Không bao giờ trở lại nước Mỹ

Tôi quen hai vợ chồng ông Lưu trên chuyến bay từ Bắc Kinh đi New York. Vì không biết tiếng Anh nên họ lúng túng chẳng biết cách điền vào phiếu nhập cảnh, dĩ nhiên phải tìm đến tôi. Qua việc viết giúp họ, tôi biết ông Lưu năm nay 62 tuổi. Nhìn cách ăn mặc thì cũng có thể đoán ra ông bà là người nhà quê. Ông Lưu thắt cà vạt, diện bộ âu phục mới toanh loại rẻ tiền. Bà Hoa vợ ông mặc quần dài và áo khoác dạ mốt mới, nhưng bộ mặt trông thô kệch và đầy những vết nhăn, hai bàn tay cũng vậy. Điều đó cho thấy hai ông bà từng trải qua nhiều năm vất vả làm việc trên đồng ruộng.

Lần này họ đi Mỹ thăm vợ chồng anh con cả và hai cháu nội, một gái một trai. Mỗi lần nhắc tới chuyện ấy, các nếp nhăn trên mặt hai ông bà đều ánh lên niềm vui sướng và tự hào. Đây cũng là niềm vui và tự hào của cả xóm, thậm chí toàn thị trấn và toàn huyện quê ông. Nhờ có ông bố dạy học trường làng và bản thân chăm chỉ học hành, lại được bà con trong xóm giúp tiền mà anh con trai nhà nghèo của vùng núi xơ xác ấy đã học xong đại học rồi học tiếp nghiên cứu sinh. Hơn nữa còn lấy được một cô sinh viên người thành phố, rồi hai vợ chồng cùng đi Mỹ học tiếp. Sau mười năm vật lộn, họ trụ lại được tại nước Mỹ, hai vợ chồng đều được cấp thẻ xanh (giấy phép định cư) rồi còn gửi tiền về quê xây dựng lại một trường học cũ và trợ cấp cho 10 trẻ em trong xóm đi học.
“Thằng bé nhà tôi đâu có quên cái xóm nghèo vùng núi ấy! Nó không quên cha mẹ và bà con. Lần này chúng tôi đi Mỹ, bà con xóm làng kéo nhau đi tiễn ngoài ba dặm đường kia, anh ạ. Các thứ thổ sản bà con làm quà cho nó nhiều tới mức chúng tôi không mang hết được, phải để lại nhà, sau này nó về mà xem bà con làng xóm nhớ mong nó như thế đấy…”. Ông Lưu vừa kể vừa lấy tay dụi dụi mắt.
“Hai vợ chồng nó hồi ở Bắc Kinh sinh được một cháu gái, chúng nó cũng mang theo sang Mỹ. Vừa rồi lại sinh thêm cháu trai, nó gọi vợ chồng tôi sang giúp trông lũ trẻ con. Hai đứa bận việc quá.” – bà Hoa tiếp lời, vẻ mặt rạng rỡ niềm vui mừng và hy vọng.
“Nghe nói bên ấy kiếm tiền dễ như trở bàn tay,” ông Lưu nói; “Mỗi tháng có thể kiếm được mấy nghìn đô. Tôi nghĩ mình cũng có thể kiếm được vài nghìn, bao giờ về quê có cái để ăn nói với bà con.”
“Chuyện ấy e là chẳng dễ đâu, bác ạ”. Tôi nói: “Hai bác không biết tiếng Anh, lại không có tay nghề gì, hơn nữa tuổi cũng cao rồi.”
“Tôi chẳng sợ khổ sở nhọc nhằn”, ông Lưu vỗ vỗ ngực: “Việc nặng đến đâu, khó đến mấy tôi cũng làm được tuốt. Tôi cả đời dạy học trường làng, sang đây chắc là có thể dạy tiếng Trung Quốc (TQ) được chứ nhỉ!”
“Vâng! Vâng!” Tôi không muốn làm ông Lưu cụt hứng. Vả lại ở nước Mỹ chẳng thiếu gì những người chịu khó làm ăn như ông.
