Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Định lượng giá trị để lưu giữ

Phân loại và định lượng giá trị của kiến trúc thời bao cấp, rồi tìm những phương án linh hoạt để bảo tồn hoặc phát huy chúng trong bối cảnh hiện nay, có thể là chìa khóa để lưu giữ những ký ức đô thị đang mai một.

Từ trái sang phải: các KTS Hoàng Hiệp, Lê Thành Vinh và Nguyễn Đức Vinh tại buổi tọa đàm. Nguồn: Nguyễn Vũ Hiệp.

Đứt gãy ký ức đô thị

“Với nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội, bao gồm tôi, Cung Thiếu nhi từng là thiên đường có thật giữa thời khốn khó”. Bằng lời mở đầu này, KTS Trần Huy Ánh đã thuật lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi Cung Thiếu nhi được khởi công xây dựng vào năm 1973, trong lòng một thủ đô còn ngổn ngang những hố bom Mỹ. Để dành dụm cho thế hệ sau những gì tốt nhất, lớp kiến trúc sư đàn anh đã cẩn thận chọn lựa từng viên gạch, tấm tôn chất lượng cao từ các nhà xưởng và công trình khác, đồng thời dùng số gạch hoa bị bom Mỹ đánh vỡ để lát những sàn, cột mang màu sắc lung linh. Trưởng thành từ các nhóm học vẽ, học múa ở Cung Thiếu nhi, ông Ánh và nhiều trẻ em cùng thời đã trở thành thế hệ kế tiếp của nền kiến trúc và nghệ thuật XHCN tại Việt Nam, từ đó nối dài di sản của lớp người đi trước. Khung cảnh này hoàn toàn khác với khung cảnh thời Pháp thuộc, khi tòa nhà Ấu Trĩ Viên chỉ đón tiếp trẻ em châu Âu da trắng, và hoàn toàn vắng bóng người Việt Nam. Nhưng nó cũng rất khác với khung cảnh hiện nay, khi một Cung Thiếu nhi mới, trông tối tân nhưng xa lạ, mọc lên ở một khu đô thị mới ven đô, khiến tòa nhà cũ chỉ còn được nhắc đến như một “khu đất vàng” đợi giải tỏa để xây nên các công trình mang tính thương mại. 

Phát biểu từ hàng ghế khán giả trong buổi tọa đàm “Di sản kiến trúc thời bao cấp: Duy trì và phát triển”, diễn ra hôm 15/11/2024 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh đã chia sẻ một góc nhìn về sự đứt gãy ký ức trong các đô thị Việt Nam. Trong các cuộc thảo luận chính thức hoặc ngoài hành lang của tọa đàm, những bộ phận khác nhau của cử tọa cũng chia sẻ những góc nhìn khác. Là người rời nông thôn để chuyển đến sống tại Hà Nội cùng gia đình, một giảng viên trẻ đang công tác tại Đại học Giao thông Vận tải cho biết, anh không có nhiều ký ức gắn với những di sản kiến trúc XHCN như Cung Thiếu nhi. Như vậy, các điểm đứt gãy ký ức trong đô thị Hà Nội không chỉ tồn tại trên trục thời gian, mà còn tồn tại giữa những người Hà Nội đang sống chung trong một thành phố liên tục biến đổi về nhân khẩu, kinh tế và văn hóa.

