Kiến trúc đô thị (Kỳ 2): Bản sắc của đô thị
Mỗi con người, mỗi nơi chốn đều cần có một bản sắc (hoặc cá tính - identity) để chứng minh sự hiện hữu độc nhất của mình, sự độc lập của cá thể giữa cái toàn thể của vũ trụ. “Mọi nơi, mọi lúc, ta liên kết với hiện hữu theo nhiều các khác nhau, nhưng bản sắc (đặc tính) sẽ làm cho chúng xác nhận theo ta”[1].
Đô thị là một nơi chốn, và nó cần phải tạo dựng được sự đặc sắc của mình giữa hàng nghìn các đô thị khác trong quá trình đô thị hóa chóng mặt hiện nay, nó phải khẳng định là một điểm đến đặc biệt, không giống bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Không có bản sắc, chúng ta sẽ chỉ có tập hợp các công trình vô hồn chứ không thể có một đô thị đáng sống, một đô thị có dấu ấn đặc biệt trong lòng mỗi người. Không có bản sắc, chúng ta cũng không thể xây dựng thương hiệu cho đô thị, cũng như rất khó để tập hợp và thu hút các nguồn vốn tài chính và nguồn vốn văn hóa xã hội, nhằm gia tăng giá trị và sức cạnh canh của đô thị.
Bản sắc nơi chốn là thứ rất khó nắm bắt và xác định, nó không dễ dàng tóm gọn lại và cũng không thể phân tách thành các giá trị khác nhau – nó không cố định thường xuyên, nhưng cũng không luôn luôn biến đổi. Có hai cấp độ thể hiện bản sắc nơi chốn nói chung và bản sắc đô thị nói riêng là: bên trong (insideness) và bên ngoài (outsideness). Bên trong là thuộc về nơi chốn, là sự trải nghiệm và cùng tạo bản sắc với chính nó. Bên ngoài là sự nhận diện, bao quát nơi chốn từ một khoảng cách, là sự cảm nhận về nơi chốn. Bên trong và bên ngoài luôn tồn tại song hành, chuyển hóa cho nhau và cùng nhau tạo nên bản sắc, đặc tính của nơi chốn. Trên cơ sở đó, Relph đưa ra một số loại bản sắc nơi chốn là: bên trong hiện sinh, bên trong đồng cảm, bên trong hành vi, bên ngoài ngẫu nhiên, bên ngoài khách quan, bản sắc đa số, bên ngoài hiện sinh. Dù cho nơi chốn có thể mang nhiều hình thức khác nhau, nhưng nó luôn gắn bó với những trải nghiệm tinh thần của chúng ta về nơi chốn đó, để thấy rằng nó bản sắc và khác biệt với những nơi chốn khác.2
Trong cuốn sách “Tinh thần của các đô thị – Tại sao bản sắc đô thị lại là vấn đề của kỷ nguyên toàn cầu”, Daniel Bell và Avner de Shalit đã chỉ ra rằng các đô thị hiện đại được quy hoạch, thiết kế và xây dựng theo những mô hình chung, theo những phong cách giống nhau, bởi những nhà đầu tư xuyên quốc gia, bởi những hãng kiến trúc toàn cầu… làm cho chúng có rất ít bản sắc riêng. Các tác giả đã dò tìm lịch sử phát triển, nghiên cứu bối cảnh tư tưởng chính trị xã hội của đô thị, đánh giá các công trình kiến trúc điểm nhấn, quan sát lối sống văn hóa của người dân, tham khảo các tác phẩm văn chương nghệ thuật sáng tác về mỗi thành phố… để đưa ra đặc trưng bản sắc, đồng thời là thương hiệu của các thành phố, ví dụ như: Jerusalem – thành phố tôn giáo, Montreal – thành phố ngôn ngữ, Oxford – thành phố giáo dục, Hong Kong – thành phố của chủ nghĩa vật chất, Bắc Kinh – thành phố của sức mạnh chính trị, Berlin – thành phố chịu đựng, Paris – thành phố lãng mạn, New York – thành phố khát vọng…3 Nếu một người sùng tín một trong các tôn giáo từ Abraham (đạo Do Thái, đạo Cơ Đốc, đạo Hồi), anh ta phải đến Jerusalem bởi đó là nơi lưu giữ những kí ức về sự kiện và con người quan trọng nhất của các tôn giáo. Nếu một người yêu thích và muốn trải nghiệm ngôn ngữ, anh ta hãy đến Montreal, bởi các ngôn ngữ đều được tự do phát triển ở đây. Nếu anh muốn tận hưởng vẻ hào hoa lãng mạn, muốn có cảm giác được sống trong nghệ thuật và văn hóa thì anh hãy đến Paris. Nếu anh có một khát vọng thay đổi cuộc đời, một giấc mơ Mỹ, một lòng tham giàu sang và thịnh vượng, anh hãy đến New York.
