Kỳ thích phim Việt: Mùa bội thu đầu vụ
Gần đây, liên tiếp trên các mặt báo là thông tin về nhiều phim Việt đoạt được giải thưởng ở các LHP quốc tế lớn nhỏ khác nhau. Đôi khi, công chúng không khỏi tự hỏi điều gì đã làm nên những kỳ tích ấy, bởi nền điện ảnh nước nhà vẫn còn đang mãi lao đao với các vấn nạn cơ bản; vốn được phơi bày thực trạng đến mức báo động trên các phương tiện truyền thông khắp cả nước, thông qua sự giải trình của những người làm nghề lẫn phân tích của những nhà phê bình điện ảnh, cùng báo giới.
Cảnh trong phim: Hạt mưa rơi bao lâu |
Nếu Hollywood sẵn sàng quay tốn kém nguyên vật liệu theo tỷ lệ 100 lấy 1 (hoặc hơn thế nữa, cho đến lúc những người làm phim thấy ưng ý), thì ở Việt Nam con số đó là không tưởng; khi tỷ lệ cho phép chỉ có thể là 3 lấy 1, hay thậm chí là 1 lấy 1 trong một giai đoạn “nước rút” nào đó. Vượt qua nỗi đoạn trường của những cảnh phim cháy nổ (vốn vẫn hay bị tình trạng “giả” đến mức sơ đẳng trong các phim có cùng đề tài), rồi những ngôi nhà phải phục dựng giữa “trường quay tự nhiên” của vùng gần cực Nam Trung bộ đầy khắc nghiệt- khô hạn nhất nước; đoàn phim cũng đã phải khá vun vén để tạo dựng nên những khung cảnh thuyết phục, đầy tính đặc trưng của vùng miền trong phim. Bộ phim khi công chiếu đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người xem, ở mọi giới. Nhất là với cảnh gần cuối phim, khi hình ảnh bàn thờ Thông Thiên (thờ chiếc dép râu của người công binh, đã hy sinh trong lúc gỡ đợt mìn cuối cùng), vốn trước đây nằm lọt thỏm đến trơ trọi giữa vùng gió cát khô cằn đầy mìn gài khắp xung quanh, thì nay đã được vây phủ bởi những luống rau xanh ngút ngàn của sự sống. Sự “mát mắt” của người xem phần nào đó cho thấy tính hiệu quả của người làm phim ở từng cảnh quay chăm chút này, trong khả năng có hạn về kinh phí (dù có sự tài trợ ít nhiều về kinh phí thực hiện của Đài truyền hình NHK- Nhật Bản). Bên cạnh đó, đây có lẽ cũng là một trong những phim Việt hiếm hoi xuất hiện nhiều cảnh ân ái táo bạo (cả về hình ảnh lẫn ý đồ đạo diễn), tất nhiên là theo đúng logic tâm lý nhân vật, nhằm phục vụ cho câu chuyện phim, mà không hề bị cắt duyệt như trước giờ ở các phim Việt khác! Với cách kể chuyện chân phương và sống động này, bộ phim đã nhận được giải Phim hay nhất (Best film) trong cuộc thi “Giải thưởng tài năng mới Châu Á” (The Asian new talent prize) ở LHP quốc tế Thượng Hải lần 9, kỳ vừa rồi. “Bộ phim vẽ lên một cách sinh động những vết thương hậu chiến ở Việt Nam. Nó đi thẳng vào cuộc sống trần trụi thường nhật của người dân, với đầy những áp lực nặng nề và băn khoăn lo lắng. Chủ đề độc đáo này có được một sức lay động tối đa, thông qua những ngôn ngữ điện ảnh đầy sức mạnh của đạo diễn”- Trích bình luận của Ban giám khảo về phim, đăng tải trong bản thông cáo báo chí. Điều đó minh chứng rõ nét Việt Nam còn quá nhiều đề tài chưa khai thác được hết một cách triệt để khi đưa vào phim; không như sự than vãn bấy lâu nay của nhiều người làm phim ở nước nhà, về việc thiếu vắng những câu chuyện hay và sức hấp dẫn rộng lớn. Vấn đề là người làm nghề phải thực sự năng động, tìm hiểu tới kiệt cùng chủ đề mà mình theo đuổi; cũng như sự mẫn cảm nghề nghiệp cùng những kỹ năng nhất định. Bao quát và quán xuyến tốt công việc của mình, ắt hẳn người làm phim sẽ nhận được sự chia sẻ thật sự từ công chúng trong nước lẫn ngoài nước; theo quan hệ đối lưu của qui luật cung cầu.