Ở vị trí diễn giả của tọa đàm, ba KTS Lê Thành Vinh, Vũ Hiệp và Nguyễn Đức Vinh đã cung cấp những số liệu giúp hình dung rõ hơn sự đứt gãy. Khi KTS Vũ Hiệp và cộng sự khảo sát 200 người thuộc độ tuổi 20-30 đang sống và làm việc tại Hà Nội, khi được hỏi kiến trúc nào có có tác động mạnh nhất đến bản sắc và thương hiệu của Hà Nội, chỉ có 9% chọn kiến ​​trúc thời bao cấp. Ngược lại, khi KTS Nguyễn Đức Vinh khảo sát nhân sự đang làm việc trong 38 công trình mang phong cách kiến trúc XHCN – bao gồm trường học, cơ quan, bảo tàng, bệnh viện… – chỉ 6,6% muốn phá dỡ công trình để xây mới, trong khi 28,6% người được hỏi cho biết họ muốn giữ nguyên trạng công trình, và 64,8% muốn giữ nguyên đồng thời bổ sung thêm công năng. Có nhiều lý do khiến các nhóm người Hà Nội khác nhau mang cái nhìn khác nhau về di sản kiến trúc thời bao cấp: từ khoảng cách thế hệ, diễn ngôn về bản sắc Hà Nội, bản sắc quốc gia và thời bao cấp trên truyền thông chủ lưu, cho đến mức độ gắn bó của đời sống từng cá nhân với các công trình. Sự bối rối của thành phố về vấn đề này càng lớn hơn, khi theo lời KTS Nguyễn Đức Vinh, hầu hết những người ủng hộ việc giữ nguyên công trình cũng chưa thể liệt kê rõ ràng những giá trị của công trình mà họ muốn giữ lại. 

Các điểm đứt gãy ký ức trong đô thị Hà Nội không chỉ tồn tại trên trục thời gian, mà còn tồn tại giữa những người Hà Nội đang sống chung trong một thành phố liên tục biến đổi về nhân khẩu, kinh tế và văn hóa.

Theo KTS Lê Thành Vinh, Hà Nội không phải là thành phố đầu tiên phải định đoạt số phận của các công trình thuộc một giai đoạn lịch sử gây tranh cãi. Tại triển lãm kiến trúc quốc tế Venice Biennale 2021, mang chủ đề “Ta sẽ chung sống ra sao?”, gian hàng Hungary đã gây ấn tượng khi phác thảo phương án cải tạo 12 công trình mang tính biểu tượng của thành phố Budapest, được xây trong giai đoạn XHCN. Để bảo vệ 12 công trình gắn với ký ức tập thể, nhưng đang bị đe dọa vì không còn đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội trong một thành phố mà bất động sản đang liên tục tăng giá, 12 kiến trúc sư Trung và Đông Âu đã bước ra khỏi cái bóng của quá khứ để tư duy lại về công trình trong bối cảnh kinh tế, công nghệ và thẩm mỹ hiện nay. Mang tên “Othernity: Tái tạo Di sản Hiện đại của chúng tôi”, gian hàng Hungary xem xét các giá trị mà một thời đại khác, lối sống khác và mô hình xã hội khác có thể mang đến cho thành phố Budapest hiện nay; từ đó vừa đặt ra vấn đề hòa giải và hàn gắn cộng đồng, vừa tìm kiếm các cơ hội để soi mình vào một điểm tham chiếu khác, hoặc xây dựng cho mình một bản sắc khác với phần còn lại của thế giới. Thay vì lưu giữ quá khứ bằng cái giá của hiện tại, Budapest tìm một điểm cân bằng động giữa các thành phần khác biệt đang hiện diện trong thành phố, sau cho sự trao đổi giá trị và sáng tạo có thể từ đó phát sinh. Là một thành phố đang không ngừng thay đổi, Hà Nội cũng nên áp dụng tinh thần này – KTS Lê Thành Vinh nhận xét.

Khu tổ hợp cộng đồng COMPLEX-01, được phát triển trên khuôn viên của Nhà máy In Công Đoàn cũ. Nguồn: COMPLEX-01.