Đến New York, chúng tôi đều có người nhà ra đón ở sân bay. Tôi có con gái và con rể. Ông bà Lưu có con dâu và hai cháu; con trai ông bận việc không đến đón được. Bà Hoa ôm chầm lấy đứa cháu trai, hết hôn hít lại gọi tên nó, không dứt ra được. Ông Lưu thì nhìn chằm chằm vào cô cháu nội tên là Linda. Tôi thấy mặt ông chợt đanh lại và xạm đi như vữa xi măng bị đông cứng. Linda trạc 15-16 tuổi, tóc nhuộm đỏ, mặc áo dệt kim cổ quả tim trễ ngực và chiếc quần bò rách nham nhở, đôi môi tô son đỏ luôn luôn mấp máy, miệng nhai kẹo cao su, nói chuyện với mẹ toàn bằng tiếng Anh, khi nói với bà Hoa thì mới dùng tiếng TQ. Có điều thứ tiếng ấy pha trộn lủng củng tiếng Anh, chẳng hạn như: “Gơ-ren-ma (bà nội ơi), An-dy khóc rồi, phải cho em uống mil-kơ (sữa) thôi!” Ông Lưu mặt hầm hầm nhìn cô cháu, bộ dạng giận dữ dường như nếu có cái roi ở đây thì ông quất ngay cho nó một trận nên thân… Tôi trao đổi số điện thoại với hai ông bà xong bèn chia tay ra về.
Ở nhà được chừng vài tuần, một hôm có điện thoại ông Lưu gọi. Ông phàn nàn ở đây buồn quá, cả nhà sống chung trong một căn hộ, xung quanh, trên dưới toàn là bọn Tây cả, chẳng bao giờ thấy ai thăm hỏi nhau. Đi chợ hoặc đi chơi thì xa ơi là xa, có đến vài chục cây số, không đánh xe thì đành chịu ru rú ở nhà; mà ông thì chẳng có xe, vả lại có xe thì cũng không biết lái. Truyền hình nói tiếng Anh chẳng hiểu quái gì cả. Ông bà chỉ còn biết chăm chút cho đứa bé; thời gian và sức lực thừa thãi không biết dùng vào việc gì. Con trai và con dâu đều đi làm, cháu gái đi học. Chỉ Thứ Bảy, Chủ nhật chúng nó mới có lúc rảnh rỗi đưa ông bà đi mua sắm hoặc đi chơi, thật là buồn nẫu ruột…
Tôi đành lựa lời khéo léo khuyên nhủ ông, nói tình hình nước Mỹ là như thế đấy, ông bà có thể đến thư viện mượn ít sách báo TQ đem về đọc, hoặc tìm xem gần đấy có người Hoa nào không. Ông Lưu kể là vừa rồi nhà thờ có cho người đến gặp ông, họ nói ở đây có nhiều giáo hữu người Hoa. Nhưng ông là đảng viên cộng sản nên chẳng muốn đến nhà thờ làm gì. Tôi khuyên ông nên tham gia các hoạt động của nhà thờ, tham gia không có nghĩa là theo đạo, mà chủ yếu là để gặp các bạn người Hoa. Ông Lưu đồng ý.
Khoảng một tháng sau lại thấy ông Lưu gọi điện thoại tới. Lần này ông lớn tiếng chửi bới, nói là nhà thờ tốt đấy, rất thân mật với ông, lại còn giúp ông tìm việc làm. Con trai và con dâu bận quá, đành để cháu gái đánh xe đưa ông bà đi, kiêm phiên dịch giúp. Thì ra nhà thờ có tổ chức một lớp dạy tiếng TQ nên cần giáo viên người Hoa, họ bao ăn ở, ngoài ra lại còn trả lương nữa. Ông Lưu như mở cờ trong bụng bèn đến gặp bà phụ trách nhà thờ. Thấy ông chất phác thật thà, bà ấy rất vừa ý. Nhưng khi trao đổi với nhau thì lại có chuyện rắc rối. Thì ra khi nói tới chuyện hôn nhân gia đình của mình, ông Lưu kể rằng “người yêu” (người TQ thường gọi vợ là “ái nhân”, nghĩa đen là “người yêu”– chú thích của người dịch) của mình là bà Hoa hiện nay cũng đang ở Mỹ. Bà già kia nghe nói thế liền nghiêm nét mặt trừng mắt nhìn ông.
