Kiến trúc Việt Nam: Thử giải mã gien ? (Kỳ 2)

Ngoài tính chiết trung, kiến trúc Việt Nam còn có các mã gien tùy biến, hòa hợp, thiết thực, siêu linh và gián tiếp.

Buổi biểu diễn hát Chèo tại đình So (Quốc Oai, Hà Nội) do nhóm Đình làng Việt tổ chức. Ảnh: Phan Huy.

Tùy biến

Linh hoạt, tùy cơ ứng biến, không cố chấp sách vở là một tính cách nổi trội của người Việt Nam. Người Việt Nam dễ thích nghi, có khả năng biến hóa để tồn tại trong những tình huống khó khăn nhất thời, nhưng ít có khả năng nhìn xa, khó chấp nhận thiệt việc nhỏ để nhất tâm kiên trì đạt việc lớn. Đó một phần là vì nguồn gốc trồng lúa nước của dân tộc ta, đời sống kinh tế xã hội phụ thuộc chặt chẽ với thiên nhiên, luôn phải lựa vào thời tiết để sản xuất. Thế mới có câu: “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Thành ngữ Việt Nam có nhiều câu nói thể hiện tính linh hoạt như: “mềm nắn rắn buông”, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, “khôn chết, dại chết, biết sống”… 

Một hiện tượng thú vị trong kiến trúc nhà gỗ truyền thống Việt Nam là khả năng thay đổi chức năng, địa điểm, quy mô của nếp nhà. Một ngôi nhà ở có thể tháo ra, mang đến nơi khác dựng lại nguyên trạng (hoặc mở rộng thêm) để làm đình, chùa. Ví dụ, đình cũ làng Đông Hồ (Bắc Ninh) bị cháy năm 1920, dân làng mua được một ngôi nhà ở Thanh Hóa và dựng thành đình mới cách đình cũ 500m. Tuổi của ngôi nhà được tính từ lần dựng đầu tiên với ngày cất nóc thường được khắc lên thượng lương. Sau này, dù có di chuyển tới địa điểm khác để dựng lại thì người chủ mới sẽ khắc ngày cất nóc mới lên thanh thượng lương khác hoặc câu đầu, và nếu có thể thì vẫn giữ thượng lương có khắc ngày dựng cũ. Nói cách khác, “bản thể” hoặc tinh thần nơi chốn của ngôi nhà được gửi gắm vào hệ gỗ nhiều hơn là địa điểm xây dựng. Tức là, tinh thần của ngôi nhà không cố định vào một địa điểm, nó có thể thay đổi ở các nơi khác nhau để tạo nên một “tinh thần nơi chốn tùy biến”. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam với kiến trúc gạch, đá, thép, bê tông, phổ biến ở phương Tây và gần như toàn thế giới ngày nay, luôn gắn liền với địa điểm cụ thể. Điểm khác biệt này cũng góp phần chứng minh tính tùy biến ở ngay bản thể của kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Tư duy tổ chức không gian kiến trúc của người Việt rất linh hoạt, tùy biến: chỉ cần một không gian có bao che là có thể biến chúng thành bất cứ kiểu “nhà” gì cũng được.

Trong văn hóa cư trú, người Việt Nam thể hiện tính cách linh hoạt khá rõ. Đó là cách sử dụng vật liệu xây dựng nhà tại chỗ rất đa dạng: bùn, rạ cũng có thể dựng nhà; hoặc cách cải biến nhà tập thể cũ với những “chuồng cọp” ngoài ban công, cửa hàng dưới gầm cầu thang… Trong tiếng Việt không có nhiều từ phân biệt các loại hình kiến trúc khác nhau, hầu như đều là “nhà” cả: nhà thờ, nhà khách, nhà ăn, nhà ở, nhà ga, nhà vệ sinh, nhà thương, nhà hỏa…, trong khi đó ở nhiều ngôn ngữ khác ít nhiều có từ định danh riêng. Điều đó chứng tỏ tư duy tổ chức không gian kiến trúc của người Việt rất linh hoạt, tùy biến: chỉ cần một không gian có bao che là có thể biến chúng thành bất cứ kiểu “nhà” gì cũng được. 

