Kiến trúc đô thị (Kỳ 3): Văn hóa nơi góc nhỏ phố phường 

LTS: Trong hai kỳ trước, KTS Vũ Hiệp đã phân tích về tinh thần của đô thị, bản sắc của đô thị - những điều giúp làm lên tính riêng biệt, độc đáo của mỗi đô thị cũng như giúp từng cá nhân gắn kết với đô thị về tinh thần và cảm xúc, giúp mỗi cá nhân thấy trở thành một phần của đô thị. Trong kỳ này, anh nhìn sâu vào từng chi tiết - những ngõ nhỏ, nơi cho thấy, sống động nhất, lối sống ở đô thị, cách mỗi cá nhân gắn bó, tương tác với đô thị.

Đầu ngõ là nơi chốn giao thoa giữa lãnh thổ thuộc về mình và cộng đồng mình (thế nên người ta mới nói là “trong ngõ nhà tôi có cái này cái kia”) với lãnh thổ lớn thuộc toàn thể cư dân đô thị. ảnh: Tommy Larey/ Shutterstock.

Nhìn vào kiến trúc đô thị, nếu tiếp cận đô thị dưới góc độ khoa học và lý tính thì chúng ta sẽ tạo dựng các bản quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết với nhiều tính toán phức tạp về sử dụng đất, dân số, kinh tế, giao thông, hạ tầng kỹ thuật… Ngược lại, nếu như chúng ta tiếp cận đô thị dưới góc độ con người và cảm xúc thì sẽ cùng nhau tạo dựng những địa điểm thực tế sống động của đô thị; sẽ nghiên cứu và kiến tạo những nơi chốn đô thị hấp dẫn để người dân kinh doanh, mua sắm, tụ họp, ăn uống, hẹn hò, sáng tác nghệ thuật, ngắm cảnh, dạo chơi… 

Và như vậy, đô thị không chỉ được hiểu từ những bản quy hoạch và những bảng tính toán mà còn đang cùng sống với chúng ta trong từng phút giây, đồng hành với mỗi người dân ở mọi con ngõ nhỏ trong thành phố, những nơi chốn thú vị, đầy cảm xúc. 

Từ đầu ngõ 

Ở đầu mỗi con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo và chật chội là một quán cóc bán trà đá, kẹo lạc, thuốc lá. Bên cạnh đó có thể là những người phụ nữ với một vài thúng xôi, bánh cuốn, bún đậu để bán hàng ăn sáng. Đến buổi chiều, khi hàng ăn không còn, một người phụ nữ bê cái bàn chất đầy vé số ra đầu ngõ ngồi, nhưng không phải để bán vé số mà để ghi lô đề. Từ sáng đến tối, hầu như lúc nào cũng có người ngồi uống nước, hút thuốc ở quán cóc đầu ngõ, hóng hớt chuyện phiếm, ngắm nhìn dòng xe cộ xuôi ngược và cuộc sống đô thị ồn ào.

Đầu ngõ, mặc dù hầu như lúc nào trông cũng rất luộm thuộm và nhếch nhác, thực ra chính là một nơi chốn đặc biệt trong kiến trúc đô thị, một điểm đến không thể cưỡng lại đối với những người dân sống trong ngõ, một giao điểm giữa một cộng đồng nhỏ cư dân trong ngõ với một thế giới đô thị rộng lớn hơn bên ngoài, một gạch nối giữa truyền thống làng xã của xã hội nông thôn trước đây và nhịp của đô thị hiện đại xô bồ. 

Sự mê tín của người Việt Nam được âm thầm truyền tải vào kiến trúc đô thị, trong những góc nhỏ phố phường và hình thành những nơi chốn linh thiêng- dân dã (chứ không phải không gian thiêng quy củ như ở đình, đền, chùa). 

