Kiến trúc sư thời Bao cấp
Khi nhìn lại quá khứ, có thể nói rằng các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986 phản ánh một thời đại mới của đất nước, với những nguyên tắc định hình hiện đại. Các kiến trúc sư của giai đoạn này cũng chính là những gạch nối giao thoa, giữa cả phong cách kiến trúc Pháp trước đó, phong cách hiện đại XHCN và thấm đẫm tính dân tộc để tạo ra những tác phẩm đặc sắc.
Liên quan đến các sự kiện lịch sử, kiến trúc thời Bao cấp (1954-1986) ở Hà Nội thường được chia làm ba giai đoạn: 1954-1965 (từ khi tiếp quản Thủ đô cho đến khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc); 1965-1975 (chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam); 1975-1986 (sau khi thống nhất đất nước cho đến Đổi mới). Bên cạnh đó, còn một cách phân kỳ khác là chia thành hai giai đoạn: 1954-1972 (trước Hiệp định Paris); 1973-1986 (sau Hiệp định Paris). Cách phân kỳ thứ hai này rất phù hợp về mặt con người, cụ thể: giai đoạn 1954-1972 là thời của các kiến trúc sư thế hệ thứ nhất, những người tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, còn giai đoạn 1973-1986 chứng kiến sự trưởng thành của các kiến trúc sư thế hệ thứ hai, những người được đào tạo dưới hệ thống giáo dục XHCN trong và ngoài nước.
Các kiến trúc sư thế hệ thứ nhất
Ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội được tiếp quản. Để đáp ứng các nhu cầu quản lý hành chính và hoạt động công cộng của người dân, ngoài việc tái sử dụng các công trình mà thực dân Pháp để lại, chính quyền mới của Hà Nội đã xây dựng những công trình mới, thể hiện những giá trị của xã hội mới.
Các kiến trúc sư vốn là những cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tham gia kháng chiến chín năm ở Việt Bắc rồi về tiếp quản Hà Nội. Đó là các kiến trúc sư: Nguyễn Cao Luyện (khóa 3 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) – Thứ trưởng Bộ Kiến trúc kiêm Viện trưởng Viện Kiến trúc; Hoàng Như Tiếp (khóa 3) – Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn; Trần Hữu Tiềm (khóa 4) – Cục thiết kế Dân dụng; Đoàn Văn Minh (khóa 6) – trưởng xưởng 3, Viện Kiến trúc; Hoàng Linh (khóa 8) – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Tạ Mỹ Duật (khóa 8) – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Hà Nội…
Từ năm 1973, với những điều kiện mới về xã hội, khoa học kỹ thuật và con người, kiến trúc Hà Nội có sự bứt phá rõ rệt, khẳng định bản sắc dân tộc- quốc gia trong thời đại XHCN trên bình diện quốc tế.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (1960) đã vạch rõ, trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phải xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hóa XHCN, đồng thời hoàn thành cải tạo XHCN là cơ sở quan trọng cho sự nở rộ các công trình xây dựng, trước hết là công trình công nghiệp, sau đó là nhà ở và công trình công cộng.
Các công trình nổi bật giai đoạn 1954-1972 ở Hà Nội chủ yếu là trường đại học và trụ sở cơ quan. Về trường học có: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, KTS Nguyễn Ngọc Chân, KTS Trần Hữu Tiềm), trường Đại học Thương nghiệp (nay là trường Đại học Thương mại, KTS Tạ Mỹ Duật), trường Đại học Thủy lợi (KTS Đoàn Văn Minh), trường Đại học Bách khoa Hà Nội (KTS Liên Xô), v.v. Về trụ sở cơ quan có: Trụ sở Bộ Xây dựng và một số Viện thiết kế ở Vân Hồ (KTS Nguyễn Ngọc Chân), Trụ sở Tổng cục Lâm nghiệp, Trụ sở Tổng cục Thống kê (nay là Bộ Kế hoạch Đầu tư, KTS Đoàn Văn Minh), v.v. Ngoài ra, còn có các công trình khác như: Hội trường Ba Đình (KTS Trần Hữu Tiềm, KTS Nguyễn Cao Luyện, KTS Tạ Mỹ Duật), Nhà hát Quân đội (KTS Hoàng Linh), Bệnh viện đa khoa Gia Lâm (KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn), v.v.
