Không gian và tâm thức nghệ thuật

(Nhìn từ một vài biểu hiện của không gian nghệ thuật trong văn hoá phương Đông) Không biết từ bao giờ văn chương đã phải thoả hiệp hay du nhập và cuối cùng là bổ khuyết vào cái hành trang (vốn chỉ ưa gọn nhẹ) của mình một người bạn đồng hành là không gian. Không gian - nơi mở đầu và không bao giờ khép lại những đau đáu nghệ thuật.


Không gian kẻ đối nghịch với sự tận cảm của người cầm bút:

Trong khoa học tự nhiên không – thời gian là một khái niệm “kép” được nhận diện như sau: ” Không – thời gian là một mô hình toán học gộp không gian 3 chiều với thời gian 1 chiều (chiều thứ tư) để tạo thành một cấu trúc thống nhất gọi là continuum không – thời gian“. Tuy nhiên với cảm quan của người nghệ sĩ phương Đông thì nó không hoàn toàn là như vậy mà đơn giản chỉ là hai trục tung hoành với đầy những trăn trở. Thời gian của tạo vật là một vòng tuần hoàn cố hữu và vô cảm, là bánh xe pháp luân cuốn cả thế giới theo vòng quay của hữu. Đây là một chu trình khép kín, không ai (dù là một cá nhân siêu việt nhất) có thể thoát ra ngoài vòng quay của thời gian ấy. Những kẻ tự thức đó tự biết mình là hữu hạn, là một đoạn đứt gãy trong vòng tròn ấy đã tìm cách xuyên thủng “vòng kim cô” thời gian bằng muôn vàn sự ký thác tâm trạng (xem thêm Trần Trọng Dương tài liệu đã dẫn). Vậy là đời người với khoảng ước lược “trăm năm” chỉ là một mũi tên, vẫn cố vươn thẳng trong ” chớp mắt” để rồi cuối cùng vẫn phải uốn theo vòng tròn tạo hoá kia. Thế nhưng trên mũi tên ngắn ngủi và bé nhỏ ấy vầng hào quang toả ra từ dũng khí của mũi tên cũng đủ làm kẻ văn nhân kia vững bước. Cuộc đời họ âu cũng chỉ là cuộc làm xiếc trên một con đường nhỏ trên một mũi tên ấy. Bị vầng hào quang dũng khí nhập vào hồn và viết: Mải đi về phía mặt trời/Bẵng quên cái bóng rối bời sau lưng (Không đề – Trương Thiếu Huyền). Trục hoành (ngang) thời gian đã ngắn ngủi lại trống trải để có thể nhận ngay ra ta thường xuyên là kẻ đơn độc:  Trước không thấy người xưa / Sau nào đâu hậu thế ; Trước sau nào thấy bóng người… Trong khi đó trục tung (dọc) không gian lại là những chứng giám lạnh lùng và vô cảm. Nó vừa là những vật chứng để người ta gửi vào đó những tham vọng chinh phục lại vừa chắn ngang đường, chặt đứt đoạn những giấc mơ trường tồn của tham vọng sáng tạo. Nhà thơ đời Đường, Vương Chí Hoán đã thất thế với thời gian (của trục tung): “Bạch nhật y sơn tận/Hoàng hà nhập hải lưu” – (Bóng nắng tắt sườn núi /Sông Hoàng nhập biển khơi) đành chạy đua bằng con đường của không gian trong tham vọng đăng cao phổ biến trong thời đại ấy: “Dục cùng thiên lý mục/Cánh thướng nhất tằng lâu” – (Muốn phóng hết tầm mắt / Hãy lên thêm một tầng lầu)