“Ông nói gì cơ? Hiện nay ông đang sống chung với bà người yêu tại nước Mỹ à?”
“Vâng”. Ông Lưu gật đầu lia lịa.
“Với người yêu của ông ư?”
“Vâng ạ”. Ông Lưu lại gật đầu.
“Như vậy con trai và cháu gái của ông đều là con riêng và cháu riêng của ông?!” Bà già kia tức điên người lên: “Ông đã già, tóc bạc hết cả rồi, sao lại chẳng có chút trách nhiệm gì với gia đình thế hả? Loại người như thế này chúng tôi không thể sử dụng. Mời ông về đi cho!”
Thế là ông Lưu tiu nghỉu về nhà như bị giáng một đòn điếng người. Xã hội TQ rất phong kiến, bảo thủ trên vấn đề hôn nhân gia đình, thế nhưng cách xưng hô với vợ thì lại quá “tiên tiến”, quá âu yếm: gọi vợ là “ái nhân”! Như thế khi chuyển sang tiếng Anh phải dịch là lover rồi! Tức là người yêu, là tình nhân chứ đâu còn là vợ chính thức nữa, là loại người không được pháp luật thừa nhận. Chuyện nhân tình nhân ngãi rất phổ biến trong giới trẻ ở Mỹ. Người yêu mà, thích thì ở, không thích thì bai bai, chẳng còn quan hệ gì với nhau nữa. Nhưng chuyện ấy xảy ra ở lớp người tóc bạc phơ phơ như ông Lưu thì phải nói là có phần thiếu đạo đức. Bà già kia là người của nhà thờ, típ người đứng đắn ấy nhất định cho rằng ông Lưu là kẻ vô đạo đức.
Nghe ông Lưu kể lại chuyện ấy qua điện thoại, tôi bất giác cười rũ người ra. Tôi đề nghị ông quay lại giải thích cho bà kia hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện, và có thể đưa cả bà Hoa đi cùng. Nên trình bày cho người ta biết là ông bà khi lấy nhau đều phải nghiêm chỉnh đăng ký tại cơ quan chính quyền, sau khi có giấy chứng nhận kết hôn rồi mới được phép đưa kiệu hoa đến đón bà ấy về nhà mình, cho nên là vợ hoàn toàn hợp pháp. Ông Lưu nghe tôi nói thế cũng cười và đồng ý tuần sau khi đi lễ nhà thờ sẽ thanh minh cải chính lại chuyện này.
Một tuần sau, tôi lại nhận được điện thoại của ông Lưu. Thật không ngờ, lần này chẳng những không giải quyết được vấn đề cũ mà lại còn rắc rối thêm. Ông bực mình chửi toáng lên. Lần này ông vẫn đi với cháu gái, lại đưa cả bà Hoa đi cùng để cải chính hai người không phải là “người yêu” mà là vợ chồng chính thức.
“Rốt cuộc thế thì mối quan hệ giữa hai ông bà với nhau là thế nào?” Bà thay mặt nhà thờ muốn khẳng định lần cuối cùng.
“Chúng tôi có mối quan hệ vợ chồng, đồng chí với nhau ạ!” ông Lưu ưỡn ngực, rướn người lên cố gắng nhấn mạnh nói cho thật rõ ràng mối quan hệ ông cho là thiêng liêng nhất, thuần khiết nhất, cao quý nhất ấy.
“Gì cơ? Đồng chí ư?!” bà già kia nhảy thót lên như bị bọ cạp cắn.
“Vâng, là đồng chí vô cùng thân thiết ạ!” ông Lưu càng ưỡn ngực cao hơn.
“Thế thì ông bà nên đến nhà trọ cầu vồng, cửa hiệu cầu vồng ấy, chứ nhà thờ này không bao giờ tiếp nhận loại người như ông bà…, không bao giờ!” Bà kia giận đến tái mặt, bỏ ngay ra ngoài chẳng thèm chào ông bà Lưu nữa.