Chiến lược phát triển văn hóa những năm này về cơ bản được quy chiếu theo Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, trong đó nhấn mạnh: dân tộc – khoa học – đại chúng. Những tìm tòi về tính dân tộc trong kiến trúc là điều cần thiết sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tính dân tộc được phản ánh trong hình thức (ví dụ Lễ đài Ba Đình các năm 1955, 1960 của KTS Nguyễn Văn Ninh) và sự thích ứng với khí hậu được thể hiện ở các mảng hoa gió và khoảng hiên. Một điểm đặc sắc chung của các công trình giai đoạn này là màu sắc: màu đỏ – màu của cách mạng, màu của quốc kỳ Việt Nam.
Giai đoạn này Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam nhiều, trong đó có việc cử các chuyên gia kiến trúc sang hỗ trợ. Vậy nên, kiến trúc cùng thời của Trung Quốc có ảnh hưởng đến kiến trúc ở Hà Nội. Ví dụ, có thể nhận ra mối liên hệ về hình ảnh giữa Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh với Hội trường Ba Đình. Tuy nhiên, tỷ lệ ở Hội trường Ba Đình có tính dân tộc rõ nét, khác với tỷ lệ của Đại lễ đường Nhân dân. KTS Đoàn Khắc Tình cho rằng, công trình Hội trường Ba Đình “hội tụ tinh hoa ngàn năm của kiến trúc dân tộc, đường nét, mảng miếng, tỷ lệ thể hiện chân thực cảm thức kiến trúc của người Việt, nhưng lại mang vẻ đẹp của thời đại”. Hội trường Ba Đình được xây dựng theo tiêu chuẩn kiên cố, bảo đảm chỗ ngồi cho hơn 1000 đại biểu. Trong hơn bốn thập kỷ, Hội trường Ba Đình đã đảm đương sứ mệnh lịch sử tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng: 7 nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, 11 nhiệm kỳ Quốc hội và nhiều nhiệm kỳ Đại hội của các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội đã diễn ra tốt đẹp. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự và chủ trì nhiều hội nghị quan trọng gắn với sự ra đời các quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hội trường Ba Đình còn là nơi tổ chức các hoạt động mang tính nghi lễ quốc gia và các hoạt động đối ngoại ở tầm quốc tế.
Năm 1957, Bác Hồ trực tiếp giao kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thiết kế ngôi nhà trong vườn Phủ Chủ tịch, ngày nay trở thành một điểm đến quen thuộc của các đoàn khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội. Ngôi nhà được dựng bằng gỗ, mái lợp ngói, loại vật liệu truyền thống được ứng dụng phổ biến trong những năm đầu giải phóng Thủ đô. Nhà có hai gian chính như ngôi nhà tre nứa của Bác ở Việt Bắc, song rộng hơn và có thêm hai gian hồi ở hai đầu là nơi bố trí cầu thang và hàng hiên. Tầng dưới dành làm nơi Bác làm việc mùa hè, họp Bộ Chính trị, tiếp khách, chung quanh để trống thông thoáng, không gian rộng mở hòa vào ao cá đằng trước, sân vườn và những cây cổ thụ trong vườn. Tầng hai có hai gian nhỏ làm phòng ngủ và làm việc, hàng hiên bao quanh. Cách tổ chức không gian của nhà sàn Bác Hồ là sự kết hợp nhuần nguyễn giữa kiến trúc dân gian truyền thống với nguyên lý kiến trúc hiện đại.
