Khai bút

Viết một câu thật hay vào giờ khắc thiêng liêng của đất trời! Ý nghĩ này ám ảnh tôi một thời gian dài, hình như từ thời trung học cho đến hết tuổi hăm.

Đêm giao thừa ở nhà tôi đơn giản. Ăn xong bữa cơm chiều ba mươi là kể như năm đã thành năm cũ, mọi chuyện năm cũ kể như cho qua. Nhà cửa đã dọn dẹp bày biện, mọi người tắm gội, mặc quần áo mới. Để tiêu bớt thịt cá trong bụng, tôi đi một vòng qua mấy chỗ bán bông, coi cái gì ế thì mua dùm một hai chậu. Hồi trước, ba tôi còn buôn bán, ông rất kị cuối năm rinh đồ ế của người ta về nhà mình. Thấy tôi ôm về một chậu cúc hơi héo héo (người ta lo bán tống bán tháo nên không tưới nước), ba tôi quát thét dữ tợn, quăng chậu hoa ra đường, lấy chổi quét lia lịa cửa ngõ như xua đuổi bóng vía con ma ế.

Tôi bị tổn thương ghê lắm. Ở tuổi tập làm thiếu nữ, trau chuốt câu văn hay, nâng niu cái đẹp, chuộng nét thanh tao, tôi sững sờ và đau đớn trước cách đối xử với hoa quá ư phũ phàng của ba tôi. Sau này càng lớn tôi càng nhìn thấy rõ hơn ở trong lớp vỏ thô lỗ của ba là một tâm hồn nhạy cảm cao thượng. Nhưng như những người buôn bán khác ông có những điều mê tín và tuân thủ những nghi lễ tập tục của giới mình. Gặp người nặng bóng vía mở hàng thì phải đốt vong xả xui, gặp con ma ế thì phải “làm dữ” cho nó sợ mà không đeo bám mình.

Nhưng mười mấy tuổi đời làm sao tôi hiểu? Buổi chiều ba mươi đó, tôi ngồi thu lu trên căn gác buồn tủi thân phận mình, sinh ra dưới vì sao xấu, mẹ mất sớm, cha hung dữ độc tài. Trời xâm xẩm tối là ông lùa hết ba đứa con gái lên gác, đóng cửa cài then. Cho dù đó là tối ba mươi Tết, trong xóm râm ran mấy hội kêu lô tô. Già trẻ lớn bé khắp xóm đều tụ lại mấy hội lô tô mà khoe áo khoe giày, rủ rê mai đi chơi Tết ở đâu. Các em tôi chỉ còn nước đi ngủ sớm với chút háo hức sẽ được lì xì sau khi cúng giao thừa. Ba tôi luôn đánh thức con cái dậy vài phút trước nửa đêm, bắt rửa mặt cho tỉnh táo, phát cho mỗi đứa mấy cây nhang, bắt quì lạy Trời – Đất, khấn vái theo ba tôi. Ông cầu cho buôn may bán đắt, con cái mau lớn mạnh giỏi, nhà cửa yên lành.

Tôi thao thức với những ưu tư tuổi trăng rằm. Trong căn nhà nhỏ vách ván, trong con hẻm nhỏ người chen chúc, những phút yên tĩnh hiếm hoi là giấc gần nửa đêm, sau khi cái chợ đêm đầu ngõ đã tàn, trước khi những người bán rong thức dậy bào đu đủ, xay đậu nành, nấu xôi, xào mì, pha café … để kịp dọn hàng ra bán lúc bốn năm giờ sáng. Thời gian ngắn ngủi mọi người chìm trong giấc ngủ là lúc tôi cảm thấy được tự do. Tôi thức với cảm giác được sống với riêng mình, trong cõi riêng tư của mình. Tôi quên đi mấy đứa em nằm ngủ say trong mùng, tôi chiếm lĩnh hoàn toàn căn gác với ô cửa sổ mở ra những mái nhà tôn nhấp nhô.