Bản sắc đô thị không phải là thứ có thể được tạo ra một cách duy ý chí của một số người, mà phải được hun đúc và nuôi dưỡng từ lịch sử và văn hóa đô thị, từ lối sống và tính cách của những người dân. Ví dụ, Hà Nội không phải là thành phố của tham vọng kiểu như New York, thành phố Hồ Chí Minh không thể hào hoa lãng mạn như Paris. Việc nhận diện bản sắc của mỗi đô thị là kết quả của sự vận động tự nhiên từ chính bên trong đô thị chứ không phải của ý chí từ bên ngoài.
Nuôi dưỡng bản sắc cư dân đô thị
Khi người ta nói rằng “Tôi là người Hà Nội” hoặc “Anh ấy là người phố cổ” thì sẽ được hiểu rõ ràng và đầy đủ hơn là “Tôi là một giáo viên” hoặc “Cô ấy là một người lạc quan”. Ở một chừng mực nào đó, bản sắc (hoặc cá tính) của một con người được diễn giải với sự gắn bó nơi chốn được xác định rõ hơn so với các cách khác, và bản sắc con người là một chức năng cao cấp của nơi chốn.4
Dù ở mức độ rõ ràng hay mờ nhạt, chúng ta phải công nhận rằng có tồn tại tính cách, khí chất của người dân theo vùng miền. Ví dụ ở Việt Nam, người miền Nam phóng khoáng hơn, người miền Trung có ý chí tiến thủ hơn, người miền Bắc gia trưởng xét nét hơn. Đó là bởi sản vật tự nhiên của miền Nam phong phú giàu có, con người rất dễ sống, không phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt như ở miền Trung và Bắc; còn miền Bắc thì chịu ảnh hưởng của Nho giáo rất nặng bởi hàng nghìn năm sống dưới chế độ phong kiến. Ở cấp độ hẹp hơn, người dân ở mỗi thành phố cũng ít nhiều có chung một tính khí nào đó, góp phần thể hiện bản sắc của đô thị. Ví dụ, chúng ta hay dùng cụm từ “anh hai Sài Gòn” để chỉ sự phóng khoáng, chịu chơi của người Sài Gòn; cụm từ “giang hồ đất cảng” hoặc “gái Hải Phòng” để chỉ sự mạnh mẽ, hiên ngang, bất cần đời của người Hải Phòng; cụm từ “giai phố cổ” để chỉ sự gia giáo, thong thả, tinh tế của người Hà Nội. Gần đây, dân gian lại có câu “Hà Nội, không vội được đâu” để chỉ cái phong cách đủng đỉnh, chậm rãi, đôi khi đến mức chậm chạp và bảo thủ của người Hà Nội.
