Kazuo Ishiguro với những khảo sát về con người dưới áp lực xã hội
Là nhà văn mang dòng máu Nhật Bản, thoạt đầu, Kazuo Ishiguro cũng đặt ra cho mình “nghĩa vụ” giải thích phương Đông cho phương Tây. Nhưng rất nhanh sau đó, ông đã cho phép mình rời bỏ nghĩa vụ này để hướng đến những câu hỏi mang tính phổ quát hơn về con người , như ông từng nói, “Tôi muốn khảo sát xem con người thay đổi ra sao dưới áp lực to lớn của xã hội.”
Giải Nobel Văn chương vừa xướng tên nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro, người “bằng những sức mạnh biểu cảm lớn lao trong các cuốn tiểu thuyết của mình đã khám phá hố thẳm bên dưới cái ảo tưởng về sự kết nối với thế giới của chúng ta”.
Một tên tuổi không xa lạ ở Việt Nam
Từ lâu, Kazuo Ishiguro đã được biết đến như một tên tuổi lớn của văn chương Anh. Ông sinh tại Nagasaki, Nhật Bản năm 1954; gia đình ông chuyển tới Anh năm 1960. Chỉ khi đã lớn tuổi, ông mới có dịp quay trở lại quê hương.
Kể từ khi xuất bản cuốn sách đầu tiên “A Pale View of Hills” (1982), Kazuo Ishiguro đã xác định sẽ theo đuổi nghiệp văn chương. Với những cuốn sách tiếp theo, ông đã được giới phê bình ghi nhận: An Artist of the Floating World (1986); The Remains of the Day (1989); The Unconsoled (1995); When We Were Orphans (2000); Never Let Me Go (2005); The Buried Giant (2015)…
Ishiguro được coi là một trong những tác giả đương đại thành công nhất trong cộng đồng nói tiếng Anh. Năm 2008, tờ Times đã xếp Ishiguro vào vị trí thứ 32 trong danh sách 50 nhà văn Anh xuất sắc nhất kể từ năm 1945.
Trước khi nhận giải Nobel văn chương 2017, ông đã được trao nhiều giải thưởng danh giá khác: năm 1982: Winifred Holtby Memorial Prize cho “A Pale View of Hills”; 1986: Whitbread Prize cho “An Artist of the Floating World”, 1989: Man Booker Prize cho “The Remains of the Day”. Hai trong số các tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro đã được dựng thành phim – “The Remains of the Day” (1993) và “Never Let Me Go” (2010). Đây cũng chính là hai tiểu thuyết đầu tiên mang lại thành công tầm cỡ thế giới cho ông.
Với độc giả Việt Nam, Kazuo Ishiguro không phải là cái tên xa lạ. Vào năm 2010, cuốn sách đầu tiên của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, “Mãi đừng xa tôi” (Never let me go) – tác phẩm có sức hút kỳ lạ ngay từ những trang đầu bởi những hé lộ về sự tồn tại của một thế giới của những người được nhân bản vô tính. Họ “sống” chỉ với mục đích hiến tặng các bộ phận cơ thể mình cho con người, sau ba lần hiến thì cuộc sống hư ảo đó “tắt”… Thái độ bình thản và sẵn sàng cho các đợt hiến của họ khiến chúng ta phải bàng hoàng: đâu là ranh giới của đạo đức trong khoa học? những người nhân bản có thực sự khác chúng ta? chúng ta có ích kỷ một cách vô nhân tính không khi duy trì sự sống của mình bằng việc tước đoạt đi một sự sống khác?
Cuốn sách thứ hai của Kazuo Ishiguro được dịch ra tiếng Việt là “Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông” (Nocturnes: Five Stories of Music and Nightfall” gồm “những truyện ngắn nhiều tính chất khai sáng mà ngôn ngữ có thể dành cho âm nhạc”, như nhà phê bình Cao Việt Dũng từng viết trên blog của anh hồi năm 2013.
Bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông – “Người khổng lồ ngủ quên” (Buried Giant) – cũng đã được phát hành hồi tháng Tư năm nay, đúng hai năm sau khi tác phẩm ra mắt ở Anh.
