Kỳ 2: Mischa Maisky với Gregor Piatigorsky
Mischa Maisky cho rằng ông quá may mắn khi có được mối liên hệ đặc biệt với cả Rostropovich và Piatigorsky. Ông nói, nếu Rostropovich là người cha tinh thần trong quãng đời thứ nhất thì Piatigorsky là người cha tinh thần trong quãng đời thứ hai của ông.
– Ai là người thầy chính đem lại cho ông một quan điểm về kỹ thuật? Rostropovich chăng?
– Không phải tất cả. Tôi đã lớn lên trong hệ thống Soviet, vì vậy tôi học được một vài khía cạnh của kỹ thuật từ ngôi trường âm nhạc ở đây. Dù vậy, tôi vẫn tự gọi mình là “cellist bán nghiệp dư”. Tôi cảm thấy có sự liên kết với các nghệ sỹ cello nghiệp dư, không phải chỉ vì giống như họ, tôi yêu âm nhạc hơn tất cả mọi điều mà bởi vì tôi đã trải qua nhiều khó khăn để học chơi đàn cello. Tôi không thể kể lại với bất cứ ai rằng tôi chơi đàn như thế nào, đó là lý do tôi không bao giờ dạy đàn.
Tôi đã có một người thầy giỏi là Fischmann ở Leningrad, dẫu cho tôi không học được nhiều từ ông ấy. Ông là một nghệ sỹ cello tài năng với tiếng đàn thật đẹp, về cơ bản ông làm tới bốn công việc: dạy một lúc ba trường khác nhau, trong đó có Nhạc viện Leningrad và tham gia biểu diễn trong một trio. Ông quá bận rộn, bởi vậy tôi đã chơi cello bằng trực giác mà không có bất cứ một sự hiểu biết sâu sắc về những thứ mình chơi. Thậm chí cho đến một ngày, khi người ta hỏi tôi cách cầm chiếc vĩ như thế nào hoặc những điều tương tự, tôi đã trả lời, “hãy hỏi tôi điều gì dễ hơn ấy”, bởi vì tôi không thể giải thích được. Tôi có đọc một vài bài phỏng vấn của anh, trong đó các nghệ sỹ cello nói về những kỹ thuật cello một cách chi tiết. Tôi rất ngưỡng mộ sự hiểu biết của các giảng viên cello vì tôi không thể trò chuyện về cách chơi cello một cách công phu như họ.
– Ông đã tới Israel sau khi rời bệnh viện tâm thần?
– Tôi từng vào một bệnh viện tâm thần nhỏ hai tháng với sự giúp đỡ của một bác sỹ Do Thái. Tôi đã không chơi cello trong vòng hai năm trước khi hồi hương về Israel*. Tôi bắt đầu chơi trở lại ngay lập tức và chỉ hai tháng sau có buổi trình diễn đầu tiên với Israel Chamber Orchestra. Sau đó tôi trình diễn với mọi dàn nhạc ở Israel và có nhiều buổi recital. Tôi nhận được lời mời từ Isaac Stern biểu diễn ở Carnegie Hall cho Quỹ Văn hóa Mỹ-Israel và kết thúc bằng bảy buổi biểu diễn với Israel Philharmonic Orchestra tại Mỹ. Tour diễn nhỏ này giúp tôi phát hiện ra rằng một nhạc trưởng quan trọng như thế nào và âm thanh của dàn nhạc khác biệt nhau như thế nào bởi tôi đã chơi những tác phẩm giống nhau với những nhạc trưởng khác nhau, Daniel Barenboim, Andrew Davis và Zuben Mehta.
– Vậy tại sao ông lại chọn Piatigorsky để theo học vào năm 1974 khi sự nghiệp của ông bắt đầu phát triển?
