Kỷ nguyên Kubelík tuyệt vời

Một “kỷ nguyên Kubelík tuyệt vời” đã tồn tại trên khắp các sân khấu lớn của thế giới, với nỗ lực của Rafael Kubelík - một người Czech yêu quê hương.

Nhạc trưởng Rafael Kubelík

Người Czech theo chủ nghĩa thế giới

Rafael Kubelík sinh ngày 29/6/1914 tại Býchory, Bohemia, lúc này thuộc Đế chế Áo-Hung (ngày nay thuộc Czech), cách Prague khoảng 60km về phía đông. Cậu bé là đứa con thứ sáu trong tổng số tám người con của một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất đầu thế kỷ 20 Jan Kubelík, người được cậu con trai mình rất tôn sùng: “ông ấy như một vị thần đối với tôi”. Mẹ cậu, bà Anna Julie Marie Széll von Bessenyö là nữ bá tước Hungary. Năm người chị gái của Rafael đều là nghệ sĩ violin, dưới cậu còn 2 người em trai nữa, tuy nhiên đứa em út đã qua đời khi chỉ mới hai tuổi. Ông Jan luôn ủng hộ những người con của mình theo đuổi âm nhạc. Đích thân Jan đã dạy Rafael violin còn người chú František dạy cậu chơi piano. Ngay từ nhỏ, Rafael đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc tuyệt vời của mình. Năm 1926, Jan đã nhận xét về cậu con trai: “Nó có thể nhận ra những điều tuyệt vời. Nó mới mười một tuổi và có thể chơi piano và violin xuất sắc, thị tấu tổng phổ và có kiến thức tốt về dàn nhạc. Có một lần nó nhìn vào một tác phẩm dành cho dàn nhạc của tôi và đòi hỏi tôi thêm horn vào một phần cụ thể: nó đã đúng”! Năm 1929, Rafael theo học violin, piano, chỉ huy dàn nhạc và sáng tác tại Nhạc viện Prague và tốt nghiệp vào năm 1933.

Ngày 16/2/1934, ở tuổi 19, Kubelík chính thức ra mắt khán giả với tư cách nhạc trưởng khi chỉ huy Czech Philharmonic. Chương trình gồm có bản Fantasy, Op. 2 của chính anh, violin concerto của Ludwig van Beethoven do chính ông Jan biểu diễn và bản giao hưởng số 4 của Peter Ilyich Tchaikovsky. Trong chuyến lưu diễn của hai cha con tại Mỹ, Romania và Ý vào năm 1935, chính Kubelík là người đệm piano cho cha mình. Năm 1937, Kubelík thực hiện một chuyến lưu diễn dài ngày tại Mỹ với các dàn nhạc tại đây. Anh nhận được một số lời mời ở lại đây nhưng đều từ chối. Quay về nước, Kubelík trở thành nhạc trưởng thường trực của Czech Philharmonic, lúc này đang đặt dưới sự chỉ đạo của Václav Talich, người đã cử anh đi lưu diễn cùng dàn nhạc tại Anh vào các năm 1937 và 1938. Năm 1929, Kubelík trở thành giám đốc âm nhạc của Brno Opera, vị trí mà anh nắm giữ cho đến Đức Quốc xã đóng cửa nhà hát vào tháng 11/1941. Tại đây, anh bắt đầu khám phá các vở opera của Janáček cũng như lần đầu tiên chỉ huy Les Troyens của Hector Berlioz. Từ năm 1942, Kubelík được bổ nhiệm làm giám đốc âm nhạc của Czech Philharmonic, thay thế cho Talich. Năm 1943, anh cưới nghệ sĩ violin người Czech Ludmilla Bertlová. Họ có với nhau một cậu con trai, Martin.

