Khủng bố sinh học của tự nhiên Phần 3: Cúm chim và SARS

Khi Tommy Thompson, trưởng ban Con người và Sức khỏe của chính quyền Bush tuyên bố từ chức, ông đã cảnh báo rằng, dịch cúm chim là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một "ước tính dè dặt" là, sẽ có khoảng từ hai đến bảy triệu người chết và một tỷ người nhiễm bệnh trong một trận dịch như thế.

Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm ở Đại học Minnesota cũng đã thực hiện những tính toán dựa trên tư liệu về nạn dịch năm 1918. Áp dụng cho mức dân số và trình độ y tế hiện nay, Osterholm đã thu được kết quả là, ít nhất 180 triệu người sẽ chết trong một trận dịch có mức độ nguy hiểm tương đương với trận dịch 1918. Shigeru Omi, quan chức WHO phụ trách khu vực châu Á cũng đã đi đến những kết luận tương tự. Theo ông, một trận dịch H5N1 có thể gây nhiễm cho 25% – 30% dân số thế giới. Thiệt hại về kinh tế có thể lên tới 10 tỷ USD.
Robert Webster, trưởng khoa virus học Bệnh viện St. Jude ở Memphis đã nghiên cứu về bệnh cúm chim trong nhiều thập kỷ. “Đây là loại virus tồi tệ nhất mà tôi từng biết,” ông nói với tôi. “Chúng ta phải chuẩn bị đối phó như thể sắp có chiến tranh. Loại virus này đúng là một kẻ khủng bố sinh học của tự nhiên. Nếu tôi sai thì nhờ Chúa mà chúng ta gặp may mắn. Nhưng nếu điều đó thực sự xảy ra thì tôi dám chắc rằng sẽ không còn nơi nào cho chúng ta lẩn trốn, cho dù là ở Mỹ, ở châu Âu hay bất cứ nơi đâu”.
 