– Sự nghiệp của tôi vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, và tôi từng ước mơ được theo học Piatigorsky bởi ông ấy cũng là một huyền thoại khác ở Nga. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi mình là người duy nhất từng theo học cả hai nhân vật huyền thoại Piatigorsky và Rostropovich. Chính Piatigorsky là người đầu tiên nhận ra điều đó chứ không phải tôi. Cả Rostropovich và Piatigorsky đều có nhiều học trò nhưng chỉ có tôi mới là người được theo học với cả hai. Tôi cảm thấy mình hết sức may mắn không chỉ vì tôi được theo học là hai cellist vĩ đại mà còn là hai cellist vĩ đại nhất mọi thời đại.
Trước khi rời Nga, tôi hỏi Rostropovich về trường hợp nếu tôi không thể hoàn tất việc học ở Moscow thì tôi có thể tiếp tục học tập và nhận bằng tốt nghiệp ở phương Tây có được không. Rostropovich trả lời rằng, mảnh bằng tốt nghiệp chỉ là một mẩu giấy bình thường nhưng nó quan trọng như thế nào còn phụ thuộc vào nơi tôi sống. Nếu tôi may mắn và được tạo điều kiện có nhiều buổi biểu diễn thì ông nghĩ rằng tôi có thể phát triển mà không cần đến bằng tốt nghiệp. Nhưng ông ấy cảnh báo tôi có thể gặp nhiều thách thức với một nghệ sỹ cello trẻ vô danh khi muốn phát triển sự nghiệp ở phương Tây, “đặc biệt là 50 năm đầu, sau đó mọi thứ sẽ diễn ra dễ dàng hơn”. Thay vì chơi trong dàn nhạc hoặc đi dạy để kiếm sống, ông đề nghị tôi hãy cố gắng tìm lấy một học bổng và theo học một ai đó. Tôi nhờ ông đề xuất cho tôi một nhân vật để theo học. Ông ấy nói: “Có hai trường phái cello chính, một là Nga và một là Pháp. Cậu đã từng cố gắng theo trường phái Nga thì nay cậu có thể cố gắng một lần nữa với trường phái Pháp.” Tôi đã hỏi thêm ông ấy những thông tin cụ thể hơn và ông ấy cho biết: “Điều này thật khó khăn. Maréchal đã chết. Fournier không còn dạy nữa. Navarra thì lại dạy quá nhiều. Tortelier rõ ràng là thiên tài nhưng sẽ có nhiều điều không hay cho cậu. Gendron, hừm, nhưng bây giờ không còn tốt nữa. Cậu không biết à, nghệ sỹ Pháp tuyệt vời nhất mà tôi có thể đề xuất là Piatigorsky.” Điều hài hước là Piatigorsky là một người Nga Do Thái sống ở California. Sự kết nối với nước Pháp của ông ấy chỉ là ở chỗ vợ ông là cháu gái của Baron de Rothschild. “Piatigorsky là người duy nhất mà tôi có thể hoàn toàn tin tưởng. Ông ấy là một cellist vĩ đại, một nhân cách lớn.” Vào thời điểm đó tôi không hiểu ra trong sâu thẳm trái tim mình, Rostropovich đã hy vọng tôi nhận thức được rằng sau ông ấy sẽ chẳng còn ai kế tục sự nghiệp.