Đình, công trình kiến trúc đặc trưng của Việt Nam, cũng có tính tùy biến. Đình giống như một công trình đa chức năng và linh hoạt, nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng như tụ họp, tế lễ, biểu diễn nghệ thuật… có thể liên hệ với nhà cộng đồng của các dân tộc vùng núi hoặc nhà văn hóa ở khu dân cư mới hiện nay. Kiến trúc đình phản ánh tính cách linh hoạt, tùy biến của người Việt Nam, khi có thể tạo ra một công trình mà người sử dụng có được những sắc thái cảm xúc khác nhau: khi tế lễ thấy thiêng liêng, khi hội họp thấy nghiêm trang, khi ca múa thấy vui vẻ. Sắc thái tùy biến này chúng ta có thể bắt gặp ở một số công trình kiến trúc hiện đại như tòa nhà VUUV, Nhà cộng đồng Suối Rè…   

Hòa hợp

Tính hòa hợp trong nghệ thuật và kiến trúc Việt Nam nhìn chung chịu ảnh hưởng từ đạo Lão, đạo Khổng và lối sống hòa hợp với thiên nhiên trong nền kinh tế sản xuất lúa nước. Lê Quý Đôn viết về âm nhạc: “Đạo trung rất hòa. Hễ hình hòa thì khí hòa, khí hòa thì thanh hòa, thanh hòa thì việc giao hòa của trời đất ứng theo” (vũ trụ hòa hợp theo quan điểm của Lão), hay phê bình văn nghệ: “Văn chương là của công thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được chứ không nên chê mắng” (cái nhân nghĩa, khoan hòa của Khổng). Ngoài ra, Lê Quý Đôn rất coi trọng sự thống nhất, hài hòa giữa hình thức và nội dung tác phẩm: “Hòa thuận chứa ở trong, anh hoa phát ra ngoài”. 

Chùa Trấn Quốc.

Trong khi các đền đài, nhà thờ, cung điện châu Âu, Tây Á, Ấn Độ, Khmer… thường được xây dựng với kích thước vượt trội và đặt ở những vị trí dễ nhận biết, mang tính định hướng như ở quảng trường, trên đồi cao, thì chùa Việt Nam lại thường ẩn mình trong những tán cây trong làng, cung vua phủ chúa thì được bao bọc bởi nhiều lớp tường ngăn. Nhìn chung, người Việt hạn chế phô trương quá mức, để chủ thể kiến trúc không áp chế, lấn át môi cảnh. Nếu như có một công trình ở vị trí dễ thu hút mắt nhìn thì nó cũng được thiết kế với một tầm thước vừa phải với con người và có những đường nét duyên dáng, ý nhị, hòa mình vào thiên nhiên, cây xanh và mặt nước. Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… là những ví dụ như vậy. Trong khi kiến trúc phương Tây khẳng định giá trị chủ thể của công trình thì kiến trúc Việt Nam đề cao sự hòa hợp chủ thể/ khách thể. Công trình là một chủ thể xác định, nhưng nó lại tan biến đâu đó như một khách thể bên ngoài. Tác phẩm kiến trúc được dựng nên không phải thỏa mãn ham muốn kiểu như “tiên phong”, “độc đáo”, “tuyệt tác”, mà chỉ đơn giản giống như việc trồng thêm một cây giữa rừng. Nó bình thản xuất hiện, không cần lên gân lên cốt.