Bao giờ cũng vậy, bước vào thứ không gian nào phải tuân thủ luật chơi của thứ không gian ấy (chữ chơi ở đây nên được hiểu là sự tham dự vào). Người ta đã khẳng định văn học với không gian topos (với các chiều trên/dưới, sau/trước, phải/trái của nó) chứ không phải kiểu siêu hình học Euclid đã tạo cho văn học những giá trị biểu cảm rất lớn. Tham dự vào sân chơi này người đọc không cần quan tâm đến những logic về chất lượng của nó mà chỉ cần biết cái kề cận với nó, cái đang che chở và nâng đỡ nó là như thế nào. Để rồi từ những chiều ấy, từ những cánh cửa vô hình này rất nhiều điều được gợi mở. Chàng thi sĩ Thơ mới Huy Cận vẫn giữ được vẻ Á Đông trong những câu thơ của mình là như thế: Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu. (Tràng Giang). Với một trí thức Tây học không gian ba chiều với nắng xuống – trời lên – sông dài, trời rộng đã được thuần thục trong cảm thức. Bầu trời nồng nẫu của phương Đông sau khi đã được trấn an bằng những thần thoại và triết lý của bản địa đã chuyển sang cái màu xanh ngắt, lơ lửng tầng mây của xã hội nông nghiệp: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao. (Nguyễn Khuyến) giờ lại được khám phá lại bằng con mắt khám phá và khái quát luận thuyết phương Tây từ chính những người trẻ tuổi trong buổi đầu canh tân ấy. Tuy nhiên với Huy Cận, bước vào Tràng giang để thành công thi sĩ phải tuyệt đối tuân thủ sự khắt khe của luật chơi là tuyệt không được đả động đến chiều thứ tư là thời gian để bài thơ có được vẻ cổ kính của không gian thiêng, của các dòng sông mẹ. Dù biết đấy với “tiếng làng xa vãn chợ chiều”, “củi một cành khô”… đã gợi cái nhìn mới mẻ của thơ ca 30-45 rồi nhưng không ai dám mặc nhiên thừa nhận. Phải thật sành với những chiều kích của Đường thi mới nhận ra một điều là lạ ấy là “Bến cô liêu”. “Muôn năm cũ” của Vũ Đình Liên là “mực tàu giấy đỏ”, là ông đồ, còn cái của ngày hôm nay là cái héo tàn của xác chữ: “Giấy đỏ” không buồn “thắm”, cái mất của hôm nay là “ông đồ” là đã thành chuyện ông đồ: “ông đồ xưa” (xưa hoá ông đồ). Ở đây cũng vậy, trời nước biệt ly, sông dài, trời rộng là chuyện muôn đời nhưng bến là bến đợi, là dấu ấn của thời gian, ghi nhận thời điểm hiện tại. “Bến cô liêu” không còn là bến buồn mà phải là sự “bến hoá” sự “cô liêu” ấy, hay nói đúng hơn là tác giả đã hiện tại hoá nỗi buồn ấy. Như vậy tác giả đã gắn cho cảnh chiều một véctơ thời gian vô hình mà vẫn “chơi”đúng luật với Tràng giang. Tuy nhiên cách viết ấy gợi một sự day dứt quá bởi những chiều kích của không gian đều phát triển ra muôn hướng mà thời gian đành ngậm ngùi đứng lại. Bởi thế mà không gian luôn là một đối lập nghiệt ngã.

Không gian với sự hoà hợp và nâng đỡ:

 
 
Tranh: Bửu Chỉ

Lâu nay chèo cổ cũng đang bị sân khấu hoá. Chiếu chèo sân đình đã bị đưa lên sân khấu, khán giả đã bị loại ra khỏi cuộc chơi này và thay vào đó là đèn màu và các qui ước về không gian. Chính vì thế trong quan niệm của nhiều người, chèo đã bị định danh theo kiểu sân khấu phương Tây để bắt buộc phải nghiêng về bi hoặc hài, rồi từ đó như một cái cây khô héo và mất vị trí trong đời sống tinh thần. Mấy ai hay xưa kia, khi còn là chiếu chèo của văn hoá làng nó là đại diện của một thứ không – thời gian rất đặc biệt. Tư duy cảm tính của con người trong xã hội nông nghiệp phải chăng đã ngưng kết ở chèo. Chiếu chèo là một khoảng không gian được đặt trong một môi trường diễn xướng trực tiếp. Ở đây người xem đã thâm nhập vào hậu trường của buổi diễn, tham gia trang điểm, dựng nên các vai chèo. Khi buổi diễn được tiến hành họ cũng tham gia đối đáp, chêm lời và bình phẩm. Nói đúng hơn là một cách “ghẹo” rất có nghề bởi chính những người làng ấy là chủ nhân của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Chiếu chèo luôn bị xâm lấn, ôm ấp bằng sự tiếp nhận và thêm bớt độc đáo đó nhưng không bị “vỡ” kịch bản, các đường ranh giới ước lệ vẫn được những con người chân lấm tay bùn ấy tôn trọng và nâng đỡ không hề bị mất thiêng. Phải nói rằng các triều đại vua chúa, những thân phận lỡ dở trong các vở diễn đó thì lúc nào cũng quá xa xôi (dù làng quê xưa vốn đã rất ít đổi thay) và đặc biệt là thứ không gian ước lệ là manh chiếu làng dễ tạo cho ta cảm giác về một thứ không gian trường tồn. Các cụ già bạc phơ râu tóc lại rưng rưng khi được xem lớp cháu con diễn lại các tích trò từ khi là cậu bé tóc để chỏm. Bí quyết để có được sự kì diệu đó là bởi những nghệ sĩ – nông dân của chúng ta luôn biết cách giải thiêng để làm mới các tích trò, làm mới chiếu chèo muôn đời bằng thứ tình cảm của con người ngày hôm nay. Sức mạnh của sự giải thiêng đó được lưu truyền đến cả khi chèo thực sự khô héo trên sân khấu hiện đại, ta vẫn tìm thấy một chàng trai quê đa tình và tinh quái:

