Klaus Mäkelä: Tuổi đôi mươi trên bục chỉ huy
Ở tuổi đôi mươi, Klaus Mäkelä, nhạc trưởng chính của dàn nhạc Oslo Philharmonic, có tầm nhìn rất rõ ràng về mục tiêu và cách đạt được nó, ngay cả khi tình trạng phong tỏa đòi hỏi một cách tiếp cận khác để thu âm album đầu tay gồm các giao hưởng của Sibelius.
Khởi đầu trong giãn cách và phong tỏa
Mùa diễn ra mắt của Klaus Mäkelä với tư cách nhạc trưởng chính của Oslo Philharmonic lẽ ra đã được dệt nên bằng âm thanh bảy bản giao hưởng của Sibelius trong các buổi hòa nhạc nối tiếp nhau từ mùa thu năm 2020 đến mùa xuân năm 2021. Decca lẽ ra đã thu hoạch toàn bộ thành quả lao động đó bằng cách phát hành trọn bộ album Sibelius để khởi động mối quan hệ mới của mình với nhạc trưởng trẻ tuổi. Thế nhưng COVID-19 đã loại bỏ tất cả.
Cuối cùng chùm giao hưởng do Mäkelä chỉ huy đã được biểu diễn nhưng trong hoàn cảnh khác thường đến mức có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Dàn nhạc Oslo Philharmonic và nhạc trưởng đắm mình trong Sibelius và chỉ duy nhất Sibelius trong phần lớn mùa xuân 2021 trong phòng thu. Trong khi đó, Phòng hòa nhạc Oslo của Na Uy vẫn im lìm trong tình trạng phong tỏa.
Sibelius không hề mới mẻ đối với Oslo Philharmonic. Đích thân nhà soạn nhạc đã chỉ huy dàn nhạc ba lần vào mùa xuân năm 1921 – chính xác là gần một thế kỷ trước các buổi thu âm này. Nhưng Mäkelä cho rằng việc tái biểu diễn các bản giao hưởng trong điều kiện mới đã làm thay đổi hiểu biết của cả dàn nhạc về chúng: “Chúng cho phép chúng tôi đào sâu hơn so với việc chỉ chơi trong một mùa diễn bình thường”. Khoảng cách 1,5m giữa các nhạc công trong dàn nhạc chỉ khiến việc lắng nghe nhau càng thêm tinh tường.
Quá trình này cũng nhanh chóng củng cố mối quan hệ của Mäkelä với các nghệ sĩ trong một mùa diễn không khán giả bởi lịch trình liên tục bị gián đoạn và thay đổi. Anh nói: “Việc thu âm có thể dạy rất nhiều điều cho tôi về đồng nghiệp của mình. Bạn nhanh chóng học được cách làm cho mọi người cảm thấy họ có thể chơi hết mình vào bất kỳ thời điểm nào. Bạn biết ai có thể cần được thúc đẩy một chút và ai sẽ cần nhiều không gian hơn một chút. Thật lạ kỳ là những buổi thu âm này là tương tác xã hội duy nhất mà nhiều người trong chúng tôi có được vào mùa xuân năm đó bởi mọi việc khác đều bị cấm.
Mäkelä đã chỉ huy Oslo Philharmonic lần đầu vào ngày 16/5/2018, trong một sự kiện được Alex Taylor, trưởng ban Kế hoạch Nghệ thuật của dàn nhạc, mô tả là “không được lý tưởng” – rơi vào ngày trước ngày quốc khánh Na Uy với một chương trình rời rạc gồm những “món ngọt” Bắc Âu và những khúc dân ca, dẫu có món chính là Giao hưởng số 7 của Sibelius. Thế nhưng “từ buổi tập đầu tiên, chúng tôi đã cảm nhận được rằng anh ấy đã đem lại một nét đặc biệt nào đó cho buổi hòa nhạc này.” Đến tháng 10, dàn nhạc đã mời anh đảm đương vai trò dẫn dắt. Hợp đồng của anh sau đó đã được gia hạn thành bảy năm trước khi bắt đầu có hiệu lực bởi rất nhiều nơi quan tâm đến Mäkelä, Taylor lý giải. Tiếp theo, Mäkelä được công bố là người kế nhiệm Daniel Harding làm Giám đốc âm nhạc của Orchester de Paris từ năm 2022. Chẳng bao lâu sau bản hợp đồng đó cũng được thay đổi: có hiệu lực sớm hơn, từ năm 2021. Vào tháng ba năm đó, Decca ký hợp đồng với Mäkelä – lần bổ sung nhạc trưởng đầu tiên kể từ khi hãng này chào đón Riccardo Chailly vào năm 1978.