Mỗi đất nước, vùng đất, thành phố có lịch sử, đặc điểm tự nhiên và xã hội khác nhau nên người dân cũng có tính cách đặc trưng khác nhau, thể hiện bản sắc nơi chốn mà họ sinh sống. Khi nói về tính cách vùng miền của người Nhật Bản, chuyên gia tiếp thị nơi chốn Yano Shinichi thấy rằng: “Nhật Bản có lãnh thổ trải dài từ Bắc xuống Nam và có nhiều núi nên khí hậu của mỗi vùng có sự khác nhau rõ rệt. Thêm vào đó, sự chia cắt đất nước thành gần 300 lãnh địa trong lịch sử Nhật Bản từ cuối thế kỷ thứ 16 đến hết thế kỷ 19 cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì những nét văn hóa truyền thống khác biệt”. Ví dụ, người vùng Aichi, trong đó có thành phố Nagoya, sống lý trí, tiết kiệm và cần cù. Họ cũng là những người có ý thức trách nhiệm cao với gia đình và đất nước. Minh chứng rõ ràng nhất là những nhân vật nổi tiếng có công thống nhất Nhật Bản cũng như những người sáng lập các tập đoàn lớn của đất nước (như hãng ô tô Toyota) đều xuất phát từ vùng này.5
Người dân tạo ra bản sắc của vùng miền và đô thị và cũng chính họ sẽ gìn giữ và phát triển nó. Những từ ngữ và giọng điệu địa phương do người dân nói, những món ăn đặc sản do người dân nấu và ăn, những bộ trang phục do người dân may và mặc, những sản phẩm thủ công do người dân chế tác và sử dụng, những lời ca do người dân sáng tác và biểu diễn… Những sản phẩm văn hóa làm nên bản sắc của vùng miền và đô thị không thể tách rời người dân. Khi chúng ta bắt gặp một cô gái mặc áo dài màu tím, ta liền nghĩ ngay đến Huế; gặp một phụ nữ mặc áo bà ba, ta chợt nghĩ đến miền Tây Nam Bộ; gặp hình ảnh yếm đào, áo tứ thân, ta nhớ đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hoặc nói đến bánh đậu xanh là nói đến Hải Dương, nói đến bánh pía là nói đến Sóc Trăng…
Sự thành công của những nhân vật nổi tiếng trong một số lĩnh vực nào đó cũng góp phần tạo nên nét đặc trưng của đô thị và vùng miền. Ví dụ vùng Catalonia, trong đó có thành phố Barcelona, đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng như kiến trúc sư Antoni Gaudi, họa sĩ Joan Miro; thành phố Florence là nơi ra đời và hoạt động của nhiều kiến trúc sư vĩ đại đã tạo ra thời kỳ phục hưng của châu Âu như Michelangelo, Filippo Brunelleschi, Leon Battista Alberti; thành phố Vienna là quê hương và là nơi sinh sống của nhiều nhạc sĩ lừng danh như Johann Strauss, Johannes Brahms, Arnold Schoenberg… Hoặc ở nước ta, phủ Bình Giang từng có rất nhiều người người đỗ đạt và làm quan dưới thời phong kiến; khu vực Sơn Tây là nơi xuất thân nhiều vị tướng nổi tiếng; vùng Nghệ An, Thanh Hóa là nơi sinh ra nhiều chính trị gia lỗi lạc… Rõ ràng, tài năng của con người có liên quan tới linh khí của môi trường tự nhiên, đất đai, nguồn nước. Chả thế mà tục ngữ Việt Nam có câu: “địa linh, nhân kiệt”.
Cư dân đô thị, trong đó có những nhân vật tài năng của đô thị, là một phần quan trọng tạo nên truyền thống và bản sắc của đô thị. Nếu như các nhà lãnh đạo và những người đang có ảnh hưởng của đô thị thực tâm muốn đóng góp cho sự phát triển của đô thị mình, thì họ phải có chính sách tìm kiếm, hỗ trợ cho những tài năng của đô thị, những người sẽ tiếp tục công việc vun đắp cho bề dày truyền thống, lịch sử của đô thị trong tương lai. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, và hiền tài cũng là nguyên khí của đô thị.