Phong cách mà các kiến trúc sư thế hệ thứ nhất theo đuổi trong giai đoạn 1954-1972 sau này được gọi là Hiện đại XHCN tiền kỳ với những đặc trưng như: mặt bằng, mặt đứng đối xứng ngay ngắn, sử dụng các phân vị ngang, dọc theo tinh thần cổ điển kết hợp với tỷ lệ truyền thống, nhấn mạnh những mảng tường hoa gió trên mặt đứng, vật liệu gạch xây là chủ yếu.
Các kiến trúc sư thế hệ thứ hai
Sau Hiệp định Paris 1973, Hà Nội bắt đầu xây dựng các công trình quan trọng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cung Thiếu nhi, Bưu điện Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, v.v., chúng đều được hoàn thành từ 1975 trở đi.
Nhiệm vụ tái thiết sau chiến tranh cũng là cơ hội để kiến trúc Hà Nội bước sang trang mới – thời kỳ đỉnh cao của Hiện đại XHCN. Nếu như các phân đoạn trước vẫn còn phảng phất đâu đó tư duy kiến trúc thời Pháp thuộc, thì từ năm 1973, với những điều kiện mới về xã hội, khoa học kỹ thuật và con người, kiến trúc Hà Nội có sự bứt phá rõ rệt, khẳng định bản sắc dân tộc- quốc gia trong thời đại XHCN trên bình diện quốc tế.
Đây cũng là thời điểm thực sự bắt đầu cho một thế hệ KTS mới, được đào tạo trong môi trường giáo dục XHCN ở trong nước và ngoài nước (Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc, Cuba). Thoát khỏi chiếc bóng của các KTS thế hệ thứ nhất, được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, các kiến trúc sư thế hệ thứ hai đã làm chủ công tác thiết kế một cách vững vàng và tự hào. Một trong những kiến trúc sư tiêu biểu là Lê Văn Lân, tốt nghiệp lớp Kiến trúc- Xây dựng khóa 1 Bách khoa, tu nghiệp quy hoạch đô thị ở Liên Xô và thiết kế công trình văn hóa ở CHDC Đức. KTS Lê Văn Lân đã thiết kế, quy hoạch công viên Thủ Lệ, các khu tập thể Văn Chương, Quỳnh Lôi, Nghĩa Đô và thiết kế các công trình Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Cổng Công viên Thống Nhất, nhà thờ Tin Lành… trong giai đoạn 1973-1986.
Công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội của KTS Lê Văn Lân là một bứt phá của kiến trúc Việt Nam về tạo hình, kỹ thuật xây dựng cũng như cách tổ chức không gian. Công nghệ bê tông cho phép giải phóng không gian hai tầng dưới cũng như tạo mảng hoa gió lớn trải rộng ba tầng. Trước đó, Hà Nội chỉ quen với lối kiến trúc tường gạch, mái ngói, cửa sổ kính chớp suốt mặt tiền. Cung Thiếu nhi cũng là công trình đầu tiên sử dụng thang máy ở Hà Nội.
Các kế hoạch 5 năm 1976-1980 và 1981-1985 đều nhấn mạnh đến việc cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu về mặc, học hành, chữa bệnh, về ở, đi lại, về chăm sóc trẻ em và các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu khác. Loại hình công trình công cộng đa dạng hơn để hướng tới phục vụ đầy đủ các nhu cầu của nhân dân: công sở, trường học, bệnh viện, sân bay, nhà ga, khách sạn, cung thiếu nhi, cung văn hóa lao động, viện nghiên cứu, nhà thờ, bảo tàng, v.v. Những công trình tiêu biểu có thể kể đến Cung Văn hóa Thiếu nhi (KTS Lê Văn Lân), Bưu điện Hà Nội (KTS Nguyễn Kim), Nhà khách Chính phủ (KTS Diêu Công Tuấn), Cải tạo Ga Hà Nội (KTS Hoàng Nghĩa Sang), Trụ sở Bộ Giáo dục (KTS Trần Thanh Bình), v.v.
