Khách hàng trẻ “khuynh đảo” thị trường sách
Chưa có một con số thống kê cụ thể, nhưng có thể cảm nhận rằng, đa số khách hàng đến với Hội sách TP.HCM lần 8 là những người trẻ, độ tuổi dưới 30. Theo các nhà phát hành trong Hội sách, thì sức mua chính cũng rơi vào nhóm đối tượng này.
Đêm giao lưu ký tặng sách của Anh Khang, tác giả những tập tản văn ướt át, già nghệ thuật sống non văn chương diễn ra ở gian hàng của Phương Nam kéo dài từ đầu hôm cho đến khi các gian hàng bên cạnh đã… tắt hết đèn. Cảnh đám đông độc giả trẻ cuồng kiên nhẫn và háo hức xếp hàng dài, bật điện thoại trên tay chờ chữ ký tác giả này là hình ảnh có thể nói lên nhiều điều về một dạng thị trường sách đại chúng kiểu mới mà những nhà làm sách cần lưu tâm.
“Chúng tôi cố tình mời các ngôi sao, giới showbiz đến nói chuyện sách vở, giao lưu mục đích trước hết là để thu hút fan hâm mộ của họ tới với hội sách. Và đã đến đây thì phải tham quan, mua sách”, Hoàng Minh, đại diện truyền thông của nhà sách trực tuyến Vinabook nói.
Trước hội sách này, các nhà sách thi nhau giành giật những bản thảo tự truyện của các ngôi sao trong giới biểu diễn, truyền hình, những cuốn tản văn của các tác giả mới nổi có số fan hâm mộ trên mạng xã hội cao để tung ra thị trường. Sách truyện tranh, truyện ngôn tình hay những tập tản văn giải trí nuông chiều thị hiếu độc giả đại chúng đã tạo ra diện mạo sôi động cho thị trường hiện nay nói chung và thị trường của 7 ngày hội sách nói riêng. Với nhiều nhà sách, công ty, nhà phát hành, thì đây là dòng sách nhất thời nhưng… thức thời, có thể giúp họ kinh qua những giai đoạn thị trường kinh doanh xuất bản gặp nhiều khó khăn.
Từ Giải thưởng sách Fahasa do độc giả bình chọn năm nay với các cao rơi vào các tác phẩm truyện tranh, sách nghệ thuật sống và những đầu sách cũ của Nguyễn Nhật Ánh đại diện nhà phát hành Fahasa cho biết rằng nhu cầu thị trường hiện nay tập trung vào dòng sách giải trí rất cao. Đó cũng là một gợi ý cho các tác giả, đơn vị xuất bản và phát hành trong việc chiếm lĩnh thị trường.
Nhưng từ góc độ của một người làm trong lĩnh vực xuất bản lâu năm, TS Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc NXB Trẻ, thành viên sáng lập giải Sách Hay thì chia sẻ riêng với Sài Gòn Tiếp Thị rằng: “Khi người đọc đa số là người trẻ thì có nghĩa là thị trường sẽ rộng hơn, mức chi tiêu cho sách sẽ mạnh hơn. Tôi thấy hiện nay nhiều công ty sách, đặc biệt là phía tư nhân đã bắt mạch tính chất thị trường rất tốt. Họ tìm những tác giả trẻ có tiếng nói trẻ có thể chạm vào cảm xúc, suy nghĩ, tạo ra sự đồng cảm với người đọc trẻ. Nhưng thách thức đặt ra là thị trường sách đang cần tính đa dạng, không nên chỉ tập trung ở mảng sách giải trí thuần túy. Chúng ta vẫn thiếu những dòng sách công cụ, chuyên sâu, những cuốn sách định hướng khát vọng tương lai, nghề nghiệp hay trang bị những tri thức, nhận thức công dân… Trách nhiệm và cũng là thách thức của những người làm sách là phải nâng tầm sản phẩm của mình để kích hoạt một thị trường trẻ nhưng có chiều sâu hơn”.
Một vấn đề khác mà TS Nguyệt cũng băn khoăn đó là sách, sự kiện xuất bản hiện nay chỉ tập trung cho việc đáp ứng nhu cầu tinh thần của thị trường đô thị, chưa vươn tới được với người dân ở vùng thôn quê, cùng sâu vùng xa. Theo bà, thị trường tự do trong phát hành và phân phối nguồn sách là xu thế không thể ngăn cản. Nhưng khi nó triệt tiêu một số đường dây phát hành quốc doanh truyền thống vốn là kênh phân phối chính ở các miền quê thì chúng ta cần phải xem lại và có đối sách mới.
“Theo tôi, nhà nước cần có chính sách cụ thể phát triển mạng lưới phát hành, sự kiện hỗ trợ người đọc để người dân ở các vùng thôn quê cũng có cơ hội tiếp cận với sách nhiều và bình đẳng như người ở đô thị”, đặt tầm nhìn trên sự rộn ràng của sự kiện Hội sách TP.HCM lần 8, bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ.
Mong mỏi những người làm sách tâm huyết
Hiện tượng chụp giật trong lĩnh vực xuất bản hiện nay nói lên điều gì nếu không phải là phản ánh tình trạng “ăn xổi ở thì”, hám danh hám lợi của một lối sống. Sự thiên lệch và phiến diện trong văn hóa đọc hiện nay nói lên điều gì nếu không phải là phản ánh phương diện thiếu lành mạnh trong bầu khí văn hóa – xã hội nói chung. Tuy nhiên, cũng cần phải nói ngược lại: chính vì tình hình đó mà xã hội lại càng mong mỏi những nhà làm sách tác động tích cực vào việc thay đổi môi trường văn hóa. Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những doanh nhân văn hóa sống chết với nghề, đem tài năng và tâm huyết để cung cấp cho người đọc những cuốn sách có giá trị, xứng đáng là sản phẩm tinh thần được mong đợi. (GSTS Huỳnh Như Phương) |