Nhận diện giá trị để lưu giữ

Khác với Hungary, ở Việt Nam, những di sản kiến trúc thời bao cấp rơi vào trạng thái bấp bênh phần vì sự phá hủy của thời gian, phần vì chúng chưa được bảo vệ bởi pháp luật. KTS Lê Thành Vinh ghi nhận rằng trong một cuộc khảo sát trên 400 công trình, có tới 80 công trình đã hư hỏng nặng đến mức gây nguy hiểm, và chỉ được giữ lại vì người sử dụng chưa có giải pháp thay thế. Trong số còn lại, nhiều công trình có thiết kế lỗi thời, không còn đủ công năng để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày nay. Vì vậy, không ít công trình đã bị phá hủy, tu bổ hoặc cơi nới mà không quan tâm đến khía cạnh bảo tồn di sản văn hóa. Trong khi đó, kiến trúc thời bao cấp không thể được xếp vào năm loại hình di sản văn hóa vật thể đã được Luật Di sản Văn hóa công nhận – bao gồm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Những công trình này “có thể xếp vào nhóm ‘công trình kiến trúc có giá trị’ được ghi trong Luật Kiến trúc, nhưng có giá trị ra sao thì chúng ta chưa xác định rõ” – KTS Nguyễn Đức Vinh nhận xét.

Trong bối cảnh đó, các di sản kiến trúc thời bao cấp chỉ được bảo vệ nhờ tiếng nói có phần muộn màng của dư luận, như trong cuộc “giải cứu” bức tranh cổ động ở ngã tư chợ Mơ, hoặc nhờ các kiến trúc sư và chủ đầu tư nhận thức được giá trị thẩm mỹ, văn hóa của công trình, như trong việc tái sử dụng Nhà máy In Công Đoàn làm khu tổ hợp cộng đồng COMPLEX-01. Song song với nỗ lực tìm kiếm sự công nhận từ pháp luật, như việc TS. Nguyễn Thị Hậu đề xuất đưa khái niệm “di sản đô thị” vào Luật Di sản Văn hóa, những người trân trọng di sản kiến trúc XHCN tại Việt Nam cần trước hết nhận diện những giá trị có trong công trình mà mình muốn lưu giữ.   

Theo KTS Vũ Hiệp, kiến trúc hiện đại XHCN có không ít điểm ưu việt so với kiến trúc thời Pháp thuộc – phong cách đang đại diện cho thủ đô một cách thường xuyên hơn trong mắt truyền thông. Các mảng tường hoa gió và lam chắn nắng bao phủ một diện tích lớn trên bề mặt công trình đã duy trì sự thoáng mát và ấm áp tùy theo từng mùa, làm nên một phong cách kiến trúc thích nghi tốt hơn với khí hậu nhiệt đới. Việc sử dụng rộng rãi chất liệu bê tông giúp giải phóng không gian tầng trệt, đồng thời cho phép theo đuổi một thẩm mỹ hiện đại, với những cấu trúc đa dạng và hình khối độc đáo nơi các công trình như SVĐ Hàng Đẫy, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô hay Bảo tàng Hồ Chí Minh. Quan trọng không kém, việc tận dụng mọi khoảng nhỏ của không gian cho các công năng khác nhau đã tối ưu hóa hiệu quả sử dụng của công trình trong điều kiện kinh tế eo hẹp, tạo ra một thứ kiến trúc thật sự phục vụ người dân, thay vì chỉ phục vụ tầng lớp cai trị như kiến trúc thời Pháp thuộc.


Để bảo vệ di sản kiến trúc XHCN trước các sức ép kinh tế hiện thời, cần xây dựng một bộ tiêu chí cho phép định lượng các giá trị khác nhau của từng công trình, để xác định rõ đâu là những giá trị cụ thể cần giữ lại, và hoạch định phương án thiết thực nhất để lưu giữ chúng.

Nhưng để bảo vệ di sản kiến trúc XHCN trước các sức ép kinh tế hiện thời, chúng ta không thể chỉ tuyên truyền về giá trị của phong cách đó một cách chung chung. Thay vào đó, cần xây dựng một bộ tiêu chí cho phép định lượng các giá trị khác nhau của từng công trình, để xác định rõ đâu là những giá trị cụ thể cần giữ lại, và hoạch định phương án thiết thực nhất để lưu giữ chúng. Đó là ý tưởng xuyên suốt luận án tiến sĩ mang tựa đề “Tái phát triển theo hướng bền vững các công trình công cộng giai đoạn 1975-1986”, mà KTS Nguyễn Đức Vinh bảo vệ thành công hồi đầu năm 2024. Bộ công cụ phân tích mà luận án xây dựng sẽ cho phép “chấm điểm” từng công trình theo bốn nhóm tiêu chí – lần lượt liên quan đến các khía cạnh (1) quy hoạch; (2) kiến trúc; (3) văn hóa – lịch sử; và (4) pháp lý. 