Vậy, liệu nhạc trưởng xuất thân từ nghệ sĩ cello người Phần Lan này có phải là người giỏi thực sự? Dĩ nhiên là anh thể hiện như vậy. Lần đầu tôi thấy anh chỉ huy một buổi hòa nhạc đặt vé trước của Dàn nhạc giao hưởng Helsinki vào tháng 11/2018 từ một ghế hàng đầu giá rẻ tại Trung tâm Âm nhạc Helsinki. Gần như toàn bộ âm nhạc đều mới mẻ, thực sự ở cấp độ trình diễn nghệ thuật thực sự chứ không chỉ là “xoay xở với tiếng ồn”, cách người ta ám chỉ các nhạc trưởng ít khả năng và thiếu tự tin. Kể từ đó, tôi ấn tượng trước thứ kỹ thuật súc tích, chiều sâu âm thanh và sự hiểu biết về cấu trúc âm nhạc mà anh có thể rút ra từ bất kỳ dàn nhạc nào mà mình chỉ huy. Xem anh chỉ huy cũng là một niềm vui – thanh lịch, chính xác, hoàn toàn tự nhiên, nhưng lại ẩn chứa sự bất ngờ không thể đoán trước.
Hầu như ai cũng ấn tượng trước thứ kỹ thuật súc tích, chiều sâu âm thanh và sự hiểu biết về cấu trúc âm nhạc mà anh có thể rút ra từ bất kỳ dàn nhạc nào mà mình chỉ huy. Xem anh chỉ huy cũng là một niềm vui – thanh lịch, chính xác, hoàn toàn tự nhiên, nhưng lại ẩn chứa sự bất ngờ không thể đoán trước.
Ba ngày sau sinh nhật lần thứ 26 của Mäkelä, chúng tôi gặp nhau tại Phòng hòa nhạc Oslo, nơi anh đang thu âm Giao hưởng số 6 của Shostakovich (một chùm tác phẩm Shostakovich trọn bộ sẽ theo sau chùm tác phẩm Sibelius trên Decca và được phát hành thành các đĩa đơn).
Mäkelä ước tính, để có các bản thu âm này, anh đã dành 150 giờ để biên tập kết quả và có lẽ nhà sản xuất Jørn Pedersen “đã dành thêm hai hoặc ba trăm giờ nữa”. Anh yêu từng giây từng phút công việc này bởi “biên tập thực sự là xây dựng lại bản giao hưởng qua những lần thu âm. Việc tìm được những mảnh phù hợp để ghép lại với nhau đem lại cảm giác thực sự thỏa mãn”.
