Không gian Nguyễn Sơn: Hoàng kim-đầu hộp-trẻ con

Nghệ thuật cũng là một network kết nối những thứ không liên quan gì với nhau, hay đó chỉ là một triết lý thẩm mỹ riêng của nghệ thuật đương đại, contemporary art - một hiện tượng toàn cầu đồng thời buộc phải có đặc sắc cá nhân và địa phương ? Những câu hỏi phức tạp đến khi ta đứng giữa các bức tranh của Nguyễn Sơn, to, sặc sỡ như được vẽ ào ạt, ngẫu hứng, bất kỳ. Có gì kết nối một khúc nhạc buồn-blues-màu lam của mắt đêm trữ tình ‘muôn năm cũ’ với những thứ ăn được xô bồ gợi cảm và thô tục? Giữa con mắt ai đó trợn trừng và cuộc sống bí ẩn trong ống nghiệm? Giữa các chú tễu đầu hộp dâng rượu và các cô thời trang cũng đầu hộp? Giữa những hạt gạo thật, bàn tay bị đóng đinh trong tranh sơn dầu và những móng chân móng tay thật được in lại đỏ chót thách thức trên giấy ảnh? Nếu thực tại được phản chiếu lên một tờ giấy phẳng thì ‘chúng’- tờ giấy và thực tại ấy - đều bị gập đi, gập lại mấy lần, thành một không gian với những phản chiếu, tương tác, một thế giới hoàn toàn không phẳng

Ta đi xem những thằng người đất xem tranh, ta to hơn đám người đất nhiều lần, “chúng” to hơn bức tranh và bức tranh thực lại to hơn ta gấp bội. Các tỷ lệ đảo lộn qua kết hợp tranh – sắp đặt – và ảnh digital. Và giữa tất cả cái network-mỹ thuật ấy là âm nhạc và hình ảnh động, trong gian triển lãm và trong đầu ta.
Kỷ nguyên vàng – thời hoàng kim – thời kim tiền, bức tranh chủ của triển lãm kềnh càng và sặc sỡ, như cổ động chính trị và hoạt hình giải trí. Trẻ con là các nhân vật chính, làm chủ tất cả, hoàn toàn – như một ám thị hài hước hay một sự thơ ngây quá trớn vừa đáng yêu vừa đáng sợ? Móc nối cái gì rất hằng ngày, rất thực tế với những dự cảm hoang mang thậm chí hoảng loạn? “Ông chủ mới” có vóc dáng một thủ lĩnh bộ lạc với một cái hộp rỗng trên đầu rất nghiêm và gương mặt ‘tiểu hoàng đế’ vừa ngu ngơ vừa oai vệ. Quảng cáo, thời trang, hoạt hình và tranh truyện chẳng phải những thứ ngây ngô, oai vệ, hào nhoáng

Khơi nguồn

và đầy quyền lực trong xã hội tiêu thụ đương đại sao. Nguyễn Sơn giễu nhại cái trữ tình lỗi thời (bằng kết hợp ngôn ngữ hội họa siêu thực với pop-art) như các nhà thơ đương đại giễu nhại vầng trăng – mà thực ra chỉ là một hòn đá khổng lồ xấu xí cứ lẽo đẽo quanh quanh chúng ta. Tác giả sẽ cất tiếng hát ru đưa sự hồn nhiên tân kì của tâm hồn trẻ nít hay khản tiếng cảnh báo về nguy cơ vô cảm và bạo lực. Người nghệ sĩ muốn đưa tới ta thông điệp về sự mạnh mẽ tự tin thái quá của đám đông đáng sợ hay lời cảm thông với mỗi cá nhân quá yếu đuối và cô đơn. Kỷ nguyên vàng với các cái đầu hộp (đóng gói sẵn để giao hàng) và những đứa bé con bằng nét, màu và bằng đất sét. Nếu cứ triết lý mãi sẽ quá đà!
Nguyễn Sơn mời ta vào một không gian tương tác hơn là tới ‘xem tranh’ theo thói trưởng giả cổ điển.Thích thú hay khó chịu thì hoang mang tự vấn vẫn là cảm giác có thật. Và đó là hiệu ứng thức tỉnh hay thanh lọc cần có của nghệ thuật.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)