Không cần phải “đánh bóng” nhân dân

Hàn Thiếu Công (Han Siao Gong), một trong những tiểu thuyết gia Trung Quốc đương thời được biết đến nhiều nhất ở châu Âu, giải thích vì sao ông coi văn học là vũ khí của kẻ yếu trong bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Tia Sáng.

Nhà văn Hàn Thiếu Công sinh năm 1953 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ông là một trong những tiểu thuyết gia Trung Quốc đương thời được biết đến nhiều nhất ở châu Âu. Không chỉ tiếp thu những đổi mới trong quan niệm và bút pháp tiểu thuyết hiện đại của phương Tây, ông còn là người biết khai thác những hình mẫu văn chương sáng tạo để khắc họa sâu sắc, đầy tính ám ảnh và nhân văn, chặng đường lịch sử đau thương mà dân tộc mình vừa trải qua.

Hàn Thiếu Công đã đoạt Giải thưởng Truyện ngắn xuất sắc nhất năm 1980-1981, Giải Tiểu thuyết hay nhất Đài Loan 1998 của China Times, Giải Nhà văn kiệt xuất nhất Trung Quốc 2006 với tập tản văn Sông Nam núi Bắc, và Huy chương Hiệp sĩ văn hoá do Bộ văn hoá Pháp trao tặng năm 2002. Các tiểu thuyết của ông đã được in ở Việt Nam: Bố bố bố, Nữ nữ nữ, Từ điển Mã Kiều, Báo cáo chính phủ.

Dưới đây là cuộc trò chuyện với Hàn Thiếu Công xung quanh các vấn đề của nghề viết.

Xin chào nhà văn, xin hỏi thăm sức khỏe của ông và gửi lời chúc tốt lành tới ông cùng toàn thể gia đình. Thưa nhà văn, ông có thể cho bạn đọc Việt Nam biết một vài cảm xúc và suy nghĩ cá nhân của ông về nghề văn được không? Trong đời viết của mình, đã bao giờ ông phải tiếc (hối tiếc) vì mình làm nghề nhà văn chưa?

– Tôi có lúc đã từng nghĩ, làm một kiến trúc sư hay một bác sĩ liệu có tốt hơn không? Những công việc ấy liệu có thực tế đối với xã hội hơn không? Song những câu hỏi mang tính giả thiết ấy chẳng có ý nghĩa gì mấy. Hồi Cách mạng Văn hóa, tôi và các bạn cùng lớp xuống quê làm nông dân, bấy giờ các trường đại học trong cả nước đều đóng cửa, tôi không thể nào trở thành một kiến trúc sư hay một bác sĩ được.

Văn học là một sự lựa chọn với vốn liếng thấp nhất khi tự học ở dưới quê, điều này cũng đã quyết định cuộc sống mưu sinh của tôi sau này. Đương nhiên, như vậy cũng đâu có gì xấu nhỉ? So với các công việc khác, việc viết văn rất mệt, bởi dường như mỗi một tác phẩm đều bắt đầu từ con số O, nó khác với việc nướng bánh hay vá giày, chỉ cần học được cách làm là có thể làm đi làm lại cả đời.

Việc viết văn cực kỳ rủi ro, bởi một người có trí tuệ hay không, có thành khẩn hay không, thường thì đặt bút xuống là bộc lộ ra hết, rất khó che giấu được bản thân mình bằng những thủ đoạn mang tính kỹ thuật. Xét từ ý nghĩa này, sự thi đua trong văn học, nói cho rốt ráo, chính là sự thi đua những tố chất tổng hợp trong nhân cách, và là thử thách lớn đối với tâm hồn. Tôi không may đã đi được nửa đường, thôi đành gắng gỏi đi tiếp vậy.

Thế hệ nhà văn Trung Quốc sinh ra và trưởng thành trong những năm 1950 như Hàn Thiếu Công, Lý Nhuệ, Vương An Ức, Tô Đồng, Dư Hoa, Vương Sóc, Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao, Hân Nhiên, Trì Lợi… sớm được tiếp xúc với tư tưởng cũng như nghệ thuật phương Tây thế kỷ 20, được “mở cửa” và “khai phóng” (chữ của ông Đặng Tiểu Bình). Nhưng xin hỏi cá nhân ông, cho đến thời điểm này, ông có còn cảm nhận thấy một áp lực bất kỳ nào đó đối với việc tự do sáng tác theo trái tim và khối óc, chỉ của bản thân, hay không?

