Khi văn chương vinh danh khoa học (Kỳ 2)

L'Assommoir của Zola là cuốn truyện đặt đời sống thợ thuyền vào trọng tâm, nhưng khác với Balzac, đây không phải chỉ là bức tranh xã hội, đây còn là một tác phẩm "khoa học", thực nghiệm, mà mỗi chi tiết được chụp lại trung thực.

    Tập truyện dần dần gây chấn động và đến cuốn thứ bảy, “L’Assommoir”, thì danh vọng của Zola vọt lên đến mức của Balzac. Nhưng từ tả qua hữu, ông phải đối mặt tứ phương với chống đối, đả kích, mạ lỵ, vì bức tranh xã hội và con người mà ông vẽ ra chạm đến những cấm kỵ, rào cản. Phe tả đả đảo ông đã bôi nhọ “dân hạ cấp”. Phe hữu tố cáo một tiểu thuyết khiêu dâm, vô luân. Nhưng cuốn truyện hấp dẫn độc giả, bán rất chạy, và lần đầu tiên Zola rủng rỉnh xu hào. Ông tuyên bố trong lời tựa để trả lời phe tả: “L’Assommoir là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về dân hạ cấp mà không nói láo và có thật mùi của dân hạ cấp”. Hình ảnh lãng mạn của dân nghèo cao quý kiểu Victor Hugo bị đuổi ra khỏi văn chương. Zola quan sát, điều tra, tập trung tư liệu cực kỳ công phu trước khi viết mỗi cuốn truyện. Trước khi viết L’Assommoir, ông phác thảo ý chính như sau để theo đó mà viết: “Cuốn truyện phải như thế này: trình bày môi trường sống của dân hạ cấp, tại Paris, và qua môi trường đó, giải thích tập quán của họ như thế nào, say rượu, thất bại, cả một gia đình như thế, những trù dập, thói quen chấp nhận mọi nhục nhã và mọi khổ cực, tất cả là đến từ chính những điều kiện của đời sống thợ thuyền, từ những công việc nhọc nhằn, từ những buông thả… Chọn Gervaise ở tuổi 22, vào năm 1850, đưa cô ấy cho đến năm 1869, ở tuổi 41. Cho cô ấy trải qua mọi khủng hoảng, mọi tủi nhục không tưởng tượng nổi… Vẽ cô ấy ở tuổi 41 kiệt quệ vì lao động và khốn cùng”. Bi kịch của Gervaise diễn ra trong môi trường thợ thuyền, với những bộ mặt nhem nhuốc, sa đoạ, cả về thể xác lẫn tâm hồn, của những người thợ bị xã hội đẩy vào những điều kiện sống tồi tệ. “Nhân vật của chúng tôi, Zola viết, không phải là hoàn toàn nặn ra từ đầu óc, không phải là con người trừu tượng của thế kỷ 18. Đó là con người sinh lý của khoa học hiện nay, một sinh vật gồm những cơ quan và nhúng mình vào một môi trường, thấm ướt môi trường đó từng giờ từng phút”.

    Từ phác thảo và tuyên ngôn đó, Gervaise Macquart hiện ra trong cuốn truyện, năm 22 tuổi, đem hai con theo anh tình nhân Lantier, thợ làm mũ, lên Paris. Vừa lười, vừa lăng nhăng, anh này bỏ cô theo gái. Bơ vơ đất lạ, may sao cô kiếm được việc làm trong một tiệm giặt ủi. Khá xinh và đầy can đảm, cô làm việc để vươn lên, giấc mộng của cô là tạo được một đời sống hạnh phúc, an lành. Trong khi vươn lên như vậy thì cô gặp Coupeau, anh thợ kẽm, hai người lấy nhau, cùng ra sức làm ăn. Họ thuê được một tiệm giặt ủi, kiếm được tiền, đẻ được một đứa con, giấc mơ hạnh phúc toại nguyện. Nhưng hạnh phúc không bền: một hôm, trong khi làm việc trên mái nhà, anh thợ kẽm muốn nhìn con gái chơi, sẩy chân rơi xuống đất, hai chân gãy một. Để anh chàng khỏi nằm nhà thương, Gervaise săn sóc chồng tại nhà, tiêu sạch tiền dành dụm. Lành bệnh nhưng tàn tật, Coupeau chán nản, bắt đầu lai vãng quán Assommoir. Một lần nữa, Gervaise lại cố vươn lên nhờ mượn được tiền của người hàng xóm, anh thợ rèn Goujot, đang yêu trộm thương thầm cô. Cô mua lại tiệm giặt ủi, lại kiếm ra tiền, trong khi anh chồng càng ngày càng say sưa trong quán rượu, xài hết tiền, rượu càng vào càng cộc cằn, thô lỗ. Giữa lúc ấy thì anh tình nhân Lantier cũ trở về, duyên xưa lại nối, nối với vợ và nối cả với chồng, vì anh chồng và anh tình cũ trở thành bạn nhậu, nhà cùng ở, quán cùng say, tiền cùng xài, túi cùng cạn, bộ ba cùng túng. Dưới ảnh hưởng của Lantier, cô Gervaise cũng dần dần gia nhập đoàn thể bợm nhậu Assommoir, đầu say ít sau say nhiều, biếng nhác, bỏ việc. Sa đọa tinh thần kéo theo sa đọa thể xác, cô ham ăn, người phì ra, xấu xí, nhớp nhúa. Nợ nần lút đầu, hàng xóm xa lánh, cả anh thợ rèn thầm yêu cũng bỏ cô. Gervaise rơi xuống vực thẳm. Cô bán tiệm, dọn nhà vào ổ chuột, sống chung đụng với người cùng khổ. Anh chồng mất trí, bị tống vào nhà thương điên, chết trong một cơn điên loạn thảm khốc. Tận cùng dưới đáy vực, Gervaise phải đi ăn xin, làm điếm, rồi chết không ai hay, vì đói và lạnh. Trong bộ ba, chỉ còn anh Lantier. Anh này phây phây, bắt bồ với một cô giặt ủi, trước làm công cho Gervaise, bây giờ trả thù bà chủ cũ bằng cách mua lại tiệm giặt ủi và thuê bà chủ làm công, quét nhà như đầy tớ.