Bức tường phòng thay đồ của Phòng hòa nhạc Oslo được trang trí bằng những bức chân dung đen trắng những người tiền nhiệm của anh, từ nhạc trưởng Johan Halvorsen đến nhạc trưởng Vasily Petrenko. Dĩ nhiên có một bức chân dung nổi bật hơn cả, nhạc trưởng Mariss Jansons – người mới qua đời vào năm 2019 tại Saint Petersburg, Nga. “Tinh thần của Mariss Jansons còn lưu truyền rất mạnh mẽ ở đây. Ông đã xây dựng chất lượng của dàn nhạc bằng cách nhấn mạnh vào tính chính xác và sự sẵn sàng”. Cách tiếp cận âm nhạc của một nhạc trưởng tuổi đôi mươi có gì khác các bậc tiền bối? Mäkelä kể với tôi về cách mình nghe nhạc. “Ở nhà, tôi có bộ loa Genelec. Nếu phải biên tập, tôi sử dụng tai nghe Sennheiser HD 800 S. Nếu di chuyển, tôi có các kiểu tai nghe loại bỏ tiếng ồn khác nhau và tôi nghe qua Tidal”. Anh mở ứng dụng trên điện thoại của mình, nó lập tức phát ra Giao hưởng số 6 của Shostakovich do Andris Nelsons thu âm gần đây. Dò xét đối thủ cạnh tranh chăng? Anh cười lớn: “Tôi cố gắng không nghe các tác phẩm mình đang chỉ huy, vì tôi có thể vô thức sao chép điều gì đó, và việc đó không hay. Nhưng tôi đăng ký danh sách dàn nhạc mới phát hành vì tôi quan tâm đến những gì người ta đang thu âm. Nếu nghe hay thì tại sao nó lại nghe hay? Nó đã được thu âm ở đâu? Trong khán phòng nào? Với cách thiết lập nào?” Anh giải thích “sự rực rỡ về âm thanh trong các bản thu âm của Decca” chính là phần hấp dẫn trong hợp đồng của mình với hãng.
Mäkelä thường nghe lại các bản thu âm lịch sử, ví dụ như trong tuần này là St Matthew Passion của Mengelberg, Sibelius của Robert Kajanus và Armas Järnefelt. “Cách các dàn nhạc áp dụng trong quá khứ có thể dạy tôi rất nhiều. Khi nghe đủ nhiều, bạn sẽ thấy sự ‘tiến hóa’ của một dàn nhạc theo thời gian, ngay cả Berliner Philharmoniker ‘cũ’ hay Royal Concertgebouw ‘cũ’ so với hiện nay chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất lớn. Nó thực sự thuộc về một nền văn hóa khác”.
Sẵn sàng đến với những cái mới
Lần gần nhất, Mäkelä mở tổng phổ Giao hưởng số 6 của Shostakovich trên một giá nhạc là khi anh chỉ huy dàn nhạc Royal Concertgebouw trong chuyến lưu diễn, xem xét các vấn đề âm học khác nhau ở các phòng hòa nhạc tại Amsterdam, Reykjavik và Hamburg. Anh nói: “Các dàn nhạc khác nhau tìm kiếm những điều khác nhau. Bạn phải tìm sự cân bằng giữa việc đủ tôn trọng truyền thống văn hóa của họ và sự thích ứng để khích lệ các nhạc công phát huy hết khả năng. Về cơ bản, đó là việc kéo những sợi dây đàn nhưng ít nhiều bạn phải kéo chúng theo đúng thứ tự.” Anh tin rằng âm học cũng quan trọng như truyền thống lâu đời. “Tôi thực sự tin rằng âm thanh đến từ trí tưởng tượng. Ngày nay, chất lượng chơi nhạc cao đến mức nếu bạn mơ thấy âm thanh thì trên thực tế, bạn có thể mang thứ âm thanh đó đến bất kỳ khán phòng nào”. Điều đó có thể giải thích tại sao âm thanh của Oslo Philharmonic, trong khán phòng tệ về mặt âm học, đã khác đi một cách đáng kể.