Rafael Kubelík là một nhạc trưởng có tính cách mạnh mẽ và thẳng thắn, nổi tiếng trên khắp các kinh đô âm nhạc trên thế giới với tư cách một nghệ sĩ cầu toàn không mệt mỏi. Ở ông luôn tuôn trào một cảm xúc mãnh liệt. Kubelík không cố gắng tuân thủ nghiêm ngặt tổng phổ các tác phẩm. Thay vào đó, ông tìm cách tạo ra tầm nhìn của mình về bản nhạc đó, điều ông làm trong suốt sự nghiệp của mình với bản năng của một nhạc trưởng cũng như nhà soạn nhạc. Là một người Czech, ông yêu đất nước này. Tuy nhiên, vì những xung đột chính trị, Kubelík đã phải rời xa mảnh đất yêu dấu trong gần như hầu hết những năm tháng vinh quang của mình. Mặc dù vậy, ông vẫn đau đáu về quê hương và bằng tài năng xuất sắc, Kubelík luôn cố gắng giới thiệu âm nhạc của những nhà soạn nhạc đồng hương như Bedřich Smetana, Antonín Dvořák, Leoš Janáček hay Bohuslav Martinů tại bất cứ nơi nào ông đặt chân đến. Rất nhiều trong số chúng được coi là mẫu mực. 

Trong thời kỳ phát xít Đức đóng chiếm Czech, Kubelík đã phải trải qua một giai đoạn không hề dễ dàng. Ông luôn phản kháng lại chế độ, từ chối biểu diễn âm nhạc của Richard Wagner cũng như chào theo kiểu Hitler dẫn đến việc vào năm 1944, Kubelík đã bị Gestapo truy nã khiến ông phải lẩn trốn ở các khu vực nông thôn. Khi hoà bình được lập lại, ngày 20/6/1945, tại Quảng trường Phố Cổ, Prague, cùng Czech Philharmonic, Kubelík đã chỉ huy Má vlast (Tổ quốc tôi) của Smetana, một tác phẩm luôn gắn liền với tên tuổi ông. Ông cũng ủng hộ việc quốc hữu hóa Czech Philharmonic và tích cực giới thiệu các nhà soạn nhạc Czech đương đại, điển hình là Vitezslava Kapralova. Năm 1946, ông là người khai mạc Liên hoan mùa xuân Prague lần đầu tiên, một lễ hội văn hóa và âm nhạc được thành lập kéo dài nhiều tuần với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế, diễn ra tại Prague. 

Sau cuộc Cách mạng tháng 2/1948, đánh dấu sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, ngày 17/7/1948, cùng gia đình, Kubelík đã rời Tiệp Khắc tới Anh nhân dịp một chuyến biểu diễn, định cư tại London. Năm 1953, vợ chồng ông bị chính quyền Tiệp Khắc kết tội vắng mặt vì “nghỉ phép bất hợp pháp”. Dưới sự tiến cử của Bruno Walter, người mà Kubelík đã từng cộng tác trước đó khi là trợ lý nhạc trưởng tại Liên hoan Salzburg vào năm 1937, Kubelík đã chỉ huy Don Giovanni (Wolfgang Amadeus Mozart) tại liên hoan Edinburgh. Ông cũng trở thành nhạc trưởng đầu tiên sử dụng harpsichord làm phần đệm bass continuo trong khi những người tiền nhiệm luôn dùng piano. Buổi biểu diễn đã thành công rực rỡ, gây được sự chú ý của giới mộ điệu. Walter Legge đã mời Kubelík cộng tác cùng dàn nhạc của mình Philharmonia Orchestra và Kubelík đã được các nhạc công tại đây đánh giá một trong những nhạc trưởng trẻ tuổi triển vọng nhất, bên cạnh Herbert von Karajan. Kubelík bắt đầu thực hiện một số bản thu âm cho EMI.

