Không gian xanh cho phố cổ
Sự khác lạ và độc đáo của phố Cổ sẽ còn cần những nghiên cứu cao hơn cả tính khoa học, song điều chắc chắn không phải thành phố đẹp và cổ  nào cũng tạo nên được một không gian giao hòa thân thiện Con người - Thiên nhiên như phố Cổ Hà Nội.
Sự tổng hòa các yếu tố của mặt tiền phố Cổ đã tạo nên một không gian giao hòa tương tác (interfacing) giữa người và thiên nhiên thân thiện đến mê hoặc chính là cái giá trị nhất của phố cổ. Không gian tương tác này đôi khi tạo trong ta một cảm giác như hòa tan, quyện vào không gian phố Cổ, như lặng đi, đôi lúc dường như ta nghe được tiếng kim đồng hồ thời gian rành rọt từng khắc và con người xuất hiện trong bối cảnh phố Cổ như chợt bước ra từ một không gian khác lạ cổ xưa… Sự khác lạ và độc đáo của phố Cổ sẽ còn cần những nghiên cứu cao hơn cả tính khoa học, song điều chắc chắn không phải thành phố đẹp và cổ nào cũng tạo nên được một không gian giao hòa thân thiện Con người- Thiên nhiên như phố Cổ Hà Nội.
Nói về không gian phố cổ, điều đầu tiên chính là sự hài hòa của một gam màu vàng rất đặc trưng của các bức tường mặt tiền cùng với những ô cửa sổ hay cửa chớp màu xanh như những “hàng mi” e ấp… Cũng theo tiêu chí này, màu sắc của Tháp Rùa – đề tài tranh cãi một thời – đáng lẽ phải được đặt trong khung cảnh màu sắc truyền thống của Hà Nội cổ. Như thế, màu sắc phù hợp nhất của Tháp Rùa trong con mắt Hà Nội hẳn phải là màu xanh rêu phong như một thời nó đã có, chứ không thể là màu xám như hiện nay.
Thêm nữa, việc lát một số vỉa hè quanh Hồ Gươm bằng loại đá dày cỡ 40×40 có màu cá ươn cũng góp phần làm hỏng cảnh quan cổ kính nơi đây. Trên quan điểm môi trường, việc lát đá còn làm cho nhiệt độ của Hà Nội nóng lên ít nhiều giống như hiện tượng tỏa nhiệt về chiều của núi Bà Hỏa, thành phố Qui Nhơn; hay gần hơn là trường hợp tự tỏa nhiệt của sân Gôn Phượng Hoàng như nhiều gôn thủ thường kêu ca.
Ngay tại Bruxelles – thủ đô nước Bỉ, các công trình cải tạo và sửa sang trong khu phố cổ đều phải tuân thủ một qui định cực kỳ ngặt nghèo – muốn sửa gì thì sửa nhưng phải giữ nguyên cho thành phố “mặt tiền của những ngôi nhà, những lâu đài như hiện có trước khi sửa”.
Với sự phát triển đa dạng của các phương tiện xây dựng thời hội nhập, thật đáng tiếc không ít phố cổ Hà Nội đã mất đi cái hồn do sự xuất hiện của những mặt tiền, cửa sắt cuốn, rồi gần đây là xu hướng nhôm kính hay hiện đại hơn là Eurowindow hóa… Từng bước, từng bước một, bắt đầu từ những yêu cầu về kinh doanh, về cải thiện môi sinh…
Đã là người sống tại khu phố Cổ, không ai không thấu hiểu sự bất tiện của các công trình vệ sinh một thời. Cũng không ai không thừa nhận sự ô nhiễm và thiếu thốn khí trời một cách trầm trọng do mật độ dân cư dày lên theo năm tháng, cộng thêm với sự phát triển thương mại mang tính ‘bán lẻ và bán buôn’ theo truyền thống hội, phường đã làm cho sự chật chội của phố cổ không ngừng tăng lên.
Phải chăng, sau khi đã xác định được yếu tố chủ chốt để bảo tồn phố cổ là bảo tồn không gian mặt tiền thì việc tiếp theo của các nhà quản lý là hãy tính đến việc giải phóng không gian mặt sau của các phố cổ? Nếu chọn cách này thì giải pháp tạo không gian xanh cho mặt sau các phố cổ là hết sức thiết thực. Tùy theo tính chất kiến trúc và địa lý của từng dãy phố cổ cụ thể, không gian xanh mặt sau phố cổ có thể bắt đầu từ 15-25m, tính từ mặt tiền. Đó có thể là các công viên liên thông quy mô bằng những dãy phố nhỏ chỉ dành riêng cho người đi bộ. Việc làm này không hề phá đi cảnh quan phố cổ mà còn giải quyết căn bản vấn đề nâng cấp cuộc sống cho ít nhất 50-70% cư dân phố cổ.
Phương án phát triển tại chỗ một không gian xanh vừa cải thiện cuộc sống của người dân, vừa phục vụ cho du lịch sẽ là một trong những lời giải có tính khả thi cho việc bảo tồn phố cổ bởi không ai có thể bảo tồn phố cổ bằng sự đồng thuận và sự đầu tư của mỗi cư dân nơi này.