Katharine Hepburn và Spencer Tracy: Đời là đâu, phim là đâu?

Lần đầu tiên Spencer Tracy gặp Katharine Hepburn trên màn bạc, đó là khi chàng phóng viên thể thao Sam Craig lồng lộn lao vào phòng sếp, vì nghe nói cô phóng viên Tess Harding mảng chính trị quốc tế đề nghị bỏ béng mục bóng chày, để đưa tin về Thế chiến II, và rồi, anh thấy nàng, mà đúng hơn, không phải nàng, mà là cặp chân thẳng đuột của nàng.

Spencer Tracy và Katharine Hepburn trong bộ phim “The Sea of Grass”, năm 1947. Ảnh: Hollywood reporter

Trong một bộ phim tài liệu tôn vinh di sản của Spencer do chính Katharine dẫn truyện, khi kể lại ký ức về Woman of the Year (1942) – bộ phim hài lãng mạn đánh dấu sự khởi đầu gần ba thập niên ái tình của cặp tình nhân không-bao-giờ-cưới huyền thoại của lịch sử Hollywood, vốn chỉ kết thúc khi Spencer Tracy qua đời – Katharine Hepburn vẫn không giấu nổi niềm tự hào. Bà nhấn mạnh ở cụm từ “bộ phim mà Spence đóng với tôi”. Người ta kể rằng, mãi về sau, Spencer vẫn nói về cặp chân của Katharine. Một dạng fetish chăng? Dù ai cũng biết Katharine là biểu tượng thời trang gắn với những chiếc quần dài bẻ cong giới tính, nhưng cái giây phút được đóng đinh vĩnh viễn trên màn ảnh ấy, giây phút Spencer lần đầu gặp Katharine, nàng mặc váy ngắn, để lộ đôi chân tuyệt vời. 

Lần đầu tiên là thế. Chỉ là với Katharine và Spencer, ta không thể chỉ kể về một lần đầu tiên. Dường như lúc nào họ ở bên nhau, ta cũng thấy đó là lần đầu tiên, không chỉ lần đầu tiên của họ mà còn là lần đầu tiên của tình yêu trên phim. Tình yêu trên phim chưa từng chứng kiến cái gì như thế, những mối tình tái sinh liên tục trong chín bộ phim của Katharine và Spencer khác xa những mối tình của cặp đôi huyền thoại khác, như Humphrey Bogart và Lauren Bacall.

Chẳng hạn, vẫn trong Woman of the Year, có cảnh Sam dắt Tess đi xem một trận bóng chày và giải thích luật lệ cho nàng nghe trong khi nàng chẳng hiểu gì, cũng chẳng có vẻ coi trọng cuộc đấu mà dù thắng hay thua chắc cũng không ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới như cuộc đấu giữa Đồng Minh và Phát Xít ở chiến trường châu Âu. Đó là một cảnh rất kỳ quặc trong phim tình cảm. Vì cảnh ấy không báo hiệu sự tương hợp mà báo hiệu sự khắc khẩu, báo hiệu khoảng cách, tóm lại là một cảnh chẳng hề lãng mạn trong bộ phim lãng mạn. 

Hay trong Pat and Mike (1952) của đạo diễn George Cukor, khoảnh khắc khi nàng vận động viên nghiệp dư Pat Pemberton sau một ngày ê chề vì sự lóng ngóng trên sân golf, nàng trở về nhà và vừa mới bước vào phòng tắm, vị đại diện thể thao Mike Conovan cùng cậu đệ tử lao ra vây lấy nàng, tán tụng tài năng của nàng, đề nghị nàng để họ giúp đưa nàng lên đỉnh vinh quang. Một cuộc gặp đầu tiên cũng chẳng giống ai. Một phân cảnh mà nếu nghĩ cho kỹ, sự lạc quẻ quái dị của chúng trong một bộ phim hài lãng mạn thời kỳ vàng Hollywood gây liên tưởng tới… Kafka: phân đoạn rất giống với Lâu đài, khi hai người trợ lý phiền phức bỗng xuất hiện để đi theo chàng đạc điền K.; hay hai anh cảnh sát trong Vụ án một ngày nọ xuất hiện trước của nhà Josef K.

Katharine và Spencer là một cặp tình nhân được điện ảnh sinh ra làm đối trọng với hiện thực, họ nằm ở lằn ranh của hư cấu và phi hư cấu, mối tình của họ khiến điện ảnh chảy tràn từ màn ảnh ra thế giới bên ngoài, khiến cho ta liên tục phải đặt câu hỏi: vậy thì ranh giới của phim là ở đâu?; phim có thể thật tới đâu?

Thậm chí, ngay cả khi không phải những cảnh mô tả lần đầu gặp gỡ giữa nam chính và nữ chính, thì từng cảnh từng cảnh trong những bộ phim kinh điển của hai đại minh tinh cũng luôn có vẻ khác người tươi mới mà ta không thể bắt gặp ở đâu khác. Những tia lửa nổ tí tách khi Katharine và Spencer chung một khung hình. Luôn luôn như thể họ không diễn cho ống kính xem mà ống kính vô tình bắt gặp họ trong thế giới riêng, chia sẻ một thứ tình yêu rất rất ít người từng nếm trải. Ái lực tình yêu của họ làm những gì xung quanh cũng không thể vận hành trơn tru. Trong Woman of the Year, khi người phụ nữ hoàn hảo của công chúng Tess Harding quyết định vào bếp và tự tay làm bữa sáng cho Sam Craig, dám chắc rằng không phải sự vụng về của Tess làm cho bánh mì bắn tung khỏi lò nướng như đôi tất, cafe đun trên bếp sủi bọt như núi lửa phun trào, trứng chảy như cơn lũ quét, dù đúng là Tess vụng về, rất vụng về. Nhưng có lẽ còn vì lực hấp dẫn khi Katharine ở bên Spencer và Spencer ở bên Katharine đã bẻ cong không-thời gian – họ là một hệ sao đôi, trong đó hai vì sao cuốn lấy nhau, xoay quanh nhau, làm mọi thứ lệch khỏi vị trí vốn có.