    L’Assommoir là cuốn truyện đặt đời sống thợ thuyền vào trọng tâm, nhưng khác với Balzac, đây không phải chỉ là bức tranh xã hội, đây còn là một tác phẩm “khoa học”, thực nghiệm, mà mỗi chi tiết được chụp lại trung thực. Đây không phải chỉ là tiểu thuyết tả thực, tả chân. Đây là Balzac cọng với khoa học của thế kỷ 19. Chắc độc giả Việt Nam không biết L’Assommoir nhiều bằng Germinal, cuốn thứ mười ba, viết sau đó tám năm. Cũng với từng chi tiết chính xác như thế, cũng với tác giả lăn lưng vào sống chung với thợ thuyền, xuống với họ tận hầm mỏ, Germinal mô tả bi hùng của một cuộc đình công và bộ mặt đen tối của xã hội phu mỏ: gái hoang, đĩ điếm, cờ bạc, và rượu. Rượu, như một định mệnh tất yếu của họ, định mệnh mà Claude Bernard diễn giải rất rõ trong cách vận hành của cơ thể con người. Thiên tài của nhà văn là có một ý tưởng. Còn kết quả là nhờ ở phương pháp, Zola quả quyết như vậy. Y như Claude Bernard đã viết về công việc của nhà khoa học: “Ý tưởng là hạt giống; phương pháp là đất cung cấp cho hạt giống những điều kiện để phát triển, để nảy nở, để sinh ra những trái ngon nhất tùy theo thiên nhiên”.

    Kẻ đi sau còn muốn đi xa hơn người đi trước: Zola không bằng lòng về quan điểm của Bernard khi nhà khoa học này động đến văn học, triết lý. “Về nghệ thuật và văn chương, Claude Bernard viết, nhân cách của tác giả ngự trị trên tất cả. Đây là sáng tạo tự khởi của đầu óc, và điều này chẳng có gì liên quan đến sự ghi nhận những hiện tượng thiên nhiên”. Với Zola, nhà tiểu thuyết thực nghiệm chẳng khác gì nhà khoa học: đó là một “nhà bác học đặc biệt”. Một tác phẩm văn chương, theo ông, không phải hoàn toàn là công trình của một tình cảm cá nhân, bởi vì tình cảm cá nhân chỉ là rung động đầu tiên thúc đẩy nhà văn phải viết. Sau đó là thiên nhiên – thiên nhiên mà nhà khoa học đã khám phá bí mật – áp đặt định luật và nhà văn không còn quyền nói dối nữa. Có thể đồng ý rằng, nhà văn và triết gia vạch đường cho nhà khoa học, bởi vì giả thuyết và kinh nghiệm đi trước phương pháp và khám phá khoa học. Nhưng một khi khoa học đã đạt được chân lý, nhà văn phải chấm dứt ngay giả thuyết và chấp nhận chân lý, xem đó như là đất đứng vững chắc để từ đó, bằng trực giác và linh cảm, lần mò đi đến những giả thuyết khác về những vấn đề chưa khám phá. Việc làm của họ khác gì việc làm của nhà khoa học đâu?

