Jussåi Björling – Một giọng hát hoàn mỹ
Kỹ thuật thanh nhạc hoàn mỹ, vẻ đẹp lấp lánh ánh bạc trong giọng hát, những nốt cao sáng chói và khả năng diễn giải âm nhạc tuyệt vời đã đưa Jussi Björling thành một trong những giọng tenor vĩ đại và được yêu thích nhất thế kỷ 20.
Đứa con của gia đình nghệ thuật
Jussi Björling, tên khai sinh là Johan Jonatan, sinh ngày 5/2/1911 tại Stora Tuna, một ngôi làng nhỏ cách Stockholm khoảng 220km về phía Tây Bắc. Cái tên Jussi do bà ngoại Matilda đặt và sau này đã trở thành chính thức. Có một chút sai sót khi trong giấy của nhà thờ khi thực hiện lễ rửa tội cho Jussi đã ghi ngày sinh của cậu là 2/2 nhưng đó sẽ là ngày Björling coi là sinh nhật trong suốt cuộc đời mình.
Jussi được sinh ra trong một gia đình âm nhạc khi mẹ cậu, bà Ester Sund là một nghệ sĩ piano, hai người anh trai Olle và Gösta đều trở thành những ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng phủ bóng lên tất cả chính là người cha David. David Björling vốn là một thợ rèn tài năng, công việc mà ông thừa hưởng từ người cha của mình. Ông di cư sang Mỹ từ đầu thế kỷ 20 và tài năng được phát hiện khi đang hát những bài hát dân gian Thụy Điển tại một quán rượu ở New York. Ông được gợi ý theo học tại các khóa đào tạo thanh nhạc do Metropolitan Opera tổ chức. David cũng có cơ hội được gặp gỡ Caruso và được tenor huyền thoại này hướng dẫn một số bài học hát. Sau khi trở về châu Âu, ông từng có thời gian học tại Vienne trước khi phát triển sự nghiệp ca hát tại Stockholm. Sở hữu chất giọng tenor, David từng thực hiện nhiều chuyến biểu diễn tại Thụy Điển nhưng sau đó đã quyết định tập trung vào việc dạy dỗ những đứa con trai của mình sau khi bà Sund qua đời chỉ vài ngày sau khi sinh Karl, em trai của Jussi vào năm 1917 vì căn bệnh viêm phổi. Chính ông David là người đã hướng dẫn những bài học hát đầu tiên cho những cậu con trai của mình, họ được “biết nhạc trước khi biết chữ”.
Jussi xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng khi chỉ mới lên 5 tuổi vào năm 1916. Cùng với David, Olle và Gösta, họ đã lập nên Björlingkvartetten (Björling Male Quartet) và cùng nhau biểu diễn trên khắp Thụy Điển, các nước Bắc Âu cũng như thực hiện chuyến lưu diễn tại Mỹ trong hơn 10 năm, cho đến khi ông David mất vào năm 1926. Trong những năm cuối, cậu em út Karl cũng tham gia cùng gia đình. Họ đã có với nhau sáu bản thu âm. Sau khi người cha qua đời, Jussi làm nhiều công việc vặt vãnh cho đến khi nhận được đề nghị thử giọng tại Nhà hát opera hoàng gia. Ngày 21/8/1928, baritone John Forsell, giám đốc của nhà hát, sau khi chứng kiến buổi thử giọng đã ghi vào sổ tay của mình: “Tốt một cách lạ thường, một hiện tượng. 17 tuổi. Có thể thu nhận và chăm sóc! Có thể trở thành một cái gì đó!”. Jussi đã được nhận vào học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Thụy Điển, nơi anh theo học chính Forsell và tenor người Scotland Joseph Hislop, người mà Jussi đã học được kỹ thuật thanh nhạc và cách để tạo ra những nốt cao tuyệt vời. Để trang trải cuộc sống, anh đã hát cho các ban nhạc tại địa phương dưới nghệ danh Eric Odde, thậm chí từng có bản thu âm trong thời gian này.
