộ sáu tác phẩm thể loại này cho “người bạn yêu quý”.
Giai đoạn từ 1768 đến khoảng năm 1774 đánh dấu sự trưởng thành của Haydn với tư cách nhà soạn nhạc. Âm nhạc ông viết thời kỳ đó, từ Stabat Mater (1767) tới Missa Sancti Nicolai (1772) cũng đủ để xếp Haydn vào trong số những nhà soạn nhạc lớn của thời đại. Nhiều vở opera ông viết trong những năm đó đã nâng cao uy tín của riêng ông cũng như danh tiếng của nhà Esterházy. Các tác phẩm quan trọng khác thời kỳ này là bộ tứ tấu đàn dây Op. 20, Piano Sonata giọng Đô thứ và các giao hưởng ở điệu thức thứ, đặc biệt là Giao hưởng “Tang lễ” No. 44 và Giao hưởng “Từ biệt” No. 45. Có thể coi đây là thời kỳ “Bão táp và xung kích” trong âm nhạc của Haydn.
Trong một thập niên rưỡi sau đó, danh tiếng Haydn càng tăng cao hơn nữa. Số lượng opera ông viết vẫn rất dồi dào cho tới năm 1785 bất chấp việc nhà hát opera của Esterházy bị hỏa hoạn thiêu hủy vào năm 1779. Lượng khán giả của ông ngoài phạm vi nhà Esterházy cũng ngày một tăng. Năm 1775, ông soạn vở oratorio quy mô lớn đầu tiên, Il ritorno di Tobia, cho Hội nhạc sĩ Vienna. Năm 1781 nhà xuất bản Artaria ở Vienna xuất bản sáu tứ tấu đàn dây Op. 33 của Haydn, các tác phẩm quan trọng mau chóng thiết lập một tiêu chuẩn mới cho thể loại này. Vào giữa thập niên này ông cũng nhận được một hợp đồng soạn một bộ giao hưởng từ Paris và kết quả là các bản giao hưởng “Paris” của Haydn trở thành những mốc son của thể loại giao hưởng. Cũng khoảng thời gian này ông được đặt hàng soạn tác phẩm Seven Last Words of Our Saviour on the Cross (Bảy lời cuối cùng của chúa Giê-su trên thánh giá). Đối với Haydn bản tính vui tươi, việc viết bảy chương nhạc khắc khổ liên tiếp là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, thế nhưng sự nỗ lực của ông đã cho ra đời một trong những tác phẩm được nhiều ngợi ca nhất.
Giai đoạn ở Anh
Khi hoàng thân Nikolas qua đời vào năm 1790, người con trai kế vị của ông không quan tâm đến âm nhạc và sa thải hầu hết các nhạc công. Haydn vẫn được giữ lại và trả lương xong chẳng bị đòi hỏi làm việc gì. Đúng lúc đó nghệ sĩ violin và là ông bầu biểu diễn Johann Peter Salomon từ nước Anh đến và đặt Haydn soạn sáu bản giao hưởng mới cùng 20 tác phẩm nhỏ hơn để chính tác giả chỉ huy trong một loạt hòa nhạc tại London do Salomon tổ chức. Haydn vui vẻ chấp nhận đề nghị này và hai người lên đường tới London vào tháng 12/1790.
Trong 18 tháng tiếp theo ở London, những ấn tượng mới lạ, những cuộc gặp gỡ với các nghệ sĩ nổi tiếng và sự ngưỡng mộ dành cho Haydn đã có một tác động lớn lao lên công việc sáng tạo của ông. Ông được đưa đón, tiếp đãi và đối xử như với một thiên tài; Charles Burney xuất bản một bài thơ để vinh danh ông. 12 bản giao hưởng ông viết trong hai chuyến thăm London đại diện cho đỉnh cao âm nhạc viết cho dàn nhạc của Haydn. Kỹ thuật phối khí, cách xử lý các hình thức âm nhạc và cảm hứng giai điệu trôi chảy tự do của bậc thầy – ấy là chưa nói đến sự dí dỏm – đã khiến khán giả Anh mê mẩn. Sự nổi tiếng của tác phẩm Haydn được thể hiện qua các biệt danh như giao hưởng “Ngạc nhiên” (No. 94), “Nhà binh” (No. 100), “Đồng hồ” (No. 101) và “Đánh trống” (No. 103).
Vào tháng 6/1792 Haydn rời London tới Đức. Trên hành trình ông dừng chân tại Bonn, nơi chàng trai 22 tuổi Ludwig van Beethoven được giới thiệu với ông và nhà soạn nhạc trẻ đầy hoài bão sẽ thu xếp tới Vienna để theo học Haydn. Trong một lá thư gửi người bảo trợ của Beethoven, Haydn viết: “Beethoven sẽ có ngày được coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất châu Âu, và tôi sẽ tự hào được gọi là thầy của anh ta.”
Việc được tiếp đón lạnh nhạt trong chuyến quay về Vienna làm Haydn thêm quyết tâm tới nước Anh lần thứ hai vào tháng 1/1794. Các sáng tác chính trong chuyến này là bộ giao hưởng London thứ hai (No. 99-104) và sáu tứ tấu Apponyi (No. 54-59). Trong thời gian ở London cảm hứng của Haydn lên cao hơn bao giờ hết, đặc biệt là với ba giao hưởng cuối cùng (No. 102-104) mà trong đó Giao hưởng No. 102 giọng Si giáng trưởng là một trong số những giao hưởng vĩ đại nhất. Công chúng Anh coi ông như một người bạn cũ vô cùng yêu mến. Vua George III tha thiết mời ông ở lại nước Anh, nhưng Haydn vẫn muốn quay về Áo để phục vụ người kế vị mới của gia đình Esterházy, hoàng thân Nikolas II.
Các kiệt tác cuối cùng của Haydn, bao gồm các tác phẩm hợp xướng hùng hậu: hai oratorio “Đấng sáng tạo” và “Các mùa” và một nhóm sáu bản mass. Haydn ngừng sáng tác vào năm 1803, sau đó thư từ và bưu thiếp ông gửi đi thường được mở đầu bằng một trích đoạn âm nhạc (từ một trong những ca khúc nhiều bè ông viết) với ca từ “Mọi sức lực hết rồi; tôi đã già và yếu”. Ông qua đời tại Vienna vào ngày 31/5/1809.
Ngọc Anh tổng hợp