Lúc ấy tôi chưa hiểu nhà trọ cầu vồng, cửa hiệu cầu vồng là gì, cho nên cũng chưa biết nên khuyên nhủ ông thế nào. Về sau tôi mới biết, thì ra cầu vồng là dấu hiệu của luyến ái đồng tính. Tại New York và một số nơi khác, hiệu ăn nào treo cờ có hình vẽ cầu vồng là nơi gặp gỡ hú hí của những người luyến ái đồng tính. Ở Mỹ, từ “Đồng chí” (tiếng Anh comrade) là biệt danh gọi người luyến ái đồng tính.
Mấy hôm sau, nhớ lại chuyện ông Lưu kể, tôi cười đau cả bụng và lập tức gọi điện cho ông, định bụng phen này phải khuyên ông dù trên trời có xuất hiện cầu vồng hoặc hố đen đi nữa thì cũng nhớ phải luôn giữ khuôn phép, tuyệt đối chớ có ăn nói lung tung mà chuốc lấy tai vạ vào thân. Ai ngờ câu chuyện của ông Lưu bây giờ đã trở thành vô cùng rắc rối. Người nhận điện thoại hôm nay là cô con dâu ông. Cô bảo ông Lưu đã bị cảnh sát bắt đi rồi!
Thì ra sau khi bị mấy vố oan uổng như trên đã kể, ông Lưu trút cơn giận lên đầu cô cháu gái của mình, bảo là vì nó dịch sai nên mới gây ra trò hề ấy. Linda nhăn nhở cười, không nhận lỗi mà còn nói là nó đâu có dịch sai. “Ái nhân” là lover, “đồng chí” dĩ nhiên là comrade rồi, sai chỗ nào kia chứ ? Vả lại, bị người ta hiểu lầm là tình nhân hoặc người luyến ái đồng tính thì có gì ghê gớm đâu; loại người ấy khắp nước Mỹ đâu cũng có. Người đồng tính luyến ái vẫn được đi lính, chẳng ai cấm được, có gì mà ông phải làm ầm ỹ lên như thế. Nghe nó nói vậy, ông Lưu càng điên tiết. Nhất định lần này phải thanh toán xong cả nợ cũ lẫn nợ mới – nghĩ thế ông liền sa sả mắng như tát nước vào mặt Linda. Nào là nhuộm tóc đỏ trông như con yêu tinh ấy; nào là tô mắt xanh mỏ đỏ, đánh phấn trắng trông khác gì lũ quỷ sứ; nào là con gái mới bằng tý tẹo thế này mà đã đi sớm về khuya đàn đúm đú đởn với lũ con trai suốt, làm bại hoại gia phong nhà ông… Linda cãi từng câu một, lại còn bảo ông như thế là can thiệp tự do và chuyện riêng tư của nó. Lúc này ông già điên tiết lên văng tục ra với cháu, lại còn dọa quất cho nó một trận. Linda liền cảnh cáo là ông mà làm thế thì nó sẽ gọi điện báo cảnh sát. Xưa nay ông Lưu chưa bao giờ nghe ai nói ông nội dạy cháu mà cháu dám báo cảnh sát ảc. Thế là ông nổi cơn lôi đình giơ tay tát đánh bốp một cái vào mặt con bé. Linda sợ hãi và tức giận lập tức gọi điện đến đồn cảnh sát.
Chẳng mấy chốc đã thấy tiếng còi xe cảnh sát rú “tu tu”. Thấy cảnh sát vào nhà, ông Lưu chửi toáng lên. Rất may là họ nghe không hiểu những câu chửi ấy và cũng chẳng ghi âm lại để làm chứng cớ khi ra tòa. Nếu không thì có lẽ nội dung mấy câu chửi ấy đã đủ để họ khởi tố ông. Nhưng cô cháu Linda với cái miệng hãy còn vết máu kia cùng những lời khai báo của nó đã trở thành chứng cớ rành rành về hành vi của ông Lưu ngược đãi phụ nữ trẻ em. Tại Mỹ, làm như thế là phạm tội, ít nhất thì cũng bị mất tư cách giám hộ cháu. Thế là ông Lưu bị cảnh sát dẫn về đồn.
Biết chuyện ấy, con trai và con dâu ông Lưu vội đến ngay đồn cảnh sát để giải thích, thuyết minh, còn mời cả luật sư nữa, và nộp 1000 USD tiền bảo lãnh, nhờ thế ông Lưu mới được tại ngoại. Con trai ông, tức bố của Linda, còn phải ký giấy bảo lãnh với tư cách người giám hộ của ông, cam kết từ nay trở đi không được để xảy ra hành vi tương tự, nếu không thì cả hai người đều phải vào tù ngay.
Trong phòng tạm giam, ông Lưu biểu thị sự tức giận và nỗi oan khuất của mình bằng cách đập đầu vào tường, sưng hai cục bướu to tướng; lại còn tuyệt thực để tỏ ý phản kháng. Sau khi được bảo lãnh về nhà, con trai ông cũng nhốt bố già vào trong phòng không cho đi đâu. Nhưng dù ai nói thế nào thì ông Lưu cũng chẳng nhận mình có lỗi, lại càng không thể hiểu được mình vi phạm pháp luật ở điểm nào. Vì thế anh con trai ông phải gọi điện nhờ tôi khuyên giải ông.
Tôi chỉ còn cách đến nhà họ. Bộ dạng ông Lưu hôm nay khác hẳn hôm gặp ông trên máy bay. Hôm ấy ông vui vẻ, tự tin, tràn đầy hy vọng về nước Mỹ, ông nghĩ là tại đây ông sẽ nhận được sự đón tiếp của một gia đình thế hệ sau hòa thuận, giàu có, khỏe mạnh, hạnh phúc, tại đây ông sẽ thấy một quốc gia dân chủ, tự do, tiền bạc ê hề. Ai ngờ bây giờ ông phải ngồi trong căn phòng ngủ bé tí tiếp tôi với những lời chửi rủa. Ông chửi nước Mỹ và xã hội Mỹ đạo đức suy đồi, kẻ xấu mặc sức muốn làm gì thì làm, người tốt thì chẳng được tự do cũng chẳng được dân chủ; thế hệ trẻ hoang dâm vô sỉ, ăn mặc kệnh cỡm lòe loẹt chẳng ra cái kiểu cách gì, lại còn ngỗ ngược bất hiếu.
Tôi thuyết phục ông là mỗi nước đều có tình hình riêng của mình, không thể máy móc rập khuôn đòi hỏi họ phải như mình, mà nhất định phải suy nghĩ tìm hiểu cho kỹ. Chẳng hạn bà già nhà thờ kia cũng là người phản đối việc chung sống trước hôn nhân và luyến ái đồng tính. Cháu Linda của ông đúng là có quyền báo cảnh sát để người ta ngăn chặn các hành vi bạo lực hoặc ngược đãi đối với cháu. Ông tát nó thỉ quả thật là sai rồi; nên xin lỗi cháu đi…
Nghe tôi nói thế, ông Lưu nhảy người lên, thề là nếu có con dao ở đây thì ông nhất quyết chém chết cho tuyệt nọc cái giống bại hoại phong tục ấy; trước đây dân TQ ta phê phán đế quốc Mỹ giãy chết là đúng lắm, mọi người nhất định phải cùng đứng lên kiên quyết tiêu diệt sạch sành sanh bọn đế quốc này.
Nhìn ông Lưu điên cuồng gào thét, nước bọt sùi đầy mép, hai mắt đỏ ngầu, tôi tuyệt đối tin là ông không nói chơi đâu, mà muốn làm thế thật đấy. May sao trong tay ông chẳng có con dao nào cả.
Nửa tháng sau, ông Lưu lại gọi điện thoại cho tôi, nói ông và “bà vợ” (hai chữ này ông nói rất rõ, chứ không dùng từ “ái nhân” nữa) của ông sắp về nước, và thề không bao giờ trở lại nước Mỹ nữa./.

Chu Định (Trung Quốc)
Huy Đường dịch từ Hải ngoại văn trích

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)