Ở ngoài sân diễn là đâu

Cửa trước thì đóng cửa sau thì mời                                                                                             

Bão đâu ở tận cuối trời

Em là nắng của một thời còn mưa

(Nguyễn Hưng Hải)

 
 

Sau hàng ngàn năm chúng ta nâng niu và trân trọng những giá trị truyền thống nhưng có lẽ đã bỏ qua một chi tiết khá quan trọng: Dù là tự phát hay cảm tính nhưng ông cha ta xưa đã chạm đến những mức độ khác nhau của triết học, tư tưởng và cảm nhận được hai bình diện không gian và thời gian. Những phát hiện ấy đã dẫn đến một suy xét khá quan trọng: Vòng tuần hoàn của tháng năm như nhịp ru đều đặn vẫn không thể giấu nổi một hình hài lớn lên, già đi và vắng bóng. Triết học và các tìm kiếm y học là một hướng tìm tòi đến sự vĩnh cửu, còn trong khi đó văn nghệ dân gian lại là một sự khắc chế khác với quy luật nghiệt ngã của thời gian. Lấy nhu thắng cường, khuyến thiện chừng ác là những phương thức quyền biến của phương Đông được vận dụng để gìm dây cương “con tuấn mã thời gian” không khi nào biết chồn chân mỏi gối. Sự cách điệu hoá một thế giới, một vũ trụ, một kiếp người… vào các môi trường diễn xướng ấy cũng không nằm ngoài những khát vọng như thế.

Có người nói rằng suốt một dải từ Trung Cận Đông đến Nam Mỹ qua đường Đại Dương đều cần có một nạn hồng thuỷ nào đó trong kho tàng dân gian của họ để giải quyết một lý giải về nguồn gốc hình thành tộc người. Điều này được thể hiện ra bằng thần thoại, bằng những “mảnh vỡ hoàn hảo” của thần thoại trong các áng sử thi sáng thế. Sau này nó còn được lưu lại ở mức độ nhất định trong ngôn ngữ. Bởi đứng từ góc độ bản thể luận thì ngôn ngữ bao giờ cũng là sự ý thức về tồn tại: “Trong ý thức ngôn ngữ tồn tại không phải là một thế giới khách quan như đôi khi ta vẫn tưởng thế, mà là một thế giới chủ quan, thế giới của các hình ảnh, biểu tượng… đã được “con người hoá”” – (Hai hình thức phản ánh và hai cách nhìn không gian trong ngôn ngữ – PGS..TSKH Lý Toàn Thắng). Nhưng một điều thú vị khác lại nảy sinh là từ cách lập ngôn cho thuở “khai sinh lập địa” của dân tộc mình lại bộc lộ những quan niệm về không – thời gian và tâm thức của mỗi thời đại được trưng cất qua những cấp độ xây dựng thế giới siêu nhiên tưởng tượng ấy. Xưa nay vẫn có một cách để phân biệt giữa thần thoại phương Đông và phương Tây đơn giản là: Phương Đông nghiêng về thần hoá, kể cả với các nhân vật có thật. Trong khi đó phương Tây lại người hoá triệt để ngay cả các phép thuật của các vị cũng chỉ là những biểu hiện tình cảm được cường điệu hoá mà thôi như ghen thế này, đẹp đến thế kia… Tuy nhiên khi đọc lại sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường (đầu đề hoàn chỉnh là: Tẹ tat – tẹ đạc; cọn chu – keo lọi; toọc moong) và để ý kỹ phần thần thoại trong đó (chất thần thoại là nơi ta có thể nhận ra tâm thức dân gian khá rõ) lại khiến cho chúng tôi rất bất ngờ. Một thế giới với mối quan hệ của ba anh em TA CAI, TA CAN và YA KIT và sự trừng phạt của BUA BLOI thông qua THIEN LOI và nữ thần NANG A TĂNG  đã để lại những dấu hiệu về một xã hội với những đột biến tâm trạng của các nhân vật khá hiện đại. Xin nói thêm rằng khái niệm hiện đại ở đây không dựa trên sự “tráng men” mà để chỉ mức độ phát triển trong tư duy và cảm quan mỹ học (tất nhiên ở đây còn rất nguyên hợp). Trở lại với mục đích tìm kiếm tâm thức dân gian về không gian như vừa nêu trên thì cả Mường TrờiMường Bằng trong sử thi ấy đều là hiện thân của một mã không gian rất độc đáo đó là mường. Lâu nay các sáng tác của các tác giả văn học viết hiện đại đều hướng đến mã không gian này bằng một sự linh cảm và tình yêu nguồn cội:
 

