KTS Nguyễn Trực Luyện: Không khéo thành một quy hoạch treo khổng lồ

Vừa qua, bản Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội đã được đưa ra trưng bày, lấy ý kiến nhân dân và đã thu hút được sự chú ý của công luận. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam về dự án và vấn đề quy hoạch phát triển của thành phố Hà Nội.

Thưa ông, về quy hoạch tổng thể của thành phố Hà Nội hiện nay, ông có nhận xét gì?
Cho đến nay, Hà Nội đã từng làm rất nhiều quy hoạch tổng thể nhưng nửa chừng rồi lại thay đổi, rồi lại điều chỉnh. Và thế là cho đến bây giờ, cái quy hoạch tổng thể gần đây nhất cũng chưa rõ nó thế nào. Gần đây, người ta lại đặt vấn đề quy hoạch tổng thể Hà Nội trong môt chùm đô thị cả Hà Nội và xung quanh Hà Nội. Như thế thì còn có rất nhiều yếu tố bên ngoài tác động vào và nó còn thay đổi nữa.

Vậy là từ những yếu tố vĩ mô như thành phố sẽ phát triển theo hướng nào, các khu chức năng bố trí ra sao cho đến các cấp độ thấp hơn là quy hoạch cho từng khu vực, rồi mẫu kiến trúc nhà cửa… quy hoạch của Hà Nội đều chưa ổn. Không những thế, hình như quy hoạch chung còn chưa theo kịp phát triển.
Đúng vậy

Trong bối cảnh chung đó, ông có nhận xét gì về ứng xử của các cấp chính quyền Hà Nội với sông Hồng?
Một thành phố có con sông chảy qua là một điều rất may mắn. Nó làm thành phố phong phú lên về nhiều mặt. Thế nhưng hiện nay, dường như sông Hồng lại đang là vật cản trở sự phát triển của Hà Nội. Nếu xem ảnh người Pháp để lại thì ta thấy những phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải trước đây, ngoài đê là đã  thấy thuyền, thấy nước. Lúc bấy giờ thì con sông là một bộ phận của thành phố, gắn bó rất hữu cơ, rất đẹp. Thế rồi những biến động của lịch sử, chiến tranh xảy ra, cùng với những yếu kém về quản lí nên đã dẫn đến việc phát triển một khu vực dân cư tự phát bên ngoài đê. Nó ngăn thành phố với con sông và cái mà ngày nay người ta thấy nhức nhối là con sông không còn là thành phần của đô thị nữa. Trái lại, đô thị như đang quay lưng lại với con sông. Những khu nhà tự phát giống như là sân sau của đô thị thôi. Vậy thì nó không đẹp, ai cũng nhìn thấy thế cả.Thế nhưng làm thế nào bây giờ. Đó mới là vấn đề.

Gần đây, Chính quyền Thành phố trưng bày lấy ý kiến nhân dân về dự án quy hoạch một thành phố hiện đại hai bên bờ sông Hồng (do KTS Hàn Quốc quy hoạch). Ý kiến của ông về dự án đó?

Với cái dự án mà thành phố trưng bày, ai cũng thấy là thành phố đẹp hẳn lên, sang trọng hẳn lên. Thực ra thì tôi chắc là không ai không muốn thành phố Hà Nội đẹp lên. Thế nhưng cái đồ án được trưng bày để lấy ý kiến dân đó còn thiếu nhiều thông tin quá. Mà bài toán phải giải quyết lại đụng chạm đến một loạt các vấn đề như quy hoạch tổng thể thành phố Hà Nội, trị thủy sông Hồng, mối quan hệ giữa khu vực mới xây dựng và khu vực đã xây dựng của Hà Nội… Và chúng ta vẫn chưa hiểu được được rằng những người đề xuất chuyện này đã xử lí, tính toán các vấn đề đó ra làm sao. Không được rõ. Điều đó làm cho người ta thích nhưng phân vân. Và phân vân nhất là cái mốc 2020. Làm sao mà đến 2020 chúng ta phát triển kinh tế thần kì đến mức độ thỏa mãn được khoản đầu tư lớn đến như vậy? Kể cả chúng ta đặt vấn đề thu hút đầu tư nhưng liệu sự phát triển kinh tế có hấp dẫn đầu tư đến mức như vậy không? Vấn đề nêu ra là đúng nhưng vấn đề là khi nào và làm ra làm sao. Nhất là làm ra làm sao thì không rõ. Cái mốc 2020 là rất khó. Nếu không khéo thì nó sẽ thành một cái quy hoạch treo khổng lồ.