Em tôi nói nó thỉnh thoảng thức giấc, thấy tôi đi phất phơ quanh gác cười cười hay ngồi vật dựa thổn thức như bà khùng. Tôi mắc cỡ nạt ngang chối phắt. Khi em tôi tới tuổi dậy thì, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp tại trận tụi nó mơ màng trong thế giới tưởng tượng của riêng mình. Tôi không dám động chạm đến thế giới đó. Đó là cái riêng tư tuyệt đối mà nó hay tôi có được trong cuộc sống chung dưới mái nhà không có buồng riêng và không có gì là của riêng ai. Nhật ký của tôi bị tụi nó lục ra coi rồi xé đi khi đọc tới chỗ có dính tới tụi nó. Nên tôi sớm hiểu là cái thực sự riêng tư là cái mãi mãi ở trong tâm tưởng của mình.

Đêm giao thừa, cúng xong và nhận được lì xì rồi, hai đứa em tôi đi ngủ tiếp. Tôi mở tập ra để viết bài luận “Khai bút”. Từ cửa sổ bay vào mùi khói nhang và tiếng xe tiếng người trong xóm đi chùa. Rồi đêm lắng dần. Tôi thò đầu ra nhìn lên trời thăm thẳm. Đầy sao. Người ta nói “tối như đêm ba mươi”, nhưng thực ra Tết nhằm mùa khô phương Nam, trời không mưa, ít mây, nửa đêm là lúc bầu trời sáng long lanh vô vàn tinh tú.

Trí nhớ thích chơi trò đánh lừa. Có khi mình nhớ như in một điều không đúng như thực tế. Trong nhiều năm tôi đã nhớ mình viết bài luận văn “Khai bút” vào đêm giao thừa. Bài đó được chấm mười một điểm rưởi trên hai mươi. Trong khung lời phê, cô giáo ghi: “Chú ý chính tả và chấm câu.” Vì được cô giáo tập cho thói quen giữ gìn những bài luận văn, ít nhất cho đến khi hết niên học, nên tôi đã giữ được bài đó trong nhiều năm. Cho đến ngày dọn ra khỏi căn gác trong xóm tản cư, tôi còn cầm nó lần cuối cùng, đọc lại lần cuối cùng, rồi mới cho nó hóa thân.

Sự thật là bài đó tôi viết vào mùng năm hay mùng sáu, khi đi học lại và tới hạn nộp bài. Tôi viết vội vàng trong tâm thế một học sinh làm bài, hơi miên man, nghĩ được ý gì là chớp lấy viết ngay, đề là “Khai bút” mà, đâu có yêu cầu hay giới hạn nào cụ thể. Tôi đã nộp bài viết đó thế cho bài khai bút thực sự. Nhưng tôi đã không (chịu) nhớ chi tiết đó. Cho đến một hôm, giữa mùa đông buốt giá xứ người, trong một căn nhà cũng nhỏ nhưng không có gác, khung cửa sổ rộng đóng chặt hai lớp kính, lửa trong lò sưởi cháy bập bùng, một người đang thiu thiu ngủ trên ghế bành chợt vùng bật dậy, ngơ ngác. Chỉ là giấc mơ ư? Sao có thể chỉ là giấc mơ? Tôi đọc rõ từng chữ từng câu trên tờ giấy mà. Tôi thấy rõ ràng cô gái còng lưng, mím môi, cắm cúi viết một mạch. Tôi nghe cả tiếng tim cô đập trong lồng ngực, cảm được nhiệt độ trong cơ thể cô tăng lên, đầu cô váng vất, mắt long lanh. Cô viết say sưa hết bốn trang của tờ giấy đôi mà không hề ngẩng đầu lên một lần.

Niềm hân hoan hạnh phúc của cô gái thậm chí còn dư âm trong tôi sau khi thức giấc. Nhưng câu chữ trên trang giấy nhòa nhạt dần, càng cố nhớ càng quên. Khi cô gái đọc lại những gì vừa viết, nét mặt cô bình tĩnh hơn, thân nhiệt hạ xuống. Cô lại mím môi, đôi mắt rời những dòng chữ, ngước nhìn những vì sao. Rồi, trước khi tôi thảng thốt thét vỡ giấc mơ, không kịp nhào tới chụp tay cô ngăn lại, cô gái đã xé vụn tờ giấy.

Lúc đó cô đã hành động theo một linh cảm mà ba bốn chục năm sau tôi mới trải nghiệm từ từ: có những giờ khắc thiêng liêng, con người có thể giao cảm với Đất – Trời, bùng lên những cảm xúc nghĩ suy rực rỡ, là mình trọn vẹn trong cõi riêng tư. Khoảnh khắc đó không thể chia sẻ với ai cả.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)