Sự nghiệp một ca sĩ opera chuyên nghiệp của Björling bắt đầu bằng vai nhỏ Người thắp đèn (Lamplighter) trong Manon Lescaut (Giacomo Puccini) tại Royal Swedish Opera vào ngày 21/7/1930. Ngay sau đó là Don Ottavio (Don Giovanni, Wolfgang Amadeus Mozart) với Forsell trong vai chính. Hai vai lớn đầu tiên của Björling là Arnold (Guillaume Tell, Gioachino Rossini) vào ngày 27/12/1930 và Jonatan (Saul og David, Carl Nielsen) vào ngày 13/1/1931. Những thành công này đã nhanh khiến giúp Björling có được hợp đồng chính thức với Royal Swedish Opera, nơi anh gắn bó đến năm 1938 trong 53 vai diễn khác nhau. Trong đó đáng chú ý có Rodolfo (La bohème, Puccini), Almaviva (Il barbiere di Siviglia, Rossini), Tonio (La fille du régiment, Gaetano Donizetti) hay Vladimir (Prince Igor, Alexander Borodin) mà anh hát cùng Feodor Chaliapin. Björling cũng có được những bản thu âm của riêng mình, tất cả đều được hát bằng tiếng Thụy Điển. Tháng 7/1931 đánh dấu lần đầu tiên Björling có được buổi biểu diễn tại nước ngoài trên cương vị ca sĩ chuyên nghiệp khi hát tại Tivoli, Copenhagen. Anh thường xuyên xuất hiện trong nhiều chương trình hòa nhạc tại các công viên trong mùa hè trên khắp các nước Scandinavia.
Năm 1935, Björling kết hôn với soprano Anna-Lisa Berg, bạn học của ông tại Royal Swedish Academy of Music. Sau khi lập gia đình, Anna-Lisa tập trung vào cuộc sống gia đình và chỉ trở lại sân khấu 10 năm sau đó, chủ yếu gắn bó với Royal Swedish Opera. Hai vợ chồng cũng nhiều lần biểu diễn song ca cùng nhau. Bản thân Björling coi Anna-Lisa là “nhà phê bình nghiêm khắc nhất” của mình. Họ có với nhau ba người con. Trước đó, Björling đã có một đứa con riêng Rolf (sinh năm 1928) sau này cũng trở thành một tenor nổi tiếng. Trên thực tế, Björling còn có một cô con gái ngoài giá thú nữa (với một người phụ nữ thứ ba), Kickie, sinh năm 1936. Cố vấn pháp luật của Björling, Gösta Hansson và vợ ông là người nhận nuôi Kickie.
Một sự nghiệp rực rỡ
Năm 1936, Björling thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên đến Trung Âu, thành công rực rỡ trong các vở opera và biểu diễn độc tấu ở Prague, Vienna, Dresden hay Berlin, trong đó đáng chú ý có màn ra mắt tại Vienna State Opera vào ngày 28/5/1936 trong Manrico (Il trovatore, Verdi). Điều này đã mang lại cho anh hợp đồng thu âm quốc tế đầu tiên của mình. Anh bắt đầu hát opera bằng ngôn ngữ gốc. Năm 1937, lần đầu tiên Björling hát tại London và có chuyến biểu diễn tại Carnegie Hall cũng như vào vai Công tước xứ Mantua (Rigoletto, Giuseppe Verdi) tại Chicago. Ngày 24/11/1938, Björling có đêm ra mắt tại Metropolitan Opera trong vai Rodolfo và giành được thành công vang dội. Olin Downes đã nhận xét trên New York Times: “Giọng hát của Björling đã bộc lộ được những gì tốt đẹp nhất của mình, vừa ấm áp vừa rực rỡ và thanh thoát”.