Sau khi thống nhất đất nước, tính dân tộc tiếp tục được đặt ra như là một phương thức để giảm bớt sự khác biệt xã hội giữa hai miền Bắc – Nam thời hậu chiến. “XHCN và dân tộc” là đường lối phát triển văn hóa cơ bản trong trong giai đoạn trước, tiếp tục được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội Đảng CSVN lần thứ V (1982), rằng nền văn hóa mới có nội dung XHCN và tính dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trên tinh thần đó, kiến trúc giai đoạn 1975-1986 được phát triển theo hướng XHCN với tính chất hiện đại đồng thời mang tính dân tộc.
Nhờ tiếp thu những tiến bộ của công nghệ bê tông, các công trình xây dựng ở giai đoạn này đã thể hiện tương đối đầy đủ ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, với các thủ pháp mặt bằng tự do, tổ hợp mặt đứng dựa trên sự đan xen các mảng đặc rỗng, nhà xây trên cột giải phóng không gian tầng một.
Tính hiện đại XHCN và tính dân tộc hòa quyện với nhau để tạo ra những tác phẩm đặc sắc. Theo KTS Trần Thanh Bình, được đào tạo ở Liên Xô, tác giả của Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (1986), Viện Công nghệ Xạ hiếm (1986), định hướng trên đã tạo ra thành công của kiến trúc giai đoạn 1973-1986, cụ thể: thứ nhất, bố cục hình khối theo lối Hiện đại XHCN như Liên Xô và Đông Âu cùng thời; thứ hai, công năng chặt chẽ và khoa học để đạt hiệu quả tốt nhất trong điều kiện kinh tế eo hẹp; thứ ba, chi tiết kiến trúc không chỉ thể hiện vẻ đẹp hình thức mà quan trọng hơn là giải quyết vấn đề sinh khí hậu, dựa trên kinh nghiệm truyền thống và vật lý kiến trúc hiện đại. Thực tế khảo sát cho thấy, các công trình giai đoạn này sử dụng mảng tường hoa gió hoặc lam che nắng khá phổ biến, vừa đảm bảo điều hòa không khí tự nhiên, vừa tạo hiệu ứng thị giác hấp dẫn trên bề mặt công trình.
Nhờ tiếp thu những tiến bộ của công nghệ bê tông, các công trình xây dựng ở giai đoạn này đã thể hiện tương đối đầy đủ ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, với các thủ pháp mặt bằng tự do, tổ hợp mặt đứng dựa trên sự đan xen các mảng đặc rỗng, nhà xây trên cột giải phóng không gian tầng một. Ngoài ra, vật liệu đá rửa phủ bề mặt từ miền Nam lan ra miền Bắc tạo thành một trào lưu thịnh hành ở Hà Nội những năm 1975-1986.Tuy nhiên, cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ nhiều bất cập, chiến tranh biên giới, cấm vận, và viện trợ bị cắt giảm dẫn đến sự suy giảm trong đầu tư xây dựng. Các ông trình được xây dựng với tiêu chí “đẹp trong điều kiện có thể”, trang thiết bị công trình được đầu tư ở mức tối thiểu. Phần lớn các công trình có quy mô lớn và hình thức kiến trúc ấn tượng trong giai đoạn này là được viện trợ từ nước ngoài.
Sự hiện diện của các kiến trúc sư nước ngoài
Ngày nay ít ai biết rằng, nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu ở Hà Nội chính là minh chứng của tình hữu nghị giữa các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ủng hộ công cuộc tái thiết Hà Nội sau chiến tranh, các nước thuộc khối XHCN và một số quốc gia thiên tả đã viện trợ xây dựng các công trình mới, do KTS nước bạn hoặc Việt Nam thiết kế như: Bưu điện Hà Nội (Trung Quốc viện trợ, KTS Nguyễn Kim thiết kế), Cung văn hóa Thiếu nhi (Tiệp Khắc viện trợ, KTS Lê Văn Lân thiết kế), Khách sạn Thắng Lợi (KTS Quintana – Cuba), Cung văn hóa Hữu Nghị (KTS Garol Isakovich – Liên Xô), Bệnh viện Nhi Trung ương (KTS Thụy Điển), Khoa Pháp Đại học Sư phạm (KTS Pháp), v.v. Những công trình này được thiết kế, xây dựng với chất lượng cao, phong cách hiện đại, đường nét mạch lạc, phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Năm 1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam và viện trợ một số dự án xây dựng, trong đó có Khách sạn Thắng Lợi. KTS Quintana được giao nhiệm vụ thiết kế công trình này, hoàn thành ngày 26/07/1975. Ngày nay, Thắng Lợi vẫn là một khách sạn cao cấp, hiện đại và sang trọng ở Hà Nội.