Các trận dịch có vẻ như vẫn xảy ra theo chu kỳ ba mươi hoặc bốn mươi năm. Hồng Kông, thành phố có mật độ dân đông nhất thế giới vẫn thường trở thành một cái ổ truyền dịch. Năm 1894, một dịch bệnh đã giết chết hơn một trăm nghìn người ở đây sau khi đi qua Trung Quốc. Hai trận dịch cúm từng tràn ra thế giới 50 năm về trước cũng lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, sau đó là Hồng Kông. Năm 2003, SARS cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, sinh sôi ở Hồng Kông và sau đó phát tán ra thế giới. Ngày 21/5/1997, ba mươi năm sau một đại dịch, một cậu bé 3 tuổi ở Hồng Kông chết vì cúm. Khi nghiên cứu mẫu bệnh phẩm, các bác sỹ đã nhận thấy rằng loại virus gây bệnh có vẻ hơi lạ. Rõ ràng nó là virus cúm, nhưng không phải là chủng cúm mà các nhà khoa học Hồng Kông đã biết. Họ đã gửi mẫu đến các trung tâm nghiên cứu ở Anh, Hà Lan và CDC (Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch) ở Atlanta. Phải mất đến ba tháng để các chuyên gia ở những viện này có thể thống nhất về kết quả quan sát qua kính hiển vi. Nó là H5N1, trước đó được coi là chỉ ảnh hưởng đến gia cầm. Bởi vì những người nông dẫn tiếp xúc với gia cầm ốm hàng ngày vẫn không có biểu hiện bị bệnh.
Ngay khi chủng được nhận diện, Keiji Fukuda, trưởng khoa dịch tễ ở CDC đã đến Hồng Kông. Hiểm họa bệnh làm ông lo lắng, nhưng đối với ông đây cũng chính là cơ hội để nghiên cứu về một bí ẩn y học có thực. Làm thế nào mà virus đó có thể gây bệnh đối với một đứa trẻ 3 tuổi? Fukuda và các cộng sự đã dành một tháng ở Hồng Kông, xem xét tất cả những bằng chứng nhỏ nhặt nhất mà họ có thể tìm thấy. Nhưng họ đã không tìm thấy dấu hiệu nào khác chứng tỏ virus đã biết tấn công con người. “Thậm chí nó có vẻ không gây bệnh cho một người nào nữa, thành ra chúng tôi coi đây là chỉ là một trường hợp hi hữu”, Fukuda đã nói với tôi khi tôi đến gặp ông ở Atlanta. “Điều này khá bí ẩn và hơi rùng rợn,” ông nói với tôi. “Nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng, trường hợp xảy ra với cậu bé là duy nhất và hiện tượng này sẽ kết thúc ở đây”.
Nhóm khảo sát trở về Mỹ và tập trung sang công việc khác. Nhưng đến cuối năm đó, một người đàn ông 44 tuổi lại phải vào viện vì cúm chim, đến ngày 5/12 thì chết. Fukuda trở lại Hồng Kông. “Tôi thực sự ngạc nhiên trước hành tung của loại virus này – có thể các gene của nó đã trộn với các gene của người và nó đang di chuyển tự do từ người này sang người khác. Lúc ngồi trên máy bay, tôi đã chợt nghĩ, nếu điều này thực sự xảy ra, lạy Chúa, chúng tôi đến đây vì cái gì vậy?” Đến cuối tháng 12 năm 1997, đã có 18 người ở Hồng Kông bị nhiễm bệnh, 6 trong số họ đã chết – một tỷ lệ tử vong cao đáng kể. Các nhà nghiên cứu đã không thể hiểu được virus tấn công con người bằng cách nào. Trước đây, các nhà khoa học đã tin rằng, những đột biến như vậy đòi hỏi các cơ thể trung gian, chẳng hạn như các cơ thể lợn để làm nơi trộn gene. Những hiện tượng mới này lại cho thấy rằng H5N1 không cần vật chủ trung gian. Dường như là virus đã có khả năng di chuyển trực tiếp từ loài chim sang loài người. “Tôi không biết tại sao tôi lại nhớ điều này”, Fukuda kể cho tôi nghe về một chuyện xảy ra ở Hồng Kông. “Giáng sinh năm đó là vào một ngày thứ năm. Đó là một ngày rất tồi tệ. Có quá nhiều người bị ốm. Cả thành phố đã chìm trong một bầu không khí thật kinh khủng”,
Fukuda đã nói rằng, chỉ có những biện pháp thật quyết liệt mới có thể dập tắt được dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp Hồng Kông cũng đồng ý với điều đó khi nhận thấy rằng virus đang lây lan nhanh trong các chợ gia cầm của thành phố. Có rất nhiều loài chim được nuôi trong nhà và bán ngoài chợ, đây là một môi trường lý tưởng để các gene từ các virus khác có thể trộn lẫn với virus cúm và gây đột biến. Ngày 29/12, các quan chức thành phố bắt đầu ra lệnh giết toàn bộ gà ở Hồng Kông. Một triệu rưỡi con chim đã bị giết, khử trùng và chôn xuống đất. Quyết định được đưa ra khá mạo hiểm, nhưng có vẻ như nó đã có hiệu quả. Không có thêm ai bị ốm nữa và nhiều chuyên gia sức khoẻ cộng đồng đã tin rằng việc tiêu hủy các loài chim ở Hồng Kông đã ngăn chặn được một dịch bệnh khủng khiếp. Trong vài năm sau đó, không có thêm báo cáo nào về việc virus cúm chim gây bệnh cho người; một số người thậm chí còn đủ tự tin để hy vọng rằng H5N1 đã bị đánh bại. Fukuda thì không chắc chắn được như thế. Ông vốn là người hiểu rõ về mức độ nguy hiểm tiềm tàng của những bệnh truyền nhiễm. Đến đầu năm 2003, những lo sợ của Fukuda đã được xác nhận. Lại có một cậu bé 9 tuổi cùng với người bố của cậu phải vào bệnh viện ở Hồng Kông vì cúm chim. Cậu bé đã sống sót nhưng cha cậu thì không qua khỏi.                        
Cũng trong tháng đó, đội phản ứng nhanh WHO bắt đầu nhận được những báo cáo về “một căn bệnh truyền nhiễm lạ lùng” đã tấn công khoảng hai chục người ở tỉnh Quảng Đông, tiếp giáp với Hồng Kông. Một tháng trước đó, những con ngỗng cũng đã đột nhiên lăn ra chết trong một vài công viên ở Hồng Kông. Klaus Stohr ở WHO đã tham gia vào một cuộc họp ở Bắc Kinh để giúp Trung Quốc xúc tiến một chiến dịch tiêm phòng cúm quốc gia. Stohr đã ngày càng tỏ ra hoang mang khi nhận những báo cáo về bệnh dịch ở nhiều tỉnh. Trong cuộc họp, một quan chức đến từ Quảng Đông đã đứng dậy và thông báo về sự bùng nổ của một dịch cúm bất thường. Mọi người đang lần lượt tử vong và họ khó có thể biết được cụ thể nguyên nhân vì sao. Một tháng sau đó. Stohr nói với tôi: “Chắc chắn H5N1 đã quay trở lại theo đúng như những gì mà chúng ta đã lo ngại. Nó là cơn ác mộng lớn nhất của chúng ta – và của cả thế giới”.
Căn bệnh mà người Trung Quốc đang lo lắng lại hóa ra là SARS. Nhưng sự nhầm lẫn đó là không thể hiểu được. Những triệu chứng đầu tiên của SARS dường như rất giống với những triệu chứng của bệnh cúm. Và không ai mong đợi loại virus hoàn toàn mới này. Toàn bộ Hồng Kông đã phải trải qua một cú sốc về kinh tế, xã hội và tâm lý. Sau mỗi lần chở khách, những tài xế taxi đã khử trùng toàn bộ xe của họ và treo một cái biển ở bên ngoài xe viết rằng: xe đã được khử trùng hoàn toàn. Số người đi tàu điện ngầm giảm xuống nhanh chóng. Những người đủ can đảm để sử dụng hệ thống giao thông này thì đều đeo một cái bịt mặt màu trắng. Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả các cửa hàng trong thành phố đều bán hết sạch thuốc khử trùng tay và khăn bịt mặt. Các nhà hàng và khách sạn hoặc là đóng cửa hoặc là gần như không có khách. Hệ thống truyền thông liên tục phát đi những báo động về đại dịch. Lần này là lần đầu tiên WHO đưa ra một báo động toàn cầu, khuyến cáo mọi người không nên đến Hồng Kông và Giang Đông trừ khi không còn lựa chọn nào khác. Các ngành kinh tế thiệt hại đến hàng tỷ USD, ngành du lịch dường như biến mất. Đại dịch đã đẩy thành phố đến bên bờ của sự suy thoái lần thứ ba trong vòng một thập kỷ.

P.V

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)