Ngày nay, mặc dù hầu như khu dân cư nào cũng có nhà văn hóa nhưng nó không thể là một nơi chốn bởi rất ít người đến đó hằng ngày. Còn đầu ngõ, chẳng được ai kiến thiết thì lại thành một nơi chốn hấp dẫn. Người dân bàn luận thời sự ở đầu ngõ, từ sự kiện chính trị tới các vụ án hình sự. Người dân bàn tán chuyện các gia đình ở đầu ngõ, gặp gỡ tiếp khách ở đầu ngõ thay vì ở nhà chật hẹp, hưởng thụ sự nhộn nhịp của cuộc sống đô thị ở đầu ngõ, nơi có thể nhìn dòng người xuôi ngược trên đường phố cũng như biết được những ai đang ra vào ngõ. Và nếu bạn cần biết một thông tin về ai đó, hãy ngồi vài tiếng ở quán cóc đầu ngõ nơi người ấy sống, sẽ có được khá nhiều thông tin mà bạn cần. 

Đầu ngõ là nơi chốn giao thoa giữa lãnh thổ thuộc về mình và cộng đồng mình (thế nên người ta mới nói là “trong ngõ nhà tôi có cái này cái kia”) với lãnh thổ lớn thuộc toàn thể cư dân đô thị. Nó là nơi thuộc về mỗi con người và cũng thuộc về đô thị. Nó cho mỗi người có cảm giác vừa như ở nhà mình, vừa như ra ngoài phố. Nó là nơi gắn kết con người với cộng đồng và đô thị. 

Đầu ngõ cũng thể hiện những vết tích của quá trình đô thị hóa các làng xã nông nghiệp tạo nên hình hài các đô thị của Việt Nam hiện nay – và giữ trong nó những truyền thống của xã hội nông thôn. Các phố phường Việt Nam được hình thành từ phường làng nghề nông thôn nên có thể gọi là “làng” đô thị. Mỗi phường có cổng ra vào và hai dãy phố bên đường, là nơi đồng thời ăn ở, sản xuất và buôn bán của người dân1. Cổng ra vào các phường không còn, nhưng ta bắt gặp được dư ảnh của nó ở đầu ngõ ngày nay. Mặt khác, dân cư đô thị hiện nay phần lớn được di cư từ nông thôn ra, nên vẫn giữ ít nhiều phong cách sinh hoạt ở làng quê như tính tập thể cộng đồng cao, sự chia sẻ và tò mò với nhà láng giềng… Và đầu ngõ chính là sự biến đổi của đầu làng hoặc cổng các phường hội, nơi xác định cái bên trong và bên ngoài của lãnh thổ cộng đồng, nơi vẫn lưu giữ một chút tính chất tập thể và chia sẻ của truyền thống làm nông nghiệp. 

… đến quán cóc vỉa hè 

Trong kiến trúc đô thị hiện đại, có một không gian đặc thù là quán cóc vỉa hè – hình ảnh đã in sâu vào ký ức mỗi người, trở thành biểu tượng, đi vào thơ ca nghệ thuật, và dường như đã trở thành một phần bản sắc của đô thị Việt Nam.

Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ

Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…

(Trịnh Công Sơn)

Quán cóc liêu xiêu một câu thơ

Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ…

(Trương Quý Hải)

Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu, bao ánh đèn 

Ngồi ăn một quán ven đường…

(Nguyễn Đức Cường) 

Quán cóc phổ biến ở tất cả các đô thị Việt Nam, trước hết, vì cái sự “ăn” rất quan trọng trong văn hóa của người Việt, thậm chí là số một. Chả thế mà tục ngữ có vô số câu về ăn như: “ăn vóc, học hay”, “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, “ăn chắc, mặc bền”, “ăn chưa sạch, bạch chưa thông”, “ăn có sở, ở có nơi”, “ăn có chủ, ngủ có công đường”, “ăn chơi khắp bốn phương trời, cho trần biết mặt, cho đời biết tên”… Ngoài ra, sự việc trọng đại nào của đời người cũng được chúng ta gắn với ăn, nào là ăn hỏi, ăn cưới, ăn cỗ, ăn giỗ, ăn mừng, ăn khao, ăn lễ, ăn tiệc, ăn học, cho đến ăn ở… và dĩ nhiên có cả ăn Tết. Nguyên do về văn hóa “trọng ăn” của người Việt có lẽ do chúng ta là một nước nghèo, trước đây thường xảy ra các nạn đói, hoặc cũng có thể trong gene người Việt có khả năng cảm nhận ẩm thực tốt. Chả thế mà trong “tứ khoái” của người Việt, ăn vẫn là số một. Có vẻ như, ăn không chỉ để duy trì sự sống mà còn là thứ để người Việt khám phá vũ trụ, khám phá con người, khám phá đô thị. 