Liên Xô là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam trong thời Bao cấp, và bạn cũng cử những kiến trúc hàng đầu của mình sang nước ta để thiết kế những công trình đã trở thành biểu tượng một thời. Nổi bật nhất là KTS Garol Isakovich (1931-1992), người từng nhận Giải thưởng Lenin năm 1972 cho tác phẩm Khu tưởng niệm Lenin ở Ulianovsk (1970). Những công trình ở Hà Nội như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975), Cung Văn hóa Hữu Nghị (1985), Vườn hoa Lenin (1985), Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990), cũng là những trang sáng chói trong sự nghiệp của Isakovich.
Đến một đất nước nhiệt đới xa xôi, KTS Isakovich không cứng nhắc áp đặt kiến trúc Xô viết, mà tìm cách dung hòa, tiếp thu kiến trúc bản địa, từ hình thức cho đến nội hàm văn hóa. Có lẽ ông đã nhận thức khá rõ về hình ảnh bộ mái và tỷ lệ trong kiến trúc truyền thống Việt Nam và khéo léo sử dụng trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Văn hóa Hữu nghị. Sau khi công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, Isakovich được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 1976. Một số người đã nhầm lẫn cho rằng Isakovich chưa có đủ thời gian nghiên cứu về kiến trúc truyền thống việt Nam nên đã “bê nguyên” kiến trúc Liên Xô đến Việt Nam. Nếu như chúng ta đã xem những công trình do Isakovich thiết kế ở Liên Xô thì có thể nhận ra rằng ông đã thay đổi nhiều để thích ứng với điều kiện khí hậu, văn hóa, con người Việt Nam. Không những truyền tải tính bản địa về mặt cấu trúc hình ảnh và tỷ lệ, Isakovich còn khéo léo sử dụng các hoa văn truyền thống Việt Nam nhưng cách điệu một cách hiện đại.
Có một câu chuyện đáng phải nhắc đến là khi thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xảy ra sự khác biệt về quan điểm giữa KTS Liên Xô với KTS Việt Nam, nhưng các KTS Việt Nam khi đó đã kiên trì, quyết liệt bảo vệ ý kiến. Cuối cùng, KTS Isakovich đồng ý một phương án dung hòa như chúng ta thấy ngày nay. Như vậy, ngay trong thời kỳ nước ta còn nghèo, phải nhận viện trợ từ bạn nhưng không vì thế mà mất đi chính kiến. Còn ngày nay, chúng ta xây bằng tiền của mình, bỏ tiền ra để thuê tư vấn nước ngoài nhưng lại cứ phải “e ngại” mấy ông Tây, ông Nhật, để rốt cục tạo ra những công trình “na ná” Tây Nhật ở những vị trí nổi bật nhất.
Trong tọa đàm ngày 15/10/2024 do Tia Sáng tổ chức, KTS Trần Thanh Bình chia sẻ: “Chúng tôi thiết kế các công trình với tâm thế mong muốn xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”. Thời Bao cấp tuy kinh tế khó khăn, nhưng tinh thần dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước tươi đẹp của các kiến trúc sư thật trong sáng và mạnh mẽ. Từ một thuộc địa, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, khẳng định phẩm giá của dân tộc mình trước những cường quốc hàng đầu thế giới. Và kiến trúc thời Bao cấp đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn kiến quốc oai hùng đó. Giờ đây, nhiệm vụ của chúng ta là duy trì và phát triển những giá trị tốt đẹp của chúng.□
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024