Khí chiêm bao – Hàn Mặc Tử chơi trăng
“Người thơ phong vận như thơ ấy”.
“He wanted to dream a man”
– The Circular Ruins – Jorge Luis Borges
Hôm nay, tôi dự cuộc chơi trăng hư huyễn của một người thơ Việt – Hàn Mặc Tử.
“Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát ra được, biết làm thế nào, hở Trí”. Tôi cười: “Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này, rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn”.
(Chơi giữa mùa trăng)
Cánh cửa ký ức mở ra: Cha tôi ngồi đó, thềm trăng giãi, chén rượu vơi và giọng ngả nghiêng, “Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng / Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Ảo tượng Hàn Mặc Tử và vầng trăng rao bán ấy mắc kẹt trong trí óc lên mười, rồi từ đó tôi nhiều phen phấp phỏng lần dấu thơ và dấu chân thi nhân trong những phế tích, những áng nhạc đắm đuối trăng sao, những mượng tượng phong cảnh Quy Nhơn, Đà Lạt, Huế, Phan Thiết… Làm sao sự đọc ra khỏi huyền tích: một trích tiên đọa trần, nếm trải mọi phong vị thơ và đổi lại, phải dâng máu tươi cùng lời ngọc? Phải đọc Hàn Mặc Tử thế nào? Đọc Hàn Mặc Tử thế nào cho phải? Có nhất thiết cần thoát khỏi cái tiến thoái loay hoay: Làm sao cho khỏi mủi lòng trước đời thảm thơ điên, đời điên thơ thảm? Nòi bạc mệnh đâu chừa Đông, Tây, kim, cổ. Nhưng Hàn Mặc Tử đã tự xoa dịu bằng cầu nguyện và mơ tưởng, cớ gì ta vẩy thêm lệ thương vay?
Thì đời đau, người nhận đủ: cái chết của cha, của anh, bệnh hiểm, bụng đói, nhà dột, tình sầu, mộng dở, oán biệt ly. Người ta viết truyện, làm phim, dựng kịch, viết nhạc từ nỗi cảm thán đời chàng. Chỉ nội bút danh Hàn Mặc Tử – trong những bút danh luôn nghe ra thầm một não nùng, Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh…– đã tốn giấy mực. Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử. “Có trăng hay không có trăng”. Là Bức Rèm Lạnh hay Anh Hàng Bút Mực.1 Lìa đời ở tuổi 28 với những bản thảo thất tán – một cái chết xót, chết tiếc, lường trước vẫn sững sờ – Hàn Mặc Tử thoắt hóa phượng hoàng. Không quá lời: Chưa từng có một thi sĩ Việt Nam nào người ta kỳ công lần gỡ từng sợi tơ nhỏ của tiểu sử đến thế.
Thì thơ điên, chính người lập ngôn. Trước khi sống tách biệt tại trại phong Quy Hòa, Hàn Mặc Tử đã dặn bạn thơ Quách Tấn, người được giao phó trách nhiệm gom giữ bản thảo của chàng sau khi mất, rằng, “Nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ điên… Không nên để cho người đời thấy những bí ẩn của lòng mình”. Bản thân tên gọi “Thơ Điên”, chứng tích của một linh hồn dằn vặt yêu sống, vừa mở đường cho những cách đọc phân tâm với đời thi sĩ, vừa khóa lối vào vườn thơ “rộng rinh không bờ bến” – mượn lời của chính Hàn Mặc Tử.
Tôi muốn chép lại lời khẳng quyết đinh ninh của thi sĩ tài danh Chế Lan Viên, bạn Hàn Mặc Tử thuở ấy: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”.2 Huyền thoại làm trôi nghĩa các chi tiết cuộc đời. Hàn Mặc Tử, bởi thế, bất kể những nỗ lực kể chuyện đời hòng giải hoặc những ý thơ xa lạ, trở thành một người thơ phi tiểu sử. Dự cuộc chơi trăng này, tôi phải dọn mình. Phải vượt qua nỗi sượng sần gặp một thực thể người vẫy vùng, thảm thiết, mong chạm chút nào cái hư ảnh của tinh anh.
Người không dẫn ta vào địa ngục, như Dante, không mở ra âm cảnh, như Nguyễn Du, cũng không nằm sẵn trong mồ mà nghe từng âm ngoại động, như Đinh Hùng – một người thơ xuất chúng yểu mệnh đồng thời. Người mộng tưởng bay lên Cõi Trời Đâu Suất, cõi Xuất Thế Gian, cõi Thượng Thanh Khí, nơi ảo tượng về vĩnh cửu vừa hiện hữu vừa phiếu diễu.