Một công trình kiến trúc thành công theo quan niệm phương Tây thường phải giàu cảm xúc, nổi bật, đặc sắc. Còn quan niệm thành công trong kiến trúc truyền thống Việt Nam có lẽ phải ẩn náu, thấp thoáng đâu đó. Cái cần là tự nhiên, nôm na dễ nhớ nhưng lại không rõ ràng phong cách cá nhân, như thể những câu vè hay ca dao lưu truyền trong dân gian. Chùa Trấn Quốc mới đây được khách du lịch quốc tế đánh giá là một trong mười chùa đẹp nhất thế giới. Về tạo hình, kiến trúc chùa không mấy đặc sắc. Nó đẹp bởi sự hiện diện của nó như thể câu ca dao: “Mịt mờ khói tỏa ngàn sương. Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. 

Đối với công trình có nhu cầu diện tích sử dụng lớn, nếu như phương án giải quyết của phương Tây thường là tạo ra những hình khối đồ sộ để thể hiện sự mạnh mẽ cường tráng, thì kiến trúc truyền thống Việt Nam lại thường chia nhỏ khối tích ấy thành tập hợp những nếp nhà có quy mô vừa phải, dàn trải phân tán để ánh sáng và cây xanh có thể chan hòa bên trong khuôn viên công trình. Chúng ta cũng có thể giải thích bằng lý do khí hậu nóng ẩm và tính hạn chế về mặt kích thước của vật liệu gỗ, nhưng cũng không thể phủ nhận tính cách trọng tập thể của người Việt đã ảnh hưởng đến cách bố cục mặt bằng- hình khối công trình. 

Cổng làng Mông Phụ.

Quy hoạch đô thị phương Tây từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại đã coi quảng trường (agora, forum, piazza) là bộ phận trung tâm của thành phố. Nơi đó diễn ra các hoạt động thương mại, tôn giáo, chính trị… dành cho tất cả mọi người. Ở Việt Nam, ngoài sân đại triều trong hoàng thành dành riêng cho vua chúa và quan lại thì ông cha ta hình như không có ý niệm về một không gian công cộng tụ hợp nhân dân như vậy (không kể sân đình ở các làng ven đô, quy mô nhỏ). Đô thị Việt Nam được phát triển, mở rộng mang tính kế thừa từ những làng ven đô, phường thủ công, nơi mà các công trình công cộng như đình, chùa ẩn dật đâu đó trong làng, phường, và không có quảng trường đi kèm. Chỉ khi người Pháp đến, chúng ta mới hiểu được vai trò của quảng trường. Cho đến tận ngày nay, những hoạt động giàu cảm xúc nhất vẫn là diễn ra trên hè phố chứ không phải quảng trường. Người Việt Nam không có thói quen đứng giữa quảng trường để thể hiện khả năng và cảm xúc của mình trước hàng trăm con mắt xa lạ. Họ thích tụ tập “chém gió” ở một quán nước vỉa hè, để ai đó lướt qua phố vẫn nhận ra mình rồi không để ý đến mình nữa. Con người trên quảng trường muốn là trung tâm của thế giới, còn con người trên hè phố chỉ muốn mình là một mắt xích trong sự chuyển hóa bất tận của thế giới. 

Quan niệm về kiến trúc của người Việt Nam về cơ bản có tính thực dụng. Bởi tính cách thực dụng, vị lợi trước mắt, nên người dân cứ dần lấn chiếm đất đình, chùa, khiến cho hầu hết các công trình công cộng di sản trong đô thị bị teo nhỏ, không còn vẻ đẹp cảnh quan như nguyên bản.

Thiết thực

Về tính cách coi trọng thực tế, thậm chí thực dụng, người Việt Nam có các câu như: “khôn ăn cái, dại ăn nước”, “có thực mới vực được đạo”, “ăn chắc mặc bền”. Người Việt Nam đi chùa về cơ bản không phải mong muốn tìm đạo giải thoát bản thân mà là để cầu xin sức khỏe, thành công trong cuộc sống. Vua Hùng Vương chọn người kế vị Lang Liêu vì món ăn bánh chưng bánh dày là thứ dễ kiếm nguyên liệu, dễ làm, còn nem công chả phượng chỉ là thứ phù phiếm. Mỗi yếu tố dù đẹp mắt đến đâu thì vẫn phải có chức năng sử dụng thiết thực (rất gần với chủ nghĩa công năng hiện đại). Lê Quý Đôn viết: “Người lão thành, trong lòng lúc nào cũng bình dị, bàn bạc thường nông gần mà thiết thực”. 