    Ngày nay, đọc lại tuyên ngôn của Zola, người đọc không khỏi cười thầm về thái độ khoa học hơn cả khoa học, khoa học gia hơn cả Claude Bernard. Nhưng phải hiểu ông và đặt ông vào bối cảnh của thế kỷ 19, khi khoa học thu hút mọi tư tưởng như một thần lực. Ông đem một tư tưởng mới vào văn chương, chứng minh tư tưởng đó với tài ba xuất chúng của ông bằng những tác phẩm rạng danh văn học thế giới. Tài ba của ông đã làm cả những người chống đối ông khâm phục. Nhưng họ chống đối không phải không có lý do. Cùng phía tả của ông, Anatole France đã chỉ trích ông với những lời lẽ mạt sát thậm tệ, cho rằng ông đã quan sát với cặp mắt mù, bởi vì ông chỉ thấy cái xấu, không thấy cái đẹp, nhất là cái đẹp cao sang ẩn khuất trong chính cái xấu. “Có vẽ đẹp nơi người nông dân. Ông Zola không thấy. Nét thâm trầm u uất, dáng cứng cỏi long trọng in trên thân thể họ vì nhọc nhằn thường xuyên, hòa âm giữa người và đất, cao quý của khổ cực, thánh thiện của lao động, lao động đích thực, lao động của cái bừa, tất cả những vẽ đẹp ấy chẳng làm ông Zola động lòng chút nào. Cái duyên dáng quyến rũ nơi mọi sự vật lẩn tránh mắt ông; cái đẹp, cái vương giả, cái đơn sơ trốn ông biệt tăm. Khi ông đặt tên cho một thôn xóm, một con sông, một người, ông chọn tên gì xấu nhất… Ông Zola không biết cái đẹp của chữ cũng như ông không biết cái đẹp của sự vật”.

    Anatole France bồi thêm: Cũng giống như thợ thuyền, nông dân dưới ngòi bút của Zola chỉ toàn là dân thô kệch, bê tha, vô luân, say rượu, nhớp nhúa, nói năng thô lỗ, thú vật. Triệt để, một cách có hệ thống, ông chọn toàn cái xấu, cái xấu của cảnh vật cũng như cái hạ tiện của nhân vật. Tưởng tượng của ông ác đến nỗi ông cho một phụ nữ nông dân đẻ cùng lúc với con bò cái, để nhét vào miệng một người đứng xem một lời reo ác khẩu: “Toét ra rồi!”, tất nhiên không phải là nói về con bò. Ông Zola không thấy cái thiêng liêng trong việc sinh con. Ông báng bổ thiên nhiên, dù thiên nhiên có mặt nơi người phụ nữ hay nơi con bò. Ông không thấy cái thơ ngây của con bò cái khi phơi bày ra tất cả khổ đau của việc sinh nở. “Con bò mẹ đau đớn dữ dội trong câm nín. Khi con nghé lọt lòng, bò mẹ đảo mắt về phía con với hai mắt thấm ướt, rồi rướn cổ ra, liếm thật lâu cái sinh vật bé nhỏ đã làm nó đau đớn đến thế. Thấy mà cảm động. Mà thấm cái đẹp. Báng bổ những bí mật cao cả đó, thật là nhục nhã”. Đó là mấy câu viết về cuốn tiểu thuyết La Terre, cuốn thứ mười lăm trong bộ trường thiên Rougon-Macquart.

    Sau này, khi Zola chết, chính Anatole France đọc điếu văn tôn vinh tài ba của Zola. Nhưng trước đó, bao nhiêu đả kích thậm tệ. “Chưa bao giờ có ai cố gắng đến mức đó để hạ nhục nhân loại, mạ lỵ tất cả những khuôn mặt của cái đẹp và của tình thương, từ khước tất cả những gì là tốt, là thiện. Chưa bao giờ có ai lệch lạc đến mức đó về lý tưởng của con người. Trong tất cả chúng ta, dù người nhỏ hay người lớn, người tầm thường hay người danh giá, đều có một bản năng của cái đẹp, một ham muốn về một cái gì để tô điểm, để trang sức, và bản năng ấy, ham muốn ấy, đâu cũng có, đem lại duyên dáng cho cuộc đời. Ông Zola không biết. Trong con người, có một nhu cầu yêu thương vô biên làm con người trở thành thần thánh. Ông Zola không biết. Ham muốn và thẹn thùng đôi khi trộn lẫn với nhau thành những màu sắc lưng chừng kỳ diệu. Ông Zola không biết. Trên mặt đất, có những hình thái tuyệt vời và những tư tưởng cao quý; có những tâm hồn trong trắng và những trái tim anh hùng. Ông Zola không biết. Ngay cả những yếu đuối, ngay cả những sai lạc và lỗi lầm, nhiều khi cũng có những vẽ đẹp đầy cảm động. Ông Zola không biết. Đau khổ là thiêng liêng. Thánh thiện của giọt lệ nằm sâu trong tất cả các tôn giáo. Bất hạnh đủ để làm con người cao cả với con người. Ông Zola không biết… Ông Zola xứng đáng được thương hại sâu xa”.

    Hai ông nhà văn lớn, ông này nói ông kia không biết, không thấy. Tất nhiên, ông kia cũng sẽ nói lại ông này không thấy, không biết. Là vì mỗi ông nhìn sự vật ở mỗi mặt! Mặt tối và mặt sáng. Mặt không thấy với mắt thường và mặt lồ lộ cơ quan sinh lý không khác con vật. Hơn nữa, là vì mỗi ông chọn một quan điểm. Và quan điểm của Anatole France là: nghệ thuật thuộc lĩnh vực của cảm xúc, không phải là khoa học. Vậy thì: vinh danh khoa học có cần phải khoa học gia hơn cả Claude Bernard? Văn chương có thể vinh danh khoa học một cách ít cực đoan hơn?

(Còn tiếp)

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)