Huyền ảo khởi sự.
Cửa động mở. Tôi có thể đua đòi nhập bầy Lưu Nguyễn mở lối vào “Chơi giữa mùa trăng”?
“Mỗi ảnh, mỗi hình thêm phiếu diễu”
Chơi giữa mùa trăng
Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả… Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán… Phải không hở chàng Ngâu và ả Chức?
***
Sông? Là một giải lụa bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên bờ lá động cát và rừng xanh và hoang vu và thanh tịnh. Chị tôi và tôi đồng cầm một mái chèo con, nhẹ nhàng lùa những dòng vàng trôi trên mặt nước.
Chị tôi cười nả nớt, tiếng cười trong như thủy tinh và thanh khiết lạ thường. Luôn luôn cứ hỏi tôi và đố tôi cho kỳ được: “Này, chị đố em nhé, trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời, và chúng mình đi thuyền trên trời hay dưới nước?” Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi ngó xuống nước và cũng cười đáp lại: “Cả và hai, chị ạ”. Sướng quá, chao ôi, hai chị em lại thỉnh thoảng rú lên cười làm náo động luồng tinh khí của hạo nhiên.
Vây chúng tôi bằng ánh sáng, bằng huyền diệu, chưa đủ, Ngưu-lang và Chức-nữ, chúa của đêm trung thu còn sai gió thu mang lại gần chúng tôi một thứ mùi gì ngào ngạt như mùi băng phiến: trong ấy biết đâu lại không phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa… Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hoà lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói… Ở thượng tầng không khí, sông Ngân-Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Chị tôi bỗng reo to lên: “Đã gần tới sông Ngân rồi! Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn-giang!”
Đi trong thuyền, chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền…
Trên kia, phải rồi, trên kia, in hình có một vì tiên nữ đang kêu thuyền để quá giang.
Thình lình vùng mộng của chúng tôi bớt vẻ sán lạn. Chị tôi liền chỉ tay về phía bến đò thôn chùa Mo và bảo tôi rằng: “Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát ra được, biết làm thế nào, hở Trí”. Tôi cười: “Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này, rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn?”. Hai chị em liền dấu thuyền trong một bụi hoa lau bông vàng phơi phới, rồi cùng lạc vào một đường lối rất lạ, chân dẫm lên cát mà cứ ngỡ là bước trên phiến lụa. Nước suối chảy ở hang đá trắng, tinh khiết như mạch nước ngọc-tuyền, chồm lên những vừng lá, hễ trông đến là kinh hãi vì ngó giống con bạch-hoa-xà như tạc…
Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này? Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê cả lưỡi và hàm răng. Chị tôi làm thinh, – mà từng lá trăng rơi lên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng. Động là một thứ hòn non bằng cát, trắng quá, trắng hơn da thịt của người tiên, của lụa bạch, hơn phẩm giá của tiết-trinh – một màu trắng mà tôi cứ muốn lăn lộn điên cuồng, muốn kề môi hôn, hay áp má lên để hưởng sức mát rượi dịu dàng của cát…
Hai chị em đồng dang tay níu áo gượng vào nhau dấn bước lên cao… Thỉnh thoảng mỏi hai đầu gối quá, cả chị liền em đồng ngã lăn ra. Lại một dịp cho tiếng cười của chị tôi được nở ra, dòn tan trong không khí. Lên tới đỉnh là hao mòn đi một ít. Nhưng mà ngợp quá sáng quá, hứng trí làm sao? Đây có phải là nước Nhược non Bồng, động phủ thần tiên ngàn xưa còn sót lại? Nhìn xuống cát cố tìm dấu tích gì lưu lại một vết chân của Đào-nguyên Tiên-nữ, nhưng tấm cát phẳng lờ như lụa căng, trinh bạch làm sao:
Bất tri thử địa qui hà xứ
Tu tựu Đào-nguyên vấn chủ nhân?
Bây giờ chúng tôi đương ở giữa mùa trăng, mở mắt ra cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói… Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác.
Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu…
Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bực tinh truyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi.
Tôi nắm tay chị tôi giật lia lịa và hỏi một câu hỏi tức cười làm sao: “Có phải chị không hở chị?”. Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng, mà em đây cũng là trăng nữa!”