Quan niệm về kiến trúc của người Việt Nam về cơ bản có tính thực dụng, cụ thể. Vũ Như Tô giúp vua Lê Tương Dực dựng Cửu Trùng Đài rồi bị nhân dân chửi rủa, sử gia phê phán, mấy trăm năm sau mới có Nguyễn Huy Tưởng minh oan. Vua Tự Đức xây lăng cho mình thì bị dân oán trách “thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Vậy nên, lịch sử kiến trúc nước ta không thể có Pantheon hay Hagia Sophia, hoặc nếu từng có thì cũng đã bị người dân phá nát tan tành. Nhân dân ta coi trọng miếng cơm manh áo hơn là xây dựng một công trình kì vĩ chỉ để thờ phụng, tưởng niệm, dạo chơi. Bởi tính cách thực dụng, vị lợi trước mắt, nên người dân cứ dần lấn chiếm đất đình, chùa, khiến cho hầu hết các công trình công cộng di sản trong đô thị bị teo nhỏ, không còn vẻ đẹp cảnh quan như nguyên bản. Người Việt Nam ít để ý đến vẻ đẹp tổng thể, vậy nên không chăm chút, gìn giữ không gian kiến trúc xung quanh công trình, nếu có điều kiện là “cơi nới”, “nhảy dù” (trách nhiệm thuộc về cả người dân và cơ quan quản lý). Bởi cá tính Thực, những khu nhà tập thể từ thời bao cấp nay được gắn thêm “chuồng cọp”, trông rất luộm thuộm (nhưng lại có chất “độc đáo” riêng). Vượt qua những ưu – nhược điểm, tính cách dân tộc cho chúng ta cái nhìn thấu đáo bản chất của một nền nghệ thuật. 

Các bộ phận hồ nước, bích lập tạo nên tính chất gián tiếp cho không gian đình làng Đông Hồ.

Không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn nước ta được bố cục theo mô thức: rìa làng có lũy tre hoặc sông, hào (để bảo vệ cộng đồng), lối vào làng có cây gạo, cổng (đánh dấu lãnh thổ, che mưa nắng), không gian trung tâm của làng có cây đa (che nắng, định hướng không gian) liền với bến nước (kết nối giao thông thủy- bộ, giặt đồ) và mái đình (tụ họp, thực hành tín ngưỡng). Đường ngõ có hàng rào trúc quanh co, đến vườn nhà thì “trước cau sau chuối” (trước nhà cần thoáng, đón gió mát nên trồng cau, sau nhà chắn gió lạnh nên trồng chuối) và các loại cây thuốc, rau quả. Tất cả các yếu tố cảnh quan đều có tác dụng thiết thực chứ không phải sắp đặt chỉ để cho đẹp mắt. 

Siêu linh 

Dân tộc nào cũng có tín ngưỡng, cũng ít nhiều tin vào thế giới siêu linh. Điều đó đã được phản ánh trong xây dựng- kiến trúc. Hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có kinh nghiệm thiêng hóa đô thị, sử dụng linh vật trong công trình kiến trúc để tạo dựng tinh thần nơi chốn cũng như thể hiện vẻ đẹp tín ngưỡng của dân tộc mình, ví dụ quần thể Kim tự tháp Giza có tượng nhân sư trấn giữ, Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng một phần bởi có hệ thống tượng linh vật chimera trên nóc. Ngày nay, khi phương Tây phát triển khoa học vượt bậc thì sự giải thiêng trong kiến trúc- đô thị cũng đồng thời xảy ra. Nhưng tính thiêng vẫn tiếp tục duy trì trong xã hội Việt Nam hiện đại, với các nghi lễ động thổ, cất nóc, khánh thành khi xây dựng; ngày 23 tháng Chạp âm lịch thì cúng ông Táo, vị thần cai quản ngôi nhà. 