Sự thăng tiến nhanh chóng của Mäkelä gây tò mò đến mức nhiều người trong chúng tôi, những người nghĩ rằng mình đã dõi theo sự nghiệp của anh từ lúc khởi đầu, chỉ thấy anh xuất hiện trên bục chỉ huy các dàn nhạc uy tín. Không giống như Robin Ticciati hay Gustavo Dudamel, chẳng có công việc đầu tiên nào ở tỉnh lẻ Scandinavia dành cho Mäkelä. Anh cam đoan với tôi rằng mình đã từng học nghề khi làm chỉ huy khách mời cho các dàn nhạc địa phương ở Phần Lan và Đức. “Hồi đó, công việc của tôi tập trung vào những thứ rất khác”, anh nhớ lại. “Là một nhạc trưởng trẻ trước một dàn nhạc cần được hướng dẫn về những thứ thực tế như nhịp điệu và âm điệu, bạn chia tách âm nhạc ra rồi ghép lại với nhau, và về cơ bản bạn sẽ tự học vốn tiết mục trong suốt quá trình đó”. Ngay cả khi chuyển tới các dàn nhạc Royal Concertgebouw hay Chicago Symphony ư? “Dàn nhạc giỏi chỉ việc chơi. Tất cả những gì bạn có thể làm là hướng dẫn họ một chút theo các hướng khác nhau. Đầu tiên, bạn thấy họ phản ứng lại hướng dẫn của nhạc trưởng mới nhưng bạn phải nhớ là mình phải hành động để mọi người hiểu điều gì sẽ có ý nghĩa nhất với buổi biểu diễn”. Ở Oslo, anh kiềm chế, khuyến khích các nghệ sĩ lắng nghe và tương tác với nhau với độ nhạy ngày càng cao. “Cái cảm giác mà bạn có thể có với dàn nhạc của riêng mình thực sự tuyệt vời bởi tất cả trên cùng một đường ray, chỉ cần thở cùng nhịp và đi theo cùng một cách”, anh nói. “Và điều đó cũng mang tính cá nhân. Họ là một nhóm người thực sự tuyệt vời, nghiêm túc và thực sự gắn bó”.
Về kỹ thuật, Mäkelä đề cập ngay đến Jorma Panula, thầy dạy mình: “Điểm mạnh của ông là hướng dẫn một cách khéo léo để chúng tôi tự tìm ra phong cách của riêng mình.” Ông có tán thành quan niệm rằng mỗi nhạc trưởng đều có một âm thanh, bất kể họ sử dụng cánh tay như thế nào? “Đúng thế. Tôi nghĩ rằng dùng bàn tay và cánh tay là vấn đề rất nhỏ, vấn đề lớn liên quan đến bộ dạng của bạn. Càng chỉ huy bạn càng nhận ra điều đó”. Anh chỉ vào tiền bối của mình tại một dàn nhạc khác ở Paris, Myung-Whun Chung. Ông là một bậc thầy. Ông tạo ra âm thanh giống nhau với mọi dàn nhạc mà mình chỉ huy. Ông đứng đó với một tư thế thoải mái, và bộc lộ một con người luôn chủ động một cách tuyệt vời”.
Khi so sánh Orchester de Paris với dàn nhạc Oslo của mình, Mäkelä miêu tả rằng nó “tuyệt vời ngang thế nhưng lại là một nhóm người rất khác”. Anh phấn khích trước thành công của Philharmonie de Paris – thu hút được khán giả đa dạng, trẻ trung và rõ ràng là vô hạn, và được phép lên chương trình táo bạo hơn. Anh chỉ ra hiệu quả theo hướng kiến trúc tương tự ở Helsinki: “Hãy nhớ rằng, trước khi có Trung tâm âm nhạc Helsinki, các buổi hòa nhạc thường ít người tham dự. Mười năm sau khi trung tâm này mở cửa, vé ở đó vẫn được bán hết và cách lên chương trình thú vị một cách phù hợp góp phần vào điều đó”.
Dự án xây dựng một phòng hòa nhạc mới ở Oslo đang được triển khai nhưng rất chậm chạp. Theo ước tính mới nhất, người ta hy vọng sẽ giải phóng mặt bằng khu bờ sông tại Filipstad trong vòng nămnăm tới. Mäkelä nói “Chúng tôi có rất nhiều hy vọng” với ngụ ý chắc chắn rằng mọi phòng hòa nhạc mới đều dẫn đến sự đổi mới khán giả của dàn nhạc và điều này diễn ra ở một thành phố chưa bao giờ cảm thấy sự thừa thãi nghệ thuật. “Tôi có thể thấy ở Helsinki và Paris có sự thay đổi về lượng người nghe, đó là cơ hội để giới thiệu rất nhiều danh mục biểu diễn khác”.