Ngó lại chị tôi và tôi, thì quả nhiên là trăng thiệt. Chị tôi hí hửng như xuân, chạy nhảy xênh xang cơ hồ được dịp phát triển hết cả ngây thơ của người con gái mười lăm tuổi, tôi ngắm mãi chị tôi, và tự vui sướng trong lòng vô hạn. Có lúc tôi đã kiêu ngạo thay cho cái sắc đẹp nhu mì ấy, mà chỉ dưới trời thu đêm nay tôi mới biết thưởng thức. Những phút sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn tôi, và giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt… Tôi bỗng rú lên một cách điên cuồng, và chực ngửa tay hứng một vì sao đang rụng. Chị tôi đằng xa chạy lại bảo tôi: Em la to quá, chị sợ âm thanh rung động đến khí giời, rồi những ánh trăng sẽ tan ra bọt mất…
– Không, không, chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi…
Khí chiêm bao vây bọc. Từng chữ, từng âm, từng dấu chấm phảy nổi hình, khối và vỡ ra âm, thanh. Là ánh sáng, là hương thơm, là nhạc, là em, là chị ngập lụt sông trăng. Một bầu khí mê mẩn, hoang dại và tột cùng thanh khiết. Một thứ ảo thuật quái dị trùm phủ cõi thơ Hàn Mặc Tử.
Phải hóa Khí. Mới bay lên được, mới thôi sa mãi xuống cõi trụy lạc và thôi lịm đi vì đau thương. Nếu trong cõi “Thơ Điên” (tức tập “Đau thương”), “huyết” ộc ra kinh hoảng, thì ở đây, “khí” lơi, thơm tho hơi gió biển, hơi thở lúc làm thinh, hơi trăng làm lay động tấm lụa bạch. Khí là phép màu làm êm cuộc đọa thân.
Tôi mò mẫm từ điển: Cái gì không có hình chất mà cùng cảm ứng với nhau được gọi là 氣 | Khí. Chiết tự Khí, gồm bộ mễ (米) và chữ Khí giản thể (气), mang theo nền văn minh lúa nước Á Đông, làn hơi bốc lên tụ lại thành rượu, vô hình mà kết đọng hữu hình.
Khí thu xâm hồn trước cả bước chân thu:
“Mùa thu chưa tới. Hồn tôi đã nhuộm màu ảo não. Trăng thu ở lòng tôi đã mờ mờ lạnh”. (Mùa thu chưa tới)
Người hóa trăng, thở ra hơi trăng thơm sạch:
“Hễ là hơi khói càng nhẹ, hơi trăng càng trong thì hơi thở của tôi càng thơm-tho không khác một mùi hương!” (Chiêm bao với sự thực)
Phải nhẩm đi nhẩm lại hai câu này: nhìn xem, khí thơ tiếng Việt bay lên phiếu diễu, tụ lại thành giọt lệ trong vắt rồi loang ra:
“Tôi từ trong chiêm bao đi ra, đi về thuyền ở bên trăng cổ độ. Nước mắt khóc vì người lạ không biết tuổi trân châu”. (Khao khát)
Câu thứ nhất: giãi ra 12/15 tiếng thanh bằng, cuối câu hai thanh trắc, bồng bềnh bước chiêm bao đặt xuống một bờ nước cũ. Câu thứ hai: 6 trắc 5 bằng, lệ đọng giọt rồi nhòe mênh mang. Hớp sao cho thỏa cái khí vị của thơ tiếng Việt nếu bỏ qua những réo rắt trắc bằng võ đoán ấy.
Cả tập thơ văn xuôi “Chơi giữa mùa trăng” này, ngoài lời nguyện cầu “La Pureté de l’âme” viết bằng tiếng Pháp lúc lâm chung, đều hiển hiện một thứ tiếng Việt đẹp toàn khối. Trong khí quyển chiêm bao, tiếng Việt không biểu cảm mà truyền cảm, như điện trực truyền tim não, như trút linh hồn, như nước dâng lên ngập lụt trí tưởng, như một vùng huyễn hoặc mà sờ chạm được, nở ra, vang động, lao xao vỡ. Một thứ tiếng Việt làm ra “những câu thơ ngất đi vì khoái lạc”, như chính lời Hàn Mặc Tử trong bài “Quan niệm thơ”. Phải hớp từng âm của chữ, âm bay trước nghĩa, xa hơn nghĩa.
