Khoa học và điêu khắc
Đằng sau ngôi nhà thời thơ ấu của Michael Burke ở vùng nông thôn New Jersey là một loạt tác phẩm điêu khắc bằng nhôm của ông. Gọi là Quantum Stream (Dòng Lượng Tử), tác phẩm là bảy khối hộp chạy trên triền cỏ hun hút vào rừng sâu.
Tác phẩm dòng lượng tử của Burke.
Một số được khắc lên với các công thức liên quan đến từ trường, quá trình thoát hơi nước/hô hấp, và tốc độ giãn nở của vũ trụ. Burke cho biết: “các tác phẩm thể hiện một dòng ánh sáng, hay một loạt các gói năng lượng lượng tử khiến cho ta có cảm giác như chúng đang tiến về phía mình.”
Sự lãng mạn của khoa học
Trước khi hoàn toàn chú tâm vào lĩnh vực nghệ thuật từ 30 năm trước, Burke từng là một nhà thiên văn học và kiến trúc sư quy hoạch thành phố. Ông rất am hiểu về vật lý và bị cuốn hút bởi sự tương tác giữa khoa học, nghệ thuật và cảm xúc. “Mọi người cảm thấy khó chịu khi tôi gắn liền khoa học với sự huyền bí và lãng mạn”, Burke nói. Khoa học, đối với họ, chẳng khác gì một bài kiểm tra toán. Nhưng ông cho rằng, sự am hiểu các nguyên lý khoa học làm tăng vẻ đẹp và cả sức mạnh của nghệ thuật. Khi các nhà khoa học lần đầu giải thích thuyết lượng tử ánh sáng, họ sợ rằng điều đó sẽ làm hỏng sự lãng mạn của cầu vồng. Nhưng khoa học về cầu vồng thực sự vô cùng kỳ thú, cầu vồng được tạo ra bởi ánh sáng bị khúc xạ khi đi qua hàng tỉ giọt nước li ti, và rồi nó lại tái tạo chính mình với hình ảnh đảo ngược thành cầu vồng đôi. Điều đó quả thực đáng chú ý đến mức kỳ diệu, và đối với Burke, đó chính là sự lãng mạn. Khoa học không phá hủy khái niệm về cầu vồng mà trái lại, làm nó rạng rỡ hơn.
Dưới mắt thường, tác phẩm “Dòng lượng tử” rất thú vị, thậm chí có thể gọi là đẹp. Các cấu trúc hình kiếm đâm lên từ mặt đất như những thân cây bằng bạc kì lạ, hay như những dòng nước chảy thẳng đứng, giữa những vòm lá mềm mại và biến ảo. Tuy nhiên ý nghĩa của chúng không dừng ở đó. Burke đầu tiên khắc các công thức khoa học lên kim loại bằng clorua sắt rồi đến khi ánh sáng tán xạ hoàn toàn trên bề mặt gồ ghề chỗ khắc các công thức, ông mài nhẵn nó một chút nhằm làm giảm độ tán xạ và do đó làm cho các công thức khó đọc hơn. “Bạn sẽ gặp khó khăn khi muốn nhìn rõ các công thức đó trừ phi bạn nhận ra rằng ánh sáng bị tán xạ.” Burke muốn minh họa một hiện tượng để người xem nhận thấy rằng chính khoa học đã tạo ra điều đó thông qua những tác phẩm nghệ thuật.
Burke là con trai của nhà phê bình văn học và nhà văn tiếng tăm Kenneth Burke, lớn lên trong một gia đình trí thức và đầy tính sáng tạo. Cha của ông tự cho mình là người theo chủ nghĩa nông-du mục (Agro-bohemian) và chuyển cả gia đình đến tây bắc New Jersey khi Michael còn nhỏ. Trong số các nhạc sĩ, nhà văn và nghệ sĩ thường xuyên ghé thăm có nhà thơ William Carlos Williams, nhà văn Ralph Ellison và nhà phê bình Malcom Cowley, người bạn lâu năm của gia đình. Ở đó không hề có điện, đường dẫn nước hay điện thoại, tuy nhiên họ lại có một tác phẩm của Alexander Calder (một trong những nhà điêu khắc nổi tiếng của Mỹ thế kỉ 20 – chú thích của người dịch) trong nhà phụ: đó là một cái khay đỡ giấy vệ sinh, được làm bằng cách uốn dây kim loại thành hình bàn tay với ngón giữa giơ lên.
Chính bầu không khí ấy đã nuôi dưỡng ý thức rằng bất cứ ai cũng có thể làm điều họ muốn, và sẽ được hỗ trợ. Khi lên cấp ba, Burke không còn hào hứng với viết lách và nghệ thuật nữa mà thay vào đó bị cuốn hút bởi những con số, ông trở nên xuất sắc trong toán và khoa học (Anh trai ông, James Anthony Burke, nghiên cứu vật lý và là giáo sư hồi hưu ngành thiên văn học và vật lý tại Đại học Victoria).
Một quyển sách kim loại đặc trưng của Burke về lịch sử toán học.
