Kirsten Flagstad: “Người” của Wagner
Trong chuyến đi tới Na Uy, Nguyễn Trang – một cộng tác viên của Tia Sáng, đã tìm đến thị trấn Hamar, nơi còn lưu nhiều dấu ấn quan trọng của nữ nghệ sỹ opera Kirsten Flagstad, để tìm lại những vết tích còn sót lại của giọng hát huyền thoại chuyên đóng các vai diễn của Wagner này.
Kirsten Flagstad vào vai Idolde trong “Tristan và Idode” của Wagner.
Sinh ra để hát Wagner
Kirsten Flagstad là con gái đầu của bà Maja và ông Michael. Mái tóc đỏ của bà bông, dường như dựng ngược khiến người ta nói bà đã bị quỷ dữ chạm vào. Điều này khiến cha mẹ bà nói “Như thế này thì không lấy chồng được đâu”. Khi tham gia ca đoàn nhà thờ, bà phải chắc chắn là mái tóc “quỷ ám” này được che gọn lại. Ông Michael sinh ra trong gia đình vốn làm thợ rèn tại Hamar, nhưng quyết tâm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc tại Kristiania (giờ là Oslo). Đây cũng là nơi ông gặp bà Maja, người sinh trưởng trong một gia đình yêu âm nhạc và có khả năng cảm âm tuyệt đối và biết chơi đàn từ khi còn rất nhỏ, và cả hai đã tiến tới hôn nhân. Sau đứa con đầu mất khi còn nhỏ, Maja quay lại Hamar lần thứ hai để sinh con vì căn hộ của hai người tại Oslo quá nhỏ. Sau khi Kirsten ra đời, bà hỏi mẹ chồng rằng có thể gửi bưu thiếp cho chồng báo tin mẹ tròn con vuông không, thì được đáp “Chỉ là con gái thôi, không cần đâu”. Khi mời bố chồng vào xem mặt cháu, ông cũng lạnh lùng đáp rằng không có hứng.
Cha mẹ Flagstad nhất quyết rằng các con sinh ra sẽ không theo sự nghiệp âm nhạc, thậm chí còn định hướng cho bà trở thành bác sĩ nhưng rút cục cả bốn đứa con của họ đều theo đuổi âm nhạc. Mặc dù học đàn một cách khá gượng ép vào năm 5 tuổi nhưng Kirsten lại thích thú khi tự đệm hát cho mình hàng giờ đồng hồ và nhận một vai nhỏ đầu tiên khi mới lên 10. Ngay sau đó, cha mẹ đưa cho bà cuốn tổng phổ Lohengrin. Cô bé học thuộc bằng tiếng Đức. Đây cũng là sở trường của bà, học thuộc một vai diễn phức tạp chỉ trong vòng vài ngày. Đương nhiên là một giọng hát non nớt không thể nào “gánh” Lohengrin, nhưng có thể cha mẹ bà họ nhận ra năng khiếu bất thường của con gái nên cố ý làm vậy để chuẩn bị trước chứ không chỉ đơn thuần là dỗ con để rảnh tay làm việc.
Thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ nhà ngoại và thể lực hơn người của nhà nội, Flagstad dường như có căn cốt của một giọng nữ cao kịch tính và không gặp mấy khó khăn trong phát triển giọng hát. Cơ thể bà to lớn, nhưng không phải do thừa cân mà vô cùng cơ bắp. Những đứa trẻ trong thành phố trêu đùa, khi chọc tay vào người bà đã sốc, “từng thớ thịt của bà ấy cứng như đá vậy”. Tuy được biết đến chủ yếu nhờ kịch mục Wagner, bà có thể hát rất nhiều tác phẩm khác như của Gluck hoặc thậm chí Purcell.
Kirsten kết hôn với người chồng đầu tiên năm 1919 và có một con gái. Năm 1930, bà kết hôn lần hai với Henry Johansen, một thương gia và cũng là người đã làm hậu phương giúp bà phát triển sự nghiệp trong những năm 1930. Với nửa đầu cuộc đời thuận lợi, Flagstad dần bước trên đường trở thành một trong những ca sĩ có ảnh hưởng nhất thế giới, với những câu chuyện không tưởng như đêm debut ngày 2/02/1935 ở Met.