– Hồi tôi mới bắt đầu viết lách, có rất nhiều mảng cấm chính trị. Nhưng từ đó đến giờ, phải nói rằng nghề viết càng ngày càng tự do hơn, song tôi không hề kỳ vọng vào một sự tự do hoàn toàn, ví như áp lực chính trị giảm xuống, thì áp lực thị trường lại có thể sẽ tăng lên, trong khi áp lực của đạo đức chính thống sẽ vĩnh viễn tồn tại. Không khó lý giải, vì sao các bạn đồng nghiệp quốc tế của tôi đều có rất nhiều oán thán, họ không hài lòng chút nào đối với môi trường xuất bản của họ. Song chướng ngại lớn nhất của nhà văn, thực ra lại xuất phát từ bản thân mình, chứ không phải đến từ phía ngoài.

Mấy năm trước, tôi có một bài viết vì “nhạy cảm” nên gặp nhiều trắc trở trong nước, sau đành phải đem ra nước ngoài đăng, song mấy năm sau, các phương tiện truyền thông trong nước cũng đều cho đăng cả, đây là một cách đi đường vòng, đòi hỏi chúng ta phải nhẫn nại và nhanh trí hơn một chút. Ngược lại, có một số bạn đồng nghiệp than thở với tôi về những hạn chế trong phạm vi chính trị, tôi thường khuyên họ rằng: Hãy đưa tôi tác phẩm mang tính thiên tài của anh! Tôi giúp anh đem ra nước ngoài xuất bản, anh thấy thế nào? Vấn đề đặt ra là: Anh có tác phẩm như vậy không? Nếu anh không đưa ra được tác phẩm như vậy, lời oán thán của anh phải chăng sẽ khiến người nghe cảm thấy nghi ngờ?

Các nhà văn Trung Quốc đã viết rất hay về bài học lịch sử, bài học con người, trải qua thời kỳ đen tối của đất nước Trung Quốc, để thành thật báo cáo lại cho nhân dân những được và mất về mặt văn hóa, về giá trị tư tưởng – đời sống của một thời đoạn lịch sử vừa qua. Nhưng những vấn đề đặc thù của tinh thần con người, như tình yêu, suy tưởng, tôn giáo, ẩn ức (mà ở đây tôi nhấn mạnh, những vấn đề đó không phải là sản phẩm trực tiếp của đời sống xã hội), thì dường như chưa được văn học theo đuổi một cách sâu sắc lắm. Nhận định như vậy liệu có chính xác không, thưa ông?

– Hiện nay các tác phẩm viết về đề tài tình yêu, tình dục rất nhiều. Có vị chủ biên một tờ tạp chí, từng nói với tôi: trong đống bản thảo ông ấy nhận được, đến 80% nhà văn nam viết về đề tài ngoại tình, 80% nhà văn nữ viết về đề tài ly hôn, tác phẩm văn học dường như trở thành bộ bách khoa thư phòng the không hơn không kém. Song, tôi có một cách nhìn tương đối gần gụi với bạn, đó là: sự khai thác những vấn đề tinh thần con người của rất nhiều nhà văn Trung Quốc đều chưa đủ sâu và rộng.

Truy tìm nguyên nhân, có thể thấy người Trung Quốc, đặc biệt là những cư dân sống trong vùng văn hóa Hán, tự xưa tới giờ đều thiếu truyền thống tôn giáo, họ không mấy quan tâm tới vấn đề tận cùng của sự sống, có khi dễ bị trượt dốc theo chiều hướng thực dụng phàm tục. Một mặt khác, có rất nhiều nhà văn, tầm nhìn và tri thức đều tương đối hẹp, hàm thụ văn hóa cũng không đủ, thành thử họ bị Cách mạng hóa, thị trường hóa một cách cấp tiến, hoặc giả trở thành những kẻ theo chủ nghĩa cực quyền hay chủ nghĩa bái kim. Cả hai phương diện đó đều hủy diệt văn hóa, khiến những nhà văn này từ đầu chí cuối hấp thụ nguồn dinh dưỡng không tốt, đó cũng là một vấn đề nghiêm trọng.