Chúng ta đã nói rằng dự án về thành phố hai bên sông Hồng tất yếu sẽ chạm đến vấn đề trị thủy sông Hồng. Ông có ý kiến gì về tính khả thi của điều này?
Cách đây khoảng 5, 7 năm, chúng ta đã nói đến chuyện phát triển hai bên sông Hồng. Thành phố đã từng đề ra như thế với cái hình mẫu là sông Seine ở Paris, sông Néva ở Saint-Pétersburg. Nhưng hiện thực thì những người đề ra cũng thấy là không đơn giản như vậy. Bây giờ thì lại có kinh nghiệm của Hàn Quốc. Có vẻ như là sông Hàn có cái gì đấy na ná với sông Hồng. Tức là nó sẽ ở trong thành phố nhưng không phải là nhà cửa sát mặt sông như là ở Paris mà là giữa sông và thành phố có cả dải công viên cây xanh giải quyết vấn đề chế độ nước sông. Nhưng chúng ta vẫn chưa biết rằng người Hàn Quốc đã dùng những biện pháp gì trị thủy sông Hàn và không hiểu người ta có thấy sông Hàn và sông Hồng khác nhau không? Sông Hồng là con sông rất hung dữ,  có chế độ thủy văn rất phức tạp, từ những thời điểm cạn trơ đáy cho đến những khi nước lên rất cao, dòng chảy rất hung dữ. Như vậy là trị thủy sông Hồng không đơn giản. Tất cả những thông số kĩ thuât ấy phải được đặt ra và cân nhắc. Với người đứng ngoài dự án thì khó có thể phát biểu rằng nó có khả thi, có đúng, có tốt. Chỉ thấy rằng những điều ấy chưa được trình bày rõ khi ban điều hành đem dự án ra lấy ý kiến dân.

Ta hãy nói thêm về điểm mấu chốt nhất của dự án vấn đề trị thủy sông Hồng. Rõ ràng, sông Hồng có dòng chảy rất phức tạp, hơn nữa lại là con sông có tính quốc tế, bắt nguồn từ nước ngoài nên vấn đề kiểm soát lưu lượng nước là rất phức tạp, vậy, vấn đề trị thuỷ con sông này trong một thời gian ngắn tới liệu có khả thi?

Chuyện đó lớn quá, vấn đề trị thủy sông Hồng không phải chỉ Việt Nam mình lo được. phải có sự phối hợp, đàm phán quốc tế. Mình ở hạ lưu thì bị lệ thuộc thượng lưu. Đây là vấn đề có tính nhà nước. Chế ngự một con sông phải tiến hành trên cả một hệ thống chứ không phải chỉ một đoạn chảy qua một thành phố.

Ngoài vấn đề trị thủy sông Hồng, ông có nhận xét gì về dự án thành phố ven sông, vấn đề phân vùng phát triển trong khu vực dự án và đặc biệt là những kiến trúc hiện đại dự tính sẽ được xây dựng trong khu vực hai, khu vực kéo dài từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương?

Những vấn đề đó bản thân tôi cũng chưa quan tâm vì nó xa vời. Khi những điều mà tôi vừa nói ở trên chưa được giải quyết thì hãy khoan nói đến chuyện làm như thế, vẽ như thế có hợp lí hay không. Đó là một chuyện xa vời. Hơn nữa, phải có một quy hoạch tổng thể cho toàn Hà Nội để thấy được mối quan hệ giữa khu mới được xây đó trong tổng thể toàn Hà Nội. Dự án sông Hồng nằm trong một quy hoạch tổng thể toàn Hà Nội như thế nào thì vẫn còn chưa rõ.