Tôi rờn rợn vào vai một kẻ đọc u hoài và bi đát: Tiếng Việt đã anh hoa phát tiết một thế kỷ trước, rồi mãi chưa đi hết vòng tự hoại để tái sinh. Hành trình thơ mà Hàn Mặc Tử vẽ ra cho mình, biết đâu cũng là hành trình của giấc mộng tiếng Việt: “Từ sự thực đi tới bào-ảnh từ bào-ảnh đi tới huyền-diệu, và từ huyền-diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm, lên sự vật và cõi thực, bị ánh sáng của chiêm bao vây riết..”. (Chiêm bao với sự thực)
Hàn Mặc Tử trong cốt tủy là một thi sĩ phương Đông rơi xuống cõi thơ buổi Đông Tây va chạm. Đã kinh qua việc làm thơ, đọc thơ chữ Hán, chữ Pháp, chữ Việt, đã uống nguồn Pháp, có thể Baudelaire, Mallarme, nguồn Đường, có thể Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, và nguồn Việt, hẳn nhiên ca dao, huyền tích, Hàn Mặc Tử đã lần mọi nẻo tân kỳ kim cổ mà vẫn khư khư ôm lấy một ảo tượng trăng muôn thuở của người thơ phương Đông:
“Tình dồn lên giấy trắng: ý tôi bỗng rung động và đọng lại đây như trăng đọng ở dưới cầu”. (Tình)
“Trăng đọng dưới cầu”, là thực mà ảo, là thủy nguyệt hư huyễn, là một giọt lệ của hạo nhiên. Một người trăng, người ngọc, là thiên địa mới tinh khôi, là sự lạ đời làm hồ nghi hoa lá, là một vì sao mới rụng, là huyết và lệ tràn ra trong cơn trở dạ của đất trời. Một người thơ ra đời: một nỗi đau thiêng.
“Những hạt lệ của trích tiên đày đọa”
Thơ là gì, làm thơ thế nào, làm một nhà thơ ở đời là thế nào, với kẻ không sao thoát nổi thân phận một “nhà thơ bi kịch”?
“Hãy cầu nguyện với vì Ác-tinh xuống họa cho người để nghe rõ tiếng kêu thương, vì hạnh phúc nằm trong đau khổ.”
“Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên. Tài năng thì có giới hạn. Dám đem tài mọn làm rộn nước mây. Sẽ bị mạng trời đánh ngã. – Than ôi! tài hoa là một điều tai hại!”
“Nhứt nhựt bất kiến như tam thu” nếu phải quỳ lạy dâng tất cả những ngày sung sướng đã qua và sẽ tới cho người để đổi lấy một phút gặp gỡ… tôi cũng xin vâng.
Nhưng chẳng bao giờ tôi chịu đem những ngày đau khổ cực điểm đổi lấy những đêm hoan lạc trong cung A-hoàn”. (Mùa thu chưa tới)
“Lòng ta hừng hực mỗi khi nắng hanh lên. Ấy là dấu hiệu của mùa thơ đã chín. Gặt hái cho mau, kẻo ngọn thơ càng cao, người thơ càng điên dại. Nàng ơi, hãy mượn lưỡi liềm của trăng non mà hái, xin đừng dẫm lên bờ lòng ta”.
“Mau mau vồ lấy trăng sao, kẻo một mai rời rụng vào hư -lãng”.
“Thôi còn chi là ánh sáng nữa. Nhạc sẽ không va nhầm tơ trăng, và hương sẽ không gần được hương, như lòng ai đương kêu gọi lòng ai…”. (Kêu gọi)
“Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”.
“Người dừng lại để hái những lá tinh hoa. Người nín lặng để mà nghe tiếng trăng reo vang vang như tiếng châu báu vỡ lở. À, ra người cũng dại dột hốt vàng rơi bọc trong vạt áo”.
“Tôi làm thơ?
– Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”.
“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống”. (Thơ)
“Và loài người hãy cảm ơn Thi-nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng…”. (Ra đời)
“Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “thiên thần và loài người ta”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: Loài Thi Sĩ. Loài nầy là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch (but de la poésie). Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian nầy, – nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời, Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình.