Tài chính Praha đúc nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Rafael Kubelik. Nguồn: mince-cnb.cz

Năm 1949, Adrian Boult già yếu, lúc này đang là nhạc trưởng của BBC Symphony Orchestra rất ấn tượng với tài năng của Kubelík. Boult đã đề nghị dàn nhạc lựa chọn Kubelík là giám đốc âm nhạc tiếp theo bởi “Tôi không muốn nhường vị trí này cho ai khác ngoài Kubelík”. Trước đó vào năm 1946, Kubelík đã lần đầu hợp tác với BBC Symphony Orchestra trong giao hưởng số 7 của Dvořák khi mà tác phẩm dự kiến ban đầu Sinfonietta (Janáček) không được chấp nhận vì dàn nhạc không đủ ngân sách để thuê thêm các nhạc công kèn đồng. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, Chicago Symphony Orchestra thất bại trong nỗ lực mời Wilhelm Furtwängler làm giám đốc âm nhạc vì vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những nghệ sĩ như Vladimir Horowitz, Arthur Rubinstein hay Jascha Heifetz đã quay sang thuyết phục Kubelík, người đã ra mắt dàn nhạc lần đầu vào ngày 17/11/1949. Cuối cùng, vì vợ ông thích tới Mỹ hơn nên Kubelík đã lựa chọn Chicago là điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp của mình. Ông là giám đốc âm nhạc của Chicago Symphony Orchestra trong ba mùa diễn, cho đến năm 1953. 

Tuy nhiên, đây không được coi là giai đoạn thành công trong sự nghiệp của ông. Bất chấp việc được khen ngợi trong các tác phẩm của Smetana, Dvorák hay Janáček, Kubelík vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía những nhạc công và giới phê bình. Những nỗ lực ban đầu của ông trong việc muốn thay thế 22 thành viên của dàn nhạc, trong đó có cả việc mời một số nhạc công da đen đã bị ngáng trở ngay lập tức. Sự khắt khe trong các buổi dàn dựng cũng gây ra sự khó chịu cho dàn nhạc. Cùng với đó là “những cuộc tấn công dã man” của Claudia Cassidy, nhà phê bình âm nhạc cho tờ Chicago Tribune, tập trung vào việc Kubelík cho biểu diễn quá nhiều các tác phẩm âm nhạc đương đại, khoảng gần 70, của những nhà soạn nhạc như Lukas Foss, Roy Harris, William Schuman và Aaron Copland. Ông đã phải nhường lại vị trí của mình cho Fritz Reiner sau đêm diễn vào ngày 24/4/1953 trong phiên bản hoà nhạc vở opera Parsifal (Wagner), thứ âm nhạc mà Kubelík đã trở lại sau khi từng từ chối trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, sau đó ông vẫn nhiều lần cộng tác cùng Chicago Symphony Orchestra dưới cương vị khách mời.

Kết duyên với dàn nhạc Đài phát thanh Bavaria

Sau khi rời Chicago, Kubelík thực hiện một chuyến lưu diễn Mỹ cùng Concertgebouw Orchestra. Năm 1954, trở về London, Kubelík ngay lập tức ghi dấu ấn của mình bằng buổi biểu diễn Káťa Kabanová (Janáček) tại Sadler’s Wells. Sự thành công của vở opera là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc ông trở thành nhạc trưởng thường trực của Royal Opera, Covent Garden vào năm 1955. Ngay lập tức, Kubelík tuyên bố tuyên ngôn âm nhạc của mình, ông ủng hộ việc hát opera bằng ngôn tiếng Anh: “Mọi thứ mà nhà soạn nhạc viết ra phải được khán giả hiểu; và điều đó là không thể nếu vở opera được hát bằng ngôn ngữ họ không quen”. Điều này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều cái tên danh tiếng tại Anh, trong đó có Thomas Beecham. Beecham cho biết điều này là không thể vì nước Anh không có quá nhiều ngôi sao opera và cách duy nhất để có được sản phẩm hàng đầu là mời các ca sĩ từ châu Âu lục địa. 

“Chưa có một buổi hoà nhạc nào trong đời mà ở đó tôi có thể nói rằng mọi thứ đều phù hợp với hy vọng của tôi, dẫu tôi đã trình diễn hàng nghìn buổi”!