Quán vỉa hè còn là yếu tố tạo nên bản sắc cho đô thị Việt Nam, giúp người bên ngoài khám phá một phần bản sắc đô thị. Ảnh: Roman Babakin/ Shutterstock.

Chính vì thế, quán vỉa hè còn là yếu tố tạo nên bản sắc cho đô thị Việt Nam, giúp người bên ngoài khám phá một phần bản sắc đô thị, ví dụ Hà Nội có phở, Hải Phòng có bánh đa cua, Huế có bún bò, Trảng Bàng có bánh canh, Hội An có cao lầu… Nếu như đến các đô thị trên mà không ăn đặc sản của nó thì coi như cũng chưa đến. 

Với một nền văn hóa “trọng ăn” như vậy, với sự linh hoạt đã thấm đẫm mã gene kiến trúc2 thì hình ảnh những quán cóc vỉa hè nhan nhản, len lỏi khắp phố phường Việt Nam không có gì lạ. Ngược lại, đó chính là hình ảnh đặc trưng và quyến rũ, khiến cho nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam muốn được trải nghiệm và khám phá.

Những nơi chốn linh thiêng mà dân dã

Người Việt Nam nói chung là mê tín, thích những chuyện huyền tích, ưa những điều huyền hoặc, tin vào số mệnh tử vi. Jean-Baptiste Tavernier, một thương nhân người Pháp, từng ghi “Những mê tín dị đoan của dân tộc này nhiều lắm, có thể viết thành một cuốn sách”3 từ thế kỷ 17. Hiện nay, nhà nước ban hành rất nhiều quy định chống mê tín dị đoan. Tại sao phải có các văn bản luật về chống mê tín, một điều hiếm gặp trong hệ thống luật phương Tây? Bởi vì rằng người Việt Nam quá mê tín. 

Trong đời sống đô thị, sự mê tín ấy của người Việt Nam được âm thầm truyền tải vào kiến trúc đô thị, trong những góc nhỏ phố phường và hình thành những nơi chốn linh thiêng- dân dã (chứ không phải không gian thiêng quy củ như ở đình, đền, chùa). Ngoài các công trình tôn giáo ra, chúng ta còn có những kiểu nơi chốn linh thiêng khác mà đô thị hiện đại khác hầu như không có, thể hiện tín ngưỡng dân gian rất mãnh liệt của người Việt Nam. Đó là những nơi rất dân dã, thậm chí bẩn, như gốc cây (được cắm bát hương), góc phố (đốt vàng mã)…

Đơn cử về tín ngưỡng thờ cây, trong khắp các đô thị, dễ dàng bắt gặp những bát hương được đặt trên thân cây cổ thụ như cây đa, đề, gạo, si… (“thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”) – cũng là điều hiếm gặp ở các đô thị trên thế giới. Truyền thống từ cổ xưa, như từng được ghi từ thế kỷ 18, khi người Anh đã đến Đà Nẵng và nhận xét về tục thờ cây rằng: “Thực vật, cây cối đã là một loại đền miếu đầu tiên được dành cho các thần linh”4, vẫn được nối dài đến ngày nay. Ở Đà Nẵng vẫn còn khá nhiều ngôi miếu liên quan đến tín ngưỡng thờ cây hoặc những cây cổ thụ nằm riêng lẻ được người dân thờ cúng như: miếu Cây Đa ở tổ 15 phường Hòa Quý, miếu Bồ Đề ở Hòa Hải, miếu Ông Gốc ở làng Nam Ô…5 Những địa điểm như vậy đã và đang góp phần tạo ra khí chất linh thiêng cho đô thị cũng như tạo cảm giác gần gũi, hòa nhập với tinh thần của người dân. 