Cảnh trong phim: Sống trong sợ hãi |
Cùng chung với khuynh hướng và cách thức làm phim kiểu này, trước đây một vài năm đã có các phim Việt khác như Hạt mưa rơi bao lâu, Mùa len trâu, Thời xa vắng… đều thành công vang dội ở các LHP quốc tế mà phim gửi tham dự. Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, các phim này đều do các đạo diễn Việt kiều dàn dựng, với nhiều nhân sự là người nước ngoài- trong thành phần đòan làm phim- giữ vai trò trọng yếu. Bản thân các đạo diễn này cũng mang vào phim mình rất nhiều những cách nhìn lạ, cùng nhiều công nghệ làm phim kiểu mới của quốc tế; thông qua sự học hỏi có bài bản ở trường lớp điện ảnh nước sở tại mà họ giữ quốc tịch, và sinh sống bấy lâu nay. Có điều kiện tiếp cận với các quan niệm sống đương đại của thế giới bên ngoài, cùng sự hấp thu có chọn lọc những cách tân về ngôn ngữ nghề nghiệp; các đạo diễn Việt kiều háo hức ứng dụng vào việc làm nghề của mình ở nước nhà, với mong muốn được đóng góp cả công sức lẫn trí tuệ cho công cuộc chấn hưng nền điện ảnh quê hương bản quán. Và bước đầu họ đã gặt hái được những thành công đáng kể.
Với Thời xa vắng (được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu), đạo diễn Hồ Quang Minh đã khắc họa chân xác bức chân dung của làng quê Việt phía Bắc, ở một thời chưa xa. Cái thời mà vì hoàn cảnh chiến tranh, nhân vật Giang Minh Sài đã phải sống vì định hướng chung của cộng đồng làng xã; để rồi suốt một đời khắc khoải tồn tại như một cái bóng trong lặng thầm, khi nhận ra mình đã không dám sống cho chính đam mê của mình. Nỗi đau nhói lòng của nhân vật đã được người làm phim tái hiện đầy “máu thịt” trong không khí tranh tối tranh sáng có chủ định của hình ảnh phim. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi về học thuật trong giới làm phim ở Việt Nam một dạo, xoay quanh việc nhà quay phim Trần Hùng đã “dìm sáng” trong hầu hết các cảnh phim. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là hiệu ứng không khí về bối cảnh lịch sử của phim khá hoàn hảo; nó tạo nên một ấn tượng mạnh cho cả những người trẻ “sinh sau đẻ muộn”, khi lần đầu tiếp giáp với không gian câu chuyện phim. Giải Kim Tước (dành cho Nhạc phim hay nhất) ở LHP quốc tế Thượng Hải của Thời xa vắng là sự thẩm định chính xác nhất, mà công chúng quốc tế dành tặng cho những người làm phim.