(Kubelík)

Năm 1961, Kubelík được Dàn nhạc đài phát thanh Bavaria mà ông cộng tác lần đầu tiên vào ngày 12/2/1960, sau khoảng 20 năm từ chối biểu diễn tại Đức, mời làm nhạc trưởng chính của dàn nhạc, thay thế cho Eugen Jochum. Ông đã nắm giữ cương vị năm trong 18 năm và trở thành nhạc trưởng tại vị lâu nhất tại đây. Đây được coi là giai đoạn huy hoàng trong toàn bộ sự nghiệp của Kubelík. Ông đã giới thiệu tại đây một danh mục biểu diễn vô cùng đa dạng, trải dài từ Giovanni Pierluigi da Palestrina cho đến âm nhạc thế kỷ 20. Dưới sự chỉ huy của ông, Dàn nhạc đài phát thanh Bavaria đã vươn lên thành một dàn nhạc “vận hành trơn tru, tự tin về mặt kỹ thuật với âm thanh tuyệt vời” như Frankfurter Allgemeine Zeitung đánh giá. Với âm nhạc Czech bện chặt trong tâm hồn, Kubelík đóng góp vào kịch mục biểu diễn âm nhạc của Smetana, Dvořák và Janáček. 

Cùng Kubelík, Dàn nhạc Đài phát thanh Bavaria là dàn nhạc đầu tiên của Đức thu âm trọn bộ các bản giao hưởng của Gustav Mahler. Chúng được đánh giá rất cao. Daniel Barenboim đã nhận xét: “Tôi thường nghĩ rằng mình đã bỏ lỡ điều gì đó ở Mahler cho đến khi tôi lắng nghe Kubelík. Còn rất nhiều điều cần được khám phá trong những tác phẩm này chứ không chỉ là một dạng phổ quát của sự phấn khích hướng ngoại. Đó là những gì Kubelík đã thể hiện”. Cùng với đó, các ca khúc nghệ thuật của Mahler cũng được ông biểu diễn và thu âm nhiều lần cùng Dietrich Fischer-Dieskau. Kubelík chỉ huy Dàn nhạc Đài phát thanh Bavaria tại liên hoan Lucern từ năm 1965 và gắn bó lâu dài tại đây kể từ đó. 

Năm 1961, Kubelík đảm trách vị trí giám đốc âm nhạc tại Dàn nhạc Đài phát thanh Bavaria (BRSO) ở Munich và chỉ chia tay vào năm 1979. Nguồn: classicfm.com

Là một người có tính cách mạnh mẽ, không ngại ngần bày tỏ quan điểm của mình, Kubelík kiên quyết phản đối luật phát thanh truyền hình Bavaria mới chuẩn bị được thông qua vào năm 1972, trao cho nhà nước nhiều quyền hơn đối với các cơ quan phát thanh truyền hình dịch vụ công. Kubelík đã đe dọa sẽ không gia hạn hợp đồng, vì ông không thể đồng ý làm việc với dàn nhạc trong hoàn cảnh như vậy. Sự phản đối của ông đã thành công: luật được sửa lại và Kubelík tiếp tục đảm nhiệm cương vị của mình tại Dàn nhạc Đài phát thanh Bavaria. Florian Sonnleitner, concertmaster của dàn nhạc cho biết Kubelík đã tạo ra một điều thú vị cùng dàn nhạc. Trước mỗi buổi biểu diễn, khi ông bước ra sân khấu, đứng lên bục chỉ huy, cúi chào khán giả và quay lại với dàn nhạc, khán giả vẫn không ngừng vỗ tay. Điều này khiến ông lại phải cúi chào khán giả một lần nữa. Một hành động cho thấy khán giả của dàn nhạc yêu mến người nhạc trưởng tài ba của mình đến nhường nào. Mô hình của một dàn nhạc thuộc đài phát thanh tỏ ra vô cùng phù hợp với Kubelík, người luôn yêu cầu các nhạc công của mình tập luyện một cách kỹ càng, điều ông rất khó thực hiện trước đây ở Chicago hay London. 