Các tác phẩm của ông được xuất bản bằng tiếng Việt: Từ điển Mã kiều, Bố Bố Bố, Nữ Nữ Nữ, Báo cáo chính phủ… đều khắc họa thảm cảnh về đời sống vật chất và tinh thần, nhất là thảm cảnh về tinh thần mà nhân dân Trung Quốc đã phải chịu đựng trong thời kỳ đen tối. Đó là nỗi đau khổ bị bỏ rơi, bị hạ nhục, đánh mất sự nhận thức về bản thể, bị lôi kéo vào dòng xoáy của những bất công, phi lý, cuối cùng gánh chịu một đời sống bất thành nhân. Xin lỗi ông nếu tôi nhận xét như vậy là quá khắc nghiệt. Nhưng người dân thường, dù ở thời đại nào, cũng rất dễ bị rơi vào thảm cảnh đó, ông có nghĩ như vậy không?

 

 

Những tiểu thuyết của Hàn Thiếu Công đã được xuất bản ở Việt Nam.

– Các tác gia tuy đều đưa dấu ấn cá nhân vào trong các tác phẩm, song xuất phát từ nơi nhạy cảm nhất của lương tri, ai cũng đều đứng về phía kẻ yếu, những kẻ bị sát hại, bị hạ nhục, bị áp bức… Điều này giống như Hegel đã nói: Đạo đức là vũ khí của kẻ yếu. Hoặc chúng ta cũng có thể nói rằng: Văn học là vũ khí của kẻ yếu. Song điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải đánh bóng kẻ yếu hay thần thánh hóa nhân dân. Sự phê phán có trọng lượng nhất, không cần đến lời nói dối. Nếu như chúng ta còn cần phải viện vào lời nói dối, viện vào sự đánh bóng kẻ yếu hay sự thần thánh hóa nhân dân để phê phán cường quyền, thì chứng tỏ sự phê phán này còn thiếu trọng lượng. Thế giới có tiến bộ không? Đương nhiên là có! Đặc biệt là về phương diện kinh tế và kỹ thuật. Song xét về phương diện giá trị đạo đức thì loài người cũng đừng quá viễn tưởng về một địa đàng trần gian, đừng tưởng rằng tai nạn đã vĩnh viễn trở thành lịch sử. Có một câu nói của người xưa mà các tác gia hiện nay có lẽ nên cảm nhận nó một cách rốt ráo nhất, đó là ‘Đức Phật đêm trường, lệ chẳng khô’.

Cũng rất dễ nhận ra rằng, trong các tác phẩm của mình, ông sử dụng thủ pháp (nghệ thuật) tượng trưng và siêu thực là chính yếu, để xây dựng các hình tượng văn học. Vì vậy, khi đọc tác phẩm của ông, chúng ta cũng phải giải mã các hình tượng bằng nghệ thuật tượng trưng và siêu thực. Hình tượng cậu bé tật nguyền trong truyện Bố Bố Bố, hay bà cô sống trong cũi trong truyện Nữ Nữ Nữ, hình tượng hai làng giao chiến với nhau rồi ăn xác chết của đối phương, hay hình tượng đám khởi nghĩa nông dân ở huyện Mã Kiều, đều hoàn toàn hoặc có phần, là hình tượng tượng trưng cho con người, nói chung. Ông có bị ám ảnh bởi sự tật nguyền về mặt tinh thần ở con người hay không? Ông có ý nguyện tiếp tục đào sâu về chủ đề này trong các sáng tác sắp tới hay không?

– Tôi từng viết một số tác phẩm tả thực, như Báo cáo chính phủ chẳng hạn; cũng từng viết một số tác phẩm tả ý, hoặc giả dùng theo khái niệm của phương Tây thì gọi đó là chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa biểu hiện, ví như tác phẩm Bố bố bố vân vân… Viết theo kiểu nào, theo phong cách nào, điều này quyết định ở tư liệu nằm trong tay nhà văn và hứng thú thẩm mỹ của nhà văn lúc đó, cũng giống như đàn nhị thì rõ chẳng thích hợp dùng để diễn tấu nhạc Beethoven, lối hát Rock cũng rõ chẳng thể thích hợp dùng để diễn xướng thơ cổ. Tác phẩm hay nhất, luôn luôn là tác phẩm mà trong đó hình thức chính là nội dung, nội dung chính là hình thức, tuy hai mà lại là một, cũng giống như quan hệ của cây đèn và ánh sáng phát ra từ nó.