Cho nên thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ, vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt”. (Quan niệm thơ)
Có một sự hợp nhất kỳ lạ trong những bài thơ này, mà tôi muốn mượn M.Heidegger để góp lời ba hoa: “Thinging, the thing stays the united four, earth and sky, divinities and mortals, in the simple onefold of their self-unified four-fold”3.Bài thơ sinh ra như trăng, hợp nhất trời, đất, thần thánh và người phàm.
***
Bây giờ, tôi lại ngẩn nỗi niềm Lưu Nguyễn. Cửa động đã đóng, và nhân gian thì xa lạ.
“Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”4.
Tôi ngồi nơi bờ nước, bên này bản tiếng Việt của Hàn Mặc Tử, bên kia bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Hoàng Quyên. Giữa hai ngôn ngữ: một dòng sông, một dải lụa bạch giăng ngang đất và trời, giữa tôi và ta và người.
Nhưng làm sao chuyển ngữ khí chiêm bao?
Dịch khí chiêm bao, là đi giữa có và không, là nỗ lực giải ảo nỗi ám ảnh bị huyền thoại hóa về sự bất khả. Với cặp mắt xanh liên tài cùng sự xuất thần ngôn ngữ, Nguyễn Hoàng Quyên bày ra một hiện diện viết-dịch. Nhưng, cũng như một chiêm bao, bản dịch này xa cách với những cuộc giãi bày và chuyên chở thông điệp. Người dịch kỳ công (và có hoài công?) đẽo tạc một viên đá tìm ngọc và lại thả xuống dòng khe lạnh nơi thung sâu. Họa may vài khách lãng du sẽ đôi lần ồ à khi gặp vẻ đẹp xa lạ rạng lên ở những áng thơ toàn bích như “Chơi giữa mùa trăng”, “Mùa thu đã tới”, “Tình”. Phải đọc Hàn Mặc Tử trong các bản dịch thế nào? Đọc các bản dịch này thế nào cho phải? Những chú giải và cả lời biện hộ cho những sự cùng tồn tại này dường đều không thỏa đáng.
Lời tôi đâm luẩn quẩn: Hàn Mặc Tử không cần giọt lệ thương vay. Thơ Hàn Mặc Tử không cần viện cớ đau thương để được sống. Thi phẩm của Hàn Mặc Tử mơ một Thơ. Thi phẩm dịch này mơ một Thơ. Ở giấc mộng toàn bích say nhạc say hương đó, hư ảnh thơ được bảo toàn, bất hoại. Để thác lời Kiều: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.
(Xin mở một cái ngoặc nho nhỏ: Hẳn nhiên, lần dở lại trang đời, trang thơ Hàn Mặc Tử, tôi không bao giờ hết lấn cấn loay hoay. Về trào lưu thơ Mới đầu thế kỷ XX, về chuyện mới cũ trong thơ, về chuyện thơ Mới và Tân nhạc, vân vân và mây mây. Những câu chuyện như thể của và chỉ dành riêng cho người đọc Việt, trong lịch sử những cuộc tự hoại và kháng cự dai dẳng của tiếng Việt, trong tàn tro và lửa mộng hồi sinh. Mà tại sao tôi loanh quanh mãi?).
Đọc Hàn Mặc Tử, là đọc một người thơ đã xa, cũng là một người đương thời, cùng thời và rút cuộc, phi thời. Sự đọc ấy phải tiếp tục, học đòi L.Borges, mơ thêm một chiêm bao, lần nữa. □
Bài viết dự kiến là hậu từ cho bản dịch trọn vẹn sang tiếng Anh tập thơ “Chơi giữa mùa trăng” (Hàn Mặc Tử, Ngày Mới, Hà Nội, 1944) – với nhan đề “Midseason Moonplay” của dịch giả – nhà thơ Nguyễn Hoàng Quyên |
——-
Chú thích
1 Ở đây, tôi gọi Hàn Mặc Tử. Tên tác giả và văn bản thơ được lấy theo bản in tập thơ “Chơi giữa mùa trăng” (Ngày Mới, Hà Nội, 1944). Nguồn mở.
2 Chế Lan Viên, “Kỷ Niệm về Hàn Mặc Tử,” Người Mới, số 5, 1940.
3 Trích trong “The thing” từ cuốn “Poetry, Language, Thought”, bản dịch và giới thiệu của Albert Hofstadter, Harper Perennial Modern Thought, 2013. Trang 175.
4 Câu đối của Phạm Quý Thích viếng Nguyễn Du.