Ông nhanh chóng chứng tỏ mình là giọng tenor tuyệt vời nhất trong thế hệ. Rất nhiều đồng nghiệp đã dành cho Björling những lời nhận xét có cánh. Dorothy Kirsten, trong cuốn tự truyện của mình, đề cập đến Björling là “giọng nam cao vĩ đại nhất trong thế hệ của tôi; âm thanh huy hoàng nhất mà tôi từng nghe”. Boris Christoff coi giọng hát của Björling là “đẹp nhất trong số các tenor”. Cornell MacNeil, khi một lần hát cùng Björling tại Metropolitan Opera trong Manon Lescaut (Puccini) đã vô cùng kinh ngạc trước những âm thanh đầy ám ảnh u uất của Björling với trích đoạn “No pazzo son” đến nỗi quên mất phần của mình “với giọng hát của mình, anh ấy đã khiến tôi kinh ngạc”. Giọng hát của Björling thực sự không thiếu những phẩm chất ấm áp tràn ngập ánh nắng Địa Trung Hải của trường phái opera Ý, nhưng ông có sự góc cạnh và lấp lánh ánh bạc đặc trưng của xứ Bắc Âu, điểm tạo ra sự khác biệt của Björling với những danh ca Ý đang tràn ngập lúc bấy giờ. Björling cũng được hưởng một sự giáo dục âm nhạc rất bài bản, chơi piano thành thạo. Tất cả những điều này đã tạo nên sự tinh tế trong nghệ thuật biểu diễn của ông như người bạn diễn thân thiết Robert Merrill “làm mê hoặc tất cả những ai đã từng nghe anh ấy”. Cùng với Merrill, Björling đã có bản song ca “Au fond du temple saint” (Les pêcheurs de perles, Georges Bizet) bất hủ, họ hòa quyện vào nhau và tan chảy. Với vóc dáng béo lùn, Björling hoàn toàn không được đánh giá cao về khả năng diễn xuất nhưng bù lại, giọng hát thiên thần của ông đã chinh phục khán giả ngay từ những nốt nhạc đầu tiên.
Các giọng tenor dường như không dành cho nhau quá nhiều lời tán dương nhưng với Björling là ngoại lệ. Bản thân ông luôn dành sự kính trọng tới những bậc tiền bối như Caruso hay Beniamino Gigli. Vợ Björling, Anna-Lisa là một người say mê Gigli và trong giữa các buổi biểu diễn của chồng mình, bà thường chạy vào phòng thay đồ và thốt lên: “Jussi, thêm Gigli vào và bớt Caruso đi”! Tuy nhiên, Dorothy, bà quả phụ của Enrico Caruso đã nói với ông: “Anh là người duy nhất xứng đáng để mặc áo choàng và đội vương miện của Rico!”.
Björling ngưỡng mộ Giuseppe di Stefano. Sau buổi biểu diễn Manon (Jules Massenet) của di Stefano tại Metropolitan Opera vào ngày 27/3/1948, Björling đã gặp gỡ và đề nghị di Stefano truyền cho bí mật về kỹ thuật diminuendo. Trong cuốn tự truyện của mình, di Stafano đã cho biết việc dạy dỗ đã thất bại và bản thân ông cũng không có được kết quả tốt với những lời chỉ dẫn của Björling về những nốt cao chắc nịch như thép.
Björling có một sự cộng tác thân thiết với Arturo Toscanini. Toscanini rất ngưỡng mộ giọng hát của Björling: “Tôi đã nghe Björling. Thật là một giọng hát đẹp tuyệt vời… một kỹ thuật hoàn hảo. Bravo!”. Cùng nhau, năm 1939, họ đã biểu diễn trong Requiem (Verdi) tại Lucerne và Missa solemnis (Ludwig van Beethoven) ở New York vào tháng 12/1940. Năm 1939 cũng đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của Björling trên sân khấu Covent Garden trong Manrico. Ông cũng có những bản thu âm đầu tiên tại Mỹ, trong đó có cả những lieder của Franz Schubert. Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra đã hạn chế các buổi biểu diễn của Björling. Ông chủ yếu chỉ biểu diễn tại các nước Scandinavia. Trong một lần hiếm hoi, Björling ra mắt khán giả Ý vào năm 1943 với Manrico tại Teatro Comunale, Florence. Năm 1944, ông được quốc vương Thụy Điển trao tặng danh hiệu Ca sĩ hoàng gia, có từ năm 1773, dành tặng cho các giọng ca xuất sắc, những người bằng nghệ thuật thanh nhạc của mình đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước Thụy Điển. Ở tuổi 33, Björling là ca sĩ trẻ nhất từng được trao tặng danh hiệu này. Năm 1909, Forsell, thầy giáo của Björling cũng đã nhận được vinh dự tương tự.
Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Björling quay trở lại Metropolitan Opera và xuất hiện nhiều hơn ở đây, chủ yếu trong các vở opera của Ý và Pháp. Trong thời gian khởi đầu sự nghiệp, Björling gặp khó khăn trong việc phát âm nhưng điều đó đã được cải thiện đáng kể. Những vai diễn chủ yếu của ông trong giai đoạn này là Cavaradossi (Tosca, Puccini), Roméo (Roméo et Juliette, Charles Gounod), Riccardo (Un ballo in maschera, Verdi) hay Faust (Faust, Gounod) và không thể thiếu những vai “tủ” trong La bohème và Il trovatore. Ông dành phần lớn thời gian biểu diễn tại Mỹ nhưng luôn quay trở về ngôi nhà của mình ở Siarö, Stockholm vào các mùa hè. Bất chấp sự nổi tiếng quốc tế mà sự kỳ diệu trong giọng hát đã mang lại cho ông, Björling vẫn luôn gắn bó với đất nước Thụy Điển. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn cố gắng dành thời gian ở giữa các buổi hòa nhạc và opera để tổ chức ít nhất một chương trình biểu diễn ngoài trời tại Gröna Lund, khu hội chợ ở Stockholm, nơi ông luôn đảm bảo có được một đội ngũ khán giả đông đảo và nhiệt tình.
Một tượng đài nghệ thuật
Tháng 8/1946, lần đầu tiên Björling hát tại La Scala trong Công tước xứ Mantua (Rigoletto). Ngày 6/11/1950, Björling vào vai Don Carlo (Don Carlo, Verdi) trong đêm diễn mở đầu kỷ nguyên Rudolf Bing tại Metropolitan Opera. Tuy nhiên, mối quan hệ của ông với Bing không diễn ra quá tốt đẹp, dẫn đến việc Björling vắng mặt một vài mùa diễn tại Metropolitan Opera trong thập niên 50. Năm 1952, cùng Zinka Milanov, Fedora Barbieri, Leonard Warren, ông có bản thu âm opera hoàn chỉnh đầu tiên của mình trong Il trovatore. Ngày 16/11/1953, Björling mở màn mùa diễn tại Metropolitan Opera trong Faust bên cạnh người bạn diễn thân thiết Victoria de los Angeles. Tuy nhiên, giọng hát của ông lần đầu tiên có vấn đề khi Björling bị viêm thanh quản. Mùa thu năm 1954, lần đầu tiên và cũng là duy nhất ông hát bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ khi thực hiện chuyến lưu diễn tại Nam Phi. Năm 1956, dưới sự chỉ huy của Thomas Beecham, ông thu âm La Bohème cùng de los Angeles và Merrill. Đây cũng là một trong những đĩa nhạc được đánh giá cao nhất của tác phẩm này. Chất giọng u buồn tương đồng của Björling và de los Angeles đã mang đến một tâm trạng khắc khoải, ảm đạm đặc trưng. La bohème cũng là vở opera mà Björling hát nhiều nhất trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Trong suốt sự nghiệp của mình, Björling cực kỳ thận trọng trong việc lựa chọn những vai diễn. Ông khởi đầu với chất giọng trữ tình, thậm chí là nhẹ (leggiero) và ổn định trong suốt sự nghiệp với những vai diễn spinto. Mặc dù chắc hẳn ông sẽ thành công trong Carmen (Bizet) hay Andrea Chénier (Umberto Giordano) nhưng chưa một lần Björling biểu diễn chúng. Trong giai đoạn cuối của sự nghiệp, đã có những thông tin cho rằng ông đã từng có ý định hát Otello (Verdi) và Lohengrin (Richard Wagner) nhưng tất cả chỉ dừng lại ở tin đồn. Vai diễn nặng nhất mà Björling từng hát trong sự nghiệp là Radamès (Aida, Verdi).