Bộ phận giại trong nhà truyền thống Bắc Bộ.

Người Việt Nam quan niệm rằng đất đai có chỗ huyệt kết, tức là chỗ đất tốt để xây đô thành, dựng nhà cửa (huyệt dương), hoặc táng mồ mả (huyệt âm). Nếu khí đất bị tán ra không tụ huyệt được thì phải “trấn”. Trong ngôi nhà có chỗ “xung yếu” hơn các chỗ khác, cũng cần phải trấn. Trên cơ thể linh vật có chỗ “linh” hơn chỗ khác, và phải “điểm huyệt linh” đúng chỗ. 

Việc chọn lựa vùng đất xây dựng đô thị phải tuân theo thuật phong thủy. Ví dụ thế đất của Thăng Long đã được Lý Thái Tổ nói trong Chiếu dời đô: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”. Hoặc thế đất của Huế đã được các sử quan nhà Nguyễn nhận định rằng: “Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều hợp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; sông lớn giữ phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi”. Khi đọc thần tích các đình làng Việt Nam, ta sẽ thấy rằng bao giờ cũng có các yếu tố phong thủy trong việc mở đất dựng làng. 

Một công trình kiến trúc thành công theo quan niệm phương Tây thường phải giàu cảm xúc, nổi bật, đặc sắc. Còn quan niệm thành công trong kiến trúc truyền thống Việt Nam có lẽ phải ẩn náu, thấp thoáng đâu đó.

Mỗi làng quê Việt Nam bao giờ cũng thờ một nhân vật gọi là Thành hoàng. Nhân vật được thờ thường là người sáng lập ra làng ấy hoặc có công lao lớn, nơi thờ thường là đình. Vị trí xây dựng đình thường có phong thủy tốt, là huyệt dương của làng. Trong nhà, người Việt Nam thờ ông Công, ông Táo, vị thần cai quản đất đai, nhà cửa gia đình. 

Các hình tượng linh vật trong công trình kiến trúc được sử dụng rất đa dạng về thể loại, hình thức, chất liệu, chức năng, vị trí. Người Việt Nam cho rằng thế giới siêu linh cũng có các thế lực thiện và ác, có thể phù trợ hoặc phá hoại tinh thần nơi chốn của công trình. Ở những vị trí cát lợi thì đặt những vật phẩm mang tính chất tôn vinh như tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), tứ linh (long, ly, quy, phượng), cá, hươu… Ở những vị trí xung yếu thì bố trí những linh vật mang tính phù trợ, trấn áp như hổ phù- la hầu, nghê, kìm, voi… 

Trong khi kiến trúc truyền thống lấy linh vật và nội dung chạm khắc để tạo sự khác biệt và tính độc đáo của công trình, thì kiến trúc hiện đại, với ảnh hưởng từ phương Tây, lại nhấn mạnh bố cục hình khối. Hầu như kiến trúc hiện đại không sử dụng linh vật và chỉ coi phù điêu như là một bộ phận trang trí của công trình, và cũng rất ít khi sử dụng. Trong các kiến trúc sư hiện đại Việt Nam, những người có ý thức sử dụng và sáng tạo linh vật có thể kể đến Nguyễn Hữu Thiện với Thư viện Sài Gòn (sử dụng linh vật phượng) và Tạ Xuân Vạn với Trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam (sử dụng linh vật thạch sùng), Tòa nhà Hàm Cá Mập (sử dụng linh vật cóc).

Thư viện tổng hợp TPHCM sử dụng linh vật phượng.