Với Mùa len trâu (được chuyển thể từ 2 truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam), đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã hiện thực hóa bằng hình ảnh phim cuộc tồn sinh khắc nghiệt đến hoang sơ man dại của những người dân phương Nam, ở đầu thế kỷ trước. Đặc biệt, nhiều phân đoạn phim có sự xuất hiện của bầy trâu càn lướt trong mênh mông đồng nước, ken chật cả màn ảnh gợi nên một khung cảnh hồng hoang nguyên thủy đầy đậm chất bản năng của người và thú- khi cùng chung sống trong một môi trường ngập tràn hiểm họa thiên tai, và cả những ẩn họa trong lòng người. Có thể nói, ngay cả những người dân miền Tây Nam bộ ngày nay cũng không làm sao hình dung ra, rằng đó đã từng là thực trạng nghiệt ngã của vùng đồng bằng tưởng chừng rất bình yên, của một thời. Những con người, rồi những con thú ấy, tất thảy đều đã sống đến kiệt cùng số phận. Sự bấp bênh của đời sống ấy còn được thể hiện rõ nét hơn, qua hình ảnh mùa nước ngập lụt và dòng chảy vẩn đục xác thú dưới làn nước lúc dữ dội không cần che đậy, lúc lại lờ đờ đầy vẻ mỏi mê mệt. Điều thú vị là những hình ảnh dưới đáy sâu này được thực hiện bởi một tay máy phụ- vốn xuất thân là thợ lặn, chuyên nghề quay phim dưới nước, phục vụ việc bảo trì đáy các tàu bè. Bộ phim đã giành được giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Chicago (Mỹ), LHP Cape Town (Nam Phi), rồi tiếp tục giành được giải thưởng quan trọng nhất tại LHP Palm Springs (California- Mỹ) là giải FIPRESCI dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Giải thưởng này do một Ban giám khảo đặc biệt, gồm những nhà phê bình phim quốc tế quyết định; với các ứng cử viên là những bộ phim chính thức được ứng cử giải Oscar dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Hạt mưa rơi bao lâu (của đồng đạo diễn Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa) góp thêm một giọng kể thuần tính Việt nữa, khi lần lượt phơi lộ có chọn lọc miền quê Bắc bộ, qua việc “khai quật” văn hóa bản địa xưa. Từ các nghi lễ cúng tế Thần Hoàng trong làng xã, hình ảnh nắn nót về các viên cơm lam vo tròn, hay sự chơi vơi của chiếc thuyền độc mộc trên mạn ngược; rồi phong cảnh lạ lẫm đến kỳ vĩ của những danh thắng như hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, chùa Dâu ở Bắc Ninh, đình làng ở Nam Định… càng chứng tỏ những người làm phim đã kỳ công khu biệt vẻ đẹp hồn Việt xưa, bằng một mỹ cảm đầy phong cách chuyên biệt của người làm nghề. Song song đó, câu chuyện phim còn được xây dựng với nhiều tình tiết phức hợp và “chồng lớp” liên tục, cách kể hoán đảo trình tự thời gian đầy “ma mị” đến mê hoặc tâm trí người xem. Đây cũng là dạng phim có cấu trúc rất lạ, ít thấy hiện diện trong các phim Việt. Chưa kể là, với cách lồng ghép cả một đoạn kịch bản hình vào phân cảnh phim, không gian phim trở nên hư thực và huyền ảo. Sự nhập nhòa thật giả của câu chuyện phim như đồng hiện cùng thân phận bi thương của nhân vật nữ chính Lý An, cũng là thân phận chung của những người phụ nữ Việt xưa, cùng thời. Phim đã đoạt được nhiều giải thưởng quan trọng khi tham dự các LHP quốc tế, như giải Đặc biệt của ban giám khảo LHP quốc tế Rotterdam (Hà Lan), giải Phim đầu tay hay nhất LHP quốc tế Kerela (Ấn Độ), giải Phim hay nhất khối ASEAN LHP quốc tế Bangkok (Thái Lan), giải Đạo diễn Hình ảnh xuất sắc nhất LHP quốc tế Palmas (Tây Ban Nha).
Việc nhiều phim Việt lần đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người” đã đoạt được nhiều giải thưởng danh giá, làm nức lòng công chúng Việt trong nước lẫn bên ngoài là một tín hiệu đáng mừng. Nó cho thấy sự khả quan nhất định trong đường hướng làm phim của điện ảnh nước nhà, khi bước đầu hội nhập với “sàn diễn” khu vực và quốc tế.