Tại Harvard, Michael lên kế hoạch trở thành một nhà khoa học, ông tập trung nghiên cứu một lượng lớn vật lý và toán học. Nhưng khối lượng công việc khiến điều đó trở nên quá áp lực và ông chuyển sang ngành khoa học kiến trúc. Ông học một hai khóa về nghệ thuật, và đôi khi ông vẽ lại các máy móc (như chiếc kính thiên văn tại Đại học Harvard chẳng hạn) bởi ông nhận thấy vẻ đẹp trong những thứ được tạo nên chỉ với mục đích thực dụng. Burke nhớ lại một khóa học giải tích cao cấp với Bernard Dwork. Giáo sư Dwork thường viết kín bảng với các công thức, nhận xét, ký hiệu, viết liên tục không ngừng khi ông giảng bài. Đến cuối giờ, trên bảng dày đặc các con số, ký hiệu, công thức, dù đã bị xóa một phần và không còn có nghĩa, nhưng lại tạo nên một vẻ đẹp bất ngờ.
Trong nghệ thuật có khoa học
Sau khi tốt nghiệp, Burke giữ nhiều vị trí khác nhau tại Đài thiên văn Smithsonian Astrophysical (có cả một năm làm quản lý trạm quan sát ở Iran), và rồi ông làm trợ lý cho chánh văn phòng tại Washington, DC. Sau đó ông lấy bằng thạc sĩ về quy hoạch đô thị và làm 5 năm trong lĩnh vực này. Ông cũng giảng dạy môn quy hoạch đô thị tại Đại học Columbia, trước khi chuyển hướng quan tâm sang nghệ thuật vào năm 1975.
Với người xem bình thường, cần phải mất một lúc mới thấm được vẻ đẹp của các tác phẩm của Burke. Những tác phẩm màu ánh bạc, mộc mạc với những khối hình cơ bản. Không hề có những màu sắc rực rỡ, tất cả chúng đều có màu đen, hoặc trắng, hoặc xám kim loại. (Các tác phẩm của ông được sưu tập tư nhân và được sở hữu bởi nhiều bảo tàng, gồm cả Biblioteca Nazionale ở Florence và Thư viện Paterno tại Đại học Penn State).
Đôi khi các tác phẩm của ông được trưng bày cho các nhà khoa học, gần đây nhất là tại một cuộc triển lãm năm 2004 tại Đại học Rockefeller để tôn vinh những đóng góp của nhà vật lý toán học Mitchell Feigenbaum cho lý thuyết Hỗn độn (Chaos theory). Feigenbaum, có sở hữu một vài tác phẩm của Burke, đặt hàng một trong những cuốn sách kim loại đặc trưng của Burke cho triển lãm. Các cuốn sách kim loại này có thể lật mở được, cao từ 20 cm đến 180 cm, làm bằng nhôm và thi thoảng đính kèm cả những trang bằng giấy. Tác phẩm mà Feigenbaum đặt hàng là một quyển sách bốn trang được khoét các lỗ hình học, một số công thức “hằng số hỗn độn” của chính Feigenbaum được đục lỗ với các chữ số kéo dài hết cả trang cuối.
Không phải tất cả những người hâm mộ các tác phẩm của Burke đều am hiểu khoa học. “Như chính tôi đây, dù trong những giấc mơ điên rồ nhất cũng không thể nào hiểu được các công thức và con số mà Burke đưa vào tác phẩm”, Robert Edgar, 69 tuổi, phó chủ tịch mảng quan hệ với nhà tài trợ tại Quỹ tín thác Cộng đồng thành phố New York, cho biết. “Việc chạm khắc những công thức thật sự làm tăng thêm độ phức tạp của tác phẩm, nhưng không hề khiến người xem xao nhãng khỏi vẻ đẹp của chúng” – ông nói.
Edgar sở hữu một vài tác phẩm của Burke trong phòng ăn ở Manhattan. Chúng bao gồm một bản vẽ mẫu nam khỏa thân và trong bốn bức hình tiếp theo, chính hình mẫu đó được phóng to lên đến mức không còn giống chút nào một con người. Đó chính là điều xảy ra khi bạn nhìn vào kính hiển vi, Edgar cho biết. Edgar gặp Burke khi cả hai có con gái cùng học chung tiểu học. Trong số những tác phẩm mà ông sở hữu, ông đặc biệt thích cuốn sách kim loại bốn trang đục lỗ hình người que và một hình lưỡi kiếm. Như rất nhiều tác phẩm khác của Burke, nó khiến bạn muốn sờ, xoay và nhìn xuyên qua nó. Không những thế, có cái gì đó rất thi vị về tác phẩm này, bởi vì khi ánh sáng chiếu vào lá nhôm và bạn xoay nó, quyển sách sẽ đem lại cho bạn những phản chiếu và những cảm xúc khác nhau.
