Kết nối những kinh đô vĩnh hằng
Nhân kỷ niệm 1.300 năm Heijo-Nara và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 6 đến 25-12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra triển lãm tranh katazome của họa sĩ nổi tiếng Toba Mika - Giáo sư Đại học Kyoto Seika, Nhật Bản với tên gọi “Nara và Hà Nội - kết nối những kinh đô vĩnh hằng”.
Cô đã đến Việt Nam tổng cộng khoảng 20 lần và từng tâm sự: “Việt Nam có một số di sản thế giới, nhưng riêng tôi, tôi đặt tên cho những phong cảnh này là “di sản thế giới của riêng mình”… Tại triển lãm lần này, người xem được thưởng thức những bức tranh lụa khổ lớn của cô qua gần 20 năm miệt mài sáng tác, hầu hết vẽ phong cảnh sinh hoạt sông nước, đô thị trong sự tương phản giàu nghèo, những tháp Chàm thâm nghiêm ở Mỹ Sơn, những đường tàu đi vào phố ở Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có hai bức tranh vẽ phong cảnh kinh đô Nara.
Điều đặc biệt là tất cả những tác phẩm này được tạo ra bằng kỹ thuật in katazome, một kỹ thuật độc đáo và tinh xảo, vốn được dùng để làm ra những tấm áo kimono rất bền màu. Kỹ thuật này đã giúp Toba Mika tạo nên những bức tranh khổ lớn đến 5X3m, căng trên những tấm khung ghép nối với nhau bằng các bản lề nhỏ, tựa như bức bình phong.
Nữ họa sĩ Toba Mika tại lễ khai mạc triển lãm tối 6/12
tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Về nữ họa sĩ tài năng này, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã viết: “Nghệ thuật Việt Nam thường có xu hướng thơ mộng hóa hiện thực, tránh những gay cấn. Đối với những họa sỹ trẻ xông xáo lại thường bộc lộ sự châm biếm gay gắt, hay toàn nhìn thấy góc tăm tối. Toba Mika không đi vào cả hai điều này. Cô chụp ảnh, xử lý trên đồ họa vi tính, chuyển sang trổ khuôn, khắc và in trên lụa những cảnh vật đã được quan sát rất kỹ sao cho bộc lộ rõ đời sống thực tại của người Việt. Sức ép của gia tăng dân số và chênh lệch giàu nghèo được phản ánh trong cảnh những ngôi nhà ổ chuột ven sông Sài Gòn bên cạnh những nhà cao tầng đang vươn mãi. Những xóm chài rất nên thơ nhưng cũng rất tối tăm ven sông, biển và một Hà Nội vừa cổ kính, vừa lộn xộn trong sự phát triển chóng mặt và cái gì người ta cũng có khả năng thích ứng. Sự quan sát tinh tế và óc phân tích của họa sỹ làm người Việt Nam ngạc nhiên, rồi mới đến vẻ thơ mộng mà Toba Mika truyền cảm trên tranh in lụa, một vẻ thơ mộng đầy chất Nhật Bản, từ rất xa xưa với các tranh bình phong khổ lớn.”
Toba Mika đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam trao tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa. Ở Nhật Bản, cô cũng đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng lớn của TP Kyoto dành cho nghệ sĩ tài năng mới (năm 2003).
Distinguished- Nishinokyo (2010).
Mùa mưa (1998)
Sáng sớm – Huế (2005)
Mỹ Sơn (2001).
Cái nóng lung linh (2002)
Tháng 11 ngọt ngào (2006).