Vào tháng 5/2020, tôi đã trò chuyện với Mäkelä qua điện thoại về tình thế khó khăn của các nghệ sĩ đột nhiên phải im hơi lặng tiếng ở châu Âu. Mặc dù cho rằng mình tìm thấy cảm hứng trong việc nghiên cứu Missa solemnis của Beethoven và chơi lại cây cello của mình nhưng Mäkelä cũng cảm thấy cú sốc đại dịch cũng khá quan trọng. “Nó khiến bạn suy nghĩ về mọi thứ, đánh giá vai trò của một nhạc trưởng, mối liên hệ với khán giả có ý nghĩa như thế nào với âm nhạc”. Gần hai năm sau, khi đại dịch chưa kết thúc, anh rút ra điều gì? “Sẽ lý tưởng nếu xây dựng được sự tin cậy giữa nhạc trưởng và khán giả để khán giả luôn luôn muốn nghe các tác phẩm theo cách họ chưa từng được nghe trước đây”. Anh đã thử điều đó khi đưa vào chương trình bản Sustain của nhà soạn nhạc Hoa Kỳ Andrew Norman sau bản Mass giọng Đô thứ chưa hoàn thành của Mozart cho buổi hòa nhạc mở đầu mùa diễn hiện tại của Oslo. “Chỉ có ba người rời khán phòng sau tác phẩm Mozart và mọi cuộc trò chuyện sau buổi hòa nhạc đều là về Norman”, nhạc trưởng nói. “Những thứ thử nghiệm kiểu thế này rốt cuộc sẽ đem lại lợi ích”.
Tuổi tác của Mäkelä rõ ràng ít liên quan hơn đến cách anh chỉ huy âm nhạc so với cách anh thưởng thức nó. Sinh năm 1996, anh hoàn toàn thuộc về thế hệ thu phát âm nhạc trực tuyến nên tin tưởng vào “cơ hội lớn” về công nghệ. “Ngày nay, người trẻ ít nghĩ đến thể loại hơn; bạn nghe một tác phẩm nhạc thính phòng, một tác phẩm của Arvo Pärt, một bản nhạc jazz dễ nghe, tất cả được đặt bên nhau nhau. [Trong âm nhạc cổ điển], chúng tôi phải học cách giám tuyển để đem lại cho người nghe một trải nghiệm hấp dẫn, phong phú. Và tôi cho rằng chúng ta thực sự có thể học hỏi được nhiều điều từ các bảo tàng nghệ thuật, luôn có xu hướng kết hợp cái gì đó cổ xưa với cái gì đó mới mẻ theo một chủ đề hoặc chỉ đơn giản là muốn tạo ra sự tương phản”. Anh nói thêm: “Cuối cùng, nếu chơi đủ tốt, các dàn nhạc của anh sẽ thu hút khán giả chỉ nhờ vào phẩm chất đó”.
Các dàn nhạc mà Mäkelä chỉ huy chơi thực sự tốt. Điều thú vị hơn là sự riêng biệt trong công việc của anh với họ. Bộ Sibelius của anh với hãng Decca bao gồm một số tác phẩm nổi bật gây ấn tượng, với nhịp độ có thể diễn tả sự chậm lại của mùa xuân năm 2020 và cả một biểu hiện kín đáo nào đó khiến âm nhạc gần gũi với các tác giả đương thời. Brahms của anh chắc nịch còn Mahler của anh cứng cáp, trong khi một buổi hòa nhạc gồm các tác phẩm Pháp với London Philharmonic Orchestra được tờ The Guardian cho là “tinh tế một cách giản dị”.
Sắp tới, tại Oslo, Mäkelä sẽ chỉ huy Bach (một Mass giọng Si thứ), rất nhiều Haydn và Mozart. “Nếu bạn chơi Mozart thực sự tốt, bạn có thể sẽ chơi Richard Strauss tốt hơn, bởi khi đó bạn hiểu được sức căng và sự giải phóng tinh thần”, anh nói. “Các quy tắc này luôn có trong các bản nhạc, vấn đề còn lại là chỉ cần tìm ra được con đường”.□
Ngọc Anh lược dịch
Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/features/article/klaus-makela-interview-you-don-t-have-to-play-for-the-hall-you-just-have-to-seduce-the-microphones