Từng mơ đến với trái tim mọi người bằng âm nhạc
Trong cuộc trả lời phỏng vấn sâu với nhà báo Levai Balazs[1], ông cho biết, ở tuổi teen, ông thần tượng Bob Dylan và Leonard Cohen, và tự đáy tâm hồn ông khao khát trở thành ngôi sao nhạc rock. Bản thân ông chơi được guitar và piano, và đã viết hơn một trăm ca khúc. Mặc dù không thành công khi gõ cửa các nhà phát hành đĩa nhưng ông cho rằng, ông đã viết văn một cách vô thức khi viết ca từ cho các sáng tác của mình. Khi nhận ra không thể thành công với âm nhạc, thay cho những ca từ, ông bắt đầu viết truyện ngắn, và tham gia một khóa học sáng tác ở đại học.
Kết thúc khóa học này năm 25 tuổi, ông bắt đầu gửi các sáng tác đầu tay đến các tập san và lập tức được chấp nhận ngay. Chỉ nửa năm sau, ông đã ký được với Faber&Faber hợp đồng in cuối tiểu thuyết ông đang viết dở, thậm chí ông còn được nhận một khoản tạm ứng nhỏ.
Là nhà văn gốc Nhật Bản, khi mới cầm bút, ông cảm thấy mình buộc phải sắm vai một phóng viên ngoại quốc, có “nghĩa vụ” giải thích phương Đông cho phương Tây. Nhưng sau hai tiểu thuyết đầu tay nói về nước Nhật, với lý do cá nhân “phải tự giải quyết những vấn đề như câu hỏi về bản sắc”, ông dần dần hướng đến những câu hỏi mang tính phổ quát về con người. “Tôi muốn khảo sát xem con người thay đổi ra sao dưới áp lực to lớn của xã hội. Vì như thường thấy, nếu không phải là một tính cách nổi trội đặc biệt, thì con người thường đi theo bầy đàn một cách vô thức,” ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo Levai Balazs.
Ông viết tiểu thuyết theo kiểu xây dựng trước một câu chuyện, một đề tài với hệ thống các mô-tip rồi mới đi tìm các thứ khác, giống như các nhà làm phim đi tìm địa điểm, xem có thể đặt câu chuyện vào đâu, thời điểm và vị trí nào để cốt truyện, nhóm đề tài có thể triển khai một cách phong phú nhất. Như tiểu thuyết “Never Let Me Go”, ông khởi sự viết cuốn này từ năm 1990 nhưng trong phác thảo của ông lúc đó mới chỉ có câu chuyện về một nhóm người trẻ tuổi mà cuộc sống của họ sẽ bị ngắn đi bởi một kết cục luôn treo lơ lửng trên đầu là vũ khí hạt nhân. Ông đã trăn trở rất nhiều, cuối cùng phải bỏ dở vì không thể triển khai ý tưởng theo hướng này. Mãi đến năm 2001, khi sáng kiến về nhân bản mới nảy sinh, dẫn đến các tranh luận gay gắt trong xã hội, ông quyết định thử viết câu chuyện theo hướng nhóm thanh niên đoản mệnh kia chính là những người được nhân bản để hiến tạng.
Năm mới ngoài 30 tuổi, ông từng phát biểu, các nhà văn sau tuổi 40 sẽ càng ngày càng viết ra những tiểu thuyết yếu kém hơn, bởi viết tiểu thuyết là công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và vô số năng lượng. Thậm chí ông cho rằng, ngay cả với những tên tuổi lớn như Fitzgerald, Faulkner hay Hemingway, “có thể quên những gì họ đã viết sau tuổi 40”. Theo ông, nếu ai đó muốn viết tiểu thuyết thì tuổi 30 đã là lúc phải bắt đầu.
[1] Levai Balazs, “Điều đó có tìm thấy sự đồng điệu trong anh?” (trang 383-410), “Thế giới là một cuốn sách mở”, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam và NXB Văn học, 2009.