Cách đặt tên địa điểm đô thị ở Việt Nam, còn có những kiểu rất gần gũi, gắn bó với từng con người bình thường hoặc “nôm na hóa” các địa điểm trong đô thị thành những cái tên dân dã.. Phố hàng Mắm năm 1904 – Ảnh: Sưu tầm

Người Việt Nam có cảm giác về những nơi chốn linh thiêng rất cao. Người ta có xây dựng đền chùa hoành tráng mà người dân cảm thấy không linh thì cũng vắng khách. Ngược lại, một gốc cây sần sùi,  một vỉa hè rêu phong lại được người dân hương khói nếu họ cảm thấy linh. Ví dụ như vụ di dời miếu Hai Cô ở góc tường Văn Miếu Quốc Tử Giám, chỗ giao nhau giữa đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Thái Học. Dù miếu này đã được di dời về đền Sòng Sơn nhưng người dân vẫn tiếp tục tụ tập ở đây để đốt vàng mã, cầu xin trên một góc vỉa hè trống không. 

Yếu tố tinh thần nơi chốn ở trường hợp miếu Hai Cô được đẩy lên cao độ: không phải có cây cổ thụ hay công trình miếu mạo là nơi chốn sẽ linh thiêng, mà chính khí chất tự thân của nơi chốn mới tạo sự linh thiêng. 

Tinh thần nơi chốn… từ những cái tên

Một điều thú vị về nơi chốn mà các nhà nghiên cứu trên thế giới chưa để ý tới, có lẽ vì ở quốc gia của họ hiếm có điều này, đó là tinh thần của nơi chốn có thể được hình thành từ cái tên. 

Trên thế giới, không phải địa điểm nào trong đô thị cũng được đặt tên, và cũng không phải cái tên nào cũng tạo ra cảm giác gần gũi, gắn bó với cư dân hoặc khơi gợi suy nghĩ tưởng tượng sáng tạo của người dân. Cách đặt tên đường phố và các địa điểm trên thế giới nói chung là đặt theo tên danh nhân, tên sự kiện, tên cảnh quan kiến trúc khu vực, tên làng nghề khu vực, và có cả kiểu đánh số. Đặt tên theo kiểu đánh số phổ biến nhất là tên phố ở Mỹ, và cách này “thiếu tình cảm” nhất, không tạo cảm giác gắn bó với môi trường cảnh quan xung quanh hoặc không khơi gợi ý thức tìm hiểu lịch sử như các cách khác. 

Một đô thị mà không gắn bó với tâm hồn con người, không thể hiện được tinh thần nơi chốn, không chứa đựng chiều sâu văn hóa lịch sử, không hòa nhập vào cuộc sống con người thì đó là một đô thị khiếm khuyết

Cách đặt tên địa điểm đô thị ở Việt Nam, còn có những kiểu rất gần gũi, gắn bó với từng con người bình thường hoặc “nôm na hóa” các địa điểm trong đô thị thành những cái tên dân dã. Người Việt Nam thích những cái tên nôm na, thân thuộc. Khi người dân gọi tên địa điểm bằng những cái tên nôm na thì tức là họ có cảm tình với địa điểm ấy. Ví dụ như ở Hà Nội lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được quen gọi là lăng Bác, đền Tiên Thiên ở bờ hồ Hoàn Kiếm thờ chúa Liễu Hạnh lại quen được gọi là đền Bà Kiệu (không hiểu tại sao lại có tên như vậy), vườn hoa Diên Hồng ở cạnh khách sạn Metropole lại được người dân Hà Nội quen gọi là vườn hoa Con Cóc (vì có tượng con cóc phun nước). Ở thành phố Hồ Chí Minh có hai cây cầu mới trên đại lộ Đông Tây không được đặt tên mỹ miều nào đó mà vẫn lấy tên cầu cũ là cầu Cá Trê Lớn và Cá Trê Nhỏ (có lẽ chỗ rạch dưới cầu trước đây có nhiều cá trê). Con kênh mang tên nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt thì được người dân quen gọi là kênh Ông Kiệt (nghe là cảm thấy trong lòng người dân có sự trân trọng yêu mến vị lãnh đạo cũng như yêu mến con kênh đó). 