Khi tới Israel, tôi biểu diễn cho Zubin Mehta như tất cả các nghệ sỹ Nga di cư thời kỳ đó. Mehta rất thân thiết với Piatigorsky và ông ấy khuyên tôi, “Anh có thời gian còn Piatigorsky không còn trẻ và không còn khỏe mạnh. Anh không biết rằng ông ấy còn sống được bao lâu nữa. Anh sẽ không bao giờ phải thấy hối tiếc.” Vì thế tôi đã tới gặp Piatigorsky và dĩ nhiên không bao giờ hối tiếc về điều đó, mặc dù tôi thú nhận rằng sự nghiệp của tôi sau đó đi theo một chiều hướng khác hẳn bởi tôi đã nghe lời khuyên của Isaac Stern, ông ấy hướng tôi tới New York thay vì Los Angeles. Isaac Stern nói: “Anh nghĩ rằng anh đã tới phương Tây. Tôi cho anh biết một thông tin mới: đây là vùng Trung Đông. Anh nên đến Mỹ, nơi có sân khấu âm nhạc thực sự. Anh nên học tiếng Anh. Anh hãy chơi âm nhạc thính phòng, thứ mà anh chưa bao giờ thực hiện ở Nhạc viện Moscow. Tôi sẽ sắp xếp cho anh một học bổng từ quỹ văn hóa Mỹ-Israel để anh có thể tới Mỹ trong vòng sáu tháng và học tiếng Anh. Sau đó anh có thể nghe, gặp gỡ mọi người và hít thở bầu không khí kinh doanh âm nhạc. Tôi sẽ sắp xếp cho anh tới Festival Marlboro trong hai tháng mùa hè để anh có thể biểu diễn âm nhạc thính phòng với những nghệ sỹ vĩ đại”. Sau đó ông còn nói: “Đừng hiểu lầm tôi, anh là một nghệ sỹ lớn và còn hơn thế nữa, và tất nhiên anh có những người thầy vĩ đại nhưng nếu tới Mỹ anh có thể theo học một vài tháng với một ai đó để anh có được quan điểm khác.” Isaac Stern gợi ý tôi theo học Leonard Rose. Một cách ngây thơ, tôi nói với ông: “Thật kinh ngạc là những điều ông đề xuất lại là những điều tôi mong muốn thực hiện. Tất nhiên tôi muốn tới Mỹ và học tiếng Anh và tôi cũng thích được tới Festival Marlboro nhưng giấc mơ của tôi là được học với Piatigorsky.” Việc đề cập tới chuyện đó đã làm mất đi cơ may bắt đầu sự nghiệp của tôi nhờ sự giúp đỡ của Isaac Stern, bởi Piatigorsky không “ăn cánh” Stern. Piatigorsky có nhiều mối liên hệ với Heifetz và bờ biển phía Tây nhưng là một thế giới khác, xa lạ với Stern.
Ai mà biết sự nghiệp của tôi sẽ phát triển như thế nào khi tôi tới New York? Đó là thời kỳ Jacqueline du Pré đã ngừng chơi và giới vẫn được gọi là “Mafia Do Thái” đang tìm kiếm một cellist để thay thế. Tôi mới đến từ Nga và tôi đã từng biểu diễn ở Israel, vì vậy tôi cũng là một ứng viên sáng giá. Vào thời gian này, một cellist xuất sắc từng học với Leonard Rose đã bắt đầu biểu diễn dưới sự bảo hộ của Stern.
Không để ý đến điều đó, tôi bắt đầu có được 4 tháng đẹp nhất của đời mình khi tới gặp Piatigorsky. Tôi không nghĩ rằng ông là người thầy giỏi hơn Rostropovich, xếp hạng họ cũng ngớ ngẩn như việc cho rằng Mozart là nhà soạn nhạc tài năng hơn Beethoven. Nhưng tôi dứt khoát là một học trò tốt khi theo học Piatigorsky.
Tôi cảm thấy mình như có được một cú khởi đầu mới trong cuộc sống và tôi tràn ngập xúc cảm và năng lượng. Cũng trong thời gian đó, Piatigorsky đã tới gần đoạn kết của cuộc đời và ông ấy hiểu rõ điều đó. Khi tôi tới Los Angeles, Piatigorsky nói với tôi rằng ông không muốn tôi tới đó. Tôi đã có một đêm rất muộn trong ngôi nhà của ông và ông đã đi cùng tôi tới bên chiếc ô tô của tôi: “Cậu biết không, Mischa, tôi không nghĩ là tôi sẽ còn được thấy cậu thêm một lần nữa,” tôi trả lời: “Tại sao bác lại nói điều đó? Cháu sẽ còn trở lại vào năm tới cơ mà!” Ông buồn bã nói: “Có thể như thế nhưng bây giờ tôi đang rất ốm yếu.” Piatigorsky biết rằng quỹ thời gian của mình đã gần hết. Vì một vài lý do nữa mà bây giờ tôi đã quên, tôi đã không trở lại vào năm sau và ông đã qua đời. Ông ấy đã nói đúng.