Trong những tác phẩm này, Burke thấy ảnh hưởng từ cả bố và mẹ. Kenneth Burke là một độc giả cần mẫn và đa dạng, sưu tập một thư viện khoảng 7.000 đầu sách, hầu hết vẫn được giữ tại nhà của gia đình ở New Jersey. “Cha tôi thích ngôn từ, ông ấy chưa từng vẽ một bức tranh nào trong đời,” Burke cho biết. Ngược lại, mẹ của Burke, Elizabeth Batterham Burke, là một người vừa giỏi toán vừa là nghệ sĩ tài năng, cố gắng để tạo nên chỗ đứng cho các tác phẩm của mình. “Giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi kết hợp những thứ tốt nhất của cả hai”, Burke nói. Đó là lí do ngôn từ hay công thức hoặc sơ đồ thường hiện hữu trong các tác phẩm điêu khắc của ông.
Kết hợp của những điều đối lập
Burke bị thu hút bởi sự kết hợp của những ý tưởng dường như đối lập: khoa học chuyên sâu và sự lãng mạn, các con số và thơ ca, thời cổ xưa và hiện đại. Chất liệu ông thường lựa chọn – nhôm – cũng là một kim loại được sử dụng phổ biến trong công nghiệp chứ hiếm khi cho mục đích nghệ thuật.
Một trong những tác phẩm nhôm táo bạo nhất, The Neutrino Chronicles (Ký sử hạt Neutrino), được trưng bày lần đầu trong một ngôi mộ ở Etruscan (một nền văn minh ở châu Âu nay thuộc vùng Toscana, Ý – lời người dịch). Vào năm 2000, trong một lễ hội nghệ thuật ở một thị trấn ở phía bắc Rome, du khách đến thăm ngôi mộ bắt gặp một thứ mà Burke mô tả như một cỗ máy cao 4 mét, sáng bóng và đầy bí ẩn nhưng rõ ràng là cho mục đích khoa học đặt giữa hang mộ đầy lịch sử này. (Tác phẩm này có một dải nhôm uốn hình cung tròn gắn trên một khung hộp giàn giáo được đánh bóng tới mức trông nó như tỏa sáng. Bên dưới cỗ máy có hàng tá mảnh nhôm góc cạnh, nhiều mảnh được chạm khắc các công thức lượng tử và/hoặc văn tự của người Etruscan. Theo Burke thì cả khoa học và người Etruscan đều có một sự bí ẩn rất cuốn hút: các công thức và văn tự đều vô cùng ý nghĩa nhưng đều rất khó giải mã. Đó là khoảnh khắc mà những ẩn số của khoa học và của người Etruscan tương tác với nhau. Không chỉ có vậy, sự đối lập giữa một quá khứ cổ xưa với một kim loại chưa hề xuất hiện ở thời đó cũng làm Burke phấn khích.
Đối với Burke, việc mọi người có hiểu các công thức hay không không quan trọng; ông thường viết ngược hoặc lật úp chúng nhằm giảm bớt áp lực với người xem phải cố hiểu những thứ khoa học này. Mary Anne Schwalbe, 55 tuổi và Douglas Schwalbe, 52 tuổi là hai nhà sưu tập nghệ thuật đến từ thành phố New York sở hữu khá nhiều tác phẩm của Burke, trong đó có một tháp nhôm cao mà họ bày ở hiên nhà. Nó có các phương trình và ký hiệu, nhưng ngoài ra cũng có các miếng kim loại nhỏ hình vuông có thể được cầm lên để chơi và dùng để che các biểu tượng. Burke đã phải thay thế chúng đến hai lần vì các cháu của Schwalbe rất thích nghịch chúng trên các tác phẩm điêu khắc. “Đó là một tác phẩm kỳ diệu. Burke rất giàu trí tưởng tưởng và rất giỏi, các bức vẽ cũng như các tác phẩm điêu khắc đều hoàn hảo về mặt kỹ thuật.” – Mary Anne Schwalbe nói. Tuy nhiên, Mary Anne đầu hàng trước việc giải thích các công thức khoa học. “Tôi không hiểu chúng, nhưng việc chúng có ở đó rất quan trọng với tôi.” – bà nói. “Tôi thấy nó rất cuốn hút, và Burke có thể giải thích tất cả các công thức bởi vì đó chính là một phần con người của ông ấy.
Burke muốn tôn vinh vẻ đẹp và sức mạnh của khoa học trong các tác phẩm điêu khắc của mình, nhưng nghệ thuật không phải là thứ để tuyên truyền: ông đan xen khoa học vào các tác phẩm điêu khắc một cách tinh tế, với phong cách riêng và khiếu hài hước của mình, nhưng không bao giờ áp đặt hoặc thuyết giảng. Người ta có thể thấy điều đó qua việc ông đánh bóng các phương trình khắc trên nhôm một cách tinh nghịch, cố tình làm chúng trở nên khó đọc. Burke cản trở quá trình lượng tử ánh sáng mang thông tin đến người xem, nhằm thu hút sự chú ý đến chính hiện tượng đó, chứ ông không hề đòi hỏi mọi người phải hiểu tường tận các chi tiết khoa học. Hay theo lời ông: “Tôi muốn mọi người biết là có một thứ logic, một thứ khoa học trong tác phẩm, nhưng rồi không ai phải làm một bài kiểm tra nào cả”.
Hạnh Duyên dịch
Nguồn bài và ảnh: https://harvardmagazine.com/2007/01/science-and-sculpture.html