Ngoài đời, Spencer Tracy chưa từng ly hôn, cuộc tình giữa Spencer và Katharine chưa bao giờ được công khai lúc Spencer và vợ còn sống. Katharine Hepburn cũng không bao giờ đề nghị điều đó. Katharine thậm chí còn cho rằng, không biết Spencer dành tình cảm gì cho mình, chỉ là 27 năm bên nhau với cả hai đều là “chân phúc”. Không ai tiếc vì họ chưa từng kết hôn trong đời thật. Có lẽ vì Katharine và Spencer không chỉ sống trong đời thật. Đời thật chỉ là một trong những thế giới mà họ sống. Cặp tình nhân sống trong rất nhiều thế giới khả thể khác, những khả thể mà điện ảnh trao cho họ. Theo nghĩa đó, Katharine và Spencer là một cặp tình nhân được điện ảnh sinh ra làm đối trọng với hiện thực, họ nằm ở lằn ranh của hư cấu và phi hư cấu, mối tình của họ khiến điện ảnh chảy tràn từ màn ảnh ra thế giới bên ngoài, khiến cho ta liên tục phải đặt câu hỏi: vậy thì ranh giới của phim là ở đâu?; phim có thể thật tới đâu?; nơi đâu là dấu chấm hết của phim và hiện thực viết hoa khởi đầu câu mới?; họ đang diễn hay họ đang kiến tạo nên một thế giới khác không kém thực so với hiện thực?; mà hiện thực là gì?

Katharine và Spencer không ít lần vào vai vợ chồng trên phim – điều không xảy ra trong đời thực lại trở thành thực tại của phim. Họ thường đóng những cặp vợ chồng “tai quái”: cặp đôi luật sư sáng cãi nhau trên tòa, tối về massage lưng cho nhau trong Adam’s Rib (1949) của đạo diễn George Cukor; cặp đôi đũa lệch giữa người vợ xinh đẹp hoàn hảo cùng đời sống giao tế phong phú và người chồng thường thường bậc trung trong Woman of the Year; cặp vợ chồng trung niên một hôm đón cô con gái xinh đẹp về nhà và được cô giới thiệu anh chồng sắp cưới là một bác sĩ da đen trong Guess Who’s Coming to Dinner (1967) của đạo diễn Stanley Kramer. Trong những bộ phim ấy, Katharine thường là người vợ không mấy khi nể nang chồng. Nàng độc lập, lấn lướt, đôi khi quá quắt, nhưng sau rốt vẫn mềm lòng trước người đàn ông của mình, những đặc điểm có lẽ cũng ứng khớp với Katharine Hepburn ngoài đời: sáng suốt trong mọi sự và chỉ mù quáng trong tình yêu với Spencer; nữ trung hào kiệt trong mắt cả thiên hạ và chỉ mềm yếu trước Spencer; cả thế giới nhớ về nàng trong chiếc quần dài, còn Spencer “chết” vì đôi chân của nàng khi mặc váy ngắn. Phim lẫn vào đời và đời lẫn vào phim, tách chúng ra còn khó hơn nhiệm vụ tách thóc với gạo mà cô Tấm bị dì ghẻ giao cho.

Nhưng cần gì biết đâu là phim và đâu là đời. Những khái niệm ấy mất đi ý nghĩa trong thế giới của Katharine và Spencer. Hãy xem một cảnh phim như lọt khỏi thực tại trong bộ phim cuối cùng hai người cùng diễn chung, Guess Who’s Coming to Dinner, cũng là bộ phim cuối cùng của Spencer Tracy – Spence mất chỉ 17 ngày sau khi quay xong bộ phim, khiến cho Katharine mãi mãi lảng tránh việc phải xem những ký ức cuối cùng ấy. 

Cảnh đó diễn ra thế này: cặp vợ chồng lớn tuổi lái xe ra khỏi nhà sau khi nghe tin sét đánh rằng cô con gái muốn cưới một người chồng da đen, và trong một phân cảnh như tuột ra khỏi nội dung chính của phim, Spencer rẽ vào một cửa hiệu bán kem mà mình từng yêu thích thời tuổi thơ, cố tìm lại hương vị kem mình từng ăn ngày nhỏ, nhưng vị kem ấy hẳn đã không còn nữa. Hoàn toàn có thể gọt bỏ cảnh này mà bộ phim vẫn trôi chảy và mạch lạc, nhưng không, ta nhất định phải xem Spencer ngồi trong xe hơi ăn kem bên cạnh Katharine – ăn một ly kem dâu màu hồng dễ thương, kem rất khác với vị ngày xưa nhưng kem rất ngon, và người chồng giờ khắc đó khác hẳn người đàn ông cứng rắn và khó tính thường thấy – khoảnh khắc này Spencer và Katharine như không sống trong bộ phim mà cũng chẳng sống trong thực tại. Họ chỉ sống trong thế giới của họ mà thôi. Và thế giới ấy thì nằm ngoài mọi định vị và bản đồ.□

Bài đăng Tia Sáng số 15/2024

Tác giả

(Visited 59 times, 1 visits today)