Được theo học Piatigorsky có nhiều điều đặc biệt, bởi vì tôi nói tiếng Anh rất khó khăn mà ông ấy lại có thể truyền đạt bằng một thứ tiếng Nga tuyệt đẹp, theo kiểu mà từ lâu tôi đã không được nghe. Tôi đã góp phần đem lại cơ hội cuối cùng được truyền đạt kinh nghiệm và ý tưởng của ông ấy bằng chính tiếng mẹ đẻ. Như một miếng bọt biển, tôi đã hấp thụ được tất cả những gì Piatigorsky nói. Kết quả là chúng tôi có một mối liên hệ mãnh liệt đến không thể tin được.
Tôi tới lớp USC masterclass của Piatigorsky hai lần một tuần và biểu diễn trong ngôi nhà của ông ấy hầu như hàng ngày, mỗi lần lại chơi một tác phẩm khác nhau. Việc học của tôi khó khăn hơn nhiều học trò khác của ông, như Raphael Wallfisch, từng học với ông trong một thời gian dài và theo cách truyền thống, tập trung vào một tác phẩm riêng biệt trong vài tháng. Tôi có nhiều kinh nghiệm khác biệt bởi tôi cố gắng chơi tất cả những gì có thể cho Piatigorsky, dẫu cho những tác phẩm ấy tôi hoàn toàn không thể chơi nổi, để ông ấy có thể đưa ra một ý tưởng chung nào đó. Tôi đã chơi cho ông ấy nghe ít nhất một trăm tác phẩm trong vòng bốn tháng.
Sau mỗi buổi học chúng tôi chơi cờ vua bởi chúng tôi đều có chung xúc cảm về cờ. Sau đó chúng tôi cùng đi dạo và nói đủ thứ chuyện, không chỉ là âm nhạc. Rồi chúng tôi ăn trưa cùng nhau, thường tại Hamburger Hamlet, một trong những nhà hàng ưa thích của ông ấy.
Piatigorsky là một quý ông thực sự, ông ấy có thể tìm được nhiều cách để đem đến cho tôi những lời khuyên quý giá trong một cách đầy tinh tế và gián tiếp. Ví dụ, ông kể về những điều Stravinsky nói với ông trong quãng thời gian cuối cuộc đời Stravinsky, “Tôi cảm thấy dường như tôi không có nhiều thời gian để sống vội vàng hơn nữa.” Tôi không biết rằng việc nhắc lại câu nói đó cũng chính là cách Piatigorsky cố gắng nói với tôi. Mãi về sau, tôi mới biết rằng tôi cần thiết phải chậm hơn nữa. Ông ấy đã nói đúng, tất nhiên. Tôi 26 tuổi và tôi cảm thấy như mình phải bù đắp lại quãng thời gian đã mất, tôi phải bắt đầu lại rất nhiều điều trong cuộc đời mình. Tôi đang sống ở một đất nước mới, không nói tiếng mẹ đẻ, tôi đã không được chơi đàn trong hai năm, không ai biết tôi và tôi không có cây đàn của mình. Tôi cảm thấy mình đã chậm trễ, đặc biệt sau khi nhìn thấy quá nhiều thần đồng ở phương Tây phát triển sự nghiệp của mình. Tôi hấp tấp và tôi cố gắng làm mọi việc thật nhanh. 30 năm kể từ khi Piatigorsky qua đời, tôi vẫn còn cảm thấy sự hiện diện của ông trong ý thức của mình, tôi vẫn suy ngẫm những ý tưởng và đón nhận nguồn năng lượng mà ông hướng tôi theo.
– Ông so sánh những lời dạy của Rostropovich và Piatigorsky như thế nào?
– Mặc dù họ là những người rất khác nhau, nhưng họ giống nhau trong cách giảng dạy. Họ còn thân thuộc với nhau bởi trong những lần lưu diễn ở phương Tây, Rostropovich đã tới thăm Piatigorsky.