Song song với các giá trị vật thể, di sản kiến trúc thời bao cấp cũng hàm chứa những giá trị phi vật thể. 1.516 khu tập thể, với khoảng sân và các công trình phụ dùng chung, đã thay đổi hoàn toàn lối sống của người Hà Nội – một địa phương trước đây được tạo thành từ các ngôi làng và ngôi nhà riêng rẽ. Lần đầu tiên trong lịch sử, kiến trúc tạo nên thói quen sống thành cộng đồng chung trong đô thị Hà Nội, vượt qua các rào cản về giai cấp, quê quán, làng xã… trước đây. Công cuộc xây dựng hàng chục nhà máy ở những vùng ngoại vi của thành phố, cung cấp việc làm cho hàng vạn công nhân, cũng đã biến Hà Nội từ một thành phố tiêu thụ thành một thành phố sản xuất. Khi đem đến những thay đổi này, kiến trúc XHCN đã góp phần tạo dựng các cộng đồng mới và ký ức đô thị, đồng thời trở thành biểu tượng của một đất nước độc lập, thoát khỏi ách đô hộ thực dân. Điều này càng rõ hơn khi kiến trúc XHCN kế thừa nhiều di sản từ kiến trúc truyền thống của Việt Nam, từ tỉ lệ giữa các bộ phận của công trình cho đến các phương án để thích nghi với khí hậu nhiệt đới.

Đơn cử, trên khía cạnh quy hoạch, các bên liên quan cần xem xét vị trí công trình, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất của công trình, cũng như mức độ ảnh hưởng và phục vụ của công trình trong đô thị. Khi giá đất trong khu vực tăng lên, công trình sẽ buộc phải cải tạo hoặc hạ giải nếu không kiếm được lượng tiền lớn hơn tiền bán đất. Vì vậy, để lưu giữ giá trị một cách hiệu quả, cần vạch ra phương án tái phát triển công trình sao cho vừa lưu giữ được các giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử… tối quan trọng, vừa trang bị thêm công năng để giúp công trình sinh lợi nhiều hơn giá bán đất. 

Tương tự, bằng cách “chấm điểm” các bộ phận khác nhau trong một tổng thể kiến trúc, kiến trúc sư có thể xác định đâu là những chi tiết hàm chứa giá trị cần bảo tồn, đâu là những chi tiết có thể cải tạo, thay thế để gia tăng công năng. Năm 2007, khi thiết kế giải pháp tái phát triển một tòa trụ sở cũ, KTS Nguyễn Đức Vinh đã chọn phương án phá tường ngăn, xây cột chịu lực, nâng trần, nhằm giảm trọng lượng không cần thiết của tòa nhà đi, từ đó tạo thêm không gian để bổ sung các công năng mà chủ đầu tư muốn. Trong khi đó, mặt tiền tòa nhà lại được giữ hầu như nguyên trạng, chỉ lắp thêm một tấm kính lớn để phản chiếu hình ảnh của các công trình đối diện, nhằm giúp tòa nhà tồn tại hài hòa với môi trường xung quanh. Bằng cách này, tòa nhà tiếp tục tồn tại dưới ngoại hình cũ, nhưng được sử dụng cho một chức năng hoàn toàn mới; qua đó vừa thích nghi và hội nhập với môi trường kinh tế hiện tại của địa phương, vừa giữ cho ký ức đô thị không bị đứt gãy.□

Bài đăng Tia Sáng số 24/2024

Tác giả

(Visited 84 times, 1 visits today)