Xây dựng thương hiệu đô thị
Với bản chất là sự tích hợp giữa tự nhiên, xã hội với con người, nơi chốn và bản sắc nơi chốn là một trong những yếu tố quyết định để xây dựng thương hiệu cho đô thị, là cách để tạo sự khác biệt của một đô thị với các đô thị khác. Vào cuối thế kỷ 20, nhiều chuyên gia tiếp thị bắt đầu đưa ra ý tưởng về tiếp thị nơi chốn (place marketing), trên cơ sở đó hình thành môn kiến tạo thương hiệu nơi chốn (place branding), chủ yếu bao gồm thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng, thương hiệu đô thị6. Giờ đây, chính quyền các thành phố đã nhận ra những lợi ích to lớn của các giá trị vô hình của đô thị từ một biểu tượng, từ một slogan, từ một công trình kiến trúc, từ một hoạt động, từ một lĩnh vực kinh doanh… Ví dụ, số lượng khách du lịch đến thành phố Bilbao tăng vọt sau khi bảo tàng Guggenheim được hoàn thành năm 1997, hoặc những đôi uyên ương trên khắp thế giới luôn ưu tiên du lịch Venice trước tiên để chụp ảnh cưới hoặc hưởng thụ tuần trăng mật bởi sự lãng mạn của cảnh sông nước giữa các công trình kiến trúc. Hoặc muốn đánh bạc thì người ta sẽ đến Macao, Las Vegas; muốn có thời trang đẹp người ta sẽ đến Milan, Paris; muốn xem những bức họa nổi tiếng nhất người ta sẽ đến Paris, Saint Petersburg…
Các thành phố phải tìm ra những gì kết tinh nhất của thành phố mình để quảng bá ra thế giới nhằm thu hút khách du lịch, thu hút các nhà đầu tư. Họ lựa chọn những hình ảnh đặc trưng về kiến trúc cảnh quan để tạo bộ nhận diện thương hiệu như Paris là Tháp Eiffel, London là Cầu tháp, Kuala Lumpur là Tháp đôi Petronas, Hà Nội là Khuê Văn Các… Họ lựa chọn các slogan đặc sắc và dễ ghi nhớ như: Paris – kinh đô ánh sáng, Roma – thành phố vĩnh cửu, Hollywood – kinh đô điện ảnh, Sài Gòn – hòn ngọc Viễn Đông, Hà Nội – thành phố vì hòa bình… Họ chơi chữ trong việc tạo ký hiệu biểu tượng của thành phố nhằm gây ấn tượng với du khách thế giới, ví dụ kí hiệu biểu tượng của Lyon là ONLY LYON cùng với hình ảnh con sư tử (lion), của Amsterdam là IAMSTERDAM… Họ vận động để đăng cai các kỳ đại hội thể thao Olympic, các cuộc triển lãm Expo. Họ tổ chức các hoạt động và sự kiện thường niên như liên hoan phim Cannes, lễ hội bia Munchen, festival hoa Đà Lạt… Tất cả những điều trên đều liên quan đến lý thuyết nơi chốn ở cấp độ toàn thể đô thị, chủ yếu thể hiện ở góc độ hình ảnh và hoạt động cộng đồng.
Mỗi thành phố đều có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình, là những ký hiệu gồm cả hai mặt biểu đạt (logo, slogan, công trình kiến trúc) và mặt được biểu đạt (ý niệm về tính chất đặc trưng của đô thị). Đó có thể là đô thị công nghiệp với hình ảnh các nhà máy như Detroit; đô thị tài chính với các tòa nhà văn phòng chọc trời như New York, Singapore; đô thị giáo dục với trường học và cây xanh như Oxford; đô thị lịch sử với các khu khảo cổ đan xen vào đô thị như Roma; đô thị nghỉ dưỡng và du lịch với bãi biển, hàng ăn, quầy lưu niệm như Hội An…
Ngoài hình ảnh đẹp ra, mỗi đô thị cần phải tạo dựng được các cơ hội việc làm tốt, môi trường sống tốt, tỷ lệ tội phạm thấp, giao thông thuận tiện và có nhiều các hoạt động cộng đồng để hấp dẫn cư dân đô thị cũng như người dân từ nơi khác đến7. Đó chính là mối liên hệ giữa nơi chốn với không gian xã hội, làm sao để mỗi con người sống trong đô thị đều cảm thấy mình là một phần có ý nghĩa đối với đô thị và ngược lại, mình được đô thị tạo cơ hội để phát triển. Tất cả những người dân cùng chung tay xây dựng thương hiệu đô thị, và ngược lại, thương hiệu đô thị sẽ làm tăng lợi ích và giá trị cho con người sống trong đô thị ấy. □ (Còn tiếp)
—–
Chú thích
1 Martin Heidegger. Identity and Difference. New York: Happer and Row, 1969
2 Edward Relph. Place and placelessness. Pion, 1976
3 Daniel A. Bell, Avner de-Shalit. The spirit of cities. Princeton university press, 2011
4 Christian Norberg-Schulz. Genius loci, towards a phenomenlogy of architecture. Rizzoli, 1980
5 nhatban.duhocdaystar.edu.vn
6 Phạm Sĩ Liêm (2014). Xây dựng thương hiệu đô thị để tăng cường năng lực cạnh tranh đô thị. Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 65&66
7 Jon Lang. City branding, in Tridib Banerjee and Anastasia Loukaitou-Sideris (eds.), Companion to urban design, (pp.541-550). Routledge, 2011