Năm 1934, nước Mỹ kiệt quệ khi mới trải qua Đại suy thoái. Opera được coi là thú vui xa xỉ, và nhà hát Metropolitan đứng trên bờ vực phá sản do không bán nổi vé. Dân chúng không thể bỏ tiền ra mua vé cả một mùa diễn trong khi họ phải lo cái ăn từng ngày. Sau khi nghe Kirsten thử giọng, ban giám đốc và chỉ huy đều ngỡ ngàng và yêu cầu bà hãy đến New York ngay sau khi thuộc vai. Vào vai Sieglinde trong Die Walküre, buổi công diễn được phát trực tiếp qua truyền hình với ghế khán giả thưa thớt, nhưng sau màn đầu tiên, nhà hát lập tức kín chỗ. Phản ứng của khán giả được coi là một hiện tượng: từ một ca sĩ vô danh ở Mỹ, chỉ qua một đêm bà đã trở thành giọng ca nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Một thời gian sau, bà tiếp tục hát các vai trong opera Wagner như Elsa (Lohengrin), Elisabeth (Tannhäuser) và Kundry (Parsifal), với Fidelio của Beethoven là ngoại lệ duy nhất. Vé lúc nào cũng hết ngay sau khi mở bán. Giới phê bình nhận xét rằng chính bà đã cứu nhà hát khỏi phá sản, không chỉ bằng doanh số bán vé mà còn từ lợi nhuận đem lại nhờ phát trên radio.
Flagstad, cũng như Astrid Varnay hay Birgit Nilsson là những nghệ sỹ giọng soprano chuyên hát các vai của Wagner với âm lượng khổng lồ hiếm có mà giới phê bình nhận xét là đã “tuyệt chủng”. Đa số đều cho rằng họ chỉ hát các vai nữ cao kịch tính nhưng thực tế số lượng kịch mục họ tham gia vô cùng đa dạng do đặc thù giọng kịch tính cần rất nhiều thời gian để trau dồi mà nhiều trường hợp chỉ chín muồi ở tuổi 30-40 nếu không muốn mất giọng và phá hỏng sự nghiệp. Đối với Flagstad, từ nhỏ, giọng nói của bà khá ấm nên cha cho rằng bà là một giọng nữ trầm và bắt đầu hướng cho bà hát những lieder của Schubert. Cho tới lúc lần đầu ra mắt vào năm 1913, bà chỉ hát thêm opera và operetta nên không khai thác được hết tiềm năng và chỉ giậm chân tại chỗ, khiến cho âm sắc giọng bị mỏng do dây thanh quản không đóng lại hoàn toàn, dẫn đến âm phát ra không có độ vang. Chỉ đến khi theo học Gillis Bratt vào năm 1916 tại Thụy Điển, bà được học các bài luyện thanh, vừa là để điều chỉnh và phát triển giọng hát, vừa để học cách bảo vệ dây thanh quản.
Việc sinh con được cho là có tác động tới giọng hát các nữ ca sĩ, và dường như bà cũng không phải một ngoại lệ. Sau khi sinh con gái đầu lòng, bà quay lại sân khấu với chất giọng có âm lượng rất lớn, xử lý được các vai kịch tích trong nhạc kịch Ý như Desdemona, Tosca và cuối cùng là Wagner. Cho đến những năm cuối cùng của sự nghiệp, bà vẫn thực hiện các bản thu nhiều thể loại của Handel, Bach và Purcell. Đặc biệt là Dido trong Dido and Aneas mà vốn dành cho các giọng nữ trầm/trung. Giọng hát giàu âm sắc của Flagstad trong vai Aida có thể thỏa mãn bất kỳ khán giả khó tính nào.
Những kỷ vật
Tuy sống cả đời ở Oslo, căn nhà ở Hamar trở thành bảo tàng chứa nhiều kỷ vật đáng giá từ gia đình và sự nghiệp của Flagstad. Khách tham quan có thể đặt vé qua email và được hướng dẫn bắt tàu. Từ Oslo, tàu chạy khoảng một tiếng, đi qua những căn nhà nhỏ cạnh đồi thông phủ đầy tuyết, hồ Mjøsa lớn nhất Nauy và cuối cùng là nhà ga Hamar. Ra khỏi nhà ga chỉ đi bộ 6 phút là tới trung tâm. Ở thành phố nhỏ này, nhà cửa thưa thớt hơn thủ đô, và khá vắng vẻ. Trung tâm mua sắm trống rất nhiều sạp hàng và các cửa hàng không có thay đổi gì trong nhiều năm, mà chỉ đổi chỗ giữa các block. Đi theo biển chỉ dẫn lên một con dốc khoảng 5 phút là tới.