Cả hai đều tin tưởng rằng, cây cello chỉ là công cụ truyền tải thông điệp âm nhạc. Ngày nay, nhiều nghệ sỹ trẻ tin rằng để thành công hơn họ cần phải chơi to hơn, nhanh hơn và sạch sẽ hơn những người khác. Điều nguy hiểm của cách tiếp cận này là âm nhạc trở thành thứ yếu bởi người biểu diễn chỉ muốn chơi một nhạc cụ tốt hơn những người khác thay vì chơi một tác phẩm âm nhạc.
Cả Piatigorsky và Rostropovich đều giúp mở rộng và phát triển trí tưởng tượng của học trò. Cả hai đều tìm cách giúp học trò nhìn ra những điều các nhà soạn nhạc muốn nói, ảnh hưởng của âm nhạc lên cá nhân của họ như thế nào, và những mục tiêu âm nhạc của họ là gì. Khi tầm nhìn âm nhạc đã được mở rộng, mỗi học trò sẽ tìm được cho mình một mục tiêu hướng tới.
Cả Piatigorsky lẫn Rostropovich đều không cố gắng thiết lập những phiên bản của chính mình. Sau khi tôi tham dự cuộc thi Tchaikovsky, một thành viên ban giám khảo đã gọi tôi là “Rostropovich tương lai” trong cuộc họp báo. Đó là một lời ngợi khen có thể giúp hình dung về tôi trong thời gian đó, và người quản lý đã dùng nó để quảng bá khi tôi đến phương Tây. Tôi thú nhận rằng chưa bao giờ cảm thấy chấn động với danh hiệu này vì tôi chưa bao giờ muốn mình trở thành Rostropovich thứ hai. Tôi cũng không muốn điều tương tự với Piatigorsky. Họ là những cá nhân riêng biệt như chúng ta, và tôi không thể sao chép họ ngay cả khi có thể làm được điều đó. Thay vì thế, tôi muốn trở thành “Maisky thứ nhất”. May thay cả Piatigorsky và Rostropovich đều có chung một mục đích dành cho tôi. Cả hai đều cố gắng khuyến khích học trò phát triển tính cách theo cách hết sức sáng tạo.
Ấn tượng của tôi là cách tiếp cận của họ rất độc đáo, vì nhiều giáo viên dường như ra lệnh cho học trò kỹ thuật cầm vĩ, cách bấm dây và luôn luôn nói về kỹ thuật làm chủ. Rostropovich và Piatigorsky không bao giờ làm như thế. Rostropovich luôn ngồi bên cây đàn piano, chơi những gì cần thiết, hoặc là phần cho cello, piano, hoặc phần của orchestra, ông ấy vẽ lên những hình ảnh tinh thần trong âm nhạc, mặc dù những hình ảnh đó mỗi lần lại hiện ra một cách khác nhau. Tôi nhớ rõ đến cả tá bài học trên các bản sonata của Debussy, mỗi bài học đều hoàn toàn độc đáo. Điều ngạc nhiên là ông ấy có thể tìm được nhiều cách để bàn về một tác phẩm. Mọi bài học với Rostropovich đều rất lôi cuốn và hết sức truyền cảm.
Bốn tháng với Piatigorsky thậm chí còn nhiều hơn quãng thời gian “mặt đối mặt” mà tôi có trong suốt bốn năm học với Rostropovich. Rostropovich lưu diễn rất nhiều mà mỗi chuyến, ông thường đi tới vài tháng. Nhưng khi trở lại, Rostropovich như một cơn bão, tỏa ra với một luồng xúc cảm và năng lượng mãnh liệt để người ta có thể đón nhận được nguồn cảm hứng ấy cho đến khi ông trở lại từ chuyến lưu diễn tiếp theo. Thời gian tôi học Piatigorsky rất khác biệt, bởi ông đã ở cuối sự nghiệp và biểu diễn ngày càng ít đi.
Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi có được mối liên hệ đặc biệt với cả Rostropovich và Piatigorsky. Rostropovich là người cha tinh thần trong quãng đời thứ nhất của tôi và Piatigorsky là người cha trong quãng đời thứ hai.
—
* Maisky hồi hương về Israel năm 1972.