Hói đầu, với những sợi tóc lòa xòa ở hai mái, Kubelík là một nhạc trưởng sôi nổi trên bục chỉ huy, được miêu tả một cách khéo léo là “bàn tay nhung trong chiếc găng tay nhung”. Ông được tôn vinh như một bậc thầy về màu sắc phong phú của dàn nhạc, được thể hiện một cách sống động nhất trong các tác phẩm cuối thời kỳ Lãng mạn. Kubelík cũng nổi tiếng về sự khó tính của mình, ông dường như chưa bao giờ thoả mãn: “Chưa có một buổi hoà nhạc nào trong đời mà ở đó tôi có thể nói rằng mọi thứ đều phù hợp với hy vọng của tôi, dẫu tôi đã trình diễn hàng nghìn buổi”! 

Trong thời kỳ đầu, Kubelík gắn bó với hãng thu âm cho EMI nhưng sau đó ông chủ yếu hợp tác với Deutsche Grammophon. Các đĩa nhạc của ông như Má vlast (cùng Boston Symphony Orchestra) hay trọn bộ các bản giao hưởng của Dvořák (cùng Berlin Philharmonic) đều được coi là huyền thoại. Kubelík cũng là nhạc trưởng quen thuộc của nhiều dàn nhạc nổi tiếng khác như New York Philharmonic, Vienna Philharmonic, London Symphony Orchestra hay Cleveland Orchestra. Ông cũng sáng tác một số tác phẩm, trong đó có năm vở opera, ba bản giao hưởng và một số bản nhạc khác, chủ yếu tập trung vào âm nhạc tôn giáo. 

Sau khi người vợ đầu tiên qua đời vào năm 1961 vì tai nạn giao thông, năm 1963, Kubelík kết hôn với giọng soprano người Australia Elsie Morison. Họ gặp nhau lần đầu vào tháng 5/1955 khi Kubelík lựa chọn bà cho vai chính Mařenka trong Prodaná nevěsta (Cô dâu bị đánh tráo) của Smetana. Bà cũng chính là soprano trong bản thu âm giao hưởng số 4 của Mahler được Kubelík thực hiện cùng Bavarian Radio Symphony Orchestra. Sau khi kết hôn, Morison đã từ giã sự nghiệp của mình để tập trung cho gia đình. Họ sống với nhau tại Kastanienbaum, bên hồ Lucern. Kubelík nhập quốc tịch Thụy Sĩ vào năm 1973. 

Trở về quê hương

Là một trong những người Czech hoạt động âm nhạc nổi tiếng nhất tại nước ngoài, Kubelík cho biết ông nhận được rất nhiều lời mời quay trở về quê hương từ phía chính quyền nhưng ông đều từ chối: “Họ đã mời tôi trở lại nhiều lần – vào năm 1956 và năm 1966 – với những lời hứa được tự do làm bất cứ điều gì tôi muốn. Nhưng miễn là hệ thống của một chính phủ chuyên chế có ở bất cứ đâu, tôi từ chối đặt chân lên mảnh đất đó”. Ông cũng giải thích cho sự ra đi của mình: “Một con chim không hót trong lồng. Tôi rời quê hương không phải những người dân của mình. Tinh thần không nên bị chính trị trói buộc”.

Năm 1969, Czech Philharmonic có chuyến biểu diễn tại liên hoan Lucern. Kubelík đã dành tặng huy chương cho tất cả thành viên của dàn nhạc nhưng chúng đã bị thu lại sau khi họ trở về nước. Năm 1972, Göran Gentele thay thế Rudolf Bing làm tổng giám đốc của Metropolitan Opera. Trong nhiều năm trước đó, kể từ khi Erich Leinsdorf giã từ cương vị của mình vào năm năm 1962, Metropolitan Opera không có nhạc trưởng chính. Là người từng cộng tác với Kubelík trước đó, Gentele đã mời ông làm giám đốc âm nhạc cho nhà hát, bắt đầu từ mùa diễn 1973-1974. Bất chấp việc Otto Klemperer đã khuyên ông từ chối, Kubelík bắt đầu công việc mới của mình vào ngày 22/10/1973 và vẫn là trong Les Troyens quen thuộc. Tuy nhiên, với việc Gentele qua đời trước đó vào tháng 7/1972 trong một tai nạn giao thông đã làm gián đoạn sự liên kết về nghệ thuật cũng như việc Kubelík bị chỉ trích do ông dành thời gian quá nhiều ở châu Âu khi vẫn đảm đương công việc tại Bavarian Radio Symphony Orchestra, Kubelík chỉ gắn bó với Metropolitan Opera trong sáu tháng. Ông chia tay nhà hát vào ngày 6/4/1974 trong Götterdämmerung (Wagner). Người thay thế ông tại đây là James Levine. 