Mẹ ngồi xếp bằng tròn giữa cửa

Ngó ra đồng cái, đồng con

Nơi gần – mặt lúa xanh ai nhuộm?

Nơi xa – mặt ruộng phẳng ai bày?

(Hoa trong mường – Vương Anh)

Hay ở đây là sự vượt thoát ra khỏi tiểu không gian của mình, giữa trời đất mênh mông nhưng nhân vật trữ tình tự trở thành tiêu điểm hướng tâm, thấy mình bơ vơ lạc lõng:

Băng qua những đồi hoa không kịp hái

Đến với cánh đồng lúa đã gặt xong

Đàn trâu mải mê với những gì còn lại

Chợt nhân ra ta, tay cầm hái giữa đồng.

(Giữa đồng – Đinh Đăng Lượng)

 
 
Tranh: Bửu Chỉ

Trong bài viết này người viết không có ý định đồng nhất mã không gian này với nguồn gốc tên gọi của một dân tộc mà chỉ đi sâu vào lý giải sự hoà hợp giữa các chiều không gian và thời gian của mã ấy. Trong “sân chơi” này “luật chơi” của tâm thức nghệ thuật rất uyển chuyển nhưng cũng cần một sự tuân thủ chặt chẽ. Theo chúng tôi bản chất của mã không gian ấy được thể hiện trên ba điểm sau để tạo nên sức thành công cho các tác giả hiện đại: Thứ nhất:  không gian và thời gian đã được kết hợp hài hoà bởi đường ranh giới mang tính chất văn hoá và bản địa. Trên giới tuyến ấy là sự mềm mại như đường chỉ hoa văn để giữ gìn những giá trị tốt đẹp truyền thống. Thứ hai: Con người luôn được quan niệm như là một sự sinh thành tất yếu của các giá trị văn hoá bản địa, từ đó có thể soi chiếu đến các thân phận con người trong cảm quan tôn giáo. Chính nhờ điều này mà ta có thể đưa mọi giá trị vào cùng một hệ quy chiếu mà không va chạm phải một sự khập khiễng nào về địa giới văn hoá:

Đất này, anh vừa qua mường Vó

Ruộng đó, anh vừa đến mường Vang

Anh chớp mắt., mắt cứ ngỡ ngàng

Nhìn quanh quanh đồng mường chóng mặt

Anh nhìn đất, đất nâu hoá mật

Anh nhìn đường, nhựa phẳng hoá lụa tơ

(Cơm mường Vó, lúa mường Vang – Vương Anh)

 

Không có mã không gian này trong tâm thức nghệ thuật nhưng không gian của một làng Hiếu Lễ nơi địa đầu đất nước cũng giúp Y Phương tìm thấy một nét tương đồng nào đó:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

(Nói với con)

Giải thiêng

Và có lẽ cũng là điều quan trọng nhất trong tâm thức nghệ thuật của mỗi người phải tự giải thiêng được chính những giá trị mà mình đang có để nó được trường tồn. Sự giải thiêng là việc luôn làm mới, ta thử đặt một câu hỏi: Nếu Đẻ đất đẻ nước không có những yếu tố rất người thì nó sẽ trở nên khô cứng, liệu còn giữ được sức lối quấn nữa chăng. Giải thiêng xét ở phương diện nào đó chính là phương thuốc bí truyền mà ông cha ta tìm cách khắc chế lại sự nghiệt ngã của thời gian để trường tồn cùng không gian vĩnh cửu. Tâm thức (chữ thức thiên về lý trí) là thứ lý trí của những rung cảm trước vũ trụ và tạo vật. Tâm thức cũng là sự đón nhận một đối cực của nó là tình cảm của truyền thống đời muốn dìu dắt ta đên với những giá trị cao đẹp nhất. Vậy thôi!

Bùi Việt Phương

Tác giả

(Visited 36 times, 1 visits today)