Trong nửa cuối thập niên 50, Björling dần dần bớt hợp tác cùng Metropolitan Opera và biểu diễn nhiều hơn cùng các nhà hát khác tại Mỹ như Lyric Opera of Chicago và San Francisco Opera. Tháng 11/1955, ông có lần cộng tác ngắn ngủi cùng Maria Callas tại Lyric Opera of Chicago trong Il trovatore. Ông chẩn đoán bị mắc bệnh tim nhưng vẫn duy trì một lịch biểu diễn dày đặc. Chững nghiện rượu của Björling cũng gây ra những tác hại không nhỏ, dẫn đến việc ông phải hủy bỏ biểu diễn gần 200 lần trong toàn bộ sự nghiệp, trung bình 5-6 lần trong một năm. Ông từng phải đi điều trị, nằm trên giường bệnh Björling từng hứa với bốn người con của mình sẽ bỏ rượu nhưng ông không thể thực hiện được.
Buổi biểu diễn cuối cùng của Björling tại Metropolitan diễn ra vào ngày 22/12/1959 trong Turiddu (Cavalleria rusticana, Pietro Mascagni). Ngày 10/3/1960, Björling quay trở lại Covent Garden lần đầu tiên kể từ năm 1939 với vai Rodolfo. Trước đêm diễn, ông đã lên cơn đau tim nhưng vẫn khăng khăng thực hiện bất chấp tình trạng của mình. Lần xuất hiện cuối cùng của ông trên sân khấu opera là vào ngày 1/4/1960 tại San Francisco trong Faust. Tháng 6/1960, ông thực hiện bản thu âm cuối cùng của mình trong Requiem (Verdi) cùng Leontyne Price, Rosalind Elias, Giorgio Tozzi dưới sự chỉ huy của Fritz Reiner và Vienna Philharmonic cho Decca. Björling xuất hiện lần cuối trước khán giả trong một chương trình hòa nhạc tại Skansen, Stockholm vào ngày 20/8/1960, đánh dấu 30 năm ngày ông chính thức ra mắt với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp.
Björling qua đời trong giấc ngủ vào đêm ngày 9/9/1960 tại nhà riêng của mình ở Siarö ở tuổi 49, khi mà giọng hát tuyệt vời của ông vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Một chiếc trực thăng cấp cứu đã nhanh chóng có mặt nhưng không kịp. Lễ tang của ông diễn ra vào ngày 19/9/1960 tại nhà thờ Engelbrekt được truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình Thụy Điển. Di hài ông được chôn cất tại nghĩa trang Stora Tuna, Borlänge. Jean Sibelius đã tri ân ông: “Gửi đến thiên tài, ca sĩ vĩ đại, Jussi Björling với lòng biết ơn”. Một bức tượng bán thân của Björling đã được đặt bên ngoài Royal Swedish Opera, nơi khởi đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của ông.
Rất nhiều năm sau khi Björling mất, nhiều ca sĩ danh tiếng vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc đối với tài năng của ông. Năm 1988, trong lần trả lời phỏng vấn của Svenska Dagbladet, Luciano Pavarotti đã cho biết: “Khi tôi chuẩn bị luyện tập một vở opera mới, đầu tiên tôi lắng nghe Jussi Björling đã làm điều đó như thế nào. Hơn bất cứ điều gì khác, tôi ước rằng mọi người so sánh tôi với Jussi Björling. Đó là cách tôi nỗ lực để ca hát”.
Bất chấp chứng nghiện rượu, trí nhớ của Björling không hề bị ảnh hưởng và khả năng kiểm soát hơi thở cũng như những nốt cao của ông vẫn hoàn hảo. Björling vẫn có thể dễ dàng lên những nốt đố một cách thoải mái và rực rỡ. Björling đã để lại một di sản đáng kể những bản thu âm mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình. Năm 1996, vợ ông, bà Anna-Lisa, dưới sự hỗ trợ của Andrew Farkas, đã cho xuất bản cuốn hồi ký về Jussi. Nhờ nó, chúng ta có thể hiểu biết rõ ràng hơn về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những giọng hát vĩ đại nhất của kỷ nguyên ghi âm. □
Nguồn:
http://www.operavivra.com/artists/tenors/jussi-Bjorling/