Vậy là cuối cùng vấn đề lại là thiếu thông tin.
Thiếu thông tin và nói như ông Dương Trung Quốc nghĩa là trông thì thấy đó là một bữa tiệc rất thịnh soạn nhưng mà thực phẩm thì không biết có an toàn hay không. Đúng là như thế. Theo dự án thì thành phố sẽ đẹp lên nhưng tất cả những cơ sở cho điều đó lại chưa được bày ra một cách đầy đủ và thế nên là bản dự án trở nên chưa có sự thuyết phục. Từ đó ta hãy quay lại vấn đề mốc thời gian. Liệu chúng ta trong chừng ấy năm tới có thể theo đuổi được một dự án quá lớn về tài chính như vậy hay không, và liệu chúng ta có thực hiện theo đúng thế không trong khi chúng ta sức thì có hạn. Việc phát triển thành phố sang bên kia sông đòi hỏi quá nhiều điều kiện mà không biết trong một thời gian ngắn tới ta có thỏa mãn đủ hay không. Vậy mà trước mắt thì thành phố Hà Nội vẫn phải phát triển, vẫn phải mở rộng. Tại sao không chọn phương án vừa sức ta, ta làm được có hiệu quả?  Đấy là câu hỏi đặt ra với các nhà quy hoạch, các nhà quản lí. Họ cần phải cân nhắc xem phương án nào là hiện thực, phù hợp với khả năng của mình và ưu thế phát triển của Hà Nội. Hơn nữa, chấp nhận một dự án như thế này phải có sự thẩm định chuyên môn. Mà chuyên môn thì không phải chỉ có Hà Nội. Hà Nội là thủ đô của cả nước nhưng lực lượng chuyên gia của Hà Nội cũng chỉ có giới hạn. Phải có sự đóng góp ý kiến của toàn giới kiến trúc sư quy hoạch đô thị.

Trong quá trình thực hiện dự án, với tư cách các nhà chuyên môn, các ông có được tham khảo ý kiến hay không?
 Không. Chỉ có nhóm chuyên gia Việt Nam được cử ra cùng nhóm chuyên gia Hàn Quốc. Sau khi tiến hành, họ báo cáo trong hệ thống quản lí của Hà Nội. Giới chuyên môn thì đứng ngoài.

Hình như cách làm việc này đã thành một thông lệ…

Nghĩa là giới chuyên môn luôn được tham gia ý kiến sau, vuốt đuôi, rất muộn, giống như Hội trường Ba Đình, Nhà Quốc hội

Xin phép được hỏi câu hỏi cuối cùng: Theo ông, Hà Nội có nên phát triển sang bên kia sông Hồng?
Sẽ có một lúc nào đó nhưng chưa phải là bây giờ. Ít nhất là phải hai, ba chục năm nữa. Và trong hai ba chục năm đó, ta nên phát triển về hướng Tây, ở đó thuận lợi hơn rất nhiều, thuận lợi về địa lí, cảnh quan, nền đất. Còn đến một lúc nào đó rồi thì sẽ tính đến chuyện sang bên kia sông. Nhưng trong hai ba chục năm tới mình nên coi vùng đất ấy như của để dành. Vấn đề là phải giữ, đừng để của để dành bị xói mòn, tiêu tán đi. Tôi chỉ sợ là quản lí kém rồi đến một lúc ta muốn phát triển sang bên ấy thì nó không còn là miếng đất thuận lợi cho phát triển nữa. Thành phố hai bên sông thì tốt thôi chỉ có điều chưa phải là lúc này.
Xin cảm ơn ông đã dành cho Tia sáng buổi trò chuyện này.

P.V thực hiện

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)