Các gian trưng bày trong bảo tàng Kirsten Flagstad. Nguồn: NVCC.
Nằm ngay sát Nhà thờ Chính tòa, bảo tàng còn là căn nhà cổ nhất thành phố. Nhiều người cho rằng gia đình cha Flagstad hẳn rất giàu khi có ngôi nhà ở vị trí đắc địa, nhưng thực chất căn nhà gốc nằm sát hồ, và với kỹ thuật xây nhà thời bấy giờ, việc đưa căn nhà lên cao khoảng vài trăm mét không quá khó khăn, nhất là cái ngày sở hữu đất đai chưa quá phức tạp. Phòng khách bên trái có tranh/ảnh của thành viên gia đình Flagstad, gồm cha, mẹ, các anh chị em, màn chiếu, các bản thu âm. Phía bên phải là gian trưng bày bộ trang phục Flagstad sử dụng trong vai Brünnhilde vở Die Walküre từ The Big Broadcast năm 1938, nổi bật trên nền bức ảnh khổ lớn chụp nhà hát ngày hôm ấy. Du khách cũng có thể xem trích đoạn từ màn 2 vốn rất phổ biến trên mạng, nhưng khi ngồi trong bảo tàng mới có thể cảm nhận được như huyền thoại còn sống trước mắt trong ánh hào quang cách đây cả thế kỷ.
Tầng trên lại là những câu chuyện khác về sự nghiệp của bà. Gian đầu tiên là các bức ảnh được xếp theo từng năm, từng vai diễn nhỏ lúc còn thiếu thời tới các vai diễn lớn, đánh dấu thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp tại khắp các nhà hát đẳng cấp thế giới như Royal Opera House, Covent Garden. Kèm theo đó là những câu chuyện nhỏ về việc chọn vai, trang sức, va li hành lý vẫn còn tem dán. Tuy không có hứng thú với thế giới giải trí Mỹ, bà vẫn tới Hollywood Bowl thực hiện các bộ ảnh, sự kiện và concert, đồng thời thu đoạn trích đoạn trong The Big Broadcast. Bà và vận động viên trượt băng Sonja Henie đã được đưa lên màn ảnh vào năm ngoái, là hai người Nauy duy nhất có sao trên Đại lộ Danh vọng.
Những khung ảnh các năm thế chiến II được bỏ trống, cũng là khoảng thời gian buồn khi sự nghiệp bị gián đoạn và gia đình bị xáo trộn. Năm 1941, bà rời Mỹ, một quốc gia tự do về đoàn tụ với chồng ở Nauy vốn đang bị Đức chiếm đóng, bà bị đồn rằng là người của phe Phát xít. Kết thúc chiến tranh chồng bà phải đi tù do có quan hệ với đảng Quisling, vốn có liên hệ với Phát xít Đức. Ông chết trong tù năm 1946 trước khi được xét xử và cái ngày ông bị bắt giải đi cũng là ngày cuối cùng bà thấy ông. Sau đó Flagstad đã xé tổng phổ Fidelio và thề không bao giờ hát Leonora nữa, vì trong bản opera này, nhân vật chính đã cứu được chồng mình nhưng bà, người phụ nữ tài năng, nổi tiếng mà không thể làm được điều tương tự.
Tiếp nữa tới căn phòng bên trái là trang phục được bảo quản rất tốt dù đã hang chục năm trôi qua, đồ lưu niệm từ The Met và bản gốc của hợp đồng thù lao bằng bia. Năm 1950, Flagstad đồng ý hát Dido and Aneas với chỗ quen biết tại nhà hát Mermaid, London, tuy nhiên hoạt động nghệ thuật cần có giấy tờ nên bản hợp đồng được thảo với các điều kiện khá hài hước như “ca sĩ cần phải biết điều, dễ gần, cư xử dễ chịu, biết hợp tác giúp đỡ bằng mọi cách có thể và không được khoe khoang về người Viking” để được trả “nửa vại bia vào bữa trưa, nửa vào bữa tối và một vại bia cho mỗi buổi diễn”.