Gián tiếp 

Trong giao tiếp, người Việt Nam, nhất là miền Bắc, coi trọng sự tế nhị với kiểu nói “vòng vo tam quốc”, “rào trước đón sau”, chứ không thẳng thắn và nói trực tiếp vào vấn đề như người phương Tây, vừa nói vừa thăm dò ý tứ của đối tác – “người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”, dùng các sự vật hình ảnh bên ngoài gián tiếp nói ý bên trong – “chỉ chó mắng mèo”, đôi khi dẫn đến tình trạng “nói một đằng, làm một nẻo”. 

Gián tiếp tức là ngăn cách, dò xét, không trực tiếp, làm mềm ranh giới. Trong kiến trúc truyền thống, người xưa rất hạn chế để tuyến giao thông chiếu thẳng vào chính giữa công trình, một đại kị trong phong thủy. Thay vào đó sẽ sử dụng trụ biểu, tam quan, bích lập, hồ nước, án, bình phong để tạo các lớp không gian từng bước tiếp cận vào công trình. 

Ngày nay, khi phương Tây phát triển khoa học vượt bậc thì sự giải thiêng trong kiến trúc- đô thị cũng đồng thời xảy ra. Nhưng tính thiêng vẫn tiếp tục duy trì trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Không chỉ ngoại thất, tính gián tiếp cũng xuất hiện trong nội thất ngôi nhà. Đầu tiên là giại, bộ phận vừa che nắng, vừa tạo ra một không gian đệm nửa đóng, nửa mở ở hiên. Tiếp đến ngưỡng, cấu kiện có nhiệm vụ giằng các cột nhưng đồng thời yêu cầu con người phải chậm lại, thận trọng nhấc chân khi bước vào gian nhà, không thể cứ hồn nhiên tót qua cửa thì rất dễ vấp ngã. Sau đó còn có các bộ phận khác cũng có tác dụng “ngăn trở”, phân chia các không gian như bình phong, ngưỡng buồng, thuận… Nói chung, sự thay đổi không gian trong kiến trúc truyền thống luôn có dấu hiệu nhận biết, dù rất nhẹ nhàng, đủ để nhắc nhở con người cần ứng xử một cách khéo léo, nói xa hiểu gần, giữ mình giữ người.  

Tính gián tiếp còn thể hiện ở cách tạo bề mặt nhiều lớp cho công trình. Ở góc nhìn sinh thái, những không gian gián tiếp và bề mặt vỏ công trình nhiều lớp (lớp ngoài thoáng hở) có liên hệ mật thiết với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Điều này chúng ta có thể nhận ra ở nhiều công trình kiến trúc hiện đại nước ta. 

Dinh Độc Lập.

Thay lời kết

Trong nghiên cứu về văn hóa nói chung và kiến trúc nói riêng có sự tranh luận giữa tiếp cận quy chất luận (essentialism) với kiến tạo luận (constructivism). Phương pháp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Thực tế trên thế giới cho thấy rằng hai quan điểm (phương pháp) này đều có tầm ảnh hưởng của mình, và có thể bổ trợ cho nhau. Chúng ta có thể nhận ra điều đó trong cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Noam Chomsky (đại diện quy chất luận) với Michel Foucault (đại diện kiến tạo luận). Ở bài viết này, chúng tôi đã tiếp cận kiến trúc Việt Nam và bản sắc kiến trúc Việt Nam từ góc nhìn quy chất luận. Tuy nhiên, không phải lúc nào những đặc tính kiến trúc của một cộng đồng cũng có thể được diễn giải thỏa đáng bằng tâm lý dân tộc, di truyền sinh học, khí hậu, địa văn hóa… Có những lúc, những biểu đạt kiến trúc của một quốc gia lại được lựa chọn mang tính chính trị hay chịu tác động bởi quyền lực của diễn ngôn. Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ giới thiệu kiến trúc Việt Nam theo góc nhìn kiến tạo.□

Tác giả

(Visited 79 times, 1 visits today)