Ở khắp các đô thị từ Bắc chí Nam, dễ dàng thấy những địa danh dân dã. Ví dụ như Ngã ba Tài còng ở thị xã Cẩm Phả được đặt tên theo một bà lão tên Tài bị còng lưng trước đây hay ngồi ở đó. Mặc dù địa điểm này gần một nhà thờ rất đẹp nhưng người dân lại quen gọi nó theo tên một bà lão bình thường. Hoặc trên quốc lộ 51 đoạn đi qua thành phố Biên Hòa có một cây cầu được đặt tên là cầu Bà Bướm bởi trước đây có nhà bà Bướm ở gần ngay đó (chúng tôi hỏi thăm và được người dân bảo vậy, không biết có đúng hay không). 

Ngoài những địa điểm thể hiện tinh thần của nơi chốn trong đô thị ở trên, cách thức di chuyển, cách sử dụng phương tiện giao thông cũng có thể là yếu tố tạo nên tinh thần nơi chốn và bản sắc của đô thị. Xe máy đang là phương tiện giao thông chủ đạo trong các không gian đô thị Việt Nam. Mặc dù đi xe máy có nhiều nhược điểm như ô nhiễm không khí, không an toàn, dễ gây tắc đường… nhưng vẫn là một phần không thể thiếu của đô thị vì tính cơ động, gần gũi với cuộc sống, phù hợp với nhiều ngõ ngách nhỏ. 

Như vậy, một đô thị hấp dẫn, đáng sống chưa chắc phải được tạo bởi những công trình hoành tráng, những con phố ngăn nắp, những cảnh quan theo quy chuẩn mà là phải gắn bó và lôi cuốn người dân. Trên đây, chúng tôi đã chỉ kể ra một số biểu hiện đặc sắc của các nơi chốn đô thị Việt Nam, chúng được gắn với chiều sâu văn hóa của người Việt. Văn hóa, lối sống của dân tộc nào cũng có cái hay cái dở, đánh giá chúng rất khó. Tuy nhiên, có một điều mà chúng tôi chắc chắn rằng, một đô thị mà không gắn bó với tâm hồn con người, không thể hiện được tinh thần nơi chốn, không chứa đựng chiều sâu văn hóa lịch sử, không hòa nhập vào cuộc sống con người thì đó là một đô thị khiếm khuyết. Trong thực tế, còn nhiều biểu hiện thú vị khác trong các góc nhỏ đô thị Việt Nam mà chúng ta cần phải khám phá thêm, bởi mỗi góc phố của Việt Nam là một kho tàng ẩn chứa biết bao tài sản quý giá về văn hóa ngàn năm của dân tộc.□

(Còn tiếp) 

——

Chú thích

1 Trương Quang Thao. Đô thị học, những khái niệm mở đầu. NXB Xây dựng, 2011.

2 Đọc thêm các bài về mã gene kiến trúc của KTS Vũ Hiệp:
https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thu-giai-ma-gien-kien-truc-viet-nam-ky-1/
https://tiasang.com.vn/van-hoa/kien-truc-viet-nam-thu-giai-ma-gien-ky-2/

3 Jean-Baptiste Tavernier . Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài. xuất bản năm 1681 ở Paris. Lê Tư Lành dịch, NXB Thế Giới, 2011

4 J. Barrow. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà. Thừa Hỷ dịch, NXB Thế giới, 2008.

5 Đinh Thị Trang. Tín ngưỡng thờ cúng cây cối của cư dân Đà Nẵng. Tạp chí Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, số 46, 2010.

Bài đăng Tia Sáng số 4/2024

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)