Kubelík tiếp tục gắn bó với Dàn nhạc Đài phát thanh Bavaria trên cương vị giám đốc âm nhạc cho đến năm 1979. Tuy nhiên, với việc người kế nhiệm ông, Kirill Kondrashin đột ngột qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 7/3/1981, Kubelík vẫn là nhạc trưởng chủ yếu của dàn nhạc trong những năm sau đó, cho đến khi Colin Davis chính thức được bổ nhiệm vào năm 1983. Trong giai đoạn này,  Kubelík có xu hướng dịch chuyển về âm nhạc cổ điển Vienna với sự hứng thú dành cho các bản giao hưởng của Joseph Haydn và Mozart mà trong đó ông mang tới một nguồn năng lượng dồi dào đáng kinh ngạc. Năm 1985, sức khỏe của ông dần suy yếu, đặc biệt là căn bệnh viêm khớp nặng ở lưng đã khiến Kubelík phải giã từ công việc nhạc trưởng của mình, tập trung vào sáng tác. 

Kubelík lần đầu tiên trở về Czech vào tháng 5/1990. Kubelík đã biểu diễn và thu âm Má vlast, giao hưởng số 38 “Prague” và giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới” của Dvořák tại liên hoan mùa xuân Prague mà ông chính là người sáng lập. Trong quá trình tập luyện “Từ thế giới mới”, ông đã nói với Czech Philharmonic: “Đây là niềm vui của tôi khi nghe điều này. Tôi luôn luôn muốn có được nó với âm thanh như vậy nhưng chưa bao giờ được tìm thấy ở bất cứ dàn nhạc nào trên khắp thế giới”. 

Ngày 9/6/1990, một buổi hòa nhạc hoành tráng được Kubelík chỉ huy tại Quảng trường Phố Cổ với nhạc công đến từ các dàn nhạc Czech Philharmonic, Slovak Philharmonic và Moravian Philharmonic. Ngày 18/10/1991, cùng với Georg Solti và Barenboim, Kubelík đã chia sẻ vai trò nhạc trưởng của Chicago Symphony Orchestra trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập dàn nhạc với một chương trình đúng như buổi biểu diễn đầu tiên vào ngày 16/10/1891. Kubelík đã chỉ huy overture Husitská (Dvořák) khép lại đêm nhạc đáng nhớ này. Đó cũng lần cuối cùng khán giả nhìn thấy Kubelík trên cương vị nhạc trưởng. Ông qua đời ở tuổi 82 vào ngày 11/8/1996 tại Kastanienbaum. Kubelík được chôn cất tại nghĩa trang Vyšehrad, Prague, bên cạnh người cha của mình.

Cùng với những cái tên Karajan, Solti hay Leonard Bernstein, Kubelík là một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất trưởng thành từ sau Thế chiến thứ hai. Ghi được những dấu ấn đậm nét, Kubelík vẫn sẽ luôn được ngưỡng mộ, không chỉ vì tài năng âm nhạc xuất chúng mà còn bởi cá tính mạnh mẽ, sự dũng cảm bày tỏ quan điểm và lòng yêu nước nhiệt thành của mình.□

Nguồn:

https://www.independent.co.uk/news/people/obituaries-rafael-Kubelík-1309492.html

http://vagne.free.fr/Kubelík/biography.htm

https://www.nytimes.com/1996/08/12/arts/rafael-Kubelík-dies-at-82-championed-czech-music.html

Bài đăng Tia Sáng số 1/2024

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)