Hai phòng tiếp theo trưng bày những bức tranh về bà được lựa chọn trưng bày mỗi năm, và cuối cùng là những bức ảnh gia đình, vỏ gối, vỏ đệm chính tay Flagstad làm. Không ai nghĩ rằng một phụ nữ hát các vai có tính chất sử thi thực chất lại khá hướng nội. Bà trông chờ tới ngày được về nghỉ hưu tại Nauy với con cháu, và chỉ có thú vui duy nhất đó là thêu đan. Bà thường đan len ngay cả khi chờ đợi ở trong cánh gà.
Tác giả bên ngoài bảo tàng Kirsten Flagstad. Nguồn: NVCC.
Ngoài nhà chính còn 2 gian khác làm nơi lưu trữ và trưng bày các hiện vật liên quan. Khu nhà thứ 2 có chiếc piano Flagstad từng sử dụng và rất rất nhiều tài liệu dành cho những người trong ngành. Nhiều người có thể ở trong này khảo cứu cả ngày vì số lượng tư liệu cực kỳ lớn. Cuối cùng là Hall of Fame, nơi dành cho các nghệ sĩ góp phần vào âm nhạc tại Na Uy, gồm ảnh và trang phục biểu diễn được may hết sức công phu. Có vài nhân vật đáng chú ý, như Ellen Gulbranson, ca sĩ từng thay phiên với Lilli Lehmann diễn Brunhilde ở Bayreuth Festival. Bà vốn là người Thụy Điển nhưng dành cả cuộc đời tại Na Uy, lấy quốc tịch tại đây, “trái tim của tôi thuộc về đất nước này”. Bên cạnh bà là cô học trò Eidé Norena. Hay Ivar F. Andresen, là giọng nam trầm có tiếng trong các kịch mục Wagner. Loại giọng này chủ yếu xuất hiện trong các vai thần thánh, đạo sĩ, vua chúa, tuy nhiên ông còn được mệnh danh là vua kẹo cam thảo (lakris) khi nhận quảng cáo cho sản phẩm này của hãng Nidar. Chiếc máy hát đĩa than trong căn phòng đem lại âm thanh bớt “công nghiệp” hơn từ đĩa CD, nhưng so với giọng hát thật của ca sĩ opera thì không thể sánh bằng, đặc biệt là các giọng kịch tính. Các khán giả thực sự nên xem một vở opera tận mắt để thấy được sự kỳ diệu của giọng hát, chứ không chỉ riêng diễn xuất.
Vào cuối sự nghiệp, với giọng hát không hề bị thời gian bào mòn, Flagstad vẫn tiếp tục tham gia các buổi biểu diễn và cho ra đời những bản thu âm quý giá, và chỉ rời The Met vào năm 1952. Dù sức khỏe dần suy yếu, bà vẫn đảm nhận vai trò là giám đốc Den Norske Opera & Ballett, chuyên phụ trách nhạc kịch và ballet tại Nauy năm 1958, và hát trong nhiều buổi diễn từ thiện cho đến khi qua đời vì ung thư tủy xương vào năm 1962. Bà yêu cầu được an táng trong ngôi mộ không tên tại Oslo. Con gái bà, Else Marie Hall từng theo đuổi nghệ thuật, nhưng đã đổi ý “Tôi sợ rằng mình chẳng bao giờ hát được như mẹ”. Như vậy tới hiện tại, không có thông tin nào khác về những người họ hàng của bà tiếp nối truyền thống âm nhạc của gia đình. Dù vậy, bà vẫn luôn được nhớ đến là Giọng hát của thế kỷ 20.
Kết thúc chuyến tham quan bảo tàng, du khách sẽ được mời viết sổ lưu niệm. Lật qua vài trang, có vẻ như tôi là người Việt đầu tiên tới đây. Bảo tàng thường nghỉ đông và chỉ nhận đặt chỗ riêng từ tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau do không có mấy sự kiện được tổ chức, nhưng từ bắt đầu vào hè là một chuỗi những sự kiện văn hóa nằm trong khuôn khổ Kirsten Flagstad Festival, năm 2019 diễn ra từ 16 tới 23/6, chủ yếu là phim ảnh về các nghệ sĩ lớn và trích đoạn từ các vở opera nổi tiếng.