Đương nhiên, tôi vẫn ưa chuộng một số tiểu thuyết có tính chất ngụ ngôn, những dòng tự sự vừa “giống”, lại vừa “không giống” với cuộc sống hiện thực. Trong tương lai, nếu có thể, tôi sẵn lòng cố gắng để làm phương diện này.

Ông có đọc và thích thú với các tác giả – tác phẩm văn học của phương Tây hay không? Xin ông cho vài ví dụ. Còn với các nhà văn bậc tiền bối của Trung Quốc thì sao? Ông thích phong cách viết của những nhà văn nào?

– Tôi thích nhà văn Lev Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky của Nga; Victor Hugo, Maupassant của Pháp; Kafka của Czech… Bản thân tôi từng dịch tác phẩm của Doris Lessing, tác gia người Anh; Milan Kundera, tác gia người Pháp; Fernando Pessoa, tác gia người Bồ Đào Nha… Tôi nghĩ nhà văn và độc giả Trung Quốc nên tìm hiểu những thành quả văn học này của phương Tây. Còn như các tác gia Trung Quốc tiền bối, thì tôi tương đối thích Tô Đông Pha thời Tống, cũng thích Lỗ Tấn và Thẩm Tùng Văn thời hiện đại.

Ông là nhà văn Trung Quốc được biết đến nhiều ở phương Tây, được tặng Huân chương Hiệp sĩ văn hóa của nước Pháp. Nhưng riêng cá nhân ông có cảm thấy gần gũi với những giá trị văn hóa phương Tây hay không, và cụ thể như thế nào? Ông thích nhà tư tưởng nào của phương Đông?

– Văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây đều có sở trường sở đoản, vả lại nền văn hóa nào cũng đều là một thể hỗn hợp, tạp giao, ví như văn hóa phương Tây từng hấp thụ các nhân tố văn hóa vốn không phải của phương Tây, như Cơ đốc giáo (Trung Đông), số học (Ả Rập và Ấn Độ), chế độ khoa cử (Trung Quốc) v.v… chứ không phải là một nền văn hóa thuần chủng cao độ. Bởi vậy, một con người đương đại cần thiết phải giữ một thái độ dung hòa đối với văn hóa của các dân tộc trên thế giới, không cần thiết phải đắn đo với những bài toán kiểu như đem phương Đông ra tỉ thí với phương Tây thì sẽ ra sao.

Năm 1985, tôi có đăng bài viết Gốc của văn học, kêu gọi những người đồng nghiệp coi trọng truyền thống văn hóa của dân tộc mình, nhưng cũng đúng năm đó, tôi học tiếng Anh ở một trường đại học, đồng thời bắt đầu công việc phiên dịch của mình. Tôi xưa nay rất thích Khổng Tử, Lão Tử và Phật giáo Đại thừa, song điều này không có nghĩa là tôi sẽ bài xích trí tuệ của Aristotle, Plato, Kant, Nietzsche…

Châu Âu từ sau thế kỷ 16, đã gây dựng nên một đỉnh cao văn hóa, đáng để người châu Á chúng ta tham khảo và cảm nhận một cách sâu sắc, song mù quáng theo đuổi một dạng văn hóa bá quyền phương Tây, máy móc bê nguyên tư tưởng, văn hóa phương Tây về, thì đó chắc chắn không phải là một cách làm trí tuệ, nó cũng đi ngược lại với điều cốt tủy tối quan trọng trong nền văn hóa và tư tưởng phương Tây, đó là tinh thần sáng tạo. Nói một cách khác, chính bởi học phương Tây, cho nên cần phải dũng cảm vượt qua phương Tây. Đây cũng chính là một bài toán quan trọng đặt ra trước mắt giới trí thức châu Á chúng ta.

Xin cảm ơn nhà văn về những câu trả lời rất thú vị và sắc bén. Kính mời ông một dịp gần đây ghé qua Việt Nam chơi, thăm thú phong cảnh, uống trà và đàm đạo chuyện văn chương nhiều hơn nữa.

– Xin hết